Lớp học đặc biệt cho trẻ tự kỷ của cô giáo 9x

Thứ Tư, 17/04/2019, 17:26
28 tuổi, khi nhiều người còn đang loay hoay định hướng lối đi cho cuộc đời thì Đỗ Thị Nhị, hiệu trưởng của một ngôi trường đặc biệt đã có một con đường vững chắc của riêng mình. Bởi lẽ, con đường này đã được cô chọn lựa kể từ khi là một đứa trẻ, từ biết yêu thương, chia sẻ với những đứa trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ và sống lánh xa xã hội.


Tuổi thơ đầy nước mắt

Nhìn cơ ngơi của cô giáo Đỗ Thị Nhị, một trường mầm non chuyên biệt với cái tên Bình Minh, tại xã Đồng Nguyên (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), ai cũng nghĩ rằng Nhị cũng là con em của một gia đình khá giả. Mấy ai biết, tuổi thơ của cô giáo với dáng người gầy gò, nhỏ nhắn ấy là cả một quãng thời gian đầy gian khó, thiếu thốn.

Sớm mồ côi mẹ từ khi mới ngấp nghé 3 tuổi, sau khi mẹ mất, bố cô sớm đi bước nữa nên kí ức về gia đình của cô giống như bị xóa mờ sau những tháng ngày đi làm con nuôi quanh xã. Đến 5 tuổi, Nhị mới trở về sống với bố và cũng từ ngày đó, cô có kí ức về tuổi thơ.

“Tôi nhớ như in, ngày nhỏ tôi không hề có nổi một đôi tất. Cho đến lớp 6 mới có một đôi tất màu trắng xanh, thứ mà tôi ao ước từ lâu. Còn trong bao năm, tôi sống bằng những manh quần tấm áo thừa mà hàng xóm láng giềng gửi cho. Đó là tấm áo để mặc vào những ngày Tết…”, Nhị bùi ngùi chia sẻ.

Để có tiền đi học, Nhị đã phải làm đủ mọi việc mà một đứa trẻ có thể làm, từ chăn trâu, cắt cỏ cho đến đánh giấy nhám thuê tại làng nghề Đồng Kỵ. Cùng với sự giúp đỡ của những người dân quê chất phác, con đường học hành của cô may mắn không bị gián đoạn một ngày nào. Suốt những năm đi học phổ thông, Nhị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Đỗ Thị Nhị nhận giải xuất sắc trong “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”.

Thiếu thốn tình thương từ gia đình nhưng lại nhận được sự thương yêu từ người khác, điều đó cũng làm lên một cô gái nghị lực, biết yêu thương người khác, nhất là với những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi. Nhị nói rằng, trong những lúc chơi đùa ngày bé, nhìn những đứa trẻ khuyết tật bị tách biệt ra khỏi nhóm bạn, cô thấy thương vô cùng. Cũng vì thế mà cô luôn tiếp cận, giúp đỡ những người bạn như vậy có thể hòa đồng hơn với những đứa trẻ khác.

Cũng từ cấp 3, Nhị đã xác định được hướng đi cho mình, đó là trở thành một cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Bước chân đầu tiên của cô trên con đường đó là ngày mà Nhị đăng kí thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội – chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

Nhị kể: “Năm 2009, tôi đăng kí vào khoa này, nhiều người nhất là các thầy cô ở trường gặng hỏi mãi. Khoa này là khoa gì? Tại sao lại chọn khoa này? Có theo được không, gian nan lắm đấy? Còn bố tôi thì ủng hộ nhưng cũng lo cho con khổ bởi con đường bụi lau mình đi chắc chắn sẽ gian nan”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người đã có lời mời cô giáo trẻ này ở lại Hà Nội để dạy học với mức lương khá cao vào thời điểm đó. Nhưng Nhị đã từ chối để trở về quê hương. Cô cũng kể rằng, từ khi còn học đại học, cô đã mở những lớp học miễn phí cho các em nhỏ ở quê nhà. 

