Mối lo từ cửa hàng phế liệu nằm giữa khu dân cư

Thứ Tư, 29/06/2016, 11:30
Sau khi vụ cưa bom gây nổ tại cửa hàng phế liệu ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội xảy ra cách đây hơn 3 tháng, nhiều người bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng từ các cửa hàng phế liệu nhỏ lẻ nằm giữa các khu dân cư. Biết đâu ở trong những cửa hàng phế liệu đó lại còn sót một quả bom chưa cưa thuốc. Và cơ sở thu mua phế liệu thuộc tổ 14 phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) là một mối nguy tiềm tàng khiến cho người dân lo lắng.

Một số người dân nơi đây bức xúc cho biết, cửa hàng phế liệu nằm trong khu dân cư số 14 đã tồn tại nhiều năm nay. Trước đó, ngôi nhà này được những người lái xe ba gác thuê làm nơi sinh hoạt. Sau khi họ dọn đi thì ông chủ cửa hàng phế liệu bắt đầu dọn về đây và cũng từ đó, nhiều bức xúc, nhiều mối lo ngại về an toàn, vệ sinh môi trường, trật tự giao thông… bắt đầu nảy sinh.

Do án ngữ ở ngay góc cua của ngõ hẹp, nên hôm nào nhiều hàng hóa, họ lại để lấn chiếm gần như hết ngõ, gây cản trở giao thông cho chính những gia đình ở trong khu dân cư này. Ngõ phố này trước đây vốn nổi tiếng là sạch, đẹp, dân trí cao, nhưng từ khi cửa hàng phế liệu xuất hiện, nó đã gây ảnh hưởng đến chính bà con nhân dân trong khu phố.

Bà Mai, một người dân thuộc tổ dân phố cho biết: "Có những lúc họ thu mua sắt thép ở đâu về, những thanh dài không biết để đâu liền quẳng luôn ở đối diện cửa hàng. Ngõ đi vào chỗ đó thì khá là chật chội, nếu đi không để ý thì rất dễ va quệt. Mà sắt thép phế liệu thì toàn đồ han gỉ, nếu chẳng may ngã vào đó thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Tôi phải dặn con cháu khi đi qua đó phải cẩn thận, giảm tốc độ tránh va quệt...".

Cửa hàng phế liệu nằm ngay ngã ba gây ảnh hưởng giao thông.

Quả thật đúng như lời bà Mai cho biết, khi có mặt tại đây vào một buổi chiều nắng nóng, vẫn có rất nhiều người đứng bán phế liệu, đồ đạc vứt lăn lóc ở trước cửa để mang lên, mang xuống. Một số thanh nhôm dài không mang được vào nhà được chủ cửa hàng để luôn ở trước cửa. Cửa hàng lại nằm ở vị trí góc cua, ngõ chỉ rộng gần hai mét nên đi lại khá khó khăn, bất tiện.

Nhiều người còn bức xúc cho biết, việc cửa hàng phế liệu này gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường bởi tiếng bốc dỡ sắt thép và mùi của đồ phế liệu phát tán vào những ngày hè nóng nực gây khó chịu vô cùng. Ông Đạt, một người dân sống gần đó cho hay: "Những người đi thu mua phế liệu rồi về đây bán bất kể giờ giấc, cứ có nhiều hàng là họ lại về nên có những lúc giữa trưa, họ vừa bốc dỡ vừa nói chuyện ầm ĩ. Có khi còn cò kè trả giá đến cãi nhau ấy chứ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên tổ dân phố yêu cầu cửa hàng phế liệu này chuyển đi nơi khác xa khu dân cư hơn nhưng chưa được".

Một số người còn bất bình trước việc xưởng phế liệu gây ngột ngạt, ô nhiễm cho những gia đình sống xung quanh, bởi phần lớn là đồ phế thải, đồ bẩn thỉu, có khi còn nhặt ngoài bãi rác mang về. Người dân bắt đầu lo ngại rồi đây con cháu họ cùng những người sống xung quanh sẽ lãnh đủ bệnh tật bởi ô nhiễm do cửa hàng chứa phế liệu chứa rác thải gây ra. “Khói, bụi, không khí ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều rồi nay việc thường xuyên hít thở trong môi trường nồng nặc mùi của kim loại cùng giấy cũ, phế liệu bốc lên thì sẽ còn nguy hiểm thế nào nữa”, ông Đạt cho hay.

