Made in China 2025: Mối lo của Tổng thống Trump

Chủ Nhật, 08/07/2018, 15:09
Hạ tuần tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công bố những biện pháp mới nhắm vào thương mại Trung Quốc. Washington tuyên bố điều này để giúp cân bằng thương mại Mỹ-Trung, mang việc làm trở lại cho người Mỹ.


Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng lý do thực sự đằng sau những động thái cứng rắn này là do Mỹ lo ngại trước kế hoạch mang tên “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Tham vọng vượt Mỹ

Điều này có thể được nhìn thấy qua bản báo cáo dài 200 trang của Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra hôm 22-3. Bản báo cáo này chỉ ra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh, và có đến hơn 100 lần cụm từ “Made in China 2025” được nhắc tới. Vậy “Made in China 2025” thực sự là gì?

“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” hay “Made in China 2025” lần đầu được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra trong bản báo cáo công tác chính phủ năm 2015, nhằm cải thiện công nghiệp sản xuất ban đầu là đến năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049. Mục đích nhằm chuyển đổi Trung Quốc sang một cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới theo hướng công nghệ hiện đại.

Trước đó, năm 2014, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã dẫn đầu, cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Tổng cục Giám sát, Kiểm tra và Kiểm dịch, và hơn 20 phòng, ban liên quan của nhà nước cùng với hơn 50 học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và hơn 100 chuyên gia soạn thảo "Made in China 2025” đã trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Ngày 8-5-2015, kế hoạch đã được Hội đồng Nhà nước công bố và ban hành vào ngày 19-5-2015.

“Made in China 2025” đề ra kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới và y sinh học. Ngoài ra, từ năm 2017, Bắc Kinh đã triển khai chiến lược phát triển trí thông minh nhân tạo.

Theo đó, mục tiêu chính là sự độc lập về công nghệ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể hơn, đến năm 2025, Trung Quốc có thể tự cung cấp 70% các linh kiện cốt lõi và nguyên vật liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và viễn thông; 40% lượng chip điện thoại di động; 70% bộ phận của robot công nghiệp và 80% số thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo. Từ đó, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ không còn phải quá lo lắng về các điểm yếu của mình, chẳng hạn như trừng phạt thương mại kiểu như Mỹ đang đe dọa áp dụng.

Chuyện của Micron

Micron Technology là một công ty Mỹ sở hữu các thiết kế vi mạch có vai trò sống còn với khả năng lưu trữ và truy xuất bộ nhớ của điện thoại và máy tính. Tháng 12-2017, Micron đã đệ đơn kiện một công ty Trung Quốc, với cáo buộc đánh cắp 900 tệp dữ liệu bí mật thông qua mua chuộc và gián điệp, nhằm ứng dụng phát triển các dự án công nghệ tại Trung Quốc.

Theo đơn kiện của Micron tới Tòa án liên bang tại quận phía Bắc California, Công ty Vi mạch Kim Hoa Phúc Kiến (Fujian Jinhua Integrated Circuit - FJIC), Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ của hãng. Những bí mật bị đánh cắp nhằm xây dựng một nhà máy trị giá 5,7 tỷ USD tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất bóng đèn tiết kiệm năng lượng tại một nhà máy chiếu sáng ở Trung Quốc

Trước đó 2 năm, Công ty Kim Hoa cũng đã khai thác Công ty UMC, Đài Loan, nhằm sử dụng phát triển công nghệ cho nhà máy. Thay vì trải qua từng bước để thiết kế công nghệ, UMC và Kim Hoa quyết định đánh cắp nó, theo cáo buộc từ Micron. 

Đầu tiên, UMC đã thu hút các kỹ sư làm việc tại chi nhánh Micron Đài Loan với những hứa hẹn lương và thưởng cao. Sau đó, UMC yêu cầu họ mang theo các bí mật của Micron, chức trách Đài Loan cho biết. Những kỹ sư này đã sao chép hơn 900 tệp dữ liệu chứa các thông số kỹ thuật chính và chi tiết về các vi mạch bộ nhớ tiên tiến của Micron.

