Madagui, con suối vàng của người Mạ

Thứ Sáu, 13/12/2013, 16:00
Những năm gần đây, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ đã góp phần nâng cao lợi ích con người nhưng cũng xảy ra lắm “nhân tai”. Từ việc lợi dụng khai thác trắng lòng hồ để phá rừng đến việc xả nước đập tràn. Người dân vùng cao chưa có kinh nghiệm sống chung với lũ nên không ít người bỏ mạng, thậm chí xóa sổ cả một thôn. Quốc hội đã lên tiếng nhưng rừng vẫn bị tàn phá, nước vẫn đổ về. Tuy nhiên, bên cạnh việc tàn sát lá phổi và cảnh quan thiên nhiên vẫn còn không ít cá nhân và tổ chức quyết giữ lại vẻ tươi nguyên của rừng. Khu du lịch sinh thái Madagui ở Lâm Đồng là một minh chứng điển hình.

Đường đến con suối vàng

Từ ngã ba Giầu Dây, quốc lộ 1 thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi xin đi nhờ xe con chạy theo quốc lộ 20 về Madagui. Tuyến đường dài 220km này đã và đang thi công với tốc độ “con rùa”. Hơn 5 năm qua, mặt đường bị cày xới để chuẩn bị nâng cấp, cộng thêm 16 ngàn lượt xe lưu thông trong 24 tiếng đồng hồ đã làm con đường thêm tồi tệ. Tuy đang là cuối mùa mưa nhưng bụi bay trắng trời, gập ghềnh hầm hố khiến cho tài xế và hành khách nhăn mặt.

Mỗi lần xe dừng lại cho khách “nạp nhiên liệu” gần như mỗi người đều dùng khăn tay quật tới tấp vào người mình rồi khịt khịt mũi, có người chửi đổng khi qua trạm thu phí. Mới đây khi đi qua trạm trên quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết và quốc lộ 51 đi Vũng Tàu thấy có bảng báo điện tử “10.000 xin mời qua” nhưng các trạm thu phí ở quốc lộ 20 tăng 50% có nghĩa là “15.000 xin mời qua” và đã bao năm nay vẫn nhiệt tình xin mời qua con đường đau khổ! Không biết đến bao giờ cung đường này mới được nâng cấp toàn tuyến.

Tháng trước báo địa phương đưa tin tháng 12/2013 chính phủ cấp vốn để tái khởi động quốc lộ 20, nhưng dân chúng vẫn không tin. Một người dân ven đường nói với chúng tôi “Hơi đâu tin mấy ông nhà nước, lúc thì hô hào con đường huyết mạch, con đường du lịch, vài tháng sau im re với lý do không có kinh phí. Tôi nghe chuyện làm đường này lúc vợ tôi có bầu đến bây giờ thằng cu nhà tôi học lớp 3 rồi vẫn như rứa.

Ai nói đường 20 có nhiều ổ gà là sai, mà chỉ toàn ổ voi và trâu nằm mới đúng. Lớp trẻ choi choi muốn thực tập đánh võng xin mời lên đây, không đánh võng đẹp không ăn tiền, vì phải lượn qua lượn lại để tránh hầm hố chứ! Thằng này đánh võng hơi bị siêu đấy! vì suy cho cùng đường thế mình phải thế chứ chẳng lẽ chạy xuống hục nước, ông thấy đúng không!”.

Tuy nhiên vẫn còn tín hiệu tích cực. Khi chúng tôi đi qua, nhiều đoạn đường đã làm xong một bên, có đoạn hoàn thành rộng như quốc lộ 1 bề dày bê tông nhựa nóng hơn 10cm. Đó là hình ảnh thực của con đường tương lai, nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn tất. Chúng tôi dừng xe ở đèo Chuối đoạn cây số 81, con đèo cao 135m so với mực nước biển này bắt đầu mang tiểu vùng khí hậu cao nguyên.

Cầu treo qua suối.

