Mô hình "cụm dân cư điện tử" - Ý tưởng độc đáo cần được nhân rộng

Thứ Hai, 15/05/2017, 13:41
Khi mà công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thì những thuật ngữ "Chính quyền điện tử", "Công dân điện tử" trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng, để có một cầu nối giữa "Chính quyền điện tử" và "Công dân điện tử" là điều không hề đơn giản.


Phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã sáng tạo ra cầu nối ấy bằng mô hình "Khu dân cư điện tử, tổ dân phố điện tử" cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đến tận nơi ở của người dân. Ý tưởng táo bạo của chính Chủ tịch UBND phường được người dân và các cấp đánh giá hiệu quả và vô cùng thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí đi lại cho người dân.

Đồng cảm với người dân

Bấy lâu nay, TTHC là nỗi ám ảnh của hầu hết người dân, thế nhưng tại phường Hạ Đình, nó chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Giữa giờ hành chính nhưng không khí tại phường Hạ Đình, đặc biệt là phòng một cửa khá vắng vẻ.

Giải thích vấn đề này một cán bộ của phường cho hay: "Khoảng hơn một năm nay, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết các TTHC. Các thủ tục hành chính của người dân sẽ được thực hiện thông qua các "cụm dân cư điện tử".
Tại các "cụm dân cư điện tử" luôn có các tình nguyện viên túc trực

Người dân chỉ phải đến UBND phường duy nhất một lần, đó là so sánh bản gốc là xong". Người "thai nghén" ra ý tưởng này không ai khác chính là Chủ tịch UBND phường, thạc sỹ Nguyễn Văn Minh.

Nó là công sức, tâm huyết của anh suốt một thời gian dài. Nói đến "cụm dân cư điện tử", anh Minh có thể kể tường tận, cặn kẽ về những hữu ích của nó.

Anh Minh gắn bó với công tác cải cách hành chính (CCHC) từ năm 2011. Hơn ai hết anh hiểu được sự vất vả, mệt mỏi của người dân mỗi lần đi giải quyết TTHC. Nếu có thuận lợi thì người dân vẫn phải đi đi, về về hai vòng giữa nhà và UBND, chưa kể thời gian chờ đợi.

Thương người dân là thế, cảm thông là vậy nhưng anh chưa tìm ra phương án khả thi. Khi UBND quận Thanh Xuân đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào CCHC và xây dựng "chính quyền điện tử" thì ý tưởng xây dựng "cụm dân cư điện tử" bắt đầu le lói trong anh.

"Ý tưởng xây dựng "cụm dân cư điện tử" cứ thế lớn dần trong tôi. Tôi đã quyết tâm xây dựng kế hoạch, xin ý kiến của UBND quận và Đảng ủy - UBND phường Hạ Đình. Rất may mắn ý tưởng đó của tôi được sự đồng thuận của các cấp, tôi đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Người dân đồng tình, ủng hộ mô hình đặc biệt này.

Địa điểm được chọn là Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 6 tại tòa nhà X2, ngõ 214 đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân - nơi đây khá đầy đủ, rộng rãi, thoáng mát. Tôi háo hức đến mức mang cả máy tính của mình đến để các tình nguyện viên làm việc.

Ngoài ra chúng tôi đầu tư thêm một máy in, 1 máy scan. Mọi việc đã hoàn thành, tất cả đã sẵn sàng cho một quy trình thực hiện giải quyết TTHC hiện đại. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình này được mở rộng thêm là cụm dân cư số 7, số 8" - anh Minh chia sẻ.

Một khó khăn thách thức được đặt ra lúc này là những TTHC đều được thực hiện thông qua một phần mềm và sử dụng mạng Internet, trong khi đó, không phải người dân nào cũng có thể sử dụng công nghệ thành thạo. Vì thế để nhân dân nắm rõ mô hình này, vị Chủ tịch cho niêm yết bộ TTHC được thực hiện tại cấp quận và cấp phường ở đây bằng hình thức trực quan.

Đồng thời nâng cao kế hoạch tuyên truyền đến từng người, từng hộ gia đình, giúp nhân dân nắm được mô hình bằng nhiều kênh như qua hệ thống đài phát thanh của phường. Mỗi khi tổ dân phố họp, họp chi bộ khu dân cư, thông tin về mô hình này lại được phổ biến.

Không dừng lại ở đó, UBND phường còn tổ chức một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên nhiệt huyết. "Chúng tôi quan niệm, mỗi cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC của UBND phường là một cộng tác viên tích cực, những người này được theo học khóa bồi dưỡng CNTT và chính quyền điện tử.

Tại "cụm dân cư điện tử" hiện nay có 4 tình nguyện viên bao gồm cả những người có kinh nghiệm cuộc sống, những thanh niên năng động, nhiệt huyết và hiểu biết" - anh Minh chia sẻ.

Nửa đêm cũng có thể giải quyết được thủ tục hành chính

Mới nghe qua, tưởng như "cụm dân cư điện tử" là phức tạp và khó sử dụng, nhưng thực tế lại đơn giản. Hình thức hoạt động là bất cứ thời gian nào trong ngày, khi công dân có nhu cầu thực hiện TTHC đều có thể đến để tìm hiểu và nghe hướng dẫn tận tình.

Tại "cụm dân cư điện tử" luôn niêm yết số điện thoại của các tình nguyện viên, công dân có thể gọi bất cứ lúc nào. Các tình nguyện viên sẽ phục vụ với thái độ niềm nở, ân cần. Thậm chí các tình nguyện viên này sẽ đến tận từng gia đình hướng dẫn cách thức làm TTHC.
Chủ tịch UBND phường Hạ Đình trong lễ khánh thành "cụm dân cư điện tử" - mô hình thí điểm.

