Màu hoa đỏ vẫn cháy phía hoàng hôn

Thứ Tư, 04/06/2014, 17:30

Vĩnh biệt Thuận Yến, người đã viết nên những bản tình ca đẫm màu hoa đỏ cách mạng, cho đường đôi lứa thênh thang...

Người với trái tim mộc mạc, ôn hòa và tận tụy đam mê đã thắp lửa cho một thời đạn bom, bằng những nốt nhạc của mình đã kết nối được những phận người trên đất nước mà mỗi cái tên, mỗi dáng hình đã khắc vào đá núi sau một lần tử sinh. Để rồi, giữa một ngày Hà Nội nắng tràn, người nhạc sỹ tài hoa ấy cũng ra đi theo một thứ hương mùa hè tinh khiết nhất cùng nỗi tiếc thương nồng nàn của con cái và những khán thính giả của mình. Nữ diva Thanh Lam, con gái ruột của nhạc sỹ nói người đã lên đường để bước sang một thế giới khác, hạnh phúc hơn, nhiều niềm vui hơn và mong ông siêu thoát.

"Mỗi lần nhìn vết sẹo, lại nhớ ba da diết"

Tôi tìm đến nhà của nhạc sỹ Thuận Yến ở đường La Thành ngay sau ngày ông mất ở tuổi 83. Phía trước cổng nhà nhạc sỹ là một lối đi khá hẹp được đặt rất nhiều chậu cây xanh. Còn trên đầu, gió về quần tụ miên man kết thúc một đợt nắng nóng kéo dài của Bắc Bộ. Lúc đến, hai con ruột của ông là nữ diva Thanh Lam và nhạc sỹ, DJ Đoàn Trí Minh cùng họ hàng và bạn hữu thân tình đang chạy vô chạy ra để lo hậu sự cho cha mình. Ca sỹ Thanh Lam chia sẻ rằng dù đau buồn nhưng mấy chị em cũng phải cố giấu nước mắt vào trong để lo đám tang cho cha và mong ông sớm được siêu thoát, chỉ xin mẹ đừng buồn nhiều.

Vợ ông, nghệ sỹ đàn tranh Thanh Hương vốn là sinh viên có nhan sắc và tài năng của Nhạc viện Hà Nội. Dù có nhiều người theo đuổi nhưng thời đó, bà chỉ chọn nhạc sỹ Thuận Yến, người con trai gầy gò, đen nhẹm đến từ đất lành Duy Xuyên, địa danh từng xuất hiện trong bài thơ nổi tiếng "Bài thơ về hạnh phúc" của Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc) với những câu thơ từng làm nhức lòng một thế hệ: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên".

Yêu vì sự mộc mạc, chân thành. Yêu vì những nốt nhạc thắm đượm tình người. Ông bà đến với nhau và xin đủ trong một lần của một đời. Nhữn g ngày cuối đời của ông gắn với chứng bệnh Alzheimer (một loại bệnh suy giảm trí nhớ). Mặc dù bệnh càng ngày càng nặng và ông có thể quên người này người kia nhưng với người vợ của mình, dường như ông chưa bao giờ quên. Hễ bà có việc đi ra ngoài, dẫu chỉ một lát thôi, ông cứ đứng lên ngồi xuống không yên...

Gia đình nhạc sỹ Thuận Yến.

Lam bảo mấy hôm nay dẫu đã cố gắng để bình tĩnh và trấn an bản thân nhưng bà đã rất buồn và trầm lặng đi rất nhiều. Bà đã dành cả một thời tuổi trẻ cho chồng. Bà đã sống, đã yêu thương và cũng đã hết mực với cuộc đời. Những tháng ngày cuối cùng của ông, nhất là 2 tháng cuối, bà đã chăm sóc và ở bên cạnh ông không rời. Vượt lên trên tình yêu thủy chung, son sắt bao nhiêu năm qua giữa hai vợ chồng còn là một thứ tình cảm thiêng liêng hơn, Lam nói rằng đó là tình nghĩa. Một cội tình già mà vẫn còn son thắm.