Gọi là đèo Chuối nhưng chỉ có vài chục cây chuối rừng khẳng khiu xơ xác đứng chơ vơ trên triền đồi. Tôi hỏi một người chăn bò được ông cho biết: “Đây là đèo Chuối, vì trước kia nguyên khu này toàn là chuối rừng, chúng là thủy tổ chuối nhà nhưng thân và búp ăn ngon hơn vừa giòn vừa ngọt lại vừa thơm. Ông nên ăn cho biết!”.

Chúng tôi chưa kịp trả lời, ông ta bước thoăn thoắt lên đồi chừng 5 phút sau mang xuống một thân chuối bằng bắp tay dài 20cm bảo chúng tôi ăn thử. Tôi tách vỏ dùng rựa cắt ra bỏ vào mồm nhai chiêm nghiệm lời nói của ông. Quả thực thân chuối rừng giòn thơm mát lạnh và có vị ngọt, chỉ sau vài phút cảm thấy người khoan khoái lạ thường.

Tôi không biết sự phấn khích đến bất ngờ này vì tâm lý về với rừng hay vì hợp chất của chuối. Ông chăn bò mắt mở thao láo theo dõi gương mặt chúng tôi dò hỏi “Ông thấy sao, dễ ăn không? Tui nói thiệt mà. Ngày trước đi rừng bị lạc, loại cây này có thể cứu mình cả tuần đấy. Chính vì có vị ngọt từ thân đến búp nên người ta đốn về bán hoặc cho cá ăn. Ông biết không! đây là món khoái khẩu của cá, không có loại thảo mộc nào có thể qua mặt chuối rừng và kết quả con đèo này tên chuối nhưng đâu còn chuối nữa.

Chưa hết, chuối rừng mọc chủ yếu do chim, chúng ăn trái chín rồi thải ra hột, hột rơi đúng chỗ ẩm ướt sẽ tự mọc lên, nên được gọi là chuối cô đơn. Chuyến đi này các ông được ăn thân chuối được nghe chuyện đèo chuối. Vậy ông có thuốc lá thơm cho một điếu vì công tui chặt chuối cho ông ăn”. Người đàn ông trung niên khoảng 40 tuổi ngửa mặt lên trời cười sằng sặc.

Cảm ơn ông chăn bò, chúng tôi tiếp tục chạy đến khu du lịch sinh thái rừng ở cây số 86 thuộc thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, cách TP. Hồ Chí Minh 152km và Đà Lạt 148km.

Khi thành phố là rừng

Trên thế giới khi các nhà quy hoạch có tầm nhìn đều thiết kế những thành phố xanh để tăng thêm vẻ đẹp hài hòa vừa lọc oxygen tái sinh. Thành phố Las Vegas ở Mỹ là điển hình, từ một vùng đất sa mạc chính quyền bang Nevade đã mua các gốc cây về trồng, vì thế Las Vegas trở thành cảnh quan rừng núi đã thu hút dân cư vùng miền là nơi đông dân thứ nhì sau New York. Ngay tại Đà Lạt chính quyền cũng đã quy hoạch rừng trong thành phố. Điều ấy có nghĩa là khi nền văn minh càng cao, con người càng gắn bó với cây xanh bóng mát, đời sống con người không thể dựa vào khô cằn sỏi đá.

 Tại khu du lịch sinh thái Madagui nằm ở mặt tiền quốc lộ 20 này, bên trong hệ thống nhà hàng, khách sạn và các khu cắm trại, vui chơi, giải trí kể cả khu thám hiểm đều nằm dưới tán rừng nguyên sinh. Rừng Madagui là phần đệm của công viên quốc gia Cát Tiên, một trong 6 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất trên thế giới. Thời cổ sử, đây là quê hương của người Mạ, một bộ tộc gốc Nam Tây Nguyên đã tồn tại hàng ngàn năm dưới bóng rừng già, dọc theo ven bờ sông suối.

