MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng:

Mỗi lần nhớ Tết xưa, chỉ biết rớt nước mắt

Thứ Hai, 16/01/2017, 11:16
Tính tình nhiều lúc chua như… khế. Nổi tiếng là MC "ngoa" nhất Việt Nam. Thấy mặt ở đâu là xôm trò ở đó. Nhưng cũng con người đó, có những lúc trở nên tư lự, trầm buồn đến kỳ lạ. Trong câu chuyện với MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng vào những ngày bận rộn cuối năm này, anh dành nhiều thời gian để nói về Tết, về mẹ.


- Có người nói rằng, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng có mỗi chất giọng để "lòe" thiên hạ. Anh thấy sao? Ngoài chất giọng đặc biệt, anh còn có gì nữa?

+ Chất giọng là quà tặng của Chúa. Giọng là Chúa cho. Tôi chả loè thiên hạ làm gì. Người ta bảo giọng tôi lạ độc, tôi chỉ cười. Nọc rắn còn có thuốc giải độc thì cái giọng tôi nói mãi suốt gần hai chục năm nó cũng hết độc rồi.

Tôi cho rằng nếu chất giọng tôi được mọi người nhớ thì không phải là do chất giọng mà là do cái giọng ấy nói cái gì và nói như thế nào. Tôi vốn lười, thấy những nội dung vô thưởng vô phạt thì tôi lại... lên cơn lười. Phim nào hay thì không tiền tôi cũng xin đọc.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng.

Cũng có thể, tôi biết thân biết phận, hiểu cái giọng khàn khàn, đục đục, rè rè của mình chả giống ai nên tôi nhả chữ, nhấn nhá nó cũng hơi khác người thì phải? Tôi cũng không biết nữa.

Cảm xúc thế nào thì phát ra âm thanh thế ấy. Tôi chưa già đến mức "đúc rút kinh nghiệm". Mà chắc gì đã có ai cần đến "kinh nghiệm" của tôi.

Ngoài chất giọng thì tôi cũng như mọi người, đều có một tâm hồn, một trái tim. Tôi chỉ mong trái tim mình còn đủ nóng để yêu đời và yêu người.

- Nhưng chất giọng trời phú ấy hình như theo thời gian ngày càng nhạt phai đi ít nhiều? Tại anh già đi, hay vì hút thuốc, thức khuya… Theo tôi biết, việc giữ giọng với một MC, lại một MC đi hát vô cùng quan trọng. Anh hơi phóng túng thì phải?

+ Tôi thấy việc giữ giọng cũng tốt thôi nhưng có lẽ tôi không nằm trong số "tốt thôi " ấy. Tôi ti toe đi học hát, luyện thanh để giữ hơi hám, vị trí âm thanh... thế thôi; chứ không uống nước đá, không ăn cay với những gì gì nữa thì tôi chịu...

Đời đã ít niềm vui mà cứ tự bó buộc mình thì chán lắm. Tôi không có khả năng tự khoá cái miệng mình lại.

- Anh vừa nhắc đến tâm hồn, trái tim. Tâm hồn Nguyên Hữu Chiến Thắng thì có vị như thế nào nhỉ?

+ Tâm hồn tôi hình như khá giản dị. Vui thì cười. Buồn thì khóc. Tôi ít che giấu cảm xúc. Nó là cái trò nói vống lên, hay bảo là ngoa ngoắt cũng được, để tự sắm sửa cho mình những niềm vui không mất tiền.

Tôi nhẹ dạ, ham vui nhưng cũng dễ buồn. Nói chung là cái gì cũng hơi quá nên đôi khi người đối diện phải nhăn mặt, kiểu như ăn phải một miếng khế chua.

- Quả khế đó có vẻ dễ bị rụng thì phải? Ý tôi nói là Thắng có vẻ mong manh, dễ vỡ đấy…

+ Mong manh yếu đuối không phải học mà được đâu. Nó là biểu hiện của sự tinh tế trong con người. Nếu được là người tinh tế, dễ xúc động thì tôi xin làm quả khế rụng, nhất là rụng vào nồi canh chua.

- Anh vừa nói rằng cái gì ở anh cũng hơi quá; khiến tôi nhớ đến vài câu hát của nhạc sỹ trẻ Sa Huỳnh. Đó là: "Điều nào quá cũng làm ta đau"," điều nào quá cũng làm ta dại khờ"...

+ Đúng. Cái gì quá cũng làm ta đau, làm ta dại khờ. Tôi tâm đắc quá. Nhưng tôi sẵn sàng nhận sự đau, sự dại khờ ấy. Nó làm mình trầm hơn và làm mình biết yêu biết ghét hơn. Cái ăn hằng ngày tôi chả ngại chua cay mặn ngọt thì thức ăn cho tâm hồn có dại khờ, có đau cũng là thường.

-  Anh từng nói rằng, Hà Nội cảnh vẻ, ngột ngạt. Nói vậy nhưng anh cũng có dám bỏ Hà Nội mà đi đâu?

+ Ai cũng có những gốc rễ giằng níu. Gia đình tôi còn ở đây. Cha tôi lớn tuổi rồi. Và còn nhiều chuyện khác nữa. Thiên thần còn chấp nhận có khi gãy cánh nữa là người phàm trần như tôi. Đâu phải dễ dứt bỏ mọi ân tình để ra đi và cư trú ở một nơi chốn khác. Hơn nữa, tôi chấp nhận ngóng những chân trời xa. Thi thoảng, giang hồ vặt, rồi lại quay về.

