Mặt tối của ngành công nghiệp self-help

Thứ Năm, 26/11/2020, 10:07
Sách "self-help", hay còn gọi là sách tự lực, là những cuốn sách viết ra nhằm mục đích hướng dẫn người đọc tự giải quyết hay cải thiện các vấn đề trong cuộc sống họ như tính cách, công việc, quan hệ gia đình, v.v…


Theo báo cáo của tập đoàn nghiên cứu thị trường Marketdata Enterprises, giá trị ngành công nghiệp sách self-help đang tăng trưởng trung bình 5,6% năm và dự kiến sẽ đạt mức 13.000 tỷ USD vào năm 2022. Nhưng trong cơn sốt đổ xô viết và đọc sách self-help, ít người nhận ra mặt tối của ngành công nghiệp này. Vì mục tiêu lợi nhuận hay danh tiếng mà tác giả sách self-help có thể làm đủ mọi thứ sai trái, trong đó có cả tội lỗi lớn nhất của bất kỳ người viết nào: Nói dối độc giả.

Lợi bất cập hại

Với nhiều bạn đọc, sách self-help giống như một thứ "ma tuý" vậy. Bao giờ đọc xong một tác phẩm mới, họ lại cảm thấy như toàn thân tràn đầy năng lượng, muốn làm gì cũng được. Nhưng cái cảm giác đó cùng lắm chỉ kéo dài lâu nhất được trong vòng thời gian của một ngày mà thôi. Vì vậy mà họ lại tìm mua thêm sách self-help để một lần nữa được tận hưởng cảm giác lâng lâng khó tả. Trong một số trường hợp, họ có cảm giác, nếu như mỗi ngày không đọc một cuốn sách self-help thì không có động lực để làm bất kỳ điều gì cả.

Tuy sách self-help không phải là tiểu thuyết hay sách du ký, nhưng thể loại này cũng có tác dụng giúp bạn đọc tạm bỏ qua những mối đau đầu thường ngày. Nhưng với tiểu thuyết và du ký, độc giả có khả năng phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Sách self-help thì không thế. Theo một cách nào đó, những tác phẩm này còn ít nhiều mang tính huyễn hoặc, tác giả hiểu rằng, phải tìm được cách "che mờ" thực tế xấu xí đi một chút để tạo tự tin, động lực cho bạn đọc nhằm tiến tới giải quyết vấn đề thực tế.

Mặt khác, sách self-help tập trung khai thác sự thiếu tự tin trong lòng độc giả. Bất kỳ ai lần đầu đi  kiếm  sách self-help để tìm lời khuyên hẳn đang gặp một vấn đề gì đó và không tự tin vào khả năng tự giải quyết của mình.

Một số người bị đẩy vào vòng luẩn quẩn của những cuốn sách, khoá học self-help mà không thoát ra được.

Hãy nhìn vào trường hợp của nhiều người nghiện rượu. Không thiếu gì các cuốn sách "bật mí" cách bỏ rượu trong thời gian kỷ lục. Thế nhưng chẳng cuốn "self-help" nào lại chỉ ra được rằng: chữa được tật nghiện rượu là cả một quá trình khó khăn, cần sự cố gắng của bản thân bệnh nhân, gia đình, y bác sỹ và cả cộng đồng nữa. Nếu hiểu được khó khăn mà họ phải đối mặt, gần như chắc rằng sẽ có ít người tìm mua sách self-help hơn mà tự mình đi tìm cách chữa khỏi bệnh nghiện rượu cho mình.

Chừng nào mà vấn đề trong cuộc sống độc giả vẫn tồn tại, họ sẽ còn mua tiếp tục sách self-help, tác giả và nhà xuất bản lại nhận thêm lợi nhuận. Đối với nhiều người viết sách self-help, họ không thực sự có động lực giúp độc giả giải quyết vấn đề riêng tư một cách dứt điểm. Trái lại, tác giả chỉ mong "che mắt" bạn đọc trước cuộc sống, tạo cho họ cảm giác tự tin và nhiệt huyết trong khi thực tế chúng khiến độc giả trở nên những con người lười nhác trong cả suy nghĩ lẫn hành động.