Ngày xưa khi nền văn minh chưa phủ sóng đến buôn làng, tâm thức người Mạ dựa vào thần linh, dựa vào truyền thuyết như một sử thi. Truyền thuyết của người Tây Nguyên thường được phóng tác từ những cuộc tranh hùng giữa con người với thiên nhiên, quỹ dữ hoặc dã thú và bao giờ người của bộ tộc mình cũng thắng, đó là ý chí vươn lên từ khát vọng của thời kỳ hái lượm.

Địa danh Madagui xuất phát từ ngôn ngữ của dân tộc Mạ. Âm "Ma" có nghĩa là người Mạ, âm "Đạ" được phát âm chệch ra thành "Đa", có nghĩa là sông suối, âm "Gui" có nghĩa là điểm dừng. Như vậy "Madagui" có nghĩa là vùng đất sông suối mà người Mạ dừng lại để lập buôn làng. Nhưng cũng có người bảo âm "Gui" là tên của dòng sông hay dòng suối và giải thích rằng "Madagui" là sông của người Mạ.

Nhưng theo ông Võ Ngọc Chuyển, Tổng Giám đốc hiện nay của Công ty cổ phần Madagui Forest City cho biết, thuật ngữ Madagui được người Pháp phiên âm Latin hóa. Ma là chữ Mạ (người Mạ); Da là Đạ (dòng sông); Gui là Vàng (tiếng Anh là Gold; người Pháp viết phiên âm là Guôil). Madagui có nghĩa là “Dòng sông vàng của người Mạ”. 

Cô gái Mạ.

Trong quá trình du canh du cư của người Mạ, bao giờ già làng cũng là người đi tìm đất mới, vùng Madagui được chọn để cắm buôn làng nay còn tên lưu lại tại huyện Đạ Hoai không phải bình thường và các nhà doanh nghiệp chuyên về ngành công nghiệp không khói của Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn- Madagui là những người có tầm nhìn chiến lược. Với dự án 1200ha đất rừng dành cho khu sinh thái và độ cao tăng dần từ 150-500m lại được bao quanh bởi một hệ thống sông suối có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, các hang động liên hoàn cùng với thảm động- thực vật phong phú mà không phải nơi nào cũng có.

Tiếp chúng tôi tại phòng tiếp tân một sảnh đường lớn, ông Vũ Ngọc Chuyển Tổng Giám đốc khu du lịch là một người có tầm nhìn về cảnh quan, thu phục lòng người và lịch sự từ trong máu. Ông Chuyển gần 60 tuổi, trước đây là một nhà báo, nhà kinh doanh tiền tệ, ông được cổ đông tín nhiệm bầu chức danh điều hành tổng quát. Là lãnh đạo thứ 12 kể từ ngày thành lập, ông đã trụ lại 8 năm ở rừng già.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chuyển tiếp tục thổi hồn đất đá biến rừng núi Madagui một thời ngủ quên trở thành một nơi trung tâm giải trí nghĩ dưỡng. Đứng ngay trên tiền sảnh lộng gió đại ngàn nhìn toàn cảnh trong tầm mắt có thể nhận ra khu trung tâm ẩn hiện trong rừng, điều ấy đã minh chứng tài năng tập họp những cái đầu của ngành du lịch sinh thái. Được hỏi bắt đầu từ đâu ông tập trung được các nhà quy hoạch thiết kế và chiến lược kinh doanh dài hơi giữa chốn rừng hoang.

Ông Chuyển cho biết: “Làm nghề du lịch sinh thái rừng không phải là kinh doanh theo kiểu “mì ăn liền” mà phải bước đi thận trọng, đôi khi cả vài chục năm. Hướng đầu tư được thống nhất trong hội đồng quản trị và cổ đông là du lịch kết hợp với giáo dục dành cho thị phần thế hệ trẻ, kết hợp với thể thao dành cho tuổi mới lớn, với nghĩ dưỡng, tâm linh dành cho người có tuổi hoặc du lịch kết hợp với tham quan tổ chức hội nghị…

