Miền Trung:

Hoang mang vì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện khắp nơi cắn người

Thứ Ba, 16/12/2014, 11:00
Sau xôn xao tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện, cắn người tại Quảng Ngãi vào đầu tháng 11, thì nhiều ngày qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam lại liên tục tiếp nhận 8 trường hợp người dân bị rắn lục cắn vào cấp cứu. Riêng TP. Đà Nẵng, các hộ dân sống tại khu vực tổ 4, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà hiện sống trong lo sợ. Và không chỉ gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Vân bị rắn bò vào sân, mà nhiều nhà dân ở tổ 4 cũng bị rắn lục đuôi đỏ "hỏi thăm" suốt cả tuần nay!...
Từ nghi án "người lạ" thả rắn lục đuôi đỏ tại Quảng Ngãi

Theo lời của người dân xóm 4, thôn An Hà 3 và Phổ Văn (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nơi phát hiện rắn đuôi đỏ cắn người đầu tiên tại Quảng Ngãi đã cho biết: Trước một ngày khi rắn lục đuôi đỏ được phát hiện, có thấy một nhóm người đàn ông lạ mặt đến địa phương, lai vãng ở vườn nhà dân... với hành vi mờ ám. Nhóm này khoảng 6 người, nhìn dáng vẻ kỳ lạ với lý giải là đi tìm cà gai leo phải đi trên núi, nhưng chỉ thấy họ men dọc bờ mương, kênh nước. Người dân cũng khẳng định, vùng này cây cà gai leo rất hiếm và xưa nay chưa từng có người lạ đến đây tìm, ngay cả người dân địa phương cũng chưa thấy cây thuốc này lần nào.

Đặc biệt hơn nữa là vùng này xưa nay không hề có loại rắn lục đuôi đỏ, nhưng kỳ lạ là lại xuất hiện liên tục, còn cắn người từ khi có nhóm người lạ mặt kia. Theo bà Nguyễn Thị Cách (xóm 4, thôn An Hà 3), cách đây 1 tuần, khi đang cùng con rể là Phan Quang Út đứng trước hiên nhà thì bất ngờ phát hiện 1 con rắn lục to bằng ngón tay giữa, dài khoảng 50cm, đuôi màu đỏ bò trên sân nhà. Thấy con rắn ngẩng đầu định cắn, anh Út nhanh tay vớ lấy cái chổi quật chết. Bà Cách cũng hoang mang, rắn lục thường ở trong bụi cây, sao nay lại bò ra ngoài đường, mà xưa nay chỉ thấy rắn lục màu xanh chứ không thấy con nào có màu xanh mà đuôi màu đỏ thế này cả...

Cách nhà bà Cách không xa, bà Từ Thị Thu đang quét sân sau cũng phát hiện một con rắn toàn thân màu xanh và đuôi màu đỏ đang nằm khoanh tròn gần bụi chuối. Hoảng quá, bà hô hoán chồng con chạy ra để cùng giết rắn. Sau đó, chồng bà cùng với con trai đi kiểm tra xung quanh nhà thì phát hiện thêm một con rắn dài khoảng 0,8m, đầu to bằng ngón chân cái, đuôi màu đỏ cách chỗ con rắn lúc trên chừng 6m. Bà Thu cho biết, phía sau nhà bà là cánh đồng không có bụi rậm gì nên việc có hai con rắn sau nhà là hết sức kì lạ? Và từ trước đến nay, chưa bao giờ có rắn xuất hiện ở nhà bà như thế này.

Rắn đuôi đỏ xuất hiện, tấn công khiến người dân tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng hoang mang, lo lắng.

