Mạng xã hội và những cuộc biểu tình không thủ lĩnh

Thứ Hai, 09/12/2019, 12:31
Những cuộc nổi dậy này hầu hết đều có một điểm chung quan trọng: đó là những cuộc nổi dậy tự phát, không có người cầm đầu. Chúng được điều hành bởi những chiếc điện thoại thông minh của Samsung hay iphone.

Năm 1930, Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố: “Đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy cả một cánh rừng”. Gần một thế kỷ sau, câu nói này đã quay trở lại trong suy nghĩ của nhiều người khi chứng kiến những đốm lửa nhỏ đang châm ngòi cho những cuộc biểu tình bùng phát khắp nơi trên thế giới. Những cuộc nổi dậy này hầu hết đều có một điểm chung quan trọng: đó là những cuộc nổi dậy tự phát, không có người cầm đầu. Chúng được điều hành bởi những chiếc điện thoại thông minh của Samsung hay iphone.

Một cuộc biểu tình ở Iraq.

Một công nghệ giống nhau

Ở Liban những “đốm lửa nhỏ” gây bùng phát biểu tình là một dự định đánh thuế tin nhắn hay các cuộc gọi trên WhatsApp; ở Chile là việc tăng giá vé tàu điện ngầm; ở Pháp là những cuộc biểu tình của phong trào áo gile vàng vào năm ngoái bắt nguồn từ những bất mãn về việc tăng giá xăng. Cũng có những cuộc nổi dậy của dân chúng có những nguyên nhân mang đậm nét chính trị hơn. Đó là Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ các tội phạm về Trung Quốc…

Ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ La tinh hay Trung Đông, những cuộc nổi dậy này đều có một điểm chung quan trọng. Đó là những cuộc nổi dậy không có người cầm đầu. Cách tổ chức và vận hành nó không nằm trong những cuốn sách đỏ hay những chương trình nghị sự của các đảng phái. Chúng được điều hành bởi những chiếc điện thoại thông minh của Samsung hay iphone. Khả năng khuấy động của mạng xã hội là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phòng trào này mà không cần tới vai trò của những thủ lĩnh chính trị truyền thống. Khi những cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra vào tháng 6, Hoàng Chí Phong, gương mặt đối kháng nổi bật của phong trào Dù Vàng vẫn còn đang trong tù.

Khắp nơi trên thế giới, những người biểu tình sử dụng một công nghệ giống nhau để tổ chức và truyền đi các thông điệp. Những dịch vụ nhắn tin cho phép mã hóa toàn bộ tin nhắn nên rất khó để do thám và lại rất phổ biến.

Phong trào Áo gile vàng đã chia rẽ nước Pháp.

Các mạng xã hội như Facebook hay Twitter thì cung cấp các khả năng cho phép mỗi cá nhân trình bày suy nghĩ cũng như biểu lộ những bất mãn của mình. Các mạng xã hội cũng giúp các cuộc biểu tình ở một nơi này truyền “cảm hứng” cho một phong trào ở nơi khác. Việc chiếm giữ sân bay Barcelona mới đây là một kỹ năng học hỏi được từ những người biểu tình Hồng Kông.

Tính chất “không thủ lĩnh” của những cuộc biểu tình tại nhiều nơi trên thế giới trong thời gian gần đây cũng gây không ít khó khăn cho chính những người biểu tình trong những trường hợp họ muốn giữ quy mô các cuộc biểu tình trong một phạm vi nào đó hoặc chuyển hướng từ biểu tình chống đối thành một cuộc đối thoại hay đàm phán.

Nhiều phong trào tự nhận là “biểu thị ý nguyện của quần chúng” nhưng lại đưa ra cùng lúc những yêu sách trái ngược nhau. Yêu sách của phong trào áo gile vàng ở Pháp chủ yếu nhắm đến việc giảm thuế xăng dầu lại hoàn toàn trái ngược với yêu sách của các nhóm xuống đường khác (cũng trong thời gian đó) chẳng hạn như về vấn đề bảo vệ môi trường.

