Mong được tha thứ để làm lại cuộc đời

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:26
Họ là những nữ sinh còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng do thiếu hiểu biết, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí nhẹ dạ, do bạn bè rủ rê đã vướng vào vòng lao lí. Cái giá họ phải trả là quá đắt cho tuổi trẻ, tương lai của mình.
Có nhiều người, có lúc tưởng như gục ngã nhưng nhờ có cán bộ trại giam đã động viên, giáo dục, giúp đỡ, những nữ sinh ấy đã thấy được giá trị của cuộc sống,  quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời. Nhờ sự tiến bộ đó, nhiều người đã được đề nghị đặc xá đợt này. Chúng tôi muốn viết về họ để thấy được rằng, dù có lỗi lầm nhưng nếu  quyết tâm sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời…

Nữ sinh đồng phạm tội hiếp dâm ước mơ làm hướng dẫn viên

Cô gái gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi từ cái tên nghe rất dễ thương: Thạch Thảo đến tội danh "hiếp dâm" ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Trên thực tế, chuyện thiếu nữ phạm tội hiếp dâm quả là khá hi hữu, nếu tôi không nhầm thì từ trước đến nay, số phụ nữ phạm tội này có thể đếm trên đầu ngón tay, nhất là nữ sinh thì càng hiếm hoi bởi các em đang được bao bọc trong sự quan tâm đặc biệt từ nhà trường đến gia đình.

Thế nhưng,  Nguyễn Thị Thạch Thảo, 18 tuổi, quê ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh - là một trong số ít những người "đặc biệt" đó. Với tội danh hiếp dâm, Thảo bị kết án 30 tháng tù giam, hiện đang thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến.

Cán bộ Trại giam Hoàng Tiến hướng dẫn pháp luật cho phạm nhân.

Nhắc lại chuyện của mình, Thảo buồn: "Cháu trót dại, cũng chỉ vì ham chơi cô ạ". Tôi nhắc chuyện được đề nghị đặc xá, ánh mắt cô gái long lanh: "Cháu vui lắm cô ạ, đêm nào cũng mơ được về nhà, được gặp mẹ, gặp chị. Cháu sẽ học lại, sẽ đi thi đại học. Như thế có viển vông không cô". Tôi bảo Thảo rằng, cuộc đời cháu do chính bản thân cháu quyết định, việc thi đại học hoàn toàn có thể đạt được nếu cháu quyết tâm.

Thảo cười: "Cháu nghĩ kỹ rồi, quyết tâm làm bằng được cô ạ. Cháu đã lãng phí tuổi trẻ của mình. Giờ cháu phải làm lại". Rồi Thảo kể cho tôi nghe ước mơ là hướng dẫn viên du lịch của mình. "Cháu muốn được đi nhiều, biết nhiều. Trước đây, cháu thích làm nhà báo giống cô để được đi nhưng cháu thấy, làm nhà báo khó quá, làm hướng dẫn viên du lịch sẽ dễ hơn. Lần này được về, đúng vào dịp năm học mới, cháu sẽ xin học bổ túc lại cấp 3, rồi thi đại học".

Vụ án xảy ra vào giữa năm 2013, khi đó Thảo đang là học sinh lớp 11, Trường dân lập Văn Lang, Quảng Ninh. Theo lời Thảo thì bố em mất từ khi em còn bé. Mẹ làm công nhân may, lương thấp nhưng luôn cố gắng chăm sóc, nuôi nấng hai chị em, mong các con sớm thành người. Thương mẹ, chị em Thảo đều học hành chăm chỉ, từ bé đến khi học hết cấp 2, Thảo đều đạt học sinh giỏi, được tham gia vào đội văn nghệ của trường và khu phố. Đến khi thi cấp 3, Thảo được vào trường công lập điểm của TP Hạ Long.

Nguyễn Thị Thạch Thảo.
Do xao nhãng chuyện học hành nên phải chuyển sang học dân lập. Ở lớp mới, Thảo chơi thân với Nguyễn Quỳnh Chi, 18 tuổi, cùng trú ở phường Hồng Hải và Nguyễn Thị Cẩm Tú, 18 tuổi, trú ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long và quen với người yêu của Tú là Nguyễn Mạnh Dương, 40 tuổi, trú ở phường Hà Khánh, Hạ Long. Thấy Thảo xinh xắn, Dương quay sang tán tỉnh cô gái này, nhiều lần gạ tình nhưng Thảo không chấp nhận nhưng gợi ý sẽ giới thiệu cho Dương một bạn gái khác của mình. Dương đồng ý và hứa sẽ trả công cho Thảo hậu hĩnh.

