Lớp học của những mảnh đời lầm lỡ

Thứ Hai, 07/12/2015, 19:00
Những học sinh trong lớp học đặc biệt này không phải là những đứa trẻ. Có người tuổi ngoài đôi mươi nhưng cũng có người đầu đã hai thứ tóc. Nhiều học sinh vẫn thường đùa nhau rằng, nếu không nghiện ma túy, không bị bắt về Trung tâm Lao động, Xã hội số 2 Ba Vì (Hà Nội) thì có lẽ đời họ sẽ không bao giờ biết đến cái chữ. Với những con người ấy thì nơi này không chỉ giúp họ cai nghiện mà còn cho họ cả kiến thức để tự tin hơn khi tái hòa nhập cộng đồng.

Những học sinh đặc biệt

Thấy có người lạ, những học sinh một thời "yêng hùng" này vẫn không giấu được sự bẽn lẽn. Trên nhiều khuôn mặt, dấu ấn của ma túy vẫn còn in hằn rõ rệt với đôi mắt trũng sâu và đôi môi thâm lại.

Hầu hết những học sinh học tại lớp "xóa mù" trước đó ngoài xã hội tôi chưa từng một lần được cắp sách tới trường nên không hề biết mặt chữ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng hầu hết trong số họ đều có cuộc sống khó khăn từ bé nên không thể đi học như những người bình thường. Học sinh Nguyễn Thị Liên, 55 tuổi, Đầm Trấu (Hà Nội)  - người cao tuổi nhất trong lớp chia sẻ: "Gia đình tôi có tất cả 8 anh chị em. Hồi đó ăn còn chả đủ thì nói gì đến chuyện đi học. Đúng là nếu không bị vào đây thì cả đời tôi cũng không bao giờ biết chữ".

Chồng đột ngột qua đời, quá đau đớn trước mất mát lớn lao, chị Liên đã buông xuôi cuộc đời mình. Ban đầu chị rượu chè, cờ bạc, sau đó thì bén gót với nàng tiên nâu. Đây cũng là lần thứ 3 chị Liên bước chân vào Trung tâm Lao động, xã hội số 2. Thương mẹ nên hai người con của chị Liên vẫn thường xuyên lên thăm nom và động viên mẹ cố gắng cai nghiện để làm lại cuộc đời. Ngồi chung bàn với chị Liên là Phan Thị Tuyết Kha, 22 tuổi, quê ở Bạc Liêu.

Một buổi học của lớp xóa mù.

Hỏi lý do vì sao mà Kha trôi dạt ra tận ngoài này thì Kha bảo: "Em không được may mắn như những đứa trẻ khác, bố em mất sớm, mẹ đi lấy chồng mới. Từ bé em ở với bà ngoại. Bà già yếu nên không làm gì ra tiền để cho em đi học. Hai bà cháu chỉ rau cháo qua ngày thôi. Sau này đến tuổi lớn, em thấy chán trường nên đua đòi bạn bè chơi bời rồi theo chúng nó ra Hà Nội và dính vào ma túy".

Cũng giống như Kha, Bùi Thị Hoa, 24 tuổi, quê Nam Định cũng có hoàn cảnh tương tự. Bố mẹ mất sớm, từ bé Hoa ở với bà ngoại. Hai bà cháu làm đủ thứ nghề để kiếm sống: nhặt rác, quét dọn nhà thuê, thậm chí có những lúc hai bà cháu Hoa đã phải đi ăn xin để sống qua ngày. "Số em bất hạnh lắm nên không được đi học đâu" - Hoa tâm sự. Những ngày đầu phải đi học lớp "xóa mù" hầu như ngày nào Hoa cũng khóc.

Hoa kể: "Hồi đó cứ vào lớp là em van xin cô giáo đừng bắt em học. Thà cho em đi cuốc đất, trồng rau hay làm bất cứ việc gì nặng cũng được miễn là không phải học. Em chưa từng thấy việc nào khó như việc này". 

Cô giáo Phạm Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm của Hoa nhớ lại: "Hồi đó vào lớp cô bé này không khóc thì ngồi trân trân nhìn lên trần nhà chứ nhất định không chịu học. Đến cầm bút Hoa cũng không cầm nổi. Bây giờ thì khá hơn nhiều rồi, mặc dù chưa đọc được nhưng Hoa đã biết nhìn lên trên bảng chép chữ".

Hạnh phúc khi nhìn thấy các học sinh của mình biết đọc.

Một trong những học sinh tiến bộ nhanh nhất trong lớp học phải kể đến chị Nghiêm Thị Phương, 36 tuổi (Thanh Hóa). Các bạn trong lớp vẫn thường trêu Phương là vì có động lực nên học chữ cũng nhanh hơn người khác.

Hỏi thì chị cười ngại ngùng: "Chả giấu gì cán bộ, em đang có người yêu ở Trung tâm giáo dục, xã hội số 4, ở ngay cạnh đây thôi này nhưng không gặp được. Vì muốn thể hiện tình cảm với anh ấy em quyết tâm học chữ để viết thư. Trước, em toàn phải nhờ một em cùng phòng viết hộ. Nhưng mà tình cảm của mình cứ đọc ông ổng cho người khác nghe cũng xấu hổ lắm".