Trong trí nhớ của cô con gái rượu Thanh Lam, nhạc sỹ là một người cha tuyệt vời. Không đơn thuần là một người cha bảo ban, dạy dỗ từng điều li ti trong cuộc sống, ông còn là người thầy dìu dắt chị theo con đường âm nhạc. Và chỗ đứng của chị trong làng âm nhạc hiện nay, công lao của ba chị, nhạc sỹ Thuận Yến không hề nhỏ.

Ca khúc "Chia tay hoàng hôn" được viết năm 1968, khi 2 vợ chồng nhạc sỹ phải tạm biệt nhau giữa chiến trường Quảng Trị khói lửa để nghệ sỹ Thanh Hương trở về (vì sức khỏe yếu). Trước khoảnh khắc tiễn biệt day dứt và trước một ngày mai, chưa biết sống chết thế nào và còn cơ hội để gặp nhau hay không, nhớ tới những vần thơ da diết của Hoài Vũ, ông đã viết những nốt nhạc trữ tình sâu đằm cho ca khúc "Chia tay hoàng hôn" để rồi chính cô gái ruột Thanh Lam (được sinh ra trong lần bịn rịn ấy) đã đốt cháy và thành công vang dội trong một cuộc thi nhạc nhẹ vào năm 1990. Danh hiệu "nữ hoàng nhạc nhẹ" của cô cũng bắt nguồn từ cuộc thi này, từ bài hát của ba mình mà ra. Cho đến nay, dẫu có nhiều giọng ca đã hát "Chia tay hoàng hôn" nhưng dường như ca khúc này vẫn là ca khúc được viết ra để cho Lam hát.

Lam xúc động khi kể về những kỷ niệm đáng nhớ với ba mình. Suốt ngày lẽo đẽo theo ba, được ba dạy dỗ rất nhiều điều trong cuộc sống. Thời gian cô gái nhỏ Thanh Lam học và hát tại Cung thiếu nhi, cũng chính ông là người đưa đi đón về vì thế mà hai ba con rất gần gũi nhau. Lam nhớ nhất năm chị lên 9, có một lần trời mưa được ba đón về, trên đường đi không may cả hai ba con bị ngã  sõng soài do đụng phải xe rác, làm chị bị bỏng bô (bỏng ống xả). Tôi hỏi vết sẹo của lần đáng nhớ nhất ấy bây giờ còn không, Lam bảo còn và mỗi lần nhìn thấy thì nhớ ba da diết.

"Mong ông an nghỉ và siêu thoát"

Lam nói nhạc ba mình nhẹ nhàng, mềm mại và có xu hướng gần với dân gian, với những thứ tình quê, tình người mộc mạc dẫu đó là dòng nhạc đỏ hay dòng nhạc trữ tình. Trước khi nghe người khác hát nhạc ba mình, chị đã nghe ông hát trước rồi. "Giọng ông hay, tình cảm và ngọt ngào lắm", Lam nhớ lại. "Dẫu nhẹ nhàng, mềm mại là màu sắc trong xu hướng âm nhạc của ông nhưng bao giờ khi tôi hát, tôi cũng muốn phá cách một chút, muốn nó mang màu sắc mới hơn một chút, cá tính hơn một chút. (Tất nhiên bản chất của nó vẫn là ngọt ngào). Thế nhưng, ba tôi luôn tôn trọng cũng như kỳ vọng vào cá tính sáng tạo của con để nó thăng hoa khi hát những ca khúc của mình. Với ông, con cái dù lớn vẫn rất bé bỏng, non nớt trong mắt ông. Đứa trẻ con nào mà chẳng có sai sót nhưng ông đã rất bao dung".  Khi chia sẻ những điều từ sâu đáy tâm hồn này của mình, Lam thổn thức: "Tình cảm của người cha dành cho người con đó là một thứ tình yêu vĩnh cửu và bất diệt".

Vợ chồng Nhạc sỹ Thuận Yến và nghệ sỹ Thanh Hương.