Trường hợp bị rắn cắn phải nhập viện là em Võ Thanh Thật (17 tuổi, ở xóm 5, thôn Phổ Văn) đi học thêm về khoảng 18h ngày 7/11, vừa bước vào sân, bất ngờ bị một con rắn lục đuôi đỏ không biết nằm sẵn từ bao giờ cắn vào chân trái. Chỉ vài giây sau, chân trái của em sưng to, tím tái; kèm theo triệu chứng đau đầu và ói mửa... Em Thật đã được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kịp thời nên may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Nguyễn Thủy Chí - Trưởng Công an xã Nghĩa Trung, cho biết: "Có nghe thông tin về việc phát hiện rắn lục đuôi đỏ. Trước tình hình có người bị rắn cắn, chúng tôi đã thông báo trên loa phát thanh để người dân đề phòng cảnh giác. Nếu thấy có người lạ khả nghi xuất hiện thì phải báo ngay với Công an xã để can thiệp kịp thời.  Đồng thời có nhận tin báo về việc một nhóm người lạ mặt mang bao tải xuất hiện ở 2 thôn trên.

Tuy nhiên nhóm người lạ trên đến đây làm gì, có liên quan đến nghi vấn của người dân hay không thì chúng tôi đang điều tra, xác minh. Để cho an toàn, người dân trong vùng cần hạn chế ra ngoài vào ban đêm, thường xuyên kiểm tra mọi ngóc ngách  trong nhà. Tối ngủ thì đóng cửa cài then chặt hơn. Không cho trẻ con chơi gần bụi rậm, bờ ruộng ven sông. Cùng với đó là việc phát quang bụi rậm, bờ rào quanh nhà để xua đuổi rắn lục đuôi đỏ bò vào ẩn nấp...

Đến vic rn xut hin khp nơi và cn người ti Qung Nam

Sau Quảng Ngãi, liên tiếp những ngày gần đây, người dân tại các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước.... của tỉnh Quảng Nam cũng hoang mang không kém vì hiện tượng rắn lục đuôi đỏ tấn công vào ban đêm. Vào đêm 13/11, ông Võ Văn Toán (46 tuổi, trú tổ 10, thị trấn Hà Lam, huy. Thăng Bình) bị một con rắn lục đuôi đỏ cắn vào bàn chân trái khi đang đứng ngay trước ngõ. Nạn nhân nhanh chóng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cấp cứu.

Qua hai ngày điều trị tại đây, ông Toán có biểu hiện nặng hơn với triệu chứng máu loãng nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị. Tiếp đến, tối 16/11, sau khi vào thăm ông Toán ở bệnh viện về, ông Nguyễn Bảy (42 tuổi, hàng xóm với ông Toán) cũng bị rắn lục đuôi đỏ tấn công trước ngõ. Rất may do ông Bảy biết sơ cứu kịp thời nên đã không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Khu vực rắn đuôi đỏ xuất hiện.

Không chỉ tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, theo phản ánh của người dân tổ 4, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì họ vô cùng bất an bởi trong gần 1 tháng trở lại đây, khu vực dân cư này liên tục bị đe dọa bởi sự tấn công của rắn lục đuôi đỏ và rắn thường bò vào nhà dân lúc trời chạng vạng tối. Chị Nguyễn Thị Thùy Vân (34 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: "Khoảng 18h ngày 14/11, cả gia đình tôi đang ngồi xem tivi thì tá hỏa vì phát hiện một con rắn lục đuôi màu đỏ bò vào ngay trước sân nhà. Vì thấy nó quá hung dữ nên chồng tôi phải kêu cả người hàng xóm qua đập chết rồi đem đi vứt".

Trước đó không lâu, cũng ngay tại sân nhà chị Vân từng xuất hiện một con rắn lục đuôi đỏ to bằng ngón tay cái. Vì rắn liên tục xuất hiện, bò vào sân nhà nên chị Vân và gia đình đã đi mua lưới thép đan nhỏ rào ngay trước cổng để phòng rắn. Và nghe lời chỉ bảo phương cách dân gian của nhiều hàng xóm, là giã tỏi và cây xả rải khắp nơi quanh nhà để "trừ rắn"...

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 8 bệnh nhân bị rắn lục cắn đang được điều trị, trong đó có 3 ca nặng. Khuyến cáo cấp thiết nhất đối với người dân ở các vùng nông thôn là: Hạn chế không nên đi bộ ra đường vào ban đêm, nhất là những nơi có cây cối rậm rạp.