Đến nay thì chị Phương đã có thể tự mình viết thư cho người yêu và cũng có thể tự mình đọc những dòng tâm sự mà người yêu gửi gắm. Trước kia còn ngoài xã hội, chị Phương đã từng sống rất buông thả, vô trách nhiệm với chính bản thân mình và với các con của mình.

Chị tâm sự: "Chồng em làm nghề lái xe nên đâu đâu cũng là nhà của nó. Nó cặp bồ hết với con này lại đến con khác. Em khuyên thế nào nó cũng không nghe. Sau đó nó còn chơi ma túy, em uất quá mới tuyên bố: Mày chơi được tao cũng chơi được. Thế là em bập vào ma túy, con cái gửi vào cho ông bà trẻ trong Nam nuôi. Bao nhiêu năm em chơi bời rồi, lần này cũng là lần thứ 5 em ghi tên ở Trung tâm này rồi. Giờ em biết thêm cái chữ lại có người yêu thương, động viên mình nên em thực sự rất muốn làm lại cuộc đời".

Tấm lòng của người đứng lớp

Có chứng kiến lớp học đặc biệt ấy, với những học sinh "cá biệt" mới thấu hiểu được nỗi vất vả của các thầy cô nơi đây. Nếu không có lòng kiên trì, một sự quyết tâm cao độ và tình thương đối với những mảnh đời bất hạnh thì có lẽ khó ai có thể trụ được.

Cô giáo Phạm Thị Nhung chia sẻ: "Học sinh của mình không phải là những đứa trẻ để có thể cầm tay nắn từng nét chữ. Họ đều là những người lớn tuổi, cuộc sống quá thăng trầm nên việc học chữ dường như là quá sức. Có người vào trung tâm này tới 4, 5 lần. Lần nào cũng tham gia học lớp "xóa mù" nhưng 4 năm vẫn học lớp 1, không thể nào lên được lớp 2, lớp 3. Có người cầm bút cũng không nổi, chỉ hướng dẫn họ cầm bút thôi cũng đã mất cả tuần, thậm chí cả tháng trời mới thạo".

Với nhiều người khi đã phải vào đây, phải sống trong môi trường tập thể mà bị bắt đi học lớp "xóa mù" họ cảm thấy rất xấu hổ. Rất có thể, nếu không bị ép đi học chữ thì những người xung quanh sẽ không biết đến cái sự thất học của họ. Thế nên đã có rất nhiều học sinh phản ứng lại chuyện đi học bằng cách phá phách bàn ghế, đến lớp chỉ nhìn lên trần nhà, "gõ trống khua chiêng"…

Nếu không có tình thương và tính kiên nhẫn, cô Nhung đã không thể trụ được với nghề.

Có những học sinh chỉ cần nghĩ đến học là khóc. Cô giáo Nhung kể, có một học sinh quê gốc Hà Nội đã nói với cô rằng: "Cô xuống bếp lấy cái dao bổ đôi đầu em ra rồi nhét chữ vào đấy. Việc đó có khi còn dễ hơn là việc cô bắt em học thế này. Xin cô tha cho em, đừng đày đọa em nữa". Cô Nhung cười kể rằng, với trường hợp học sinh cá biệt ấy, cô đã phải dạy họ đến 3 năm họ mới "vẽ" được tên của mình. Mà mỗi lần "vẽ" là mỗi lần ra một hình khác nhau.

Những giáo viên ở đây đều hiểu rằng, việc dạy những con người lầm lỗi này "xóa mù" là một việc không hề đơn giản. Một phần vì họ đã lớn tuổi, tâm trí không dành cho việc học. Một phần khác, tất cả những học sinh này đều có thâm niên nghiện ma túy nên hệ thần kinh bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng cái quan trọng hơn cả là đôi khi chính bản thân những con người lầm lỗi này cũng không tin vào khả năng "phục thiện" của mình. Nhiều người lý sự, "học để làm gì, đằng nào quanh đi quẩn lại cũng chỉ là mấy cái chỗ này thôi. Hết ra thì lại vào".

Quá nửa đời người chị Thu mới biết viết những chữ đầu tiên.

Dạy chữ đã khó, nhưng dạy những học sinh cá biệt này cách nhìn cuộc sống tươi đẹp lên còn khó hơn rất nhiều lần. Để đảm bảo công việc dạy học nhiều thầy cô giáo đã phải chấp nhận ở luôn trong Trung tâm, cuối tuần mới về thăm gia đình một lần. Cô Nhung tâm sự: "Nhiều lúc nhớ con lắm nhưng vẫn phải cố dằn lòng, đành trăm sự nhờ ông xã. May mắn ông xã mình cũng là giáo viên nên hiểu và thông cảm được cho vợ".

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Trung tâm Lao động, Xã hội số 2 Ba Vì cho biết: "Đây là lớp học đặc biệt, dành cho những người không có cơ hội đến trường biết nhận mặt chữ, biết đọc và biết viết. Mục đích của lớp học này là giúp những con người lầm lỡ tự tin hơn khi tái hòa nhập với cộng đồng. Những giáo viên ở đây đều là những người rất tâm huyết mới có thể "đánh vật" với những học sinh đặc biệt này".
Phong Anh
.
.
.