Mái nhà bình yên cho nhiều loại thú quý hiếm

Thứ Tư, 30/12/2015, 08:20
Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được biết đến như một "bệnh viện" cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở phía Nam. Khi đến đây, chúng ta có cảm giác nó như một thế giới riêng chỉ dành cho các loại động vật hoang dã quý hiếm. Dễ nhận biết nhất là liên tục có những tiếng hót của những chú chim, niệc, tiếng hú của những chú vượn, voọc… như một bản hòa ca vang trời. Một mái nhà an toàn cho nhiều loại thú quý hiếm!

Mỗi con vật là một câu chuyện buồn

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (tọa lọa tỉnh lộ 15, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) được thành lập từ tháng 9-2006, lúc đầu trạm do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (Wildlife At Risk - gọi tắt là WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh quản lý và WAR tài trợ chính. WAR là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Mỹ, được thành lập vào năm 2004 do một người Anh là ông Dominic Scriven sáng lập.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh, từ giữa năm nay, sau khi kết thúc hợp tác giai đoạn 2011-2015, trạm được Chi cục Kiểm lâm quản lý hoàn toàn và tất cả mọi chi phí hoạt động lấy từ ngân sách thành phố. Theo tìm hiểu, trạm có tổng diện tích khoảng 4.000m2. Vị trí và địa thế của trạm nằm trong một khu vực được đánh giá là ít bị tác động của con người, tự nhiên.

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.

Ông Trần Nhất Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã - Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh, kiêm Trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cho biết, nhiệm vụ của trạm là tiến hành cứu hộ, thu nhận các loài động vật hoang dã do các cơ quan chức năng bàn giao do bị săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép đã bị xử lý tịch thu hoặc tiếp nhận từ các các trang trại, các hộ dân nuôi nhốt động vật không đúng quy định… Các loài động vật được trạm cứu hộ, sau khi chăm sóc, điều trị vết thương, nuôi dưỡng và phục hồi bản năng tự nhiên, trạm sẽ tiến hành chọn lọc những cá thể đủ điều kiện nhằm tiến hành đưa thả về môi trường sống tự nhiên.

Hơn 9 năm hoạt động, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được biết đến như một "bệnh viện" có khả năng cứu chữa, chăm sóc cho nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm. Do mỗi loài động vật có những đặc tính khác nhau nên trạm được thiết kế có sự phân chia nhiều khu riêng biệt để phù hợp với từng loài, tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ chúng.

Theo ông Tiến, hiện trạm đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho 46 loài, với khoảng 188 cá thể, trong đó có những loài động vật quý hiếm ở Việt Nam như: Gấu ngựa, gấu chó, vượn đen má vàng, cheo cheo, culi nhỏ (đặc biệt có 35 cá thể họ linh trưởng), rái cá lông mượt, tê tê java, rùa núi vàng, mèo rừng…

Điều đáng nói, các con vật trước khi được trạm tiếp nhận thường bị thương tích nặng, hoặc hoảng loạn tinh thần do bị săn bắt, mua bán, nuôi nhốt trái phép, hành hạ. Vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận động vật, trạm sẽ kiểm tra tổng quát tình hình sức khỏe của chúng để lên kế hoạch chăm sóc, điều trị định kỳ. Sau một thời gian, con vật nào hoàn toàn khỏe mạnh và phục hồi được bản năng hoang dã thì trạm sẽ thả về thiên nhiên; con nào tật nguyền, không có khả năng tự sinh tồn, trạm sẽ có nhiệm vụ nuôi dưỡng chúng suốt đời tại đây.

Các nhân viên cứu hộ cho hay, mỗi con vật tới trạm là một số phận, một câu chuyện buồn. Có lẽ ấn tượng nhất với chúng tôi là chú cheo cheo bé nhỏ rất dễ thương. Nhìn chú gần giống một con nai thu nhỏ (hiện cân nặng của chú chỉ trên dưới 1kg). Con vật này được lực lượng chức năng thu giữ của một người bán dạo trái phép ngoài đường ở nội thành TP Hồ Chí Minh rồi giao về trạm để cứu hộ.