Không có một ban lãnh đạo với một sách lược thống nhất, những cuộc biểu tình luôn có nguy cơ chuyển thành những màn đối đầu đầy bạo lực giữa cảnh sát và những người tham gia biểu tình, điều đó sẽ làm mất đi cảm tình của nhiều người và họ sẽ chuyển thái độ từ ủng hộ sang phản đối và chính quyền cũng có đầy đủ những lý do để tăng cường sự trấn áp.

Chile: Những yêu sách mơ hồ và sự vắng mặt người đối thoại. 

Khi một phóng viên truyền hình Chile đang tìm cách phỏng vấn những người biểu tình đang tuần hành về một điểm tập kết ở Santiago, một cô gái trẻ đã đẩy anh ta ra và gào lên trước ống kính truyền hình: “Hãy tắt máy quay đi, truyền thông dối trá! Hãy đi mà tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội”.

Cảnh sát Chile xử lý người biểu tình.

Các cuộc biểu tình ở Chile hầu như là tự phát, không có thủ lĩnh hay người đứng ra tổ chức. Các mạng xã hội có vai trò to lớn với những cuộc biểu tình này, không chỉ vì nó cho phép họ tổ chức tốt hơn mà còn kết nối họ từ những nguyên nhân rất khác nhau.

Khởi đầu là cuộc nổi dậy chống lại việc tăng giá vé tàu điện ngầm, nó nhanh chóng chuyển thành một phong trào phản đối về nhiều mặt với một mớ các loại yêu sách. Theo Robert Funk, nhà nghiên cứu chính trị ở Đại học Chile thì “một người biểu tình đang gõ inh ỏi một chiếc xoong vì những bực bội khi về hưu, một người khác xuống đường vì bất mãn với khoản vay để học đại học, người thứ ba xuống đường vì bực bội với tất cả mọi thứ và không có gì là cụ thể...”.

Những yêu sách của những cuộc biểu tình dạng này ở Chile thường rất mù mờ và mang tính biểu tượng là chính, nó gây ra không ít khó khăn cho Chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera, chính phủ của ông thực lòng muốn có một số nhượng bộ, nhưng họ rất lúng túng không biết phải nhượng bộ cái gì và nhất là phải đàm phán với ai.

Liban: Phản đối dự án thuế WhatsApp

Những cuộc biểu tình đang làm rung chuyển đất nước Liban được châm ngòi bởi một dự luật nhắm vào việc đánh thuế các cuộc gọi và tin nhắn thông qua WhatsApp (một ứng dụng gọi điện, nhắn tin đa nền tảng được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD).

Cảnh một cuộc biểu tình ở Liban.

Nhưng những cuộc biểu tình đã nhanh chóng chuyển hướng thành những cuộc nổi dậy chống lại các nhà lãnh đạo hiện thời của Liban. Các nhà lãnh đạo này bị tố cáo đã dẫn đất nước đến bên rìa của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong các thành phố và các làng mạc, người dân bất kể là người Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo Sunni hay Shia đều nổi dậy yêu cầu cách chức tất cả những nhà lãnh đạo, không loại trừ một ai.

Các hashtags trên Twitter như “LebanonProtest” đã kích thích người biểu tình, truyền bá tin tức và chia sẻ các slogan, các video phê phán những nhà lãnh đạo kém cỏi và bất tài. Sau 10 ngày những cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố, Thủ tướng Liban Hariri đã tuyên bố từ chức nhưng các cuộc biểu tình chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Những người biểu tình đòi bỏ đi hệ thống chính trị giáo phái, được thiết kế từ những năm 1990 để đảm bảo việc chia sẻ quyền lực cân bằng giữa tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Liban và thay hệ thống này bằng một chính phủ kỹ trị để quản lý đất nước. Những cải cách mà ông Hariri đã công bố, trong đó có việc bãi bỏ những sắc thuế mới đều không làm những người biểu tình thỏa mãn, họ yêu cầu những cải cách sâu rộng hơn.

Dương Đăng Hưng (Tổng hợp)
.
.
.