Cảnh giác đặc biệt trong mùa mưa lũ ở miền Trung, mùa gặt hái và ban đêm; Đi giày, ủng, mặc áo quần dài nhất là đi trong đêm hoặc khu đất rậm; Dùng đèn pin, đèn chiếu sáng; Tránh ngủ trên nền nhà, tránh các đống gạch vụn, rác rưởi, ụ mối... vì nơi đó rất hấp dẫn rắn; Không cầm rắn chết (ngay cả khi đầu rắn bị chặt rồi vẫn bị cắn) hoặc rắn sống; Khi bị rắn cắn nên sơ cứu tại chỗ và sớm đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu ngay, không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Còn theo thống kê sơ bộ của các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay có gần 40 trường hợp nhập viện do bị loài rắn này cắn. Trước tình trạng người dân liên tục bị rắn tấn công, ngày 19/11, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cũng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các Hạt kiểm lâm phối hợp với các huyện, thành phố khoanh vùng xuất hiện rắn lục đuôi đỏ để mở đợt truy bắt. 

Ông Nguyễn Văn Hân, Chi Cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi nhận định, do lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình các năm trước, lại chưa có lũ về đã tạo điều kiện cho loài rắn lục đuôi đỏ sinh sôi nhiều ở vùng đồng bằng. Người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà, nhất là những khu vực có vũng nước; Khi lao động sản xuất (nhất là mùa trồng rừng) cần mang ủng, đeo găng tay đề phòng rắn cắn.  Bác sĩ  Phan Minh Đan, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa cũng chia sẻ: Rắn lục cắn thường gây sưng, đau nhức, nặng có thể hoại tử.

Một trong những nạn nhân của rắn đuôi đỏ là em Võ Thanh Thật. Sau 5 ngày bị rắn cắn, chân em vẫn còn sưng.

Nếu gây tổn thương toàn thân có thể gây rối loạn đông máu (gây chảy máu hoặc tạo những cục máu đông trong mạch máu). Khi bị rắn cắn, người bệnh không nên hốt hoảng, không tự ý đi lại mà nhờ người thân hoặc người dân xung quanh hỗ trợ, giúp đỡ sơ cứu ban đầu. Nếu cắn ở tay, cần cố định bàn tay, cẳng tay, dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ người bệnh. Nếu cắn ở chân cần cố định bàn chân, cẳng chân, đùi. Có thể dùng dây vải hoặc băng vải cố định hai chân lại với nhau. Khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu... Và thực trạng rắn lục đuôi đỏ cắn người ở địa bàn các huyện ở Quảng Ngãi và nay là Quảng Nam, Đà Nẵng đã gây hoang mang trong dư luận và nguy hại đến sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người dân. Chính vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và có biện pháp diệt trừ, ngăn chặn rắn đuôi đỏ xuất hiện tràn lan như hiện thời. Và cũng cấp thiết làm rõ có hay không nghi vấn có bàn tay của con người, hoặc hiện tượng thiên nhiên bất thường đã tạo nên "dịch" rắn đuôi đỏ gây hại cho người dân.

Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris) thuộc họ rắn lục (Viperidae), bộ có vảy (Squamata). Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60cm với cân nặng khoảng 300gram. Đây cũng là loài đặc biệt vì trong họ hàng nhà rắn lục chỉ có rắn lục đuôi đỏ là loại đẻ con. Lúc rắn mẹ mang thai thì do cấu tạo đặc biệt, nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất. Rắn độc cắn là bệnh lý cấp cứu thường gặp; nhất là ở nơi có điều kiện địa lý vùng núi và nông thôn.

Thời điểm bị rắn cắn thường vào ban đêm, tần suất bị rắn cắn tăng vào những ngày có trời nắng nóng sau đó đổ mưa buổi chiều, vào mùa mưa lũ... Triệu chứng và dấu hiệu tại chỗ của vùng bị rắn cắn là đau, chảy máu, bầm tím, sưng hạch, viêm, ápxe, hoại tử... Triệu chứng toàn thân: Buồn nôn, nôn, đau bụng, yếu toàn thân, mệt lả. Chóng mặt, ngất, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, rối loạn đông chảy máu, liệt cơ…

Hoài Thu
.
.
.