Mệnh lệnh từ sinh mạng của dân

Thứ Sáu, 20/11/2020, 07:57
Từ sáng 14-11-2020, Công an huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phải cử tổ công tác gồm 3 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) để theo dõi việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van.


Chuyện xảy ra ngay trong thời điểm tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung đang đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của bão số 13.

Dự án Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW, do Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Trước đó, ngày 6-1-2020, thủy điện này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép tích nước đợt 1 đến cao trình 116 m trong thời hạn 90 ngày để chạy thử, kiểm tra thấm, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cũng như hoàn thiện các hạng mục hạ lưu.

Ngày 2-10, trước những dự báo về bão lũ, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Nam Đông đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án và yêu cầu phải đưa mực nước hồ chứa về ngưỡng tràn ở cao trình 104m từ ngày 2-10 đến ngày 7-10, sau đó tiến hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục tích nước hồ chứa mới được phép vận hành. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung, đề nghị không mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật vì không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9 của tỉnh này.

Vậy nhưng, kể cả khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện khẩn chống bão số 13, thủy điện Thượng Nhật vẫn tiếp tục tích nước trái phép, không chấp hành việc mở hoàn toàn 5 cửa van, bất chấp việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.

Khi phát hiện ra việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, đồng thời giao Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chỉ đạo Công an huyện Nam Đông, Công an xã Thượng Nhật bố trí lực lượng giám sát thủy điện trên.

Liên quan đến việc này, ngay trong chiều 14-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã phải có công văn gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh miền Trung, nêu rõ trong khi phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du thì có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật, gây mất an toàn cho hạ du, cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tối 14-11, Bộ Công Thương cho biết Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu thủy điện Thượng Nhật dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt để đưa mực nước hồ chứa về cao trình +114m (bằng cao trình ngưỡng tràn).

Chuyện của thủy điện Thượng Nhật một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo về các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý. Đó không chỉ là vấn đề qui hoạch, là chuyện tái tạo rừng thượng nguồn khi phải mất đi nhường cho dự án, mà còn là việc bất chấp an toàn cho dân sinh hạ du, bất chấp mệnh lệnh của chính quyền trong phòng chống bão lũ.

Phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, dù đó là thủy điện Thượng Nhật hay của bất cứ chủ đầu tư nào. Vì đó không chỉ là việc phải làm để đảm bảo trật tự kỷ cương trong công tác quản lý của chính quyền, mà còn là mệnh lệnh từ sinh mạng của người dân.

Minh Khôi
.
.
.