Miền Tây nước mặn tràn lan

Thứ Ba, 17/03/2020, 10:55
Những ngày này, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Nước mặn xâm nhập nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân.


Tiền nước tốn hơn tiền gạo

Trung tuần tháng 3, chúng tôi có mặt tại tỉnh Bến Tre và chứng kiến sự lo lắng của người dân khi đang bị hạn, mặn tấn công. Nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰. 

Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 57.000 hộ dân, với 205.000 người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Ngoài ra, trên 5.000ha diện tích lúa Đông Xuân có nguy cơ mất trắng. Khoảng 20.000ha cây ăn trái; hơn 72.000ha dừa; gần 1.500ha rau màu; hơn 100.000 cây giống, hoa kiểng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định: “Nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt để cung cấp có thể dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt lớn phải ngừng sản xuất, các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn”.

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Bến Tre phát nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn.

Những ngày qua, tại khu vực Bến Lở (phường 1, TP Bến Tre) dịch vụ mua bán, trao đổi nước ngọt cho người dân với giá khá cao, khoảng 100.000–300.000 đồng/m³ (tùy vào đoạn đường vận chuyển). Tại đây, chiếc sà lan của ông Trần Văn Tuấn (ngụ xã Phú Nhuận, TP Bến Tre) trước chở cát xây dựng với tải trọng khoảng 200m³, giờ được trưng dụng để chở nước từ huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đem về bán lại cho người dân. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ phường 1, TP Bến Tre) cho biết gần 2 tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc rất tốn kém. Gia đình bà đành phải “bấm bụng” thắt chặt chi tiêu các khoản khác để mua nước ngọt với giá cao. “Mỗi ngày, dù đã tiết kiệm tối đa nhưng gia đình tôi mất trên 100.000 đồng để mua nước ngọt. Mỗi tháng tốn trên 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức sống của gia đình chúng tôi”, bà Ngọc than thở.

Do nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, nên các sà lan đi lấy nước ngọt phải đi xa hơn về phía thượng nguồn nên giá thành cũng cao hơn. “Tính ra bây giờ tiền xài nước ngọt tốn hơn tiền gạo. Có thể một ngày không ăn cơm, chứ không thể không có nước được”, anh Nguyễn Minh Phương (SN 1988, ngụ phường Phú Tân, TP Bến Tre) nói. Theo anh Phương, mỗi ngày đều đặn 3 cử, 4h sáng, 12h trưa và 5h chiều, anh buộc 3 can nhựa loại 30 lít lên xe máy rồi chạy ra khu vực Bến Lở để mua nước ngọt. Mỗi ngày gia đình anh Phương mất khoảng 150.000 đồng tiền mua nước ngọt.

Còn tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông đến tận hộ gia đình với giá từ 150.000 đồng 350.000 đồng/m³, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Mỗi ngày tôi dùng xe công nông chở bồn nhựa phía sau để mang nước cung ứng cho người dân. Do chung quanh nước đã bị nhiễm mặn nên nhu cầu người dân dùng trong sinh hoạt, cho gia súc, gia cầm uống rất lớn”. 

Dọc các tuyến đường ở các huyện ven biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú dễ dàng bắt gặp những chiếc xe công nông chở theo bồn nước ngọt phía sau để cung ứng cho các hộ dân. Nước ở đây chỉ có độ ngọt chứ chưa đảm bảo vệ sinh vì lấy từ những giếng tầng nông ở giồng cát chưa qua lắng lọc, xử lý.

Kênh Tham Thu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cũng như nhiều tuyến kênh khác tại ĐBSLC đang cạn đáy.

Cây trồng “uống nước” cầm chừng qua mùa hạn mặn

Chợ Lách là huyện nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn và xâm nhập mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 - 6‰. Nhiều hộ sản xuất cây giống đang rất “đau đầu” tìm giải pháp trữ lượng phục vụ tưới tiêu. 

Còn tại ấp cù lao Tiên Lợi (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), được bao bọc bởi con sông Hàm Luông nhưng nước mặn xâm nhập đã ở mức 7‰ - 10‰. Nhiều nhà vườn như “đang ngồi trên đống lửa” khi sầu riêng rụng nhiều trái non và lá do thiếu nước ngọt phục vụ tưới tiêu. 

Chị Huỳnh Thị Đăng nói nghẹn: “Không chỉ riêng mình tôi, mà hầu hết các nhà vườn khác đều phải mua nước ngọt với giá khá cao để duy trì sự sống cho cây, chứ vụ mùa này xem như mất trắng. Dưới gốc chỉ dám tưới nhỏ giọt, trên lá thì phun sương, chủ yếu là giữ độ ẩm cho cây. Chúng tôi còn phải cắt bỏ trái non và nhánh để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, chỉ chịu được ở mức 0,5‰”.