Cùng với đó là hành trình đi thăm, hoạt động từ thiện tại các cơ sở dành cho trẻ khuyết tật, cảm nhận sự thiệt thòi của các em, sự vất vả, mệt mỏi của phụ huynh nên quyết tâm gắn bó cùng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt của Nhị càng thêm vững chắc.

Những đứa trẻ tự kỷ luôn cần một phương pháp đặc biệt để giáo dục.

Bình Minh của trẻ tự kỷ

Năm 2013, lớp học dành cho trẻ tự kỷ của Nhị bắt đầu những giờ học đầu tiên. Từ một căn phòng nhỏ và thuê người làm về hỗ trợ và đến năm 2016, trường mầm non chuyên biệt Bình Minh được thành lập, khang trang rộng rãi hơn. Đây có thể được coi là một bước đi khá liều lĩnh của Nhị bởi mọi thứ chỉ xuất phát từ tình yêu thương, muốn đáp ứng cho nhu cầu học tập của trẻ em khuyết tật, tự kỷ trong và ngoài tỉnh.

“Tôi đã phải làm thêm rất nhiều để tích cóp tiền cho dự án này. Từ ngày còn sinh viên, sau giờ học tôi đi dạy thêm ở các trường rất nhiều, mỗi ngày 3-4 ca nên mỗi tháng cũng có mười mấy triệu là bình thường. Cứ đến tối về nhà là lại nằm ngủ mê man, các bạn còn gọi tôi là “trâu” bởi mình làm việc nhiều quá”, Nhị cười và nói.

Thời điểm trường mới mở, gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí, trang thiết bị cho đến những giáo viên hỗ trợ. Nhưng trước sự chân thành của Nhị, các vị phụ huynh, những người làm thiện nguyện đã cùng chung tay giúp đỡ để trường Bình Minh trở thành một nơi mà trẻ tự kỷ có thể theo học.

Nói về thực trạng của trẻ tự kỷ, Nhị cho rằng, hiện tại ở Việt Nam vẫn còn ít lớp học. Các phụ huynh phải đi rất xa để tìm dịch vụ giáo dục đặc biệt, mong muốn con mình được can thiệp sớm nhất. Nhưng cũng không ít phụ huynh không thừa nhận con mình bị tự kỷ, họ cho rằng những đứa trẻ chỉ mắc bệnh, chậm nói hoặc chậm phát triển.

“Trẻ tự kỷ là một dạng khuyết tật, cần phải có những biện pháp can thiệp đặc biệt, sớm nhất để đứa trẻ có thể phát triển. Nhưng nhiều người thiếu kiến thức, nuông chiều con nên đầu tiên là phải cải thiện nhận thức của phụ huynh. Có những phụ huynh ở nhà thấy con ăn không được là xay nhỏ hoặc có người đến đây chia sẻ, 8 năm con mình chỉ ăn cơm với xì dầu nhưng vẫn chấp nhận như thế.

Tại trường Bình Minh, thay vì quá phụ thuộc vào các cô, chúng tôi lại nhấn mạnh vai trò của bố mẹ trong việc nuôi nấng, hướng dẫn các con bị tự kỷ ra sao. Chính bố mẹ mới là tác nhân quan trọng giúp cho các bé. Tại trường cũng thường xuyên mở các lớp kĩ năng để hướng dẫn cho các phụ huynh chăm sóc trẻ tự kỷ”, Nhị chia sẻ.

Nói là vậy nhưng hầu hết các em nhỏ đến trường Bình Minh vào những ngày đầu đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các cô là chính. Có nhiều đêm các cô giáo của trường không thể ngủ bởi có những em học sinh mới không chịu ngủ, quấy khóc cả đêm. Việc các cô bị học sinh đánh, cắn cũng thường xuyên xảy ra khi có những em nhỏ không kiểm soát được cảm xúc những ngày đầu đi học.

