Ly kỳ vụ tranh chấp trả thưởng tờ vé số trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng ở Kiên Giang

Thứ Sáu, 26/07/2013, 11:22

Xổ số luôn là một trò chơi hên xui may rủi khá hấp dẫn và phổ biến với mọi tầng lớp xã hội và mọi lứa tuổi trong vùng Tây Nam Bộ. Chỉ với vài ngàn đồng người mua đã có hi vọng đổi đời, tuy đây chỉ là một hi vọng vô cùng mong manh nhưng cũng khiến nhiều người lựa chọn phương pháp này để thay đổi số phận.

Chính vì giải thưởng đặc biệt lên đến cả tỷ đồng nên đã làm cho lòng tham con người nổi dậy và nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến cho tình nghĩa anh em bị sứt mẻ, tình làng nghĩa xóm bị chia lìa, thậm chí còn liên quan dính líu đến pháp luật. Gần đây tại Rạch Giá (Kiên Giang) cũng có một chuyện bi hài xoay quanh tấm vé trúng giải đặc biệt.

Câu chuyện đằng sau những tấm vé số trúng thưởng

Nếu ai đã vào miền Tây thì không thể không biết đến việc ngồi uống cà phê chỉ vài giờ đồng hồ nhưng có đến vài chục người bán vé số dạo mời chào. Có người vui tính còn nói với một người bạn ngoài Bắc của mình rằng: “Ngồi ở đây mà uống cà phê chỉ riêng việc từ chối mua vé số bằng hành động lắc đầu thôi cũng đã muốn gãy cổ rồi”. Ở miền Tây quả thật số lượng người đi bán vé số khá đông, có cả những đứa bé nhỏ xíu đến nói còn chưa sõi hoặc có những cụ ông cụ bà móm mém, chống gậy đều đi bán vé số. Theo một vài số liệu thống kê thì các công ty xổ số kiến thiết ở đây “làm ăn” khá phát đạt. Lượng người bán lớn nhưng lượng người mua cũng rất đông đảo vì trong họ luôn tồn tại niềm tin có thể mình là người may mắn sẽ là chủ nhân của 1,5 tỷ đồng kia. Điều này càng có ý nghĩa to lớn với những người lao động nghèo, vì vậy mà số tiền kia là điều mơ ước cả đời của họ.

Đại lý vé số Triều Phát.

Cũng chính vì số tiền thưởng lớn nên đã “con ác quỷ” của lòng tham, sân của mỗi con người. Vì vậy mà mỗi một tấm vé số luôn luôn tiềm ẩn những câu chuyện bi hài. Cách đây ba tháng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã xảy ra vụ kiện của hai người hàng xóm thân thiết vì tấm vé số độc đắc. Người hàng xóm đã cướp giật tấm vé số trị giá 1,5 tỷ đồng, mọi chuyện không được giải quyết ổn thỏa phải nhờ đến chính quyền giải quyết. Tuy tấm vé số đã về đúng chủ nhưng từ đây tình hàng xóm láng giềng thân thiết hai mươi mấy năm cũng tan theo mây khói, thậm chí là họ còn thù ghét nhau nữa.

Không chỉ làm sứt mẻ tình làng nghĩa xóm, những tờ vé số độc đắc kia còn làm nhiều mối quan hệ xã hội khác lung lay như quan hệ giữa khách hàng và người bán hàng như vụ ở Vĩnh Long, người trúng thưởng vì có một chút trục trặc đã nhờ đến luật sư, nhưng ông luật sư đó vì lòng tham mà có âm mưu chiếm đoạt tấm vé số giá trị đó, đến như một quan hệ thiêng liêng nhất như quan hệ thầy trò cũng vì tấm vé số đặc biệt mà bị rạn nứt như ở Hải Phòng, rồi quan hệ thân thiết giữa chú và cháu ruột như vụ ở quận 9, TP Hồ Chí Minh… Còn có thêm nhiều vụ khác có liên quan đến những tấm vé số trúng giải. Đây có lẽ là câu chuyện dài không có hồi kết.

Lại một vụ tranh chấp tấm vé số trúng giải ở Kiên Giang

Cũng như nhiều vụ trúng giải đặc biệt trước đây, vụ ở Kiên Giang cũng xảy ra tranh chấp khá căng thẳng giữa người mua – trúng giải và đại lý vé số. Bà Nguyễn Thị Tuyết là người bán vé số ở xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, Kiên Giang.

Theo lời chị Tuyết, vào ngày 21/7/2012, sau một ngày bán vé số, chị giữ lại một tấm vé số do không bán được hết. Tới chiều đem dò, tấm vé số đó khi đem so kết quả lại trúng giải đặc biệt trị giá 1,5 tỷ đồng. Vé trúng giả đặc biệt mang số 938368 ký hiệu AG-7K3, mở thưởng ngày 21/7 do Công ty Xổ số kiến thiết An Giang phát hành. Sau ngày mở thưởng một ngày, chị Tuyết cùng người thân đến đại lý vé số Triều Phát do ông Ngô Xương Phúc làm chủ để lãnh thưởng. Khi nhận tờ vé số, ông Phúc đã thông báo cho bà Tuyết biết rằng bà đã trúng giải đặc biệt trị giá 1,5 tỷ đồng và yêu cầu bà đưa CMTND để ông làm thủ tục lĩnh thưởng.

Ảnh minh họa.

Ông Phúc đã ghi mọi thông tin của bà Tuyết vào phía sau tờ vé số và nhờ ông Trần Thanh Phương (cậu bà Tuyết) ký tên cùng xác nhận. Tờ vé số được cho vào hộc tủ. Theo lời tường thuật của ông Phúc, khi chuẩn bị chi tiền, ông thấy có gì đó không ổn, nên liền mở hộc tủ lấy tờ vé số ra để xem xét lại một lần nữa. Có lẽ do phải chi một số tiền rất lớn như vậy nên một con người phóng khoáng nhất, thoải mái nhất cũng phải suy nghĩ, xem xét thật kỹ lưỡng. Như vẫn chưa tin vào chính mình nên ông đã nhờ đến một sự trợ giúp khác đó là ông Ngô Xuân Bình, cháu ruột của mình đến cùng kiểm tra lần nữa. Vừa cầm lên, kiểm tra bằng mắt thường, anh Bình cho rằng đây là tờ vé số đã được cắt dán lại. Do đó mà ông Phúc đã từ chối trả thưởng cho bà Tuyết.

Cho rằng tấm vé số trúng giả đặc biệt của mình đã bị ông Phúc tráo đổi, bà Tuyết đã gọi thêm người nhà lên để cùng “đối chất” với ông Phúc, giữa hai bên đã xảy ra cãi vã và có xô xát đến mức phải nhờ đến lực lượng 113 can thiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó bà Tuyết đã làm đơn kiện ông Phúc, vì cho rằng ông Phúc đã tráo đổi tấm vé số trúng thưởng để lấy đi 1,5 tỷ đồng của bà.

Thật giả được phơi bày

Đơn tố cáo, khiếu nại của bà Tuyết được Tòa án nhân dân Rạch Giá thụ lý điều tra. Để có cơ sở , bằng chứng rõ ràng, minh bạch và khoa học, Công an TP Rạch Giá tiến hành giám định, điều tra làm rõ. Sau khi thẩm định bằng các nghiệp vụ chuyên dụng, Công an TP Rạch Giá có kết luận đây là tấm vé số giả. Tấm vé số nguyên thủy mà bà Tuyết sở hữu có số 738362, do Công ty Xổ số kiến thiết An Giang phát hành ngày 21/7/2011 bị cắt dán thành số 938368 để trùng khớp với giải đặc biệt. Vé số 738362 này nằm trong tổng số 50 tờ có số cuối cùng 62 được đại lý Diễm Thúy mua của đại lý Bảy Hưng (TP Rạch Giá) và bán hết cho nhiều người bán vé số dạo ở Hà Tiên, trong đó có anh Được là con bà Tuyết. Cơ quan điều tra cũng xác định trong vụ này không có dấu hiệu của tội phạm hình sự nên không khởi tố vụ án.

Mặc dù đã có kết luận điều tra rất rõ ràng và khoa học để chứng minh tờ vé số của bà Tuyết là giả và cũng chứng minh được tờ vé số không bị ông Phúc đánh tráo như bà Tuyết nêu trong đơn kiện vì chữ ký đằng sau tấm vé số được xác định chính xác là của ông Phương (cậu bà Tuyết), nhưng có lẽ vì quá “tiếc” 1,5 tỷ đồng đã chút nữa rơi vào túi nên dường như chưa thế chấp nhận được sự thật đó, do vậy bà Tuyết vẫn cho rằng chủ đại lý vé số là ông Phúc đã đánh tráo tờ vé số nên kiện đòi ông Phúc phải trả thưởng 1,35 tỷ đồng sau khi trừ thuế.

Vì vậy mà chiều 26/6, TAND TP Rạch Giá (Kiên Giang) có một buổi hòa giải giữa bà Tuyết và ông Phúc trong vụ kiện tranh chấp tờ vé số trúng độc đắc nhưng bất thành. Không dừng lại ở đó, gia đình nguyên đơn Nguyễn Thị Tuyết đã tụ tập đông người trước cơ quan xét xử, lớn tiếng mất trật tự buộc Công an can thiệp. Bà Tuyết còn lớn tiếng khẳng định: "Tôi quyết kiện đến cùng vì tờ vé số trúng thưởng do con tôi bán không hết đã giữ lại. Chắc chắn đã bị đánh tráo”.

Trong thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ kiện tụng tranh chấp, gây mất trật tự nơi công cộng xảy ra xung quanh những những tấm vé số trúng giải đặc biệt. Phải chăng cần có một quy chế chặt chẽ hơn nữa đối với người mua và người bán trong trao và lĩnh thưởng để không xảy ra tình trạng lóa mắt vì đồng tiền gây ra những vụ tranh chấp bất chấp tình nghĩa anh em làng xóm, bất chấp luân thường đạo lý và làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Hoạt động xổ số được Nhà nước ta khuyến khích vì đó là hành động ích nước lợi nhà. Nhưng ý nghĩa nhân văn của việc bán và mua xổ số vẫn chưa được tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân hiểu và ý thức hơn, có như thế mới không còn những câu chuyện buồn xung quanh những tấm vé số trúng giải

Phấn Đấu
.
.
.