Tại tỉnh Tiền Giang, kênh Tham Thu, huyện Gò Công Tây cũng đang cạn đáy. Ông Nguyễn Văn Đỡ cho biết khi đang cố bơm, vét số nước còn sót lại lên để cứu 2 công lúa (1.000m2/công) đang làm đòng. “Lúa đang làm đòng, sắp trổ bông. Thấy dưới đáy kênh còn ít nước đọng, tôi bơm lên xem như cứu được lúc nào hay lúc đó”, ông Đỡ nói.

 Những năm trước, vụ Đông Xuân này làm 2 công lúa sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cũng lãi được vài triệu nhưng năm nay coi như mất trắng. “Hồi năm 2016, hạn mặn vào thì lúa đã chín, còn năm nay lúa mới làm đồng, trổ bông đã bị thiếu nước. Làm lúa, nông dân chỉ chờ vụ Đông Xuân, kiểu này thì thua rồi”, ông Đỡ nói giữa trưa nắng trên cánh đồng kiệt nước ở xã Đồng Thạnh.

Thời điểm này, nước ngọt cho sinh hoạt là nhu cầu cấp bách của người dân vùng hạn, mặn.

Trên cánh đồng các xã Đồng Thạnh, Đồng Sơn, Bình Phú, Thạnh Trị, Bình Nhì thuộc huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), nước trên kênh đã khô cạn, đất nứt nẻ. Ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng có nguy cơ chết khô vì thiếu nước. Các vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cũng đang “gồng mình” trong cơn khát hạn, xâm nhập mặn.

Ông Võ Văn Hiệp (ngụ xã Ngũ Hiệp, thị xã Cai Lậy) cho biết, gia đình 9 công sầu riêng đang cho trái nhưng thiếu nước tưới vì nước sông đã nhiễm mặn. Giữa cái nắng cháy da, cháy thịt ở xứ Tân Thạnh (huyện Gò Công Đông), ông Nguyễn Văn Thê vừa đi thăm đồng về tới nhà đã nói với vợ “lúa vụ này coi như bỏ, mất trắng”. Ngay trong vùng ngọt hóa Gò Công, nhiều tuyến kênh kiệt nước, ruộng đồng khô hạn, cây ăn trái không có nước tưới.

Tình người trong cơn khát

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạn, mặn đã làm thiệt hại khoảng 39.000ha lúa; hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang thiếu nước sạch. Cụ thể tại Sóc Trăng 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ.

Trong khó khăn đã có những câu chuyện đẹp về tình người. Đó là bà Nguyễn Thị Huởn (SN 1944, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) có giếng nước ngọt quanh năm, ngay cả lúc xung quanh đều bị nước mặn xâm nhập. 

Hàng ngày bà Hưởn cùng các thành viên trong gia đình vận hành máy bơm nước ngọt lên để phát miễn phí cho người dân lân cận. Mỗi ngày, giếng nước ngọt của gia đình bà Huởn có thể thu được khoảng 27.000 lít nước ngọt. Bà phải cử đứa con trai túc trực bên máy bơm để khoảng 15 phút khi giếng có nước là bơm lên bồn chứa cho người dân đến lấy. 

Nhiều người tính toán rằng nếu gia đình bà Hưởn bơm nước lên bán bằng với giá thị trường thì mỗi ngày cũng lãi vài triệu đồng nhưng gia đình bà chỉ cho không và nhận lại sự mừng vui của người dân đến xin nước. Không chỉ cho miễn phí, gia đình bà Hưởn còn chấp nhận tốn chi phí bơm gần một triệu đồng tiền điện mỗi tháng để giúp người dân có nguồn nước ngọt sử dụng.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì hạn hán và xâm nhập mặn.

Những ngày qua, cùng với các ban, ngành, nhà hảo tâm, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn trên địa bàn. Với tinh thần “cứu mặn như cứu hỏa”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre đã vận động các nhà hảo tâm chở nước ngọt từ đầu nguồn về, sau đó dùng xe chuyên dụng và máy bơm để vận chuyển và cấp phát miễn phí cho người dân tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành. 

Cùng với đó, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre còn chỉ đạo Chi đoàn các đơn vị nghiệp vụ, Công an cơ sở phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tập trung cho hoạt động động hỗ trợ cho người dân ứng phó với hạn mặn đang diễn ra gay gắt. 

Những phần việc cụ thể gắn liền với 3 hoạt động chính: Vận chuyển nước ngọt đến nơi, hỗ trợ đào giếng khơi, vận động tặng nước ngọt, nước uống cho bà con nhân dân. Qua đó, kết hợp công tác tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng tiết kiệm nước ngọt, chủ động trữ nước.

Trần Lĩnh
.
.
.