Mong manh thân phận lao động chui xứ người

Thứ Sáu, 01/11/2019, 14:35
Việc 39 thi thể được phát hiện trong thùng container đông lạnh tại Essex, Đông Bắc London (Vương quốc Anh) đang khiến nhiều người bàng hoàng. Từ vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhập cư trái phép với tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, chưa kể cuộc sống đầy bất an do không giấy tờ và cư trú bất hợp pháp. Đây cũng là thực trạng của đa số lao động "chui".


Cuộc sống chui lủi muôn vàn hiểm nguy

Trong ký ức đen tối của những người sống sót trên đường tha hương tới châu Âu, việc nhiều ngày liền không có thức ăn, ngồi đè lên nhau trong những thùng hàng hay trong container đông lạnh chỉ là một phần trong vô vàn khó khăn mà người di cư trái phép phải trải qua trong những hành trình dài nguy hiểm.

Ông Đậu Bá Kiến (55 tuổi) trú tại thôn Thiên Hương, xã Thiên Lộc, nhớ lại: “Năm 2000, nhờ người môi giới đưa sang Nga làm ăn bằng nghề lao động phổ thông với mức thu nhập khoảng 200 USD đến 500 USD/ tháng. Năm 2002, tôi tiếp tục cuộc phiêu lưu từ Nga sang Cộng hòa Liên bang Đức thông qua đường dây môi giới của người nước ngoài. Trong lần vượt biên từ Nga sang Đức tôi đã suýt chết vì đói và rét tại khu vực biên giới”.

Châu Âu cần lao động được đào tạo bài bản về tay nghề và ngoại ngữ.

Tại Đức phải sống chui lủi trong các ngôi nhà tạm hay container, ông Kiến cũng bị bắt bớ nhiều lần. Cuối cùng năm 2003 bị trục xuất về Việt Nam.

Câu chuyện của ông Kiến không phải là ít, nhất là những năm gần đây, nhiều lao động người Việt làm ăn và sinh sống tại nước ngoài đã phải bỏ mạng nơi xứ người với rất nhiều, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Ngay trong tháng 5-2019, cộng đồng người Việt Nam tại Angola một lần nữa lại chấn động với vụ hai người lao động quê Hà Tĩnh làm việc chui tại Angola bị bọn cướp sát hại dã man.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, hiện Hà Tĩnh có gần 53.000 làm việc ở các nước trên thế giới. Trong đó, số không có hợp đồng chiếm tới 49,26% với  25.900 người. Ông Võ Xuân Phong, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho hay, địa phương này có người làm ăn ở nước ngoài thuộc diện nhiều nhất tỉnh.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, xã có 8.200 nhân khẩu, nhưng có khoảng 1.300 người đang lao động ở nước ngoài, trong đó nhiều người đi bằng đường không chính thống; cao điểm nhất là các năm 2002 - 2005, nhiều người ở xã đã đi "chui" sang châu Âu làm ăn.

8 năm gần đây, đã có 7 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong. “Dù có nhiều lao động làm ăn ở nước ngoài, nhưng thu nhập bình quân đầu người tại Thiên Lộc cũng chỉ đạt 34,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 3,1%, hộ cận nghèo 4,2%”, ông Tuấn nói.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến.

“Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động di cư có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng  tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nói.

Ông Nguyễn Ngọc Phương Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân là một số cá nhân doanh nghiệp chỉ tính đến lợi ích của mình để tìm mọi cánh làm những điều bất hợp pháp, thu lợi nhuận. Để hạn chế tình trạng trên, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường quản lý để người dân được xuất cảnh lao động theo con đường chính thống, an toàn...

Châu Âu cần lao động có trình độ cao sang làm việc hợp pháp

Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của công dân đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đã quy định danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam gồm: Nghề vũ công, ca sĩ, massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.

Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân. Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.

Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh. Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.

Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương). Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả. Công việc mà nước tiếp nhận lao động và Việt Nam cấm.

Người Việt nhập cư lậu được đưa đi trong một lần đột kích ở Calais. Ảnh: Le Figaro.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), 3 năm trở lại đây có  4.491 người  đi theo hợp đồng đi các nước châu Âu. Để làm việc hợp pháp tại các nước châu Âu, trước tiên lao động Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức, đó là thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.

Thứ hai, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân thì người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐ-TB&XH các địa phương và đã được Sở LĐ-TB&XH các địa phương thẩm định và chấp thuận.

Với hình thức đi làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng cá nhân nghĩa là người lao động tự ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài, trong trường hợp này, yêu cầu người lao động phải có các điều kiện như: Có trình độ ngoại ngữ đủ để đàm phán hợp đồng với chủ sử dụng nước ngoài (thường là thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng bản địa); có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động (thường là các ngành nghề kỹ thuật bậc cao theo chuẩn nghề quốc tế hoặc kỹ sư); người lao động tự chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động đảm bảo đúng với pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận …

“Lưu ý, danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và sức khỏe, nhân phẩm người lao động”, ông Liêm nhấn mạnh.

Đưa ra lời khuyên cho những lao động tự do muốn sang làm việc ở châu Âu, ông Liêm khuyến cáo, người lao động cần đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. “Di cư lao động hợp pháp có nghĩa là phải ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động ở Việt Nam; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp. Hiện Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam”, ông Liêm nói.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết ILO kêu gọi tăng cường nỗ lực đảm bảo di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng. “Trên nguyên tắc hợp tác, di cư lao động có thể là động lực phát triển tích cực, và giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của người lao động di cư”, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng, và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”.

ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này. 

Việt Nam đang phối hợp với Anh xác minh nhân thân các nạn nhân

Cho tới thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Người di cư tụ tập bên trong Vietnam City. Ảnh: The Sun.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các địa phương để nắm thông tin, hỗ trợ xác minh danh tính đối với các trường hợp được cho là mất tích tại Anh. Bộ Ngoại giao cũng đã làm việc với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam yêu cầu phối hợp, thông báo đến các cơ quan chức năng Anh đẩy nhanh công tác xác minh quốc tịch và danh tính của các nạn nhân.

Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn Tổng đài Bảo hộ công dân +84981 8484 84 tiếp nhận tất cả các phản ánh, cuộc gọi có liên quan đến vụ việc này, chuyển tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Cho tới nay, Tổng đài Bảo hộ công dân đã tiếp nhận thông tin của 14 gia đình đề nghị hỗ trợ xác minh, tìm kiếm người thân bị mất tích tại Anh.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thường xuyên giữ liên lạc với Cảnh sát Anh và các cơ quan hữu quan của Anh để nắm thông tin, kịp thời chuyển các dữ liệu do phía Anh cung cấp về trong nước nhằm thực hiện việc xác minh, đối chiếu sinh trắc học để xác minh danh tính nạn nhân; đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp xác nhận có công dân Việt Nam trong số các nạn nhân nêu trên.

Hiện Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an sự đã cử cán bộ vào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để điều tra, xác minh thông tin việc các gia đình trình báo có người mất tích, nghi liên quan đến vụ 39 thi thể trong container tại Anh.

Đoàn công tác sẽ phối hợp với Công an hai tỉnh trên làm việc với nhân thân các gia đình trình báo có người thân bị mất tích tại Anh ở các huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và Yên Thành (Nghệ An). Ngoài ra, đoàn sẽ phối hợp với Công an địa phương để làm rõ có hay không việc đưa người ra nước ngoài trái phép.

Lý Hà
.
.
.