Mỗi phân khúc thị trường đều có sản phẩm phù hợp với họ. Đến với khu du lịch Rừng Madagui là cơ hội khám phá rừng già nguyên sinh, khám phá hang động thâm u, kỳ bí, du khách có thể ngồi trên các tảng đá ngắm nhìn bóng cây cao vút để chiêm nghiệm cuộc đời. Đôi khi nhận ra cảm giác lạ khi nhìn cảnh hồ Thác Voi rộng 21hecta soi bóng giữa rừng già. Ngoài ra lữ khách được xem những tác phẩm nghệ thuật đá khổng lồ như Song Tượng Triều Phục, Tam Đại, Tứ Linh, Ngũ Quả, Cửu Phúc...

Ông Vũ Ngọc Chuyển Tổng Giám đốc Madagui.

 

Bên cạnh những hình ảnh thiên nhiên hoang dã, chúng tôi đã tiến hành trồng các vườn tre, vườn phong lan, vườn cây trái nhiệt đới, xây dựng khu bảo tồn động vật hoang dã (Safari) như ở Thái Lan, Kenya. Để có một thành phố rừng đầy đủ các trò vui chơi mang cảm giác mạnh khác với thành phố, chúng tôi đã tổ chức nhiều mô hình thể thao giải trí với cố gắng ở thành phố có gì mình có thứ đó.

Hiện nay khu du lịch được cấp 1200 hecta, đã sử dụng được hơn 500 và vẫn còn 600 hecta rừng núi đang khai thác. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng sân golf để thu hút được thêm nhiều nguồn du khách. Nhưng điều làm chúng tôi quan tâm và đau đầu nhất là giữ được cảnh quan rừng. Vì đã là du lịch rừng mà cây cối cảnh quan không còn thì sinh thái không có nghĩa gì. Tuy nhiên, đây là vùng đất mà trước đây từng là của đồng bào sắc tộc, họ có thói quen sống du canh du cư, tất cả đều dựa vào rừng, vì thế họ không xem việc chặt cây rừng bán lấy tiền là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, chúng tôi dự định sẽ xây hàng rào bảo vệ bằng đá chẻ bao quanh như một thành phố rừng khép kín không những bây giờ mà cho cả tương lai.

Những con đường trải đá

Chiếc xe đặc chủng chở chúng tôi xuyên suốt khu rừng sinh thái. Tại đây, những đoạn đường dù gần hay xa trong phạm vi của khu du lịch đều được trải đá chẻ sát nhau như bức tường kiên cố nằm trên mặt đất. Đặc biệt những điểm đến, đều mang theo truyền thuyết văn hóa Mạ.

Đầu tiên là suối Tiên, với cây cầu treo bắc qua suối chông chênh dài hơn 100m, đứng trên chiếc cầu này nhìn dòng nước trong xanh thấy từng viên đá cuội lớn. Dọc theo bờ suối là những bến tắm đầy đá cuội tuyệt vời, chưa hết dòng suối này là nơi sinh sống của hai loại cá lăng và cá leo vàng đã tồn tại không biết từ lúc nào. Chúng đã trở thành nguồn thực phẩm cho buôn làng, mãi cho đến bây giờ cư dân bản địa vẫn còn nhắc.

Cách đây vài ngày tôi tình cờ gặp ông KPrỉn người Mạ đã từng sống ở Madagui, ông kể cho tôi nghe một cách vui vẻ: “Loại cá này bắt dễ ẹc mà! thịt nó ngon lắm ông ơi! Ngày xưa tụi này bắt hoài, bắt bằng tay chứ làm gì có lưới, đem về nướng ăn với muối nhưng hao cơm lắm vì mình ăn được nhiều mà!”. Được hỏi vì sao con suối này có tên là dòng suối vàng, ông chậc lưỡi “Theo ông bà kể lại.

