"Mậu dịch" đến bao giờ?

Thứ Tư, 11/12/2013, 13:30

Trước một thực tế, các show diễn âm nhạc ngày càng nhiều trên truyền hình sẽ kéo theo một hệ quả với nền âm nhạc nói chung là: Khán giả sẽ lười tìm đến với những show diễn không miễn phí. Nhất là trong một thực trạng các show diễn âm nhạc truyền hình đang ngày được làm tốt hơn. Nhưng đôi khi, tốt lại có những mặt hại của nó.

Dấu ấn - hành trình của những… xưa cũ

Dấu ấn là chương trình đã đi qua được 4 đêm với những nghệ sĩ được vinh danh như Thu Minh, Tuấn Hưng, Trần Mạnh Tuấn và Phương Thanh. Đêm diễn thứ 5 sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 với sự vinh danh dành cho ban nhạc Bức Tường và gần 20 năm cống hiến của ban nhạc rock này cho âm nhạc Việt Nam. Về đa phần, mọi người đều đánh giá khá cao chất lượng của show diễn này cũng như ghi nhận sự nỗ lực của ekip cũng như đơn vị tổ chức là Truyền thông Thanh Niên và VTV9.

Vậy nhưng, Dấu ấn nếu nói theo một cách nào cũng là một sự "nhắc nhớ" khán giả về những cái tên đã hoặc đang bước qua bên kia đỉnh cao của sự nghiệp. Bên cạnh đó là sự "gợi mở" về một show truyền hình ca nhạc đã rất thành công trước đây của đạo diễn Việt Tú là Con đường âm nhạc. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ Con đường âm nhạc vinh danh nhạc sĩ - một nghệ sĩ sáng tạo - còn Dấu ấn vinh danh một ca sĩ - một nghệ sĩ biểu diễn.

Sự kì công tốn kém của Dấu ấn là một điều đáng ghi nhận nhưng nhìn trên mặt bằng chung hiện nay, sự kì công đó mang đến một cảm giác không quá hào hứng với từng show diễn. Đơn giản một điều, những ngôi sao xuất hiện trong các đêm đó thường không hoặc chưa có gì mới tại thời điểm diễn ra. Nếu có hoạt động mới thì lại không quá xuất sắc đủ để vượt qua những đỉnh cao của họ trong quá khứ. Vậy nên, gọi show này là hành trình của những xưa cũ cũng không sai. Đó là sự ghi nhận và vinh danh dành cho những đóng góp của từng cá thể với từng chặng đường nhất định trong tiến trình phát triển âm nhạc Việt Nam.

Thế nhưng nếu bảo tìm kiếm những nhân tố mới, những đóng góp mới từ show ca nhạc này với đời sống âm nhạc hiện nay e rằng là điều hơi khó khi đa phần các nhạc mục biểu diễn là những bản hit đình đám đã gắn liền với nghệ sĩ biểu diễn. Có chăng là bản phối được làm lại và phần biểu diễn có thêm những hiệu ứng sân khấu mới so với thời kì trước. Chấm hết. Gợi nhớ kí ức là một điều đáng quý để trân trọng nhưng nếu như làm không khéo sẽ dễ bị xa đà vào chuyện "không muốn buông bỏ" quá khứ.

Câu chuyện âm nhạc.

Bài hát yêu thích - nửa trẻ nửa già

Nếu phải làm một bảng thăm dò khán giả về độ tuổi cũng như sở thích của khán giả dành cho chương trình Bài hát yêu thích thì có lẽ đó là một sự nhọc công. Gọi là nhọc công bởi rõ ràng đây là một chương trình không rõ được độ tuổi của khán giả theo dõi. Nếu Dấu ấn đánh vào kí ức của những khán giả đã yêu thích những nghệ sĩ được mời trong một chặng đường hoạt động của họ thì Bài hát yêu thích đánh… lung tung. Chúng ta có thể thấy trong một liveshow của Bài hát yêu thích từng tháng có sự xuất hiện của những ca khúc cũ với tuổi đời hơn nửa thế kỉ cùng với những ca khúc mới hơn… nửa năm. Bên cạnh đó là việc xếp những ca sĩ ngôi sao hát cạnh những ca sĩ trẻ, những ca khúc đi cùng năm tháng và những ca khúc mong muốn được đi cùng năm tháng với nhau thật là một điều khá khập khiễng về khâu tổ chức.

Đành rằng, vẫn biết đó là một sự cố gắng của BTC để cân bằng được giữa thị hiếu của khán giả và mong muốn của hội đồng thẩm định. Nhưng, rõ ràng, nhìn vào ai cũng biết sự bình chọn của khán giả luôn chiếm một lượng tác động quá ít so với lựa chọn của những người trong hội đồng bình chọn và hội đồng nghệ thuật cũng như những điều luật khắt khe về tin nhắn, số lượt xem khiến cho Bài hát yêu thích trở thành một bảng xếp hạng âm nhạc đầy rắc rối và khó theo dõi.

Chương trình Thay lời muốn nói.

Câu chuyện âm nhạc tương đồng với Thay lời muốn nói

Câu chuyện âm nhạc là một chương trình ca nhạc mới của Truyền thông Thanh Niên và VTV9 khi mỗi tháng chọn một chủ đề nhất định để tập hợp các ca sĩ biểu diễn và được phát trực tiếp từ phòng trà Nam Quang, TP.HCM. Đây là một dạng chương trình ca nhạc - talkshow với một chủ đề xuyên suốt, những ca khúc được tuyển lựa sao cho phù hợp với chủ đề cũng như những ca sĩ xuất hiện trong đêm nhạc. Nhưng, điều đáng nói là đêm nhạc kiểu này cũng đã được khai thác trước đó, thậm chí là khá thành công, cùng MC Quỳnh Hương với chương trình Thay lời muốn nói phát sóng trên HTV7 hàng tháng.