Khi tiếp nhận, con cheo cheo này là một cá thể còn non, nhỏ bé… Sau thời gian được trạm chăm sóc, hiện nó đã khỏe mạnh bình thường. Hay một chú rái cá vuốt bé do Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường quận 3 TP Hồ Chí Minh tịch thu của người buôn bán trái phép giao cho trạm. Khi tiếp nhận, cá thể này bị khủng hoảng và suy dinh dưỡng nặng vì còn đang bú mẹ. Ngay sau đó, các nhân viên của trạm đã thay nhau trở thành "mẹ" của chú rái cá khi hàng ngày phải pha sữa và cho bú bằng bình. Đến nay chú đang dần "cai sữa" để ăn thức ăn quen thuộc là cá được thả trong ao nước nơi chú sống.

Ông Tiến cho con vượn đen má vàng bú sữa. Khu chuồng khỉ.

Được thả tự do trong khuôn viên của trạm (xung quanh và bên trên cao có lưới bao), chú niệc mỏ vằn do một người dân ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, mua lại từ người buôn bán trái phép, tự nguyện giao nộp lại cho trạm, tỏ ra rất hiếu động khi liên tục bay qua bay lại. Theo ông Tiến thì lúc mới được tiếp nhận, cá thể này yếu, lông đuôi không có, lông cánh bị cắt nên không bay được, khớp chân sưng phù. Nhưng sau một thời gian ở trạm, hiện sức khỏe của chú niệc mỏ vằn đã gần như hoàn toàn bình thường, lông đuôi và cánh đã mọc lại.

Ngay từ lúc mới vào trạm, chúng tôi đã chú ý đến một chú vượn đen má vàng khá nhỏ bé được nuôi trong một chiếc lồng nhỏ. Ông Tiến vừa đưa bình sữa cho chú vượn bú một cách say sưa vừa vui vẻ giải thích: "Con vượn đen má vàng này được thu giữ trong tình trạng giống như con cheo cheo. Khi mới được đưa về trạm, con vượn còn rất nhỏ, do không được mẹ chăm sóc nên nó rất yếu ớt, không đứng được. Chúng tôi đã nhanh chóng hồi sức và cho nó bú sữa như một đứa trẻ sơ sinh. Gần đây chúng tôi đang cho nó tập ăn, nên bớt dần việc bú sữa. Do nuôi từ nhỏ nên giờ nó rất gần gũi và thân thiết với chúng tôi, nhất là nó rất thích được ra ngoài chạy nhảy, thích được gãi lưng và vuốt lông. Nhìn nó chẳng khác nào một đứa trẻ mới biết đi".

Tình thương động vật của những người làm nghề cứu hộ

Theo chân anh Cầm Văn Tùng - bác sĩ thú y duy nhất của trạm hiện nay - vào chuồng chăm sóc vết thương ở chân những động vật bị thương, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự tận tâm với động vật hoang dã của những nhân viên nơi đây. Bởi mỗi động tác lau vết thương, xịt thuốc sát trùng rồi chích thuốc, vị bác sĩ này đều thao tác một cách nhẹ nhàng, trìu mến.

Bác sĩ Tùng cho biết, con tê tê này mới được Công an quận 12 giao về đây trong tình trạng bị thương khá nặng ở chân do bị đánh bẫy, chưa kể trên người nó bám rất nhiều con ve hút máu. Vì thế, đồng thời với việc chữa trị và chăm sóc vết thương, con tê tê còn phải được chích thuốc để diệt hết ve trên người nó. Sau mấy ngày được săn sóc, chữa trị tích cực, hiện vết thương của nó đã đỡ nhiều và có thể ăn được nên khả năng sống sót của nó là chắc chắn…

Chỉ cho chúng tôi xem chuồng nuôi nhốt gấu, ông Tiến vừa giới thiệu: "Đây đa số là những con gấu bị mất chân, hoặc mất tay hoặc bị hút mật lâu ngày, sức khỏe chúng rất yếu. Nên sau một thời gian được cứu hộ, chữa trị, nuôi dưỡng, chúng tôi vẫn không thể thả chúng về tự nhiên được".

Khu chuồng khỉ.

