Mastercard: Thu phí quá tay, tới ngày rước họa

Thứ Năm, 06/10/2016, 16:30
Ðại gia thẻ tín dụng toàn cầu MasterCard đang đối mặt với một vụ kiện lớn với cáo buộc đã móc túi hàng triệu khách hàng Anh quốc bằng việc thu phí quá cao trong hơn một thập niên qua.

Đại án 408.865 tỷ

Đơn kiện tập thể được nộp lên tòa án vào ngày 8-9, đòi MasterCard (MA) phải trả 14 tỷ bảng Anh (tương đương 408.865 tỷ VNĐ) cho hàng triệu người Anh vì đã áp những loại và mức phí phi pháp đối với những khách hàng sử dụng thẻ, trong giai đoạn từ năm 1992-2008. 

“Khách hàng hoặc không biết những mức phí này hoặc vì nó là phi pháp. Kết quả là toàn bộ người tiêu dùng Anh, không chỉ riêng các chủ thẻ MasterCard, đã bị mất tiền vô lý”, Hãng luật Quinn Emanuel nói trong một thông cáo. 

Công ty luật này cho rằng những khoản phí quá đáng của MasterCard đã khiến các nhà bán lẻ phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ, và kết quả là toàn bộ người tiêu dùng đều bị thiệt hại. Hãng ước tính hành vi phi pháp của MasterCard đã ảnh hưởng đến ít nhất 46 triệu người.

Quinn Emanuel đang đại diện cho Walter Merricks, một luật sư trước đây là Giám đốc của Financial Ombudsman Service (FOS) - cơ quan giải quyết tranh chấp với các hãng dịch vụ tài chính. Những cáo buộc do ông Walter Merricks đưa ra, đại diện cho 46 triệu người Anh bị ảnh hưởng. 

Cáo buộc nối tiếp trận chiến kéo dài 10 năm giữa MasterCard và EU, đã kết thúc năm 2014 với kết luận của tòa án châu Âu khẳng định những khoản phí đại gia thẻ áp cho các giao dịch xuyên biên giới là quá cao. Trong một thông cáo dài trên trang web của mình, hãng luật cho biết MasterCard đã bỏ qua cơ hội dàn xếp với EC mà chọn cách chống lại ở tòa án và bị thất bại. 

“MasterCard đã thua trong cuộc chiến này ở tất cả tầng mức và khiến các chủ thẻ và người tiêu dùng nói chung cảm thấy thất vọng”, Quinn Emanuel viết.

Merricks, người đã có kinh nghiệm 10 năm giám sát các hãng tài chính ở Anh, nói: “Đơn kiện là bước đầu tiên để giúp người tiêu dùng đòi lại những thiệt hại do MasterCard gây ra. MasterCard thu hàng tỷ bảng các loại phí cao phi pháp vì lợi ích của riêng mình và phương hại đến người tiêu dùng. Họ bị phát hiện đã vi phạm Luật cạnh tranh mà cơ bản là để bảo vệ người tiêu dùng, và điều đó là không thể tranh cãi. Không có cơ sở nào để MasterCard có thể biện hộ rằng các loại phí thẻ của họ không phi pháp”. 

Ông cho biết vì các loại phí của MasterCard đã bị tòa châu Âu tuyên là phi pháp, nên vấn đề hiện nay chỉ là việc chứng minh rằng người tiêu dùng đã bị tổn hại vì các loại phí đó. Theo luật về đơn kiện tập thể của Anh, bất kỳ ai bị tổn hại đều có thể được đền bù, trừ phi họ nhất mực không nhận.

Khó chạy tội?

Boris Bronfentrinker, cộng sự của Quinn Emanuel, nói: "MasterCard đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý khó khăn dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2018, trừ khi họ đền bù thỏa đáng cho người tiêu dùng Anh trước". Ông nói, MasterCard đã "không có nỗ lực" để bù lại những tổn hại của người tiêu dùng, mặc dù thừa nhận các khoản phí đã tác động đến họ. “Không rõ họ làm sao để quay ngược lại và phản bác được những cáo buộc của chúng tôi”, ông nói thêm.

MasterCard nói trong một thông cáo rằng sẽ bỏ thời gian để xem xét chi tiết các cáo buộc, nhưng vẫn “hoàn toàn phủ nhận các cáo buộc”. "Chúng tôi cung cấp giá trị thực thông qua những lợi ích về an ninh, sự thuận tiện và việc bảo vệ người tiêu dùng, và chúng tôi cam kết đầu tư vào các dịch vụ thanh toán để tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của tất cả khách hàng", MasterCard khẳng định. 

Phí giao dịch thẻ cuối cùng đè lên vai của người tiêu dùng.

Trong một bài viết trên blog riêng, công ty cho biết phí trao đổi (interchange fee) là tốt cho người tiêu dùng và cho biết, các vụ kiện tương tự ở Mỹ đã bị ném ra khỏi tòa án. Phí interchange được ngân hàng của nhà bán lẻ trả cho ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sử dụng trong giao dịch. 

Ngân hàng của nhà bán lẻ sau đó tính phí lên nhà bán lẻ để trang trải chi phí đó. Các mức phí này được các công ty phát hành thẻ ấn định và thường được đưa vào các mức giá tại cửa hàng, và dĩ nhiên người tiêu dùng là kẻ hứng chịu sau cùng.

Quỹ liên kết với Gerchen Keller Capital, nhà tài trợ tranh chấp lớn nhất thế giới, sẽ cung cấp 40 triệu bảng để tài trợ cho vụ kiện tụng này. Nếu đơn kiện tập thể này thắng, tất cả công dân Anh trên 18 tuổi đều có thể được đền bù, cho dù họ có dùng thẻ MasterCard hoặc thẻ tín dụng hay không, vì theo luật, đơn kiện tập thể đại diện cho tất cả công dân Anh.

Vụ án sẽ được Tòa án Giải quyết cạnh tranh nghe qua trước, và sau đó sẽ quyết định có khởi tố hay không. Dự kiến nếu khởi tố, vụ án sẽ bắt đầu vào năm 2018 và có thể phải đến tận năm 2020 mới kết thúc. Nếu MasterCard thua kiện, ước tính mỗi người trong 46 triệu công dân Anh bị ảnh hưởng có thể được đền bù 300 bảng Anh (8,76 triệu VNĐ).

Hòn Rồng
.
.
.