Chia sẻ về một trường hợp đặc biệt của lớp, cô giáo Nhị kể: “Có một em nhỏ chúng tôi tiếp nhận từ khi 8 tuổi, đến bây giờ đã được 2 năm. Những ngày đầu bạn ấy có nhiều hành vi đáp trả bố mẹ, ăn vạ. Khi hỏi ra, chúng tôi mới biết được bối cảnh gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến cậu bé. Mẹ cậu bé chỉ ở nhà nội trợ, hàng ngày khóa cửa bên trong, không tiếp xúc với xã hội do xấu hổ. Người mẹ gần như giấu biệt con mình, không cho ai biết. Họ chấp nhận như vậy đến hết đời”.

Cô hiệu trưởng trẻ và giờ nghỉ ngơi bên em học sinh đặc biệt của mình.

Sau khi được giới thiệu đến trường Bình Minh một cách tình cờ, bố mẹ cậu bé cũng chấp nhận rằng con của mình bị tự kỷ. Thời điểm ban đầu gặp cậu bé, Nhị cũng do dự khi tiếp nhận trường hợp này bởi đứa bé đã lớn, rất khỏe và sẵn sàng tấn công lại bố khi nhìn thấy. Nếu cậu bé đến trường sẽ phải có một thậm chí là hai cô giáo được cắt cử chăm nom cậu bé để không ảnh hưởng đến các em nhỏ khác.

“Ông bố chia sẻ là chấp nhận con bị thần kinh, chấp nhận con không nói nên chọn cách buông xuôi và phó mặc. Trong buổi nói chuyện đầu, người mẹ chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Nhìn ánh mắt chị ấy như một điều cầu cứu nên tôi đã nhận cậu bé vào trường”, Nhị nói.

Ngoài trường hợp đặc biệt trên, Nhị cho biết những đứa trẻ từ gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân khó khăn, gia đình hộ nghèo diện đặc biệt, công nhân lao động nghèo luôn được trường hỗ trợ từ 30-100% học phí và hàng năm luôn có 5-7 trẻ được tặng suất ăn trong 6 tháng.

Cũng nhờ tình yêu thương với trẻ tự kỷ, với ngôi trường chuyên biệt Bình Minh, trong “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2018, vượt qua khoảng 1.000 dự án, cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhị đã được xướng tên để nhận giải Xuất sắc cùng phần thưởng lên tới 100 triệu đồng. Đề án của Nhị là mô hình giáo dục khoa học công nghệ, được gọi với cái tên hết sức thương yêu là “Gieo mầm yêu thương để chắp cánh cho những ước mơ xanh”.  

Lê Khanh – chuyên khoa Tâm lý Lâm sàng trẻ em: “Là người đi nhiều nơi, thăm các cơ sở dạy dỗ cho trẻ đặc biệt, mỗi nơi có đặc thù riêng nhưng về tổ chức, năng lực thì tại trường mầm non chuyên biệt Bình Minh là trường tốt nhất tôi thấy. 

Đầu tiên là người phụ trách chuyên môn bởi cô Nhị có chuyên môn giỏi, tiếp đó là không gian rộng rãi, thoải mái, trang bị phù hợp cho việc dạy dỗ chăm sóc cho trẻ tự kỷ cùng đội ngũ nhân viên rất nhiệt tình. Điểm tốt cuối cùng chính là sự hỗ trợ tích cực của địa phương với ngôi trường.

Nhưng quan trọng nhất là quan điểm của người dạy, trong lĩnh vực này nếu người dạy coi thường vai trò của phụ huynh, nghĩ đưa con đến trường là được rồi, về nhà không cần làm gì cả là không đúng trong lĩnh vực này. Điều đó cũng đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, bởi họ muốn đưa con đến trường “trăm sự” nhờ thầy cô là xong. 

Nhưng điều đó chỉ đúng với trẻ bình thường, bởi thầy cô khi đó chỉ dạy trẻ kiến thức. Còn với trẻ tự kỷ, không chỉ là kiến thức mà còn là cách sống, tương tác, vai trò của phụ huynh cực kỳ quan trọng, nếu thiếu cái mảng đó thì sự phát triển của đứa trẻ không được bao nhiêu.

Hiền Phương
.
.
.