Nói về các con gấu ở đây thì có lẽ con Misa là "nổi tiếng" nhất. Nó được đưa về đây từ một hộ dân ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Dù là con gấu có giấy tờ đàng hoàng nhưng khi tiếp nhận, thấy thương tích, bệnh trạng trên người nó như bệnh đường ruột nặng, bị hút mật nhiều lần, miệng bị lở loét, đi không được, các nhân viên của trạm nhận định khả năng đến 90% là nó sẽ chết. Nhưng không ngờ sau khi được chữa trị tích cực, nó đã hồi phục. Song cũng chính vì bệnh tình như vậy nên con gấu này có khẩu phần ăn nấu chín riêng. Buổi sáng nó được cho ăn cháo gạo nứt nấu với thịt bò, rau muống, chiều ăn trái cây, củ quả…

Ngoài gấu Misa, theo ông Tiến, ở trạm hiện có nhiều con thú được cứu về nhiều năm, đã được chữa trị hết bệnh nhưng vĩnh viễn sẽ không được trả về với tự nhiên bởi thân thể của chúng không còn lành lặn, khó có thể sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Đó là hai chú gấu ngựa bị cụt chi, năm con tê tê bị mất chân, con già đẫy bị cắt gân cánh, con vượn nhỏ được sinh ra tại trạm nên đã mất bản năng tìm mồi, kiếm thức ăn...

Dù đang nuôi dưỡng số lượng lớn thú hoang dã nhưng hiện trạm "cả sếp cả lính" chỉ có tất cả 5 người (và hai bảo vệ trực ban đêm) đều là những người có kinh nghiệm, am hiểu về động vật hoang dã và trên hết là sự nỗ lực hết mình vì công việc cùng tình yêu vô bờ dành cho động vật. Tuy nhiên, với số nhân lực này, hiện trạm đang rơi vào tình trạng thiếu người làm (hiện cả trạm chỉ còn một bác sĩ thú y) nên những người có mặt phải làm công việc nhiều hơn, cả tuần gần như họ không có ngày nghỉ.

Theo ông Tiến, dù phần lớn số thức ăn phục vụ cho các con vật ở trạm đều được một số doanh nghiệp hay cá nhân giao hàng tận nơi, nhưng công việc phân loại, rửa sạch, cắt gọt, chế biến thức ăn cho chúng cũng khiến các nhân viên của trạm mất rất nhiều thời gian và công sức. Bởi chúng có nhiều loài và số lượng lớn cá thể trong khi mỗi loài thậm chí mỗi con lại có chế độ ăn khác nhau. Có con ăn thức ăn nấu chín, có con lại ưa thức ăn được băm to, rồi thái nhỏ, cả việc phải pha sữa cho những con còn nhỏ. Chưa kể mỗi loài lại ăn loại rau củ quả khác nhau…

"Trong các loại thì gấu và vượn là khó chăm sóc nhất, bởi việc cho chúng ăn nhiều công đoạn, rồi việc vệ sinh chuồng trại cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong khi đó, tê tê lại đòi hỏi thức ăn đặc biệt là trứng kiến. Chúng tôi phải đặt mua của những người chuyên đi lùng tìm trứng kiến với giá khá cao là 180 ngàn/kg trứng kiến. Những con cu li do đặc điểm sinh học chỉ ban đêm nó mới ăn, nên cứ vào lúc chiều tối chúng tôi phải băm nhỏ các loại thức ăn rồi trộn đều, bỏ vào gáo dừa treo ở chuồng cho chúng ăn… Cứ thế, mỗi loài, mỗi đặc tính, chúng tôi phải thực hiện cho phù hợp, nên các anh em ở đây từ sáng đến đêm luôn bận rộn với ngần ấy công việc như chăm sóc con mọn vậy đó", ông Tiến giãi bày.

Dù vất vả là vậy nhưng qua chia sẻ hay hành động của ông Tiến cũng như của những nhân viên khác, chúng tôi có thể cảm nhận được sự yêu nghề, yêu thú vật của họ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong những năm qua công việc của họ đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Chỉ tính riêng trong hai năm 2014-2015 nơi đây đã tiếp nhận tất cả 2.919 cá thể thuộc hàng chục loài động vật hoang dã quý hiếm, đồng thời cũng thả về tự nhiên 2.350 cá thể, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.

Phạm Phú Hoàng Anh
.
.
.