Nghe thế, Thảo liền bàn với Chi và Tú tìm cách lừa bạn cùng lớp là Phạm Thị Ngọc B đi chơi rồi bố trí để Vũ Mạnh Dương gặp. Trước khi gặp B, Thảo, Tú và Chi thống nhất mua thuốc ngủ, thuốc kích dục để bí mật cho B. uống, đồng thời nhận của Dương 4 triệu đồng. Để lừa B., Chi giả vờ kêu đau bụng, mệt, đòi vào nhà nghỉ để nằm. Theo đó, cả bọn đến nhà nghỉ thuê phòng. Tại đây, Thảo, Chi, Tú cho thuốc kích dục, thuốc ngủ vào nước ngọt để B. uống, cả ba lần lượt kiếm cớ đi ra ngoài để Vũ Mạnh Dương vào phòng cưỡng hiếp B. Uất ức về hành vi của Dương và nhóm bạn, bố B. đã đưa con gái đến trình báo cơ quan Công an…

Lúc mới về Trại giam Hoàng Tiến, Thảo buồn chán lắm, nhớ nhà, nhớ mẹ. Tiếc những ngày vui vẻ đã trải qua. Đang sống trong môi trường được mẹ chiều chuộng, được vui chơi thỏa thích với bạn bè, giờ chịu cảnh tù túng, thiếu thốn, Thảo càng chán nản hơn. Biết tâm trạng Thảo như vậy, cán bộ quản giáo Trần Thị Ngọc Hà đã gặp gỡ, động viên Thảo.

Vì Thảo là một trong số ít phạm nhân vị thành niên nên chị Hà luôn coi Thảo như em mình, giúp đỡ Thảo từ những việc nhỏ nhất. Thấm dần tình cảm của cán bộ Hà và các cán bộ ở Trại, Thảo đã dần hiểu ra rằng, chỉ có thực sự cố gắng mới vượt qua được lỗi lầm để sớm trở về với cuộc đời. Từ đó, Thảo cố gắng học, lao động để sớm được về. Biết mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá đợt này, Thảo vui lắm.

Sau phút nông nổi dìm chết bạn - mong được mọi người tha thứ

Một nữ sinh cũng được đặc xá đợt này là Nguyễn Thị Lệ Giang, 18 tuổi, quê ở Văn Giang, Hưng Yên, phạm tội giết người. Lúc phạm tội, Giang đang là học sinh lớp 9. Nguyên nhân của vụ án hết sức đơn giản và… trẻ con. Số là, Giang vốn thân với hai bạn cùng lớp là Đặng Thị Thùy và Nguyễn Thị Ngoan. Chiều 11/5/2012, cả 3 đi chơi cùng nhau nhưng Giang cảm thấy Thùy và Ngoan thân nhau hơn, không để ý đến mình nên nảy sinh ý định muốn tự tử.

Đến khoảng 19h cùng ngày, Giang và Thùy chờ Ngoan cạnh ao làng Phù Đỉnh để cùng đi ăn kem nhưng Ngoan không tới nên Thùy đứng dậy bỏ về. Điều này càng khiến Giang tức tối hơn vì cho rằng Thùy chỉ cần Ngoan mà không cần mình nữa nên cô gái này đã lôi mạnh Thùy khiến cả hai cùng ngã xuống ao (mực nước khoảng 60 - 70cm).

Nguyễn Thị Lệ Giang.

Thấy Thùy ngoi lên mặt nước, định nhoài người lên bờ, Giang liền dùng hai tay giữ ngang người Thùy ấn xuống nước và giữ chặt với mục đích dìm chết bạn. Sau khi Thùy chết, Giang đi vào gần bờ ngụp xuống nước để tự tử nhưng không thành. Quan sát xung quanh không thấy ai nên Giang đẩy xe của Thùy xuống ao phi tang rồi lên xe của mình về nhà.

Sự việc bại lộ khi gia đình Thùy đi tìm, phát hiện nạn nhân đã chết dưới ao, trên cổ có vết bầm hình ngón tay nên đã báo cáo với cơ quan Công an. Hậu quả của phút nông nổi trên, Nguyễn Thị Lệ Giang bị tuyên án 9 năm tù về tội giết người. Đến nay, đã hơn 3 năm ở Trại giam (chấp hành được hơn 1/3 hình phạt tù), Giang đã chín chắn lên rất nhiều.

