"Lục lạc vàng" - Để những “đời quê” bớt mong manh

Thứ Ba, 22/11/2011, 14:54

"Lục lạc vàng" đã mang đến cho những người nông dân nghèo một niềm vui là được nhận một cặp trâu (16 triệu) cùng số tiền 1.200.000 đồng để làm chuồng trại nuôi trâu giúp họ có công ăn việc làm, phần nào bớt đi sự khốn khó ban đầu. Nhiều gia đình đã nhờ đó mà đã có cơ hội cho con đi học trở lại, vợ chồng thêm sum vầy hạnh phúc.

Không ít lần, ngồi trước màn hình nhỏ theo dõi chương trình Lục lạc vàng, chứng kiến những cảnh đời nghèo khổ ở một vùng quê xa xôi trên mảnh đất Việt Nam, tôi đã rưng rưng xúc động. Tôi nhớ dáng mẹ, dáng chị của mình những năm khốn khó.

Trong chương trình, đồng hành với các clip hình ảnh của người nông dân bé nhỏ, gầy gò nhưng phấp phới niềm vui khi được nhận cặp bò mà chương trình trao tặng là giai điệu âm nhạc ngọt ngào, sâu lắng của nhạc sĩ Trần Tiến càng khiến nỗi xúc động như nhân lên gấp bội: "Lá lành đùm lá rách/ Người dân sao nỡ quay lưng/ Bát cơm chan đầy nước mắt/ Đời quê sao quá mong manh/ Lá lành đùm lá rách/ Thương ai mà thương chính mình/ Dẫu chung dàn khác giống/ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Bóng ai như bóng mẹ tôi xưa/ Chơi vơi mái nhà/ Giữa dòng lũ cuốn/ Bóng ai buông giữa đồng hoang vu/ Cửa nhà nát tan/ Ruộng vườn héo khô/ Ôi xóm làng Việt Nam/ Nước Nam tôi nước Việt Nam xưa/ Vua đi xuống đồng/ Thương đời nhà nông/ Lũ dâng hạn hán giặc xâm lăng/ Người dân giúp nhau/ Vượt qua bão giông/ ôi tấm lòng Việt Nam…".

Bài hát đó vang lên mỗi tối Chủ nhật hàng tuần, vào lúc 8h30 phút trên VTV1. Rất nhiều người đã bỏ qua những kênh giải trí khác để dõi theo từng câu chuyện cảm động về những người nông dân. Mỗi người một cảnh đời, một số phận nhưng họ giống nhau ở chỗ… quá nghèo. "Lục lạc vàng" đã mang đến cho họ một niềm vui là được nhận một cặp trâu (16 triệu) cùng số tiền 1.200.000 đồng để làm chuồng trại nuôi trâu giúp họ có công ăn việc làm, phần nào bớt đi sự khốn khó ban đầu. Nhiều gia đình đã nhờ đó mà đã có cơ hội cho con đi học trở lại, vợ chồng thêm sum vầy hạnh phúc.

Thương cảm những phận đời nghèo

Chúng tôi theo chân đoàn quay phim Lục lạc vàng về một miền quê nghèo ở tỉnh Thanh Hóa, tìm đến hộ của anh Lại Khắc Long và chị Thiều Thị Trân (Thôn Tiến Thắng, xã Yên Trung, Yên Định,  Thanh Hóa). Một miền quê nghèo hoang vu và dường như chẳng có gì ngoài cái nắng và cái gió. Căn nhà của anh chị thấp le te, tường xây chỉ có được cái mặt trước nhà, vôi tường thì tróc thành từng mảng cũ kỹ.

Gặp anh Lại Khắc Long, anh xưng tuổi mới 62 đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng, vì trông anh không khác gì ông già… 80 tuổi. Có lẽ sự lam lũ, bệnh tật tàn phá cơ thể đã khiến anh Long mau già như vậy. Cách đây 3 năm khi chưa bị bệnh, anh là trụ cột chính của gia đình. Kinh tế trong nhà cũng khá chứ không thua kém ai, dù anh chỉ đi làm ruộng, đi làm thợ xây và đánh hồ… nhưng cũng đủ nuôi cả gia đình và mua những vật dụng sinh hoạt cần thiết. Nhưng rồi căn bệnh tim phát mạnh kéo theo nhiều căn bệnh phụ khác khiến sức khỏe của anh suy giảm rất nhiều, rất nhanh, đồ đạc trong nhà cứ "đội nón" ra đi, nằm hết viện này đến viện nọ mà bệnh tình không chữa khỏi hẳn được. Từ đó anh nằm liệt ở nhà, chị Trân thay chồng gánh vai trò trụ  cột và lo tiền thuốc thang cho chồng mỗi tháng tới 400-500.000 đồng.

Trước đây anh chị có 4 đứa con, nhưng hai con đầu và con út đã lần lượt mất trong ba năm liên tục (những năm 1998- 2000) giờ chỉ còn lại em Ngọc (đang học lớp 5) là con duy nhất sống với anh chị. Cách đây hơn 1 tuần chị Trân đi làm về gặp trời mưa thì ngã xe đạp bị gãy bánh chè chân trái phải nằm trên bệnh viện huyện cách nhà mấy chục cây số.