- Nhưng "giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà". Nhà của Nguyễn Hữu Chiến Thắng ở…?

+ Tôi là đứa không ham tiền, không có ý thức "giữ của" nên giờ này, tôi chưa có một căn nhà của mình. Tôi biết ơn cha mẹ tôi vô cùng khi cha mẹ tôi đã chắt chiu tích cóp cho tôi một mái nhà.

Rộng hơn, gia đình tôi là những người yêu thương tôi. Mà nơi nào có tình yêu thương chân thành nơi ấy là quê hương, là nhà mình.

- Anh ăn Tết Hà Nội dễ đến mấy chục năm nay rồi còn gì?

+ Tết Hà Nội bây giờ với tôi đồng nghĩa là ngủ bù. Chẳng ai còn lạ gì áp lực công việc những ngày giáp Tết. Cả vòng quay cuồng nộ cho những chương trình TV Tết. Rồi nghỉ. Hẫng một cái. Chưa kể, Tết có khi phải đi làm.

Bây giờ, bên cạnh những guồng quay, tôi thấy thương mẹ đến thấm thía. Tết đầu tiên khi mẹ tôi từ giã đời sống, tôi chỉ muốn buột miệng gọi “Mẹ ơi”! Cả một căn nhà bừa bộn như nhà hoang.

Tự tay mình phải làm tất cả, từ hạt gạo, đĩa xôi, con gà tới cọng hành, từ nấu cỗ tới mua hoa trang hoàng ngày Tết. Đêm 29 Tết lạnh căm căm, tôi phi xe đi mua một cây mai trắng, tôi thấy lòng mình còn lạnh hơn gió bấc. Lúc ấy, tôi thương mẹ đến quặn lòng.

Có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ bảo rằng: Có gì mà quan trọng, cái gì chả mua được. Nhưng cái Tết bên cha mẹ thì không tiền nào mua được đâu.

- Tết là dịp để nhớ tình xưa nghĩa cũ lâu ngày mình quên mất. Nhưng nhiều người bây giờ đang dần quên nó và nhìn nó như một hủ tục?

+ Dại dột quá! Không có tình người thì làm sao sống cho ra con người? Quên tình nghĩa thì hành xử trong đời sống chỉ còn là kỹ năng à? Thế thì còn gì là ý nghĩa của đời sống?

- MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng  nhớ về Tết là nhớ về gì vậy?

+ Mỗi Tết là một kỷ niệm. Quên kỷ niệm thì làm sao sống cho ngày mai?

Cái Tết hồi bé, trẻ con cả phố đi xếp hàng đong gạo, mua dầu hoả, mà không được cầm tem phiếu với tiền. Bởi vớ vẩn lơ đễnh đánh rơi mất thì cả nhà mất Tết. Mua các thứ rồi, trẻ con cả phố rủ nhau ra vỉa hè rửa lá dong, đãi đỗ, ngâm gạo. Cố chờ giao thừa nhưng cứ đúng giao thừa thì ngủ mất.

Cái Tết đầu tiên thời sinh viên ở Nga, nhiệt độ -25 độ C, tuyết rơi 40cm. Hai mươi đứa tụ tập lại làm cỗ. Bánh đa nem khô giòn vỡ vụn, phải lấy chỉ buộc lại cho cái nem khỏi vỡ.

Bánh chưng thì gạo nếp Ấn Độ, thịt heo Nga, gói bằng áo bay Nga rồi đun bằng nồi áp suất. Làm đào giả bằng cách bẻ một cành bạch dương cắm trong nước trong phòng ấm. Vài ngày cành khô nảy lộc, làm hoa giấy gắn lên. Đúng giờ giao thừa, khi đó là 20h giờ Moscow là ăn cỗ. Có cả một cuốn casette thu tiếng pháo. Đứa nào cũng khóc. Chúng tôi có cái Tết đầu tiên làm người lớn no đủ nhưng cái thiếu của chúng tôi là gia đình, quê hương thì không gì thay thế được.

Khi về nước, đó là cái Tết bắt đầu gắn với guồng quay công việc. Vứt hết mọi việc "nhỏ nhặt" của cái Tết lên vai mẹ. Nhiều khi cha mẹ cứ bảo: Ừ mày thích thì cứ đi chơi cho vui, cho năm mới tươi tắn. Bây giờ mới hiểu phần nào những hy sinh của cha mẹ. Mỗi lần nhớ Tết xưa, chỉ biết rớt nước mắt.

- Thường là thế. Khi mất mát rồi mới biết quý trọng những điều mình đã có…

Nhưng mình có thể ý thức sớm hơn để giữ gìn. Và đấy là cách tránh một nỗi đau không cần thiết, không đáng có.

- Đầu năm mà nói nỗi đau nhiều quá cũng không hay. Năm 2017, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng chờ đợi điều gì nhất?

+ Bình an. Và chỉ bình an, trong đời sống và trong tâm hồn! Cái đứa dễ trồi lên sụt xuống như tôi, được bình an là mừng lắm rồi.

- Cảm ơn anh. Chúc anh năm mới bình an!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.