Những cỗ "máy viết"

Chắc hẳn nhiều bạn đọc đã nhận ra hầu hết các tác phẩm self-help đều khuyên những điều từa tựa như nhau: giữ bình tĩnh trong lúc nguy hiểm; chuẩn bị thật kỹ cho mọi tình huống, v.v… Một số người hẳn sẽ lý giải rằng luôn luôn có những đức tính như cần cù, khiêm tốn, rộng lượng, v.v…sẽ giúp bạn nắm chặt thành công trong tay. Đây là lời nhận xét chính xác. Tuy vậy, có một cách giải thích đơn giản hơn cho việc vì sao nhiều cuốn sách tự lực lại giống nhau như thế.

Trong thực tế, rất nhiều cuốn sách self-help được tác giả xuất bản dưới dạng ebook. Không chịu sự giám sát kiểm tra của biên tập viên nhà xuất bản, người viết có thể thoải mái đạo văn của nhau. "Copy and paste" một đoạn văn trên mạng cho vào tác phẩm của mình chỉ tốn mấy giây đồng hồ, nhưng cần một khoảng thời gian dài trước khi bạn đọc tinh mắt mới nhận ra sự dối trá. Đến lúc đó tác giả đã có thể viết xong cuốn sách thứ hai, thứ ba… rồi.

Nhà văn Rachel Ann Nunes (Mỹ) chuyên viết tiểu thuyết tình cảm và sách self-help bỗng nhiên nhận được email từ bạn đọc trung thành hỏi có phải cô cộng tác với một tác giả khác tên Sam Taylor Mullens. Bạn đọc đó nhận ra câu chữ trong cuốn self-help của Sam gần như giống hệt với tác phẩm Rachel đã xuất bản. Khi được hỏi, Sam Taylor trả lời rằng anh ta đã cộng tác viết sách với Rachel. Vấn đề là Rachel chưa một lần trong đời nghe thấy cái tên Sam Taylor Mullens.

Jordan Peterson đang lợi dụng vỏ bọc self-help để tiêm nhiễm vào đầu nhiều thanh niên những tư tưởng cánh hữu cực đoan.

Rachel lặn lội đi tìm chân tướng kẻ đạo văn, nhưng thay vì tìm được thủ phạm, nữ tác giả còn chịu thêm thiệt hại nữa. Những tài khoản Facebook lạ mặt bắt đầu nhảy vào trang cá nhân của cô để loan tin thất thiệt. Tác phẩm của Rachel bán trên trang Amazon nhận được vô số những review tiêu cực với mục tiêu bôi nhọ cá nhân cô. Việc bắt nạt trên mạng gây ra nhiều áp lực tâm lý lên Rachel đến mức cô đã sẵn sàng treo thưởng 150.000 USD cho bất kỳ ai tìm được chân tướng thủ phạm. Đến nay vẫn chưa ai phát hiện được kẻ chịu trách nhiệm thực sự là ai.

Amazon, Alibaba (Trung Quốc), Rakuten (Nhật Bản) và các trang thương mại điện tử khác cũng có một phần trách nhiệm trong việc thúc đẩy hoạt động đạo văn sách self-help. Họ cung cấp dịch vụ cho thuê sách, khách hàng chỉ phải trả một khoản phí hằng tháng là muốn đọc bao nhiêu sách cũng được. Tác giả được trả tiền dựa trên số lượt click vào tác phẩm của họ. Vậy là những đối tượng cơ hội mới tìm cách viết ra càng nhiều sách càng nhanh càng tốt, nghĩ ra vài cái tiêu đề thật kêu, rồi cho lên Amazon. Chỉ cần độc giả tò mò giở qua vài trang sách là họ cũng kiếm được tiền rồi. Trong khi đó tác phẩm của những tác giả nghiêm túc lại bị chìm nghỉm giữa một "biển" sách kém chất lượng.

Gần đây các trang thương mại điện tử đã có một số bước thay đổi tích cực, đơn cử như thay vì trả lợi nhuận dựa trên số lượt click, ngày nay họ trả tác giả theo số trang độc giả đọc. Tuy thế, Amazon và các đối thủ cạnh tranh vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề đạo văn đối với sách self-help.

