Lớp học tình thương đặc biệt của các chú bộ đội biên phòng

Thứ Sáu, 24/02/2017, 07:32
Lớp học tình thương của các chú bộ đội biên phòng" (tại trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7) với nhưng học sinh khá là đặc biệt khiến các thầy giáo mang quân hàm xanh bỏ không ít công sức.


Buổi học đầu tiên sau Tết Đinh Dậu vừa qua, "Lớp học tình thương của các chú bộ đội biên phòng" (tại trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7) không khí trong lớp ồn ào và có phần hơi mất trật tự. Một số em gần như không chịu ngồi yên tại chỗ mà nháo nhào đứng lên ngồi xuống…; trong khi đó thầy giáo đang cố gắng viết bảng và cho các em làm bài toán, đọc viết… 

Thấy sự ngạc nhiên của tôi, người thầy mang quân hàm xanh cười bảo chúng quen rồi, cứ mỗi lần có khách lạ là chúng mượn cớ chọc ghẹo nhau, chứ khi chỉ có thầy và trò thì chúng lại khá nghiêm túc và chăm chỉ học hành…

Phải dạy dỗ,  uốn nắn dần dần

Quả thật, chứng kiến hình ảnh thầy Vũ Trường Tính (Thiếu tá, cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Nghé) cặm cụi ghi từng hàng chữ trên bảng đen nhưng bên dưới, nhiều em học sinh (trong tổng số hơn 20 học sinh có mặt hôm đó) liên tục gây ồn ào, đi qua đi lại mà chưa ngồi vào chỗ ổn định mới thấy sự nhẫn nại và hết lòng của người thầy giáo quân hàm xanh dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này.

Nhưng điều lạ là các bài tính toán mà thầy giáo viết trên bảng gồm nhiều phép tính cộng trừ nhân chia, nhưng các em vẫn tranh nhau xung phong lên bảng giải toán. Để góp phần tạo sự sôi nổi, lần lượt ba em học sinh đã được thầy Tính gọi lên bảng và các em đều viết câu trả lời chính xác cho các phép tính…

Đến phần đọc viết, các em cũng đọc đúng và dõng dạc khi thầy Tính chỉ từng chữ để đọc trên bảng. Mỗi lần thấy các em thiếu tập trung, thầy Tính lại mang bánh kẹo xuống phát cho mỗi em một ít. Vừa học vừa có quà nên em nào cũng rất hứng khởi, vui vẻ. Theo thầy Tính thì do mới vừa hết Tết, cơ quan còn một số bánh kẹo, nên đã mang tới phát cho các em trong buổi học đầu năm mới.

Lớp học đặc biệt của bộ đội biên phòng ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, 
TP Hồ Chí Minh .

Buổi học hôm đó kết thúc sớm hơn thường ngày một chút bởi đó là buổi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán vừa qua. Khi lớp học chỉ còn lại khoảng bốn em học sinh vẫn cố nán lại viết hết bài một cách nắn nót, thầy Tính mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi.Vừa chỉ bốn em học sinh ở lại chưa về, thầy Tính vừa cho biết đó là các em ngoan ngoãn và chăm học nhất lớp. Buổi học nào các em cũng nán lại để học thêm và hỏi thầy những điều chưa hiểu hết...

Theo tìm hiểu, khu phố 5, phường Tân Thuận Đông là khu phố khá phức tạp vì phần lớn người dân là lao động nhập cư tạm trú từ các tỉnh về và cả những hộ vốn là người dân ở đây nhưng đã bị giải tỏa.

Do không có hộ khẩu và hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ các em chủ yếu làm công nhân, bán vé số hoặc buôn bán nhỏ lẻ nên hầu hết các em đều chưa biết chữ. Hàng ngày các em phụ ba mẹ bán cá, bán cơm, hàng hóa. Lúc rảnh thì đi chơi, một số em khác thì bán vé số, lượm ve chai, lượm banh thuê ở các sân tennis.

Cũng có gia đình cha mẹ làm công nhân thì các em rong chơi suốt ngày… Chưa kể, nhiều gia đình cứ ở được vài tháng rồi chuyển đi nên việc học của các em không thể liên tục…

Đây chính là lý do để lớp học tình thương này được lập ra. Thiếu tá Vũ Trường Tính cho biết sau khi tìm hiểu và biết thực tế trên, các đoàn viên của Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Nghé đã phối hợp với các bạn đoàn viên của phường Tân Thuận Đông cùng lên ý tưởng thành lập ra lớp học tình thương này.