Lễ trao giấy chứng nhận tặng trâu cho những hộ dân.

Khi nói chuyện với chúng tôi về chị hiện giờ, anh chua chát nói: "Khi tôi bị bệnh thì vợ ngày đêm lo cho, đau thì vợ xoa rồi nấu cháo cho ăn, giờ vợ bị tai nạn tôi lại đau yếu không giúp được gì…". Kể đến đây, hai hàng nước mắt của anh chảy xuống… Cũng trong lần này, gia đình anh lần này, được sự giới thiệu của cán bộ xã, Chương trình "Lục Lạc Vàng" đã trao tặng gia đình anh chị một cặp bò.

Từ ngày có vật nuôi, anh Long tự nhận như mình khỏe hơn nhiều, hàng ngày thường chống gậy ra chuồng cho bò ăn rồi ngắm và vuốt ve nóâ. Con bò là nguồn hi vọng về tinh thần và vật chất với gia đình anh hiện nay và cả trong tương lai nữa… Nó cũng sẽ là "nguồn vốn" trước mắt để giúp đứa con trai duy nhất còn lại của anh tiếp tục được đến trường cho bằng bạn bằng bè…

Câu chuyện của gia đình anh Vận ở ấp Vính Trung Tây, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre cũng éo le không kém… Gia đình nghèo, hai vợ chồng anh đi làm thuê làm mướn đủ mọi nơi nhưng không đủ tiền xây một căn nhà, cứ đến mùa mưa bão là cả gia đình bốn năm người núp trong căn nhà lá dừa rách nát mà run, không biết nó sập hay bị thổi bay lúc nào. Tội nhất là cô con gái út mới hơn 10 tuổiâ học giỏi có tiếng trong vùng. Nó sợ nhà bay mất thì ngồi học ở đâu? Sách vở cất ở đâu? Nhưng ở xã Vĩnh An này, chuyện làm việc gì để tích lũy mà xây được ngôi nhà gạch  là cả một niềm mơ ước ngoài tầm với. Anh đi coi vuông tôm thuê cho người ta, mỗi đêm được hai ba chục ngàn (vào thời điểm 2005), chỉ đủ cho bữa cơm của con thêm chút dinh dưỡng mỗi ngày.

MC Thanh Thảo giao lưu với một hộ dân được tặng trâu trên phim trường.

Rốt cục, bàn bạc mãi, qua người mai mối, anh quyết định cho vợ lên thành phố làm giúp việc cho nhà người ta để có tiền xây nhà. Sau ba năm dành dụm chị trở về với một món tiền đủ để mua gạch xây ngôi nhà ở mơ ước cho chồng con, một ngôi nhà nhỏ chừng 30m2 mà chị tin chắc sẽ vững chãi chống chọi lại với mỗi mùa mưa bão. Nhưng chỉ đủ tiền mua gạch. Sợ để tiền mất giá, anh chị quyết định mua gạch để đó, rồi chị  lại… đi. Đi, để kiếm tiền mua xi măng sắt thép. Đi một lần cuối rồi trở về với con gái. Nó đang bước vào tuổi thiếu nữ, cần mẹ hơn bao giờ hết. Nhưng đó lại là chuyến đi cuối cùng của chị.

Một tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của chị, chỉ sau mấy ngày trở lại chốn phố xá đông nghẹt xe cộ. Chồng con đón chị về trong một cỗ quan tài, với một khoản tiền của nhà chủ nơi chị ở giúp việc đủ để… ma chay cho chị…

Vậy là gạch ngói vẫn ngổn ngang cạnh hông nhà, mái lá vẫn quằn lên mỗi ngày mưa bão. Đó là một năm có nhiều bão lớn chưa từng thấy đối với đất Bến Tre. Và điều anh chị hằng lo lắng đã thực sự diễn ra, chỉ bốn tháng sau khi chị nằm xuống: bão số chín (2006) đã giật đổ cùng lúc 42 nóc nhà của xã Vĩnh An, trong đó có ngôi nhà ọp ẹp của anh Vận. Sau đó, Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng để sửa nhà. Anh vay thêm từ ngân hành chính sách 15 triệu nữa, rồi bà con góp thêm mỗi người một ít, cùng với số gạch mà vợ anh đã phải đổi cả mạng sống của mình…

Rốt cục anh và các con cũng đã có ngôi nhà tạm yên ổn. Một ngôi nhà không có cánh cửa. Những khuôn cửa ra vào, cửa sổ vẫn trơ hoác, hoặc được đóng tạm bằng mấy miếng ván mục, mấy mảnh   nhựa cũ… Lần này, khi chương trình “Lục lạc vàng” chọn gia đình anh để tặng bò, anh đã mừng vui khôn xiết, thế là trong một tương lai không xa, anh sẽ có vốn liếng để trả số nợ đã vay và có công ăn việc làm để phần nào đỡ đần cho cô con gái út đang học tại một trường cao đẳng…

Những câu chuyện trên đây chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện của những người nông dân đã được nhận bò của chương trình "Lục lạc vàng". Với mục tiêu tìm tới những người nông dân nghèo, đặc biệt là những hộ đang nuôi con đi học để trao tặng một cặp bò được mua từ số tiền quyên góp của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Không phải trao tiền mặt bởi vì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tiền có sẽ tiêu hết, nhưng cặp bò sẽ sinh sản, và giúp người nông dân nghèo trụ vững, bước tới.