Bất kể gia đình nào có người sinh em bé, chỉ sau một vài ngày, tình nguyện viên sẽ đến gõ cửa hỏi thăm sức khỏe hai mẹ con, chủ động hướng dẫn làm giấy khai sinh cho con tại nhà. Hoặc gia đình có người mất, sau khi gia chủ to tang lễ, tình nguyện viên cũng đến để chia buồn và hướng dẫn gia quyến làm giấy khai tử cho người đã khuất để đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật.

 Đặc biệt hơn cả, sau khi các bạn trẻ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại "cụm dân cư điện tử", đại diện chính quyền sẽ đến trao trực tiếp giấy đăng ký kết hôn tại lễ thành hôn.

"Mọi người chỉ cần chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet là các thủ tục được thực hiện ngay tại nhà. Căn cứ vào thời gian trên phiếu hẹn, người dân sẽ mang đến phường lấy kết quả của giấy tờ cần giải quyết"- anh Minh chia sẻ.

Trước đây, công dân tại phường Hạ Đình làm thủ tục hành chính chắc chắn phải đến đúng giờ hành chính mới giải quyết. Không những vậy, muốn giải quyết một hồ sơ hành chính, công dân ít nhất mất 2 lần đến trụ sở UBND phường hoặc UBND quận, một vòng nộp hồ sơ, một vòng lấy kết quả.

Từ khi có "cụm dân cư điện tử" nói riêng và TTHC qua mạng nói chung, công dân hoàn toàn có thể gửi hồ sơ ngoài giờ hành chính, bất kể khi nào rảnh rỗi. Rõ ràng khi có "cụm dân cư điện tử" cả thời gian và công sức của người dân đều được tiết kiệm tối đa; chi phí cũng giảm đi đáng kể.

Không những vậy, mô hình "cụm dân cư điện tử" chỉ là để giải quyết TTHC cho những công dân đang sinh sống trên địa bàn. Thế nhưng chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, "cụm dân cư điện tử" đã thu nhận giải quyết rất nhiều hồ sơ hành chính của công dân gửi đến qua mạng Internet, trong số đó không ít người ở ngoài địa bàn, thậm chí còn đang sinh sống rất xa khu vực Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thắng (65 tuổi, phường Hạ Đình) cho biết: "Quả thực đây là mô hình đem lại hiệu quả rất cao, rất thuận lợi cho công dân và tổ chức. Chúng tôi đến đây sẽ được hướng dẫn cụ thể, thậm chí các tình nguyện viên đến tận nhà để hướng dẫn. Gửi hồ sơ qua mạng chính là việc tiếp dân trên máy và trả lời trên máy.

Như thế sẽ có độ chính xác rất cao, lại sử dụng hiệu quả việc ứng dụng CNTT". Cùng chung quan điểm, anh Trần Tiến Minh (phường Hạ Đình) cho biết: Nhờ mô hình "Khu dân cư, Tổ dân phố điện tử" tôi không phải ra phường và lên quận mà chỉ nộp hồ sơ qua mạng bất kể thời gian nào.

Thay vì đi lại nhiều lần, giờ chúng tôi chỉ phải đến phường một lần lấy kết quả. Những lần trước tôi đi làm thủ tục khổ sở lắm, đứng xếp hàng chờ đợi, nhiều hôm còn không đến lượt lại trở về nhà. Tôi nghĩ cần mở rộng mô hình như thế này trên khắp cả nước đế bà con nhân dân đỡ vất vả, tiết kiệm được thời gian".

Đánh giá về mô hình "cụm dân cư điện tử", "tổ dân phố điện tử" tại phường Hạ Đình, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, đây là mô hình đạt hiệu quả tốt. Chính quyền điện tử phải có cơ quan điện tử, công dân điện tử, công chức điện tử.

Sau khi thí điểm tại phường Hạ Đình, dự kiến chúng tôi sẽ triển khai mô hình này tại khu chung cư Hapulico (phường Thanh Xuân Trung) và tiến tới nhân rộng ở các khu chung cư khác trên địa bàn - những nơi tập trung đông dân cư, có điều kiện phát triển dịch vụ.

Sẽ nâng lên cấp độ 4

Sau khi thành công ở cấp độ 3, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Văn Minh chia sẻ: "Tôi đang dự định sẽ nâng lên thành cấp độ 4. Đó là cấp độ TTHC hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, thậm chí áp dụng được trên cả nước. Thông thường các doanh nghiệp khi làm TTHC sẽ phải đi lại rất nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc tốn thời gian và tiền bạc. Cấp độ 4 là khi doanh nghiệp có nhu cầu sẽ vào phần mềm của tôi, trên phần mềm này sẽ có toàn bộ các danh mục để công dân, doanh nghiệp lựa chọn. Tất cả sẽ được tính toán tự động, số lượng hồ sơ, văn bản cần làm được tính ra thành tiền. Sau khi lựa chọn những danh mục hồ sơ cần làm sẽ có người lấy về làm trực tiếp, khi hoàn thiện sẽ trả lại cho doanh nghiệp. Tất nhiên sẽ có một đội làm nhiệm vụ vận chuyển hồ sơ, gọi nôm na là shipper. Nhưng đây không phải là những người chuyển hàng bình thường, họ sẽ được chúng tôi quản lý về hồ sơ, có bảo lãnh đàng hoàng. Tất cả những hòm thùng, đựng giấy tờ hồ sơ sẽ được dán niêm phong do chúng tôi làm. Tôi nghĩ làm được như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc. Hơn nữa mọi thứ sẽ trở nên nhanh và chính xác hơn rất nhiều".

Phong Anh
.
.
.