Lam kể vào tháng 11 tới, chị và em trai Trí Minh sẽ kết hợp để làm một chương trình mang tên “Bản tình ca cha viết" để tiễn biệt ông cũng như tri ân những khán giả luôn yêu quý, luôn hâm mộ ông. Tự dưng nghe Lam nói tôi cứ nhớ mãi những câu trong "Bài không tên cuối cùng tiếp nối" của nhạc sỹ Vũ Thành An "Nếu không còn được gặp nữa/ giữ cho trọn ân tình xưa/Xin gửi em một lời nguyện/ được bình yên được bình yên về cuối đời". Thì ở đây, những nốt nhạc trong "Bản tình ca cha viết", phải chăng cũng là một lời xoa dịu, một lời nguyện ước cho người ra đi và người ở lại? Lam bảo ông đã lên đường để bước sang một thế giới khác, hạnh phúc hơn, nhiều niềm vui hơn và mong ông siêu thoát.

Chị cũng động viên các cháu của ông rằng việc ông mất là sự thật nhưng luôn tâm niệm 1 điều đó là ông sẽ không gần chúng mình nữa mà sẽ có 1 chuyến đi khác, dài hơn, xa hơn nhưng ở đó ông sẽ hạnh phúc. Chị nói thêm, dù các cháu đang nhỏ nhưng cũng hiểu chuyện. Chúng rất ngoan. Dù ba mất đi rồi nhưng những bài học mà ông đã dạy mình, chị cũng dạy lại các con như thế. Bởi với Lam, nhạc sỹ Thuận Yến là người tốt nhất trên đời.

Khi tôi cúi đầu chào mọi người để về cũng như nhìn lại căn nhà có bóng hình của người nhạc sỹ tài hoa này, gió vẫn thổi miên man trên đỉnh đồi mùa hạ ngay giữa lòng Hà Nội. Và khi ngồi lách cách viết những dòng này, đêm đã khuya và mưa cũng đã về chan hòa và thành thật, làm dịu bớt những ngày ngột ngạt nhất. Tự dưng tôi cả viết cả lẩm nhẩm mấy câu hát: "Mây buồn, giấu nắng ở đâu" trong ca khúc "Em tôi". Tôi không biết mây buồn giấu nắng ở đâu cả. Nhưng tôi biết, mây đã giấu đi một linh hồn thanh thản nhất nơi nào. Có lẽ là phía hoàng hôn có một màu hoa đỏ viên mãn nhất.

Nhạc sỹ An Thuyên: "Mừng ông trọn phận làm người!"

Trước sự ra đi của nhạc sỹ Thuận Yến, nhạc sỹ An Thuyên chia sẻ trên trang cá nhân: "Nhạc sỹ Thuận Yến là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ. Ông thành công và đứng hàng đầu 3 mảng: 1/.Ca khúc về cách mạng: "Mỗi bước ta đi", "Người Mẹ Miền Nam tay không đánh giặc", "Hát mừng quê ta giải phóng", "Màu hoa đỏ", "Gửi em ở cuối sông Hồng"... 2/.Đề tài Bác Hồ: với "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Vầng trăng Ba Đình", "Miền Trung nhớ Bác", " Người về thăm quê", "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin"... 3/. Đề tài tình yêu: "Tình yêu không lời", "Khát vọng", "Em tôi", đặc biệt "Chia tay hoàng hôn", một tuyệt phẩm đã đưa ông lên hàng nhạc sỹ viết tình ca hay nhất Việt Nam. Ông là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ nghệ sỹ noi theo.

Tài năng lớn , đạo đức cao cả. Suốt một đời chỉ biết hy sinh, dâng hiến. Rất nhiều người yêu mến ông, tôi chưa thấy người nào ghét nhạc sỹ Thuận Yến cả. Với tôi, ông là người thầy, người anh, người bạn đồng nghiệp, người đồng chí và đã có thời là thần tượng của tôi. Ông qua đời, đau buồn là lẽ thường tình. Ta cho cái mất mát ấy lẫn vào thẳm sâu đi để rồi ta mừng cho ông đã trọn bổn phận làm người ở đời, dâng hiến và thành công. Một đời người như ông là vinh quang và hạnh phúc. Cái tên nhạc sỹ Thuận Yến sẽ còn sống mãi với thời gian và đất nước này với những tác phẩm ông để lại.

Đậu Dung
.
.
.