Ngày xưa, trong một đợt hạn hán kéo dài làm khắp buôn làng người Mạ lo lắng vì thiếu nước. Trẻ con khóc hét suốt ngày vì khát. Có một người phụ nữ vừa sinh con nhưng không có sữa, nên người chồng phải vào rừng tìm trái chua cho vợ con ăn. Chàng đã vượt qua ba ngọn núi và bảy cánh rừng. Một buổi sáng, khi mặt trời vừa nhô lên, chàng phát hiện một tổ ong liền dương cung bắn. Mũi tên vừa chạm vào tổ ong, một dòng nước vàng bắn thẳng vào người. Chàng trai hoảng sợ bỏ chạy, dòng nước đuổi theo.

Chàng chạy nhanh, dòng nước cứ bám theo. Đến khi kiệt sức, người chồng gục xuống bên cánh rừng rồi thiếp đi, dòng nước cũng dừng lại rồi tạo thành con suối. Nhờ dòng nước này mà buôn làng người Mạ được cứu sống và tồn tại cho đến ngày nay nên gọi là Madagui (con suối vàng của người Mạ)". Câu chuyện ông KPrỉn dù sao cũng là truyền thuyết nhưng với tâm thức người Mạ vẫn là dòng suối thiêng và bây giờ là dòng suối mát rượi trong xanh đẹp nhất của khu du lịch sinh thái này.

Để được thâm nhập vào thế giới hang động huyền bí, chúng tôi ngoài đi xe đặc chủng còn phải lội bộ, trong hang các tảng đá xếp chồng lên nhau tạo ra những khe hở, con đường độc đạo chênh vênh nhỏ hẹp, nhiều mỏm đá nhọn lởm chởm… Có hang chúng tôi chỉ mất 15 phút nhưng với hang Tử thần sâu tới 20m, dài khoảng 200m, ngoằn ngoèo có cả khe nước nên chúng tôi phải mất 30 phút mới lên được mặt đất.

Mỗi hang động trong lòng núi tại đây đều mang theo câu chuyện gắn với số phận như hang Thần Núi là nơi ngự trị của thần Yang Ndu, hang Thầy là nơi ẩn cư của một đạo sĩ, hang Tiên lưu dấu những nàng tiên lạc xuống trần, hang Tung mang theo huyền thoại tình yêu bất tử của nàng chim thần với chàng trai người Mạ tốt bụng.

Ở Thiên Phúc Sơn Động, chúng tôi được chiêm ngưỡng tượng dơi khắc trên phiến đá lớn sà xuống tiếp nhận ngũ quả, báo hiệu điềm lành, may mắn cho con người. Bên ngoài hang dơi, còn có một pho tượng Phật Thích Ca cao hơn 2m rất gầy ngồi thiền trên tảng đá lớn. Xung quanh là cảnh tượng muông thú bằng đá tự nhiên được chạm trổ như thật mang hình dáng: voi, trâu, sư tử, hổ, gấu, long, lân, quy, phụng nằm phủ phục, lắng nghe ngài thuyết pháp. Ông Chuyển giải thích “Theo lịch sử nhà Phật, lúc ngài vào rừng tịnh tâm, không ăn uống nên nhục thể của ngài rất ốm. Bằng tài sức ngài đã thuyết giảng cho muôn thú đến nỗi chúng quỳ phục dưới chân ngài để nghe”.

Rời những hang động kỳ bí mang bóng dáng của một thời tiền sử, chúng tôi đi thăm các khu vui chơi giải trí trong rừng rồi quay về lại con suối vàng của người Mạ. Đối diện con suối là tượng thần núi Bonom cao 15m, bức tượng oai nghiêm trên bệ đá tựa lưng vào rừng. Vị thần được khắc họa với hình dáng đức độ, mạnh mẽ và uy nghiêm. Truyền thuyết người Mạ kể rằng: Từ xa xưa, tổ tiên người Mạ được sinh ra từ một cái lỗ. Ban đầu Mạ Tô ra trước đi về phía mặt trời mọc, kế đến là Mạ Cóp đi về phía mặt trời lặn và tộc người Mạ ở đây chui ra sau cùng. Vì được sinh cuối nên người Mạ vùng này được tắm rửa, vóc dáng hoàn chỉnh hơn, được Yàng cho thần núi Bonom bảo vệ, chính vì thế người Mạ xem Bonom là thần hộ mạng cho mình. Dựa theo truyền thuyết ấy, các nhà kiến trúc và điêu khắc đã thiết kế thần núi Bonom ngự trị chính diện ở công viên để quan sát bảo vệ cho khách tham quan.