"Mật ngọt pha độc"

Chúng ta chỉ mới nói đến những hành vi xấu trong ngành công nghiệp self-help được thúc đẩy bởi lợi nhuận. Luôn có một bộ phận rất nhỏ những đối tượng không quan tâm đến tiền lãi mà chỉ mong lợi dụng vỏ bọc self-help nhằm tiêm nhiễm những tư tưởng độc hại vào đầu độc giả. Không ai làm việc này tốt hơn và nguy hiểm hơn Jordan Peterson, bác sỹ tâm lý và giáo sư trường Đại học Toronto, Canada.

Jordan Peterson được biết đến trong giới tri thức Toronto nhờ tầm hiểu biết rất rộng và tài diễn thuyết trời ban. Ai cũng bị ông ta cuốn hút mà không nhận ra "mặt tối" của Jordan. Vị giáo sư tin vào rất nhiều tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cực đoan, và hoàn toàn phi lịch sử như: Phụ nữ bị hãm hiếp có lỗi ăn mặc hở hang; đấu tranh vì bình đẳng giới là việc hoàn toàn sai lầm, và nữa, nền văn hoá của người da trắng bao giờ cũng tiên tiến hơn văn hoá của các dân tộc khác. Không dừng lại ở đó, Jordan còn quả quyết rằng, chế độ thuộc địa hoàn toàn không có lỗi…

Jordan Peterson muốn tuyên truyền những tư tưởng nói trên, nhưng ông ta hiểu rằng chúng có phần quá "cao siêu" so với những người bình thường, đặc biệt là thanh thiếu niên. Vậy nên ông ta mới bắt đầu viết sách self-help. Tác phẩm đầu tiên của Jordan, cuốn "Maps of Meaning: The Architecture of Belief", xuất bản năm 1999. Từ đó đến nay ông ta đã xuất bản nhiều cuốn sách self-help lưu hành với số lượng hàng triệu bản, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn "12 Rules for Life: An Antidote to Chaos" nằm trong danh sách sách bán chạy nhất tại sáu quốc gia khác nhau. Ngoài ra Jordan còn có kênh Youtube và chương trình phát thanh của riêng mình thường xuyên có nhiều triệu người theo dõi.

Khó có thể vào nhà sách mà không thấy một tác phẩm self-help mới hằng tháng.

Jordan Peterson hiểu rằng, với nhiều người trẻ trong thời buổi hiện tại, họ không nhận được sự dìu dắt thích hợp từ gia đình, nhà trường mà bị đẩy luôn ra ngoài xã hội. Nhân cơ hội đó ông ta mới làm thay vai trò của ông bố, ông thầy. Mở đầu mỗi cuốn sách self-help của  Jordan là các bài học về sự tự tin, chủ động, tinh thần cầu tiến, cầu toàn, v.v… đều là những điều vô cùng quý giá với tất cả mọi người. Sau khi lấy được lòng tin của độc giả rồi, tác giả mới "thì thầm" vào tai họ những tư tưởng cổ hủ độc hại trên. Kể cả chúng có vô lý đến đâu đi nữa, độc giả vẫn sẵn sàng tin vào bất kỳ thứ gì vị giáo sư nói.

Jordan Peterson không phải một tên phát-xít, và ông ta luôn tự nhận mình là người trung lập về chính trị. Nhưng vấn đề là những điều vị giáo sư viết ra giống hệt với nền tảng tư tưởng của những tên phát-xít. Các phong trào phát-xít bao giờ cũng cần một nền tảng tư tưởng để biện minh cho những hành động kinh tởm của mình. Đằng này "cơ sở lý luận" của phát-xít lại được một nhà trí thức có tiếng tăm nói ra, thật chẳng khác nào tuyên truyền cho chúng cả.

Đấy là chưa kể việc phát-xít tuyển mộ thành viên mới trong số bạn đọc trung thành của Jordan Peterson. Tên sát nhân Brenton Harrison Tarrant đã xả súng tại nhà thờ Hồi giáo tại Christchurch, New Zealand hồi tháng 3-2019 đã từng là một độc giả lâu năm của Jordan Peterson trước khi tham gia phong trào phát-xít. Nếu các bên có trách nhiệm tiếp tục để cho Jordan và những "nhà tư tưởng" khác giống ông ta tiếp tục muốn nói gì thì nói, hẳn sẽ có thêm nhiều thanh niên nhẹ dạ cả tin bị cực đoan hoá mà gây ra những tội ác vô nhân tính.
Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.