Cảnh sát Đài Loan đã kiểm tra dữ liệu điện thoại của một kỹ sư thuộc Micron, ông Kenny Wang, người được UMC tuyển dụng. Theo một bản cáo trạng đối với ông Wang và những người khác, đầu năm 2016 UMC đã bắt đầu liên lạc với ông Wang bằng ứng dụng tin nhắn thông minh Line, trong khi người này đang làm việc cho Micron. 

UMC nói rằng họ đang gặp vấn đề trong phát triển công nghệ vi mạch bộ nhớ, sau đó ông Wang đã lấy các thông tin cần thiết từ các máy chủ của Micron và sử dụng nó để phát triển tại UMC. Cảnh sát cho biết Wang đã nhận được sự đề bạt tại UMC.

Năm ngoái, UMC đã đệ đơn chống lại khiếu nại hình sự đối với Wang, nhưng đã bị các công tố viên Đài Loan từ chối. Wang và các kỹ sư bị buộc tội khác nói rằng họ đã lấy cắp bí mật thương mại để nghiên cứu dự án cá nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ tin rằng việc Kim Hoa Phúc Kiến liên kết với UMC đánh cắp công nghệ tiên tiến của họ là một phần của kế hoạch tham vọng “Made in China 2025”.

Phản ứng lo ngại

Theo tờ United Daily News của Đài Loan, "Made in China 2025" sẽ làm bùng phát cuộc chiến công nghiệp toàn cầu". Tháng 4-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và danh sách này được áp dụng cho "Made in China 2025". 

Ngày 29-5, Tổng thống Trump lại một lần nữa quyết định áp dụng mức thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thông báo của Washington trực tiếp chỉ ra các sản phẩm liên quan đến "Made in China 2025".

Ngày 24-6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang lập kế hoạch cấm các doanh nghiệp có ít nhất 25% vốn sở hữu của Trung Quốc không được mua lại các công ty Mỹ trong các ngành “công nghệ trọng yếu”. Động thái này đánh dấu một sự leo thang khác trong cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, và Reuters cho rằng nó khuấy động thị trường tài chính và cản trở tăng trưởng toàn cầu.

Bước đi này là một phần của hành động áp thuế mà Mỹ có thể thực hiện đối với tổng cộng 450 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc với lý do Bắc Kinh đang chiếm đoạt công nghệ của Mỹ thông qua các quy định liên doanh và các chính sách khác. Reuters dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng mức giới hạn đầu tư của Bộ Tài chính dự kiến sẽ nhắm vào các ngành then chốt, trong đó có một số ngành Trung Quốc đang cố gắng phát triển trong kế hoạch công nghiệp mang tên “Made in China 2025."

 Trong số các mục tiêu của kế hoạch này, Trung Quốc muốn tăng cường khả năng trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, kỹ thuật hàng hải hay robot. Tờ Wall Street Journal cũng cho biết, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đang đề xuất “tăng cường” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để các công nghệ này không được chuyển giao cho Trung Quốc.

Do phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, kể từ tháng 6-2018, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hạ thấp khái niệm “Made in China 2025”. Một quan chức ngoại giao cao cấp của phương Tây nói với Reuters rằng gần đây trong các cuộc họp, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu giảm nhẹ tầm quan trọng của chính sách “Made in China 2025.”

Nguồn tin ngoại giao cho biết một số quan chức Trung Quốc cũng đã lên tiếng về chính sách này và xem đó là một sai lầm sau khi chính phủ đã hô hào và nâng tầm quan trọng kế hoạch này lên quá cao, do đó tăng áp lực cho chính Trung Quốc. 

Một nhà ngoại giao yêu cầu không nêu tên nói: “Trung Quốc dường như đang điều chỉnh lại vì bị phản đối do chính việc tuyên truyền quá mạnh gây ra”. Các nhà báo nước này nói với Reuters rằng họ đã được chỉ đạo không dùng thuật ngữ “Made in China 2025”.

Vĩnh Trang
.
.
.