Mọi thứ đã thay đổi với nước Anh

Thứ Tư, 05/02/2020, 08:03
Có rất nhiều người lại coi Brexit là cơ hội để giải phóng Vương quốc Anh thoát khỏi sự lãnh đạo quan liêu của Brussels và nước Anh sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới...


Việc Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu vào lúc 23h ngày 31-1-2020 đã tạo ra những phản ứng buồn thảm cho những ai từ lâu đã coi Brexit như là một sai lầm nghiêm trọng, đẩy nước Anh, một trong những nước đứng ở hàng đầu của châu Âu, về một tương lai ảm đạm, một nền kinh tế suy sụp, một vai trò bị thu hẹp về địa chính trị.

Nhưng cũng có rất nhiều người lại coi Brexit là cơ hội để giải phóng Vương quốc Anh thoát khỏi sự lãnh đạo quan liêu của Brussels và nước Anh sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới với một nền kinh tế được đổi mới mạnh mẽ, một nền chính trị đúng đắn và minh bạch “một thời khắc để canh tân dân tộc” giống như tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson.

Brexit và tương lai của nước Anh

Vương quốc Anh đã trải qua rất nhiều những biến động dữ dội. Sau chiến tranh Thế giới lần II, nước Anh đã chứng kiến sự kết thúc mô hình Vương quốc kiểu cũ bằng việc gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương và xây dựng một nhà nước phúc lợi ở châu Âu. 

Nhưng vào đầu những năm 1980, Thủ tướng Margaret Thatcher đã tiến hành một cuộc cách mạng về thị trường tự do, làm sụp đổ cấu trúc của nhà nước phúc lợi này và nẩy sinh một “chủ nghĩa quốc gia Anh quốc”, thứ chủ nghĩa quốc gia đã được thổi bùng lên trong cuộc tranh cãi đầy chia rẽ liên quan đến Brexit ở nước Anh.

Ngày hôm nay một lần nữa Vương quốc Anh lại phải tự cấu trúc lại mình, rời khỏi Liên minh châu Âu để đối mặt với một tương lai bất định, ở thì tương lai đó hình hài của xã hội, cấu trúc của nền kinh tế, vị trí của nước Anh trên thế giới đều phải được tái tạo lại. 

Bằng việc trao cho những người ủng hộ Brexit một cơ hội biến các ý tưởng của họ thành hiện thực, nền chính trị Anh Quốc có cơ hội được hồi sinh. Sau khi đã cắt đứt mọi mối rành buộc với Liên minh châu Âu, Thủ tướng Boris Johnson và các cộng sự không còn cơ hội để trút mọi tội lỗi của nước Anh lên đầu những kẻ khác, và vì thế các cử tri Anh Quốc có cơ hội để kiểm nghiệm tinh thần trách nhiệm và khả năng của những người lãnh đạo đất nước mình mà họ đã bầu ra.

Về kinh tế việc kiểm nghiệm các thành tựu của Brexit dường như sẽ khó khăn hơn. Kịch bản hiện thực hơn cả đó là việc nước Anh sẽ duy trì được một tốc độ tăng trưởng giống như phần còn lại của châu Âu trong những năm sắp tới, một tốc độ không hẳn là “thần kỳ” nhưng sẽ cao hơn của Đức và Pháp.

Những người ủng hộ Brexit thì có cái nhìn lạc quan hơn rất nhiều, họ nói về một “nước Anh toàn cầu”, một nước Anh sau khi đã giành lại quyền kiểm soát các công việc của mình từ tay bộ máy quan liêu của EU ở Brussels, sẽ có thể tự đặt ra các luật lệ, những luật lệ phù hợp với mình nhất chứ không phải cho cả 27 nước khác như trước đây. 

Cái “nước Anh toàn cầu” này sẽ tiến hành mạnh mẽ những đổi mới kỹ thuật, tạo dựng một nền kinh tế năng động và sẵn sàng hợp tác với thế giới. Nước Anh sẽ tự mình ký kết những thỏa thuận thương mại có lợi nhất và trở thành mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại quốc.

Nhận định đầy lạc quan những người ủng hộ Brexit đã hoàn toàn trái ngược lại với những kết luận của nhiều nhà nghiên cứu, họ cho rằng tổng sản phẩm quốc nội của nước Anh chắc chắn sẽ giảm, mức độ suy giảm là từ 1,2% đến 4,5%, nhiều hay ít tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể được thiết lập trong sự thỏa thuận giữa nước Anh và EU như là điều kiện đi kèm với việc chấp thuận để nước Anh ra khỏi EU.

Những người ủng hộ Brexit ăn mừng sự kiện Anh chính thức rời Liên minh châu Âu.

Brexit và tương lai châu Âu

Những nhà lãnh đạo hùng mạnh nhất của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xem Brexit là một thời điểm buồn thảm đối với Liên minh châu Âu, một thể chế được tạo ra để gắn kết các siêu cường châu Âu trong hòa bình sau nhiều thế kỷ xung đột. EU đã cảnh báo nước Anh rằng ra khỏi EU sẽ mang lại nhiều hậu quả tiêu cực hơn rất nhiều so với việc vẫn ở lại trong liên minh này.

Ở Bruxelles, vào lúc nửa đêm ngày 31-1-2020, lá cờ Vương quốc Anh đã bị hạ xuống ở trụ sở của EU, sự kiện này chỉ mang tính biểu tượng, trên thực tế sẽ có rất ít những thay đổi ngay lập tức bởi người ta cần tới một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến tận cuối năm 2020 để nước Anh từ bỏ dần các nghĩa vụ và quyền lợi của mình với tư cách một thành viên chính thức của EU.

Dẫu được nhìn nhận như một cơ hội lịch sử hay xem như một sai lầm nghiêm trọng, Brexit cũng làm lung lay đến tận gốc rễ những quan điểm đã được xác lập từ bấy lâu nay của nước Anh, sự thay đổi đến vào một thời điểm rất nhạy cảm khi mà thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và sự chia rẽ sâu sắc của phương Tây kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.

Brexit sẽ làm giảm đáng kể sức mạnh của EU. Từ nay Liên minh châu Âu sẽ mất đi 15% sức mạnh kinh tế, mất đi nhà đầu tư quân sự quan trọng nhất và mất đi trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất: thành phố London. 

Về phương diện chính trị, với sự ra đi của nước Anh, EU đã mất đi một thành viên sở hữu những kênh ngoại giao có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với nước Mỹ và một đối tác chiến lược quan trọng đối với an ninh và khả năng quốc phòng của châu Âu. Trọng lượng của những quyết định quan trọng của EU trên trường quốc tế cũng vì thế sẽ bị giảm sút đi nhiều.  

Trong bối cảnh này, một câu hỏi hiển nhiên phải được đặt ra: Bằng cách nào có thể tiếp thêm nguồn sinh lực mới để hồi sinh cho “Dự án châu Âu”? Thật nghịch lý khi mà mọi việc dường như lại trở nên thuận lợi hơn đối với châu Âu thời kỳ hậu Brexit. Ngoại trừ nước Pháp, chỉ số tăng trưởng của các nước châu Âu khác đều cao hơn so với các con số trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế và tài chính 2008. 

Không có một nước nào có ý định tiếp bước nước Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu. Đã xuất hiện những nền tảng chung đầu tiên mang sắc thái châu Âu. Ví dụ như bản trưng cầu dân ý “We Europeans” (Chúng ta - người châu Âu) được đưa ra vào đầu năm 2019 đã nhận được một sự hưởng ứng tích cực của hơn 38 triệu công dân châu Âu ở 27 nước. 

Hàng chục nghìn ý kiến đóng góp để đổi mới và hoàn thiện “ngôi nhà chung châu Âu” đã được gửi đến từ khắp các nước trong Liên minh, một hiện tượng chưa hề có tiền lệ. Dự án này đã cho thấy những công dân châu Âu chia sẻ những mối quan tâm chung về phát triển bền vững, hệ thống pháp lý và thuế, đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và công nghệ. 

Những định hướng mang tính chiến lược này sẽ giúp cho việc định hình một dự án chính trị mới để xây dựng châu Âu theo một cấu trúc Liên bang. Nó cũng sẽ là trung tâm trong chương trình hành động của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới do vị chủ tịch Ursula Von der Leyen người Đức lãnh đạo.

Tối thứ sáu vừa qua, Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu.

Brexit và cơ hội cho ASEAN

Hiển nhiên rằng Brexit là cơ hội duy nhất để London tìm cách cấu trúc lại đất nước theo mô hình mà những người nhiệt thành ủng hộ Brexit gọi đó là một “nước Anh toàn cầu”. Mối quan hệ giữa Anh với Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand trong những năm tới có thể sẽ phát triển vượt bực, giống như những mối liên kết của nước Anh với ASEAN, tổ chức của các nước Đông Nam Á đang đứng ở tuyến đầu trong sự tăng trưởng ngoạn mục của châu Á.

Kể từ năm 2016, các nhà lãnh đạo Anh thường xuyên viếng thăm các nước ASEAN để củng cố thêm sự bền chặt trong mối quan hệ đối tác thời kỳ hậu Brexit và để chứng minh rằng Brexit tạo ra cơ hội cho phép nước Anh có một chiến lược tái cam kết đầy tham vọng ở châu Á. 

Những cố gắng này của nước Anh cũng đã nhận được sự hưởng ứng của các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là từ Singapore, Malaysia, Myanmar các cựu thuộc địa của Anh, những nơi có sự gắn bó truyền thống với nước Anh. Ưu thế về ngoại giao này đã củng cố đáng kể sức mạnh mềm của nước Anh trong vùng Đông Nam Á, vượt qua tất cả các nước khác ở châu Âu.

Trong số các công dân Đông Nam Á sống và làm việc tại EU thì có đến hơn 40% là tại Anh và 70% sinh viên của các nước ASEAN sang EU du học đã chọn nước Anh làm điểm đến. Từ trước đến nay nước Anh vẫn luôn là một thị trường quan trọng hàng đầu ở châu Âu và là nguồn đầu tư trực tiếp quan trọng cho ASEAN, thương mại song phương giữa Anh và ASEAN đã đã vượt quá 48 tỷ USD vào năm 2018 và đầu tư trực tiếp của Anh vào ASEAN đã đạt ngưỡng 22 tỷ USD vào năm 2017.

Sau Brexit, nước Anh dự định sẽ ký kết các thỏa thuận song phương với Singapore và Việt Nam trên cơ sở những thỏa thuận đã thương thảo với EU. Với Thailand và Indonesia một số thỏa thuận với EU trước đây đã bị gác lại thì giờ đây đã được nước Anh ngỏ ý đem ra bàn bạc lại để có thể đi đến ký kết. 

Dẫu rằng sự hoài nghi về về những khả năng của nước Anh thời kỳ hậu Brexit vẫn luôn tồn tại dai dẳng, ngoài ra chắc chắn sẽ có một cuộc cạnh tranh giữa EU và nước Anh để chiếm lĩnh những vị thế tốt nhất trong mối quan hệ với các nước ASEAN, nhưng trên thực tế nước Anh đã có một vị trí rất thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại song phương hoặc đa phương với các nước ASEAN và ASEAN chắc chắn sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của nước Anh thời kỳ hậu Brexit, nhưng điều này chỉ trở thành hiện thực nếu người Anh vẫn kiên trì hướng tới cái mô hình một “nước Anh toàn cầu” như họ đã tuyên bố. 

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.