Nói về vấn đề này, ông Trương Xuân Thành - Tổ trưởng tổ dân phố 14, phường Cống Vị cho biết: 

"Trong một số cuộc họp với người dân trong tổ dân phố, nhiều bà con cũng yêu cầu tôi phán ánh lại cho UBND phường về cửa hàng thu mua phế liệu này với các vấn đề về ách tắc giao thông, ô nhiễm. Nhiều người còn đề nghị cho giải tán cửa hàng phế liệu này. Tôi đã đưa ý kiến đó lên phường và đang chờ được giải quyết. Tuy nhiên cho tới lúc này cửa hàng vẫn chưa có vấn đề xảy ra, không thấy buôn bán vật liệu nổ, chỉ thấy có giấy, lon bia, đồ phế liệu bình thường. Nhưng dân kêu cũng đúng vì lắm vì có lúc họ chất đầy đồ lên xe rồi để chềnh ềnh giữa ngõ đi lại khiến nhiều người bức xúc".

Tuy nhiên, từ sau vụ nổ tại cửa hàng phế liệu ở Hà Đông xảy ra hồi tháng 3-2016 khiến ba người chết thương tâm, phá hủy nhiều nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, người dân bắt đầu lo ngại về những cửa hàng phế liệu nằm ngay trong khu dân cư như thế này. Với việc nằm sát nhiều nhà dân như vậy, nếu cửa hàng này thu mua phế liệu là vật liệu nổ như vỏ bom mìn thì nguy cơ cháy nổ gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở tổ 14 là khó tránh khỏi. 
Trong nhà ngổn ngang đồ phế liệu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Chị Dung, một người dân dân cư số 10 cho biết: "Tôi không thuộc tổ dân cư có cửa hàng phế liệu này nhưng cũng ở gần đấy. Trước khi có vụ nổ ở Hà Đông thì cũng chẳng ai để ý mấy về việc cháy nổ nguy hiểm. Nhưng sau khi xảy ra vụ nổ bom, mặc dù không cùng tổ dân cư nhưng vẫn cảm thấy nguy hiểm vì nhà mình có thể bị ảnh hưởng nếu có vụ cưa bom tương tự xảy ra. Mà có khi chỉ cần mồi lửa thôi là cũng gây cháy lớn bởi nhà cửa sát nhau như vậy...".

Theo quan sát, phía bên trong cửa hàng có nhiều đồ nhựa, giấy vụn, đồ điện đã qua sử dụng chất đống. Đây là những vật liệu dễ gây cháy nổ. Không biết chủ cửa hàng đã có đăng kí kinh doanh phế liệu và chuẩn bị đầy đủ kiến thức, công cụ phòng cháy chữa cháy hay chưa. Bởi theo như khảo sát của một số cơ quan chức năng, nhiều cơ sở buôn bán phế liệu không được trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy, nhiều nơi còn đặt cạnh khu vực hàn, cắt, đường điện. Việc người dân nơi đây lo lắng quả thật là không thừa, bởi nếu chỉ cần sơ xuất gây cháy trong cửa hàng phế liệu này thì ngọn lửa sẽ rất khó dập tắt và việc xảy ra một vụ cháy lớn dễ lây lan sẽ khó tránh khỏi.

Người dân tổ 14 đang ngày đêm mong mỏi chính quyền UBND phường Cống Vị có những việc làm thiết thực để ngăn chặn tình trạng, ô nhiễm, cản trở giao thông của cửa hàng phế liệu này. Thiết nghĩ, về lâu dài vẫn nên di dời cửa hàng phế liệu ra xa khỏi khu dân cư như ở tổ 14 để tránh gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người dân nơi đây để phòng ngừa kịp thời mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Cống Vị cho biết:

"Chúng tôi rất cám ơn các anh chị phóng viên đã cung cấp cho chúng tôi một thông tin hữu ích. Sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo lập danh sách các điểm thu mua phế liệu để tập trung quản lý. Hộ dân này trước đây chỉ kinh doanh giấy vụn. Nhưng chúng tôi sẽ cử đoàn công tác xuống tận nơi để kiểm tra. Nếu hộ dân này chỉ kinh doanh giấy vụn, chúng tôi sẽ lập hồ sơ quản lý, nhắc nhở giữ gìn vệ sinh, môi trường, tránh ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Còn nếu hộ này kinh doanh phế liệu, chúng tôi sẽ kiểm tra xem có đăng ký kinh doanh hay chưa. Nếu chưa có sẽ yêu cầu bổ sung, trong thời hạn quy định nếu không bổ sung giấy phép đăng ký kinh doanh phế liệu sẽ yêu cầu ngừng hoạt động. Chúng tôi sẽ thông tin về cuộc kiểm tra này sớm nhất cho các anh chị phóng viên báo chí”.
Ngọc Mai – Ngọc Minh
.
.
.