Những cặp bò “hạnh phúc”

Tính đến nay, “Lục lạc vàng” đã trao tặng 288 con bò cho 144 hộ dân ở 24 xã thuộc 12 huyện của 12 tỉnh thành cả nước (Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Hải Phòng, Nam Định…) và đã phát sóng 20 số. Qua 6 tháng, nhiều gia đình được hỗ trợ đã có những thay đổi lớn trong đời sống. Đa số các cháu đang có nguy cơ nghỉ học đều đã trở lại trường. đặc biệt, có cháu đã thi đậu vào trường chuyên của tỉnh. Đó là cháu Thái Hùng Cường, vừa đậu chuyên Toán -Tin Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu - TX Sa Đéc - Đồng Tháp.

Khi gia đình nhận được cặp bò, cháu Cường đang học lớp 9 cuối cấp, em cháu học lớp 5. Gia đình cháu ở ấp Tân Lập, xã Tân Quy Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mẹ cháu bị bệnh tim và gai cột sống không có khả năng lao động, bố cháu ngoài làm ruộng phải làm thuê theo ngày cho một lò gạch. Cháu Cường có nguy cơ phải nghỉ học dù cháu được chọn thi học sinh giỏi Toán cấp Huyện. Thấy anh Lem nghèo quá, chính các cô chú trong ê kíp thực hiện chương trình đã quyên thêm tiền túi tặng gia đình anh, Công ty Lasta tặng thêm cháu Cường một chiếc laptop cài đầy đủ các chương trình và tư liệu học Toán. Anh Thái Văn Lem chỉ biết run run nói: Chương trình đã cho con tôi một cơ hội!

Qua 6 tháng được nông dân nuôi dưỡng, có 4 con bò đã sinh bê, 23 con đang mang thai. Đa số nông dân khi nhận được bò đều coi đó là tài sản lớn, được nhận thêm 1 triệu đồng để làm chuồng bò (và 250 ngàn đồng để thụ tinh cho bò), nhiều gia đình làm chuồng bò đẹp hơn cả căn nhà đang ở! Từ khi được nhận bò, anh Trần Đăng Khoa (Quảng Chính, Quảng Xương, Thanh Hóa) và anh Nguyễn Thanh Tuấn (Mỹ Thạnh Đông, Đức Huệ, Long An), không còn phải lưu lạc vào Nam làm thuê nữa…

Những câu chuyện đời sẽ còn đến với khán giả mỗi tối Chủ Nhật hàng tuần. Lục Lạc Vàng vẫn rung lên những hồi chuông của tình thương và sự sẻ chia.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người đã tham gia hầu hết những hành trình của "Lục lạc vàng", chia sẻ: "Cuộc đời tôi gắn với công việc biên kịch, tôi đã viết, đã biên tập hàng trăm tập phim điện ảnh, truyền hình, nhưng quả thật, có những cảnh đời éo le, khốn khó mà chương trình Lục lạc vàng tìm đến thì không có thước phim nào tả được.

Không ít những chuyến đi tôi và các bạn trong chương trình đã ra về mà túi tiền của mình… trống không, chỉ vì đơn giản, những người nông dân chúng tôi gặp quá nghèo, đối với họ, vài chục nghìn đã có thể mua thức ăn cho cả một tuần lễ. Có một anh quay phim của chương trình đã "bị" đoàn cho nghỉ ở nhà vì đi đến những miền quê, gặp người nghèo anh đều rút tiền trong ví cho đi bằng hết. Rõ ràng, tiền cho họ chỉ có thể giải quyết vài bữa cơm trước mắt, cái quan trọng là thông qua chương trình, ê kíp muốn mang đến một thông điệp, một sự giúp đỡ ban đầu bằng tiềm lực của chính người thụ hưởng: Nuôi bò để phát triển, cải thiện kinh tế gia đình”.

Hỗ trợ người nghèo để phát triển bền vững là mục tiêu tối thượng của chương trình Lục Lạc Vàng. Nhưng để có được hiệu ứng khán giả như ngày hôm nay, những người làm chương trình thường nhắc tới những nhà tài trợ sáng lập quỹ với niềm tri ân chân thành. Những thương hiệu như Tôn Đông Á, nước uống Colagen, hay Number One… đồng hành cùng chương trình ngay từ phút khởi động còn đầy gian nan. Bên cạnh đó là những nhà hảo tâm từng ngày, từng ngày vẫn hướng tới chương trình, hướng tới người nghèo với tấm lòng Bồ Tát.

Nhật Huy
.
.
.