Một cây cầu...triệu ước mơ

Thứ Năm, 21/06/2018, 15:14
Chiếc xuồng nghiêng bên này, chao bên kia. Người đàn ông tuổi ngoài 70 dùng hết sức ghì chặt tay vào sợi dây cáp bắt ngang sông, nặng nhọc từng bước kéo lê chiếc xuồng vượt miệng hà bá đưa các em học sinh vượt sông đến trường tìm con chữ.


Đánh đu với tử thần

Từ trung tâm TP. Quảng Ngãi, men theo quốc lộ 24B, vượt qua quãng đường hơn 60km, chúng tôi tìm về thôn Nước Rin (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi). 

Gần 12 giờ trưa, mặt trời in bóng trên sông, giữa dòng nước chảy xiết, người đàn ông tuổi ngoài 70 dùng hết sức ghì chặt tay vào sợi dây cáp bắt ngang sông, nặng nhọc từng bước kéo lê chiếc xuồng vượt miệng hà bá đưa các em học sinh trở về sau buổi học. Trên xuồng, hơn 7 em học sinh trong bộ đồng phục của trường THCS Sơn Bao vẫn cười nói vui vẻ trước dòng nước tử thần.

Thấy chúng tôi đang tìm đường qua sông, hai thanh niên đi tới bảo “muốn đi thì tháo giày lên bè tôi đưa qua”. Nhìn chúng tôi ái ngại với con nước dập dềnh, anh nói tiếp: “Chỉ có con đường này thôi, lên tôi đưa qua sông, không có gì phải sợ”. 

Liều mình bước lên chiếc bè được kết từ hơn 30 thân lồ ô ghép lại, dài khoảng 3m, chiều ngang chưa tới 2m, được những lốp xe cũ nối lại buộc vào sợi dây cáp ngang sông. 

Chỉ kịp đứng mỗi người một nơi theo lời hướng dẫn, chưa kịp hỏi gì thêm, hai người thanh niên dùng hết sức bám chặt sợi dây cáp bắt ngang qua sông kéo bè cắt ngang dòng nước. 

Sức nước chảy xiết, chiếc bè chao đảo, không có điểm tựa, tôi chới với trên chiếc bè giữa dòng nước cuồn cuộn. Định ngồi thụp xuống, một người thanh niên nói vọng: “đứng vững. Không được ngồi”.

Tai nạn luôn rình rập trên chuyến đò ngang đưa học sinh qua sông tìm con chữ.

Chiếc bè vượt được một đoạn, hai người thanh niên thở dốc, gọi nhau buông dây cho bè nghỉ. Lúc này, một người thanh niên mới tự giới thiệu anh tên Cao Trí Vũ (26 tuổi) là người dưới thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, lên đây làm lái xe cho một người dân ở bên thôn này. 

Dù thôn Nước Rin chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 300 mét theo đường chim bay nhưng lại bị con sông Rin chia cắt nên nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Nơi đây không có cầu. Chỉ có con đường rừng nối thôn nước Rin ra ngoài thì lại quá hiểm trở với những dốc đá cheo leo. 

Học sinh muốn đi học, người dân muốn giao thương buôn bán thì phải vượt sông. Nhưng dòng nước sông Rin khu vực này lại là nơi hợp sức nước giữa sông Tang và sông Rin nên lưu lượng nước chảy qua đoạn sông này rất dữ, dòng nước chảy xiết. Người dân vì thế phải buộc dây nối đôi bờ, dùng sức người kéo bè, xuồng sang sông.

Bỏ lở câu chuyện, hai người thanh niên lại đứng dậy hợp sức ghì tay, kéo chiếc bè vượt sóng. 

Nước lớn, sóng mạnh, bàn tay nắm chặt vào dây nhưng vẫn không giữ nổi bè. Nhiều lúc, họ phải ngồi sụp xuống chiếc bè ướt đẫm, đưa chân vào thanh tre phía trước bè làm điểm tựa, cong lưng về phía sau, hai bàn tay giữ chặt dây cáp để giữ bè đứng vững giữa dòng nước dữ. 

Anh Cao Trí Vũ cho biết, do con sông này nằm ngay dưới thủy điện Đắk Ring và hồ chứa nước Nước Trong nên mỗi ngày cứ khoảng từ 8h đến 9h, 11h đến 14h, khi thủy điện xả lũ, dòng nước sẽ trở nên chảy xiết hơn, người dân qua sông càng trở nên mệt nhọc.

Cố dùng sức kéo thêm một lần nữa, những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt hai người thanh niên này. Đuối sức, anh Cao Trí Vũ ra hiệu dừng lại. Người thanh niên đi cùng bèn nhảy tùm xuống dòng nước, lặng người xuống chiếc bè đẩy chúng tôi qua sông. 

Lên bờ với thân mình đã ướt nhèm nước lẫn mồ hôi, anh cho biết, người đàn ông vừa kéo xuồng đưa các em học sinh qua sông là ông Đinh Văn Krắc (71 tuổi) người trong thôn. Ông đã đóng bè để người dân qua sông và tự nguyện kéo xuồng đưa đón học sinh đi học mỗi ngày trong suốt 15 năm qua.

Rồi anh nói thêm: “Khổ lắm chị ạ! Hồi đi bè, có lúc bè chông chênh, nhiều em học sinh còn rớt hết xuống dòng nước. May mà các em đều bơi được vào bờ nên chưa có chuyện gì xảy ra. Chỉ mới cách đây 4 năm, khi được chính quyền xã, huyện hỗ trợ cho chiếc xuồng, công việc của ông Krắc mới đỡ phần vất vả, những vụ nghiêng bè cũng từ đó vơi đi”.

Nhiều lúc nước chảy xiết không kéo nổi bè, người dân phải nhảy xuống dòng nước đẩy bè qua sông.

Nỗi niềm của người dân thôn "ốc đảo"

Theo anh Vũ, chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Krắc. Hiện ra trước mắt chúng tôi là người đàn ông rắn chắc với nước da ngăm đen vì những ngày gồng mình dưới nắng kéo bè. Vắt chiếc áo thấm đẫm mồ hôi lên cây, ông Krắc cho biết thôn Nước Rin có 131 hộ dân, 120 em học sinh các cấp. 

Trong đó 60 em học sinh mẫu giáo, tiểu học và 60 em học sinh bậc THCS, THPT. Trước đây, các em đều phải ngày ngày băng qua sông để đi học tại điểm trường huyện và trung tâm xã. Nhưng vì qua sông quá nguy hiểm, thương và lo cho tính mạng của các em nên địa phương phải vào tận thôn mở trường cho các em tiểu học, mẫu giáo. 

Các thầy cô giáo hàng ngày cũng phải đánh liều với dòng nước chảy xiết để mang cái chữ đến cho học sinh của mình. 60 em học sinh còn lại ngày ngày đều phải băng mình