Bình thường lớp học luôn có trên dưới 20 học sinh, nhưng lúc nhiều cũng lên tới gần 30 học sinh. Tập viết, bàn ghế, sách vở cho các em được Bộ đội biên phòng cấp cho, còn lớp học chính là trụ sở ban điều hành khu phố 5.

"Anh em chiến sĩ chúng tôi rất trăn trở về việc làm sao để giúp các em được học chữ. Sau khi được sự đồng ý của cấp trên, chúng tôi phối hợp với phường Tân Thuận Đông đứng ra tổ chức một lớp học dạy riêng cho các em. Đúng vào ngày thành lập Đoàn 26-3-2012, lớp học chính thức ra đời", Thiếu tá Vũ Trường Tính chia sẻ.

Thầy cô đứng lớp là các cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Nghé thay phiên nhau dạy, nhưng cho đến nay, thầy giáo dạy chính vẫn là Thiếu tá Vũ Trường Tính; tiếp đến là đoàn viên thanh niên của phường và sinh viên ở một số trường đại học, cao đẳng.

Những môn học chủ yếu là tập viết, tập đọc, làm toán, ngoài ra còn có một giáo viên mầm non tới hỗ trợ dạy hát và vẽ cho các em (vào dịp hè, một số sinh viên tình nguyện còn đến dạy thêm môn Anh văn và vi tính cơ bản).

Trong quá trình giảng dạy, dù các thầy giáo mang quân hàm xanh rất muốn tổ chức dạy theo từng khối lớp để thuận tiện cho việc tiếp thu kiến thức của các em, nhưng vì điều kiện không cho phép nên lớp học chỉ được phân thành hai khu riêng biệt:

Khu vực học trong hội trường khu phố dành cho các em lớp 1, 2, 3 và khu vực học ngoài hành lang dành cho các em lớp 4, 5 để thuận tiện giảng dạy. Bên cạnh việc dạy chữ theo sách giáo khoa, các thầy cô còn dạy các em không nói tục chửi thề, ăn nói lễ phép, cư xử đúng mực với bạn bè và người lớn.

Giờ học rất sôi nổi.

"Con thích được đi học lớp này lắm"!

Trước khi buổi học hôm đó diễn ra, do là buổi học đầu tiên sau Tết nên ngoài một số em được thông báo đã đến lớp thì cũng có nhiều em chưa tới nên thầy Tính đã phải chạy xe tới tận nhà gọi các em tới lớp.

"Ngoài những em có thể quên hoặc đang bận gì đó ở nhà thì ngay gần cạnh trụ sở ban điều hành khu phố 5 có sân bóng tennis, nên có một số em làm việc lượm banh thuê tại đây từ lúc 16h đến 20h và được trả công 50 ngàn đồng. Bình thường lớp học các buổi chiều tối thứ ba - năm - bảy, nhưng hôm nay có nhà báo xuống và cũng muốn tập hợp các em sớm nên mới bắt đầu buổi học vào tối thứ hai (13-2). Khi tôi ra kêu, chúng nài nỉ bảo thầy cho em lượm hết giờ chứ bỏ ngang tụi em mất 50 ngàn. Nghe vậy tôi đành phải cho chúng lượm thôi chứ biết sao giờ. May mắn là ngoài những em này thì những em khác đều ra lớp học", thầy Tính giãi bày.

Tranh thủ lúc thầy Tính đi tới nhà kêu các em đi học, chúng tôi đã hỏi thăm các em tới lớp sớm. Em Mỹ Thị Bé Duyên năm nay lên 6 tuổi và chỉ mới học ở lớp này khoảng thời gian trước Tết. 

Theo bé Duyên, em là con út trong nhà, cha mẹ đều làm công nhân ở cảng Bến Nghé. Trước đó bé cũng không được đi học mẫu giáo. Khi biết có lớp học tình thương này, cha mẹ đã đưa bé đến nhờ thầy Tính dạy học. "Con thích được đi học lớp này lắm. Vừa vui vừa biết viết và đọc chữ nữa", bé Duyên vui vẻ nói.

Lớp học được tổ chức tại trụ sở khu phố 5.

Góp chuyện với bạn, bé Nguyễn Thị Kiều Phương (10 tuổi, chỉ mới vào "lớp 1") cũng nói thêm: "Con không nhớ mình học được bao lâu rồi, nhưng con đang học lớp 1 và con cũng thích đi học lắm". Theo lời bé Phương thì cha bé làm công nhân, mẹ bé đi bán vé số, hoàn cảnh khó khăn (Phương là con út trong ba anh em trong nhà) nên lâu nay bé không được đi học, lên 10 tuổi bé vẫn chưa biết đọc, biết viết…

Trong khi bạn bè nói chuyện thì em Nguyễn Văn Hải (9 tuổi) liên tục chọc ghẹo các bạn. Theo các bạn thì Hải có biệt danh "Chó con" (tên do ba mẹ gọi thân mật ở nhà), cha mẹ làm thợ hồ, gia cảnh nghèo khó nhưng Hải có tới 9 anh em, và hầu hết đều không được học hành. Dù khá ngỗ nghịch nhưng khi đề nghị ngồi chụp hình, Hải lại cười rất tươi bảo để chải lại tóc rồi mới chụp…

Hớt hải chạy tới lớp vì tưởng đã trễ, em Võ Thị Mỹ Tâm là một trong những học sinh lớn tuổi nhất lớp. Năm nay 16 tuổi, hiện em đang là nhân viên làm vệ sinh cho một công ty (ba Tâm chạy xe ôm, mẹ làm công nhân). Ban ngày em đi làm, buổi tối tuần 3 bữa em đến lớp học này. "Em đang học chương trình lớp 5 của lớp. Sáng nay thầy Tính vào kêu mới biết hôm nay học, thầy hết lòng với tụi em lắm. Nhưng em tính chỉ học hết lớp 5 là nghỉ để đi làm, em chỉ học chủ yếu để biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia".

Ngoài những em học sinh này, còn nhiều em khác cũng có hoàn cảnh tương tự như em Trần Nhật Tính đã lên 10 tuổi nhưng cũng mới bắt đầu đi học chưa lâu; em Nguyễn Tấn Thái 12 tuổi đang học chương trình lớp 3; em Lương Minh Di, 10 tuổi đang học chương trình lớp 1… Riêng em Di bị tật ở chân nên đi lại hơi khó khăn dù đang học chương trình lớp 1 nhưng em có thể làm được cả toán lớp 2, lớp 3…

Tính từ khi được thành lập đến nay đã gần sáu năm, lớp học tình thương này vẫn được duy trì đều đặn. Hầu hết các em sống ở khu vực ven cảng Bến Nghé nếu không theo học ở các trường chính quy đều tìm đến lớp học xóa mù chữ của những người lính Biên phòng nơi đây. Và điều đáng mừng là lớp học này đã giúp hàng chục em không có điều kiện đến trường biết đọc, biết viết, làm toán…

Trong quá trình giảng dạy ở lớp, nhiều trường hợp học sinh đã khiến thầy Tính xúc động không thể nào quên được. Đó là bé Nguyễn Văn Sang đã học ở lớp được hai năm nhưng sau đó phải đột ngột bỏ ngang. 

"Trước đó bé theo mẹ từ quê lên đây đi bán hàng, khi biết có lớp học này bé được mẹ cho vào đây học. Bé rất thông minh và ham học. Nhưng khi vừa học được 2 năm, tương đương lớp 3, do tình cảnh ba mẹ phải chuyển đi nơi khác, ngày chuyển đi, bé đã chạy đến gặp thầy vừa khóc vừa bảo con rất muốn được học tiếp nhưng do hoàn cảnh ba mẹ nên phải đi theo… Thật sự cho đến giờ tôi vẫn không thể quên được cậu học trò đó", thầy Tính xúc động kể lại.

Không chỉ dạy học, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn tích cực vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm cùng gây quỹ đễ hỗ trợ quần áo, sách vở, bánh kẹo cho các cháu trong lớp học tình thương nhân dịp đầu năm học mới và Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Những việc làm thiết thực nói trên của những người lính biên phòng đã góp phần tô đậm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Phú Lữ
.
.
.