Mạnh tay với các đối tượng coi thường pháp luật

Thứ Bảy, 18/08/2018, 08:30
Hình ảnh ngập tràn trên mạng những ngày qua là một cô gái nhuộm tóc trắng có những hành động điên rồ khi chống lại các chiến sĩ Công an đang thi hành công vụ. 


Khuôn mặt đó còn quá trẻ, thậm chí còn chưa đến tuổi trưởng thành nhưng những việc cô gái này gây ra khiến người lớn chúng ta đau lòng tự hỏi: Cô gái đã được học gì từ gia đình và chẳng lẽ, những quy định tối thiểu khi tham gia giao thông cũng cố tình không chấp hành để rồi gây tai họa không chỉ cho mình mà cả những người khác.

Trước đó, cô gái đã không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Khi Cảnh sát giao thông (CSGT) có hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, cô gái không những không dừng lại mà quay đầu xe chạy ngược chiều trên đường Khuất Duy Tiến rồi đâm vào Thiếu úy CSGT, người được phân công trong tổ công tác làm nhiệm vụ chống quay đầu.

Minh họa của Lê Tâm.

Sau cú đâm khiến đồng chí Thiếu úy ngã văng xuống đường, một đồng chí Đại úy Cảnh sát cơ động khác tiếp tục ra chặn xe cũng bị cô gái này tăng ga đâm thẳng vào chân. Hậu quả của việc chống đối này là đồng chí Thiếu úy bị xây xát, còn đồng chí Đại úy bị gãy xương chân.

Qua xác minh được biết, đối tượng gây ra hành vi manh động trên mới 15 tuổi. Sự quyết liệt trong hành vi cho thấy đối tượng không chỉ coi thường pháp luật, sẵn sàng tấn công người thi hành công vụ mà còn thể hiện sự lạnh lùng, độc ác mà không phải đứa trẻ nào cũng dám thực hiện. 

Tất nhiên, mọi hành vi vi phạm pháp luật tùy từng mức độ mà bị xử lý thích đáng, nhưng rõ ràng sự việc gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, về sự liều lĩnh của những đứa trẻ và những bài học cần thiết của bố mẹ với con cái trước tuổi trưởng thành.

Số liệu điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra trên dưới 1.000 vụ chống người thi hành công vụ. Hành vi chống đối của các đối tượng cũng ngày càng thể hiện sự côn đồ, trắng trợn. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn cản việc bị xử lý, chạy trốn khi bị bắt giữ mà còn ngang nhiên khiêu khích, thách thức, đe dọa lực lượng đang làm nhiệm vụ. Trong số đó, lực lượng CSGT bị tấn công nhiều hơn cả.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường hợp CSGT "thất thủ" trước những hành vi tấn công này phải kể đến là do họ ngại bị hiểu lầm, ngại bị quay clip đưa lên mạng nếu đánh trả, ngại bị vu oan, ngại bị xử lý kỷ luật… 

Thực trạng này thật đáng buồn, khi CSGT vốn thuộc lực lượng thi hành công vụ theo quy định của pháp luật. Rất tiếc, họ lại không dám mạnh tay xử lý trước những hành vi xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn, bình thường được phân công, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan, tổ chức, thậm chí còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ.

Phải khẳng định ngay rằng, việc tấn công với người đang thi hành công vụ được coi là hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền lực nhà nước. Khi thực hiện những hành vi này, đối tượng công khai thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ. Trong hoàn cảnh đó, nếu người thi hành công vụ không có những biện pháp kiên quyết thì không những công việc không được xử lý kịp thời mà còn tạo thành tiền lệ xấu cho những hành vi chống trả sau này.

Tại nhiều nước trên thế giới, lực lượng cảnh sát luôn tỏ rõ quyền uy của mình trong khi thực thi công vụ. Khi có sự vụ xảy ra, cảnh sát ngay lập tức có quyền trấn áp đối tượng, thậm chí có thể bắn gục nếu ai đó chống trả. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ. Chính vì thế mà không đủ uy lực trấn áp, đè bẹp sự phản kháng của tội phạm.

Thời gian tới, cần xử lý mạnh tay những kẻ chống người thi hành công vụ. Cùng với đó là việc hoàn thiện pháp luật để người thi hành công vụ thực sự có đủ quyền uy khi giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Đây là những giải pháp cần thiết góp phần làm giảm loại tội phạm này và mang lại bình yên chung cho xã hội.

Tuấn Nguyễn
.
.
.