Điều khác giữa hai chương trình này có chăng là MC khi mỗi tháng Câu chuyện âm nhạc cố định Tùng Leo và Thanh Vân thì Thay lời muốn nói chỉ cố định với Quỳnh Hương còn lại là thay đổi liên tục vị trí MC nam, có thể là 1 nhưng cũng có tháng là đến 2 MC, đa phần là các nam ca sĩ, hoặc cũng có thể có tháng là MC nữ. Những MC sẽ ngồi nói chuyện với nhau, nêu chủ đề đêm nhạc, kể những câu chuyện, đọc những lá thư khán giả gửi, kể về những kỉ niệm cá nhân và sau đó là ca sĩ ra hát một ca khúc liên quan đến câu chuyện họ kể. Cách làm chương trình kiểu này không mới, thậm chí là rất cũ, nhưng nó vẫn chiếm được cảm tình của khán giả khi mang nhiều chất tâm sự, thủ thỉ và gợi nhớ những điều trong cuộc sống của họ từ nhiều năm trước. Và cũng như Dấu ấn, Câu chuyện âm nhạc không mang được nhiều điều mới mẻ đến với đời sống âm nhạc trong nước.

Phương Thanh trong chương trình Dấu ấn tháng 11.

Rườm rà và chưa thực sự hấp dẫn

Một điều dễ nhận thấy với tất cả các chương trình âm nhạc truyền hình kể tên phía trên là khá rườm rà và thực sự thiếu sự hấp dẫn từ khâu kịch bản, biên tập âm nhạc tới đạo diễn sân khấu và tính tương tác với khán giả.

Đầu tiên là khâu biên tập âm nhạc. Những chương trình như Dấu ấn thì phần biên tập âm nhạc đa phần được giao cho chủ nhân đêm nhạc - nghệ sĩ biểu diễn - tự lên, lựa chọn và tập luyện cùng ban nhạc. Chính bởi điều đó, những nhạc mục trong chương trình đa phần chỉ là việc điểm lại những chặng đường của người nghệ sĩ đó mà thiếu đi một đường dây xuyên suốt, thiếu đi một câu chuyện chủ đạo đủ để làm nổi bật được cá tính nghệ sĩ và những gì mà người nghệ sĩ đó đã trải qua.

Bảo Anh tham gia Bài hát yêu thích.

Với Câu chuyện âm nhạc và Thay lời muốn nói cũng vậy. Đó là tình trạng các ca sĩ sắp hàng ra hát những ca khúc mang cùng một chủ đề với nhau mà thiếu đi một sự sáng tạo trong phần dàn dựng, cắt ghép các nhạc mục với nhau. Chính bởi điều đó mà những phần biểu diễn đó cộng thêm với những gì MC dẫn dắt khiến cho chương trình bị một màu, rườm rà và thiếu đi độ cuốn hút với khán giả.

Bài hát yêu thích thì lại "xé nát" bởi những clip phát minh họa, ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà báo và khán giả. Việc nhận định của những người làm nghề là cần thiết nhưng ít nhất cũng nên tìm ra một cách thể hiện khác để không phải dập khuôn hết tháng này qua tháng khác vẫn luôn là những hình ảnh bắt cận một nhạc sĩ, một nhà báo, một khán giả nào đó tại công viên, quán cà phê hay phòng thu khen về ca khúc mới xuất hiện. Bên cạnh đó là phần đạo diễn sân khấu cũng dễ bị rơi vào tình trạng "minh họa trực quan" những gì được thể hiện trong ca khúc.

Sẽ có những ý kiến cho rằng, ngồi chê thì dễ, bắt tay vào làm mới khó. Điều đó vừa đúng vừa sai. Chê là một sự nặng nề hóa những góp ý để chương trình ngày một tốt hơn. Những hạn chế đó không hẳn là những người trong cuộc không nhìn thấy nhưng cũng rất có thể họ không thể tìm ra một cách nào thể hiện tốt hơn hoặc an toàn hơn như vậy. Hơn nữa, vì là tâm lí của một show ca nhạc truyền hình với đối tượng khán giả thưởng thức là những khán giả truyền hình và hình thức phát sóng miễn phí nên rất có thể "được vậy là tốt rồi, nếu tốt hơn thì phải mua vé" cũng có thể là có thật. Tính "mậu dịch" và việc "phổ cập hóa" các đêm nhạc như vậy cũng chính là điều đáng để bàn tới.

Việc khán giả cuối tuần nào bật ti-vi lên cũng thấy những đêm nhạc na ná nhau, những nghệ sĩ quen mặt, những màn tung hô giống nhau khiến cho chính khán giả bị bội thực và nhàm chán. Từ sự bội thực và nhàm chán đó sẽ nảy sinh chuyện không còn thiết tha với các đêm nhạc truyền hình nữa và nếu điều đó xảy ra thật thì những cố gắng của người trong cuộc coi như bằng không.

Có lẽ cũng đã đến lúc nghĩ ra những phương thức thực hiện mới, cung cách làm việc khác để những đêm nhạc truyền hình không rơi vào tình trạng "cho không biếu không" nên chất lượng muốn ra sao cũng được

Đức Thành
.
.
.