Về ý nghĩa Madagui được nhà dân tộc học người Chăm Thông Thanh Khánh giải thích, dựa theo chuyện kể thuật ngữ này mang nghĩa “Dòng nước của người trẻ tuổi”. Theo lời các già làng, ngày xưa, các chàng trai cô gái Mạ thường tập trung vào những nơi sông suối đẹp cạnh bìa rừng để đốt lửa múa hát trong những đêm trăng sáng. Con gái Mạ Tô lúc tắm chỉ cởi y phục vào phút cuối, còn gái Mạ Naan thì thong thả cởi váy ngay trên bờ sông, nhưng dùng tay trái che bộ phận sinh dục của mình. Còn các chàng trai, muốn cho con gái thích nên xiết chặt dây khố và cố ý cho bắp thịt nổi lên để thể hiện cơ thể cường tráng. Theo phân tích của nhà dân tộc học người Chăm thì Madagui là nơi tụ họp của người trẻ và cho đến bây giờ khu du lịch sinh thái này là nơi chiếm tỷ lệ người trẻ cao nhất. Các du khách đến đây để có cơ hội nhìn vẻ đẹp hoang dã của núi rừng, thấy được quê hương đại ngàn của cha ông để lại mà cố gắng giữ gìn. Nếu mai đây không còn rừng, chúng ta đi trên những con núi trọc, trên mảnh đất hoang tàn khô khốc, cuộc sống con người sẽ tẻ nhạt biết bao.

***

Rời khu du lịch sinh thái Madagui, tôi cứ miên man suy nghĩ, từ ông giám đốc đầu tiên đến ông giám đốc thứ 12, biết bao sự thay đổi diệu kỳ như đất nước của mình. Ông Khuất Thanh Chiểu, giám đốc đầu tiên, người cùng đi với tôi là một kỹ sư lâm nghiệp. Ông cho biết, thuở còn rừng hoang, có đêm nghe tiếng chó sủa hoảng hốt chạy chui vào gầm giường, ông và anh em mang đèn pin ra rọi phát hiện thấy bóng cọp đầu rừng. 

Đến đời thứ 12, ông Vũ Ngọc Chuyển quản lý 1.200hecta với số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Điều tôi cảm động là câu chuyện một cặp vợ chồng trung niên có học thức và giàu có ở thành phố. Trước ngày ra tòa ly hôn, cả hai ông bà về khu du lịch Madagui sống chung với nhau lần cuối. Họ chọn một ngôi nhà sát bìa rừng, đêm về nghe tiếng côn trùng rả rích gọi nhau.

Từ tiếng vọng của núi rừng, cả hai đều ngẫm nghĩ từ con người đến những con vật vô danh. Những con vật này đều không có tiền vàng, không có xe hơi nhà cao cửa rộng, không được học hành thế mà vẫn bền bỉ sống với nhau. Sau đêm ngủ chung như lần tiễn biệt họ ngộ ra một điều: vật chất chỉ là thứ phù du nay ở mai đi còn tình phu thê và con cái mới là vĩnh cửu.. và bạn có biết không! Hôm sau họ ra tòa thay đổi ý định.

Đến bây giờ cả hai ông bà sống hạnh phúc, con cái đều có học hàm, học vị trở thành người có ích cho xã hội. Họ xem bố mẹ mình như là một tấm gương, một thần tượng. Suy cho cùng, đời người sống được bao lâu, tội gì phải làm khổ nhau. Mà nếu chuyện ấy có xảy ra bạn hãy dẫn nhau đến Madagui ngủ đêm cuối cùng bạn nhé!

Trần Đại - Thanh Chiểu
.
.
.