Moldova:

Đằng sau việc đình chỉ quyền lực của Tổng thống

Thứ Ba, 09/01/2018, 15:36
Quyết định hôm 2-1 của Tòa án Hiến pháp đang khiến giới chuyên môn tranh cãi bởi việc này liên quan tới Tổng thống Igor Dodon.


"Tổng thống có quyền từ chối việc phê chuẩn ứng cử viên cho nội các, nhưng ông Igor Dodon đã nhiều lần từ chối bổ nhiệm 5 bộ trưởng và 2 thứ trưởng. Do đó, tòa phải tuyên bố đình chỉ tạm thời quyền lực của Tổng thống", trích quyết định của Tòa án Hiến pháp hôm 2-1. 

Cũng theo quyết định của Tòa án Hiến pháp, việc bổ nhiệm 7 quan chức kể trên sẽ do Thủ tướng Pavel Filip hoặc Chủ tịch Quốc hội Andrian Kandu tiến hành. Ngay sau khi biết quyết định của Tòa án Hiến pháp, Tổng thống Igor Dodon tuyên bố, đây là hành động vi phạm nghiêm trọng thủ tục pháp lý, thậm chí vi phạm dân chủ. 

"Như đã hứa, tôi sẽ không khuất phục chế độ dưới bất kỳ nguyên cớ nào. Tôi không chấp nhận các ứng cử viên và sẽ không ký luật trái với lợi ích của công dân. Về Luật Chống tuyên truyền - đó là sự tấn công trắng trợn vào quyền tự do có được thông tin của công dân Moldova", ông Igor Dodon viết trên Facebook hôm 5-1 để chỉ trích luật cấm các chương trình của Nga. 

Ngày 5-1, Tổng thống Igor Dodon tuyên bố, việc sửa Luật Truyền hình và phát thanh, trong đó có điều khoản cấm phát trên chương trình quốc gia tin thời sự và thông tin phân tích của Nga là sự vi phạm trắng trợn quyền tự do của công dân. 

Việc này diễn ra khi Tòa án Hiến pháp phán quyết, Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng có thể tạm thời thực hiện quyền Tổng thống trong việc thông qua luật cấm phát sóng các chương trình.

Tổng thống Igor Dodon.

Theo giới truyền thông, khi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, ông Igor Dodon từng tuyên bố, sẽ không ký bất kỳ dự luật nào chống Nga và bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ của nhân dân Moldova trong vấn đề này. 

"Hiến pháp quy định, trong lần thứ hai Tổng thống bắt buộc phải ký dự luật. Nhưng tôi sẽ chủ động bác bỏ dự luật này vì nó không thích hợp với lợi ích quốc gia của Moldova. Thậm chí nếu Quốc hội thông qua nó đến 2 hoặc 3 lần, tôi cũng sẽ không ký, và nó sẽ không có hiệu lực. Tôi chắc chắn người dân sẽ đứng về phía tôi", ông Igor Dodon nhấn mạnh. 

Tổng thống Igor Dodon cho rằng, số người gốc Nga và người nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ cao ở Moldova, nên người dân nước này muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, không muốn bài xích và đoạn tuyệt quan hệ với Moskva. 

Luật pháp Moldova quy định, nếu bị quy là "chống lại quyết định của Quốc hội", Tổng thống có thể bị phế truất và khi đó Quốc hội có quyền tiến hành các thủ tục để bãi nhiệm người đứng đầu Nhà nước thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Và đây không phải lần đầu Tổng thống Igor Dodon ngăn chặn việc lựa chọn thành viên chính phủ.

Thủ tướng Pavel Filip.

Gần 2 năm trước (20-1-2016), tân Chính phủ của Thủ tướng Pavel Filip đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Tổng thống Nicolae Timofti. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Igor Dodon thường xuyên va chạm với Thủ tướng Pavel Filip và phe đối lập. 

Mấy tháng trước, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Igor Dodon, Thủ tướng Pavel Filip vẫn quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu của Moldova là ông Yevgeny Sturza làm Bộ trưởng Quốc phòng. 

Chủ tịch Quốc hội Andrian Kandu tuyên bố, buổi lễ tuyên thệ đã được tổ chức tại Dinh Tổng thống, và việc bổ nhiệm này được tổ chức theo thủ tục đặc biệt bởi ông Igor Dodon đã 2 lần từ chối ứng cử viên Yevgeny Sturza. 

"Tuyên thệ của Bộ trưởng Quốc phòng vượt quá khuôn khổ tính hợp pháp chính trị và chứng tỏ sự bất lực của chính quyền, khi vi phạm những sai lầm nghiêm trọng", ông Andrian Kandu viết trên Facebook. 

Dư luận và giới truyền thông Moldova từng xôn xao và tranh luận về việc Bộ trưởng Quốc phòng Yevgeny Sturza được bổ nhiệm trái với ý kiến của Tổng thống Igor Dodon. 

Từ cuối tháng 8-2017, ông Pavel Filip đã mời Mỹ xây căn cứ huấn luyện quân sự ở làng Bulboaca, bất chấp phản đối của Tổng thống Igor Dodon. "Kế hoạch xây 8 khu kiến trúc mới tại căn cứ quân sự ở làng Bulboaca của Mỹ, nhưng không nhận được sự chấp thuận là hành động khiêu khích, phớt lờ quyền hạn của người đứng đầu đất nước, bởi ông là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang", ông Igor Dodon tuyên bố sau khi biết chuyện. 

Theo giới truyền thông, Tổng thống Igor Dodon là người có quan điểm trung dung - vừa muốn quan hệ tốt với Nga, vừa muốn hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), còn Thủ tướng Pavel Filip là người có xu hướng thân Mỹ, muốn cắt đứt quan hệ với Moskva và gia nhập NATO. Hãng AP từng dẫn nguồn tin cho biết, Thủ tướng Pavel Filip đã phản ứng giận dữ trước gợi ý của Tổng thống Igor Dodon - Moldova có thể gác lại một thỏa thuận thương mại với EU và dừng quyết định của Chính phủ về việc cử binh sỹ tham dự cuộc tập trận quân sự của NATO mang tên "Rapid Trident-2017" diễn ra tại Ukraine.

Nhiệm Bình
.
.
.