Cô bé tỏ ra già dặn khi thổ lộ nguyện vọng của mình là mong "cải tạo tốt để về và muốn được đi học lại". Nhìn cái dáng cao và nhất là đôi chân rất dài của Giang, tôi thầm tiếc cho em - một cô gái được đánh giá là năng khiếu trong môn điền kinh đã không thể bộc lộ khả năng cũng như theo đuổi được ước mơ từ bé của mình chỉ vì một hành động nông nổi của con trẻ.

"Chiều hôm đó thấy hai bạn Thùy và Ngoan chỉ nói chuyện với nhau, chẳng ai nói gì tới cháu, cháu đã tủi thân chỉ muốn chết. Thế nên, khi ra quán uống nước mía, cháu đã đổ thuốc sâu vào cốc nước của mình", Giang kể.

Thế nhưng, sau khi uống cốc nước mía, Giang nửa đùa nửa thật nói với Thùy rằng: "Tớ muốn chết" thì Thùy nói: "Đằng ấy bị điên à" rồi lại tiếp tục trò chuyện với Ngoan. Cho rằng Ngoan và Thùy đang bỏ rơi mình, không chơi với mình nữa nên Giang tiếp tục rủ hai bạn tối đi ăn kem với mục đích nhảy xuống ao tự tử để hai bạn chứng kiến cái chết của mình. "Do Ngoan không đến nên cháu quyết định cháu và Thùy cùng chết để cháu mãi có bạn", Giang kể.

Lúc mới vào trại, Giang chán nản lắm, đêm nào cũng thức bởi ký ức của cảnh cầm tay bạn kéo xuống chiếc ao cạn. Giang mất ngủ triền miên nên cán bộ phải cho thuốc an thần. "Cháu đã làm khổ bố mẹ cháu, đẩy em cháu phải sống trong mặc cảm và bị xa lánh. Mỗi lần bố mẹ lên thăm cháu, em cháu cũng lên đây. Cháu muốn ôm lấy em nhưng nó cứ đứng một chỗ thật xa nhìn cháu chằm chằm", Giang thổn thức.

Mặc dù bố mẹ và em gái không nói ra, song trong thâm tâm Giang hiểu rằng cả nhà đã phải sống rất vất vả vì những gì cô đã gây ra. Em gái Thùy học cùng trường với em gái Giang, phải gánh chịu những điều tiếng chị gái mình gây ra. Rồi chuyện làm ăn của bố mẹ, chuyện hàng xóm láng giềng… Tất cả những điều đó, chỉ đến khi vào trại cải tạo, được các cô, các thầy cán bộ phân tích, Giang mới hiểu áp lực nặng nề mà mình vô tình để lại cho gia đình.

"Cháu được đặc xá thấy mừng lắm, nhưng cũng lo nữa, sợ bị mọi người xa lánh cô ạ". Giang lại tiếp tục thổn thức khiến chúng tôi cảm thấy buồn lòng. Dẫu gì thì cô bé vẫn là một đứa trẻ và mọi tội lỗi cũng rất mong được hóa giải để Giang có cơ hội làm lại cuộc đời sau cú vấp ngã này. Câu nói của cô bé khiến tôi day dứt mãi: "Ở trong này cháu không thiếu gì cả, chỉ cầu xin mọi người sau này đừng hắt hủi cháu, cháu ân hận lắm rồi".

Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến: Sau khi nhận Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, đơn vị nghiên cứu kỹ, quán triệt đến CBCS, sau đó triển khai tại từng phân trại cho phạm nhân. Chúng tôi đã niêm yết công khai, tổ chức cho phạm nhân họp, bình bầu, bỏ phiếu kín. Sau đó Hội đồng Tư vấn của trại họp, xét duyệt từng hồ sơ. Qua đó, có 494 hồ sơ đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá. Để tạo điều kiện cho các phạm nhân sau khi được đặc xá, chúng tôi đã tổ chức lớp đầu ra, thông  báo tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, các quy định cơ bản của pháp luật, các quy định có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân để khi về nhà, các phạm nhân đỡ bỡ ngỡ. Đặc biệt, ở trại chúng tôi đều đã dạy cho phạm nhân các nghề như mộc, may mặc, rèn, xây dựng… nên trước khi về, chúng tôi gặp gỡ, động viên họ dùng những nghề đã học được để lao động nuôi sống bản thân và gia đình, không tái phạm. Đơn vị cũng đã chuẩn bị quỹ tái hòa nhập cộng đồng và tiền tàu xe để phát cho phạm nhân làm hành trang trở về…

Phương Thủy - Thu Hòa
.
.
.