Luật thông thoáng càng cần nâng cao trách nhiệm cán bộ

Thứ Sáu, 19/06/2020, 17:13
Ngày 17-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đó, Luật quy định cụ thể 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, gồm:


Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp.

Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư.

Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này.

Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.

Công trình xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này.

Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được đánh giá là giảm nhiêu khê cấp phép. Vì vậy công việc cấp phép xây dựng sẽ nhàn hơn bởi nhiều công trình trước đây phải cấp phép nhưng thời gian tới không cần cấp phép nữa.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là việc mở rộng các trường hợp cấp phép xây dựng, miễn phép nhiều đối tượng hơn, nếu cấp địa phương không phối hợp, buông lỏng quản lý thì việc xử lý sẽ rất chậm chạp, không hiệu quả, nhất là tại các đô thị lớn.

Thực tế thời gian qua tại Hà Nội, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không chỉ xảy ra tại các quận, mà lan ra ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn. Có nhiều vụ sai phạm xảy ra ngay tại các quận trung tâm thành phố như công trình 8B Lê Trực, mương Phan Kế Bính dù diễn ra từ nhiều năm nhưng việc xử lý sai phạm rất chậm. Thậm chí Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu xử lý dứt điểm nhưng việc giải quyết vẫn ì ạch.

Việc sai phạm tại các công trình xây dựng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế rất lớn khi kinh phí cho việc phá dỡ lên tới hàng chục tỷ đồng như tại công trình 8B Lê Trực, mà điều nguy hiểm hơn là còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, thông thoáng nhưng phải trong khuôn khổ, thanh kiểm tra chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng để tránh tình trạng xây dựng bừa bãi, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan. Muốn như vậy thì vai trò quản lý của chính quyền cơ sở là rất quan trọng.

Vì vậy, cùng với sự thông thoáng về luật pháp, rất cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Đồng thời cũng phải xử lý nghiêm những người tiếp tay cho sai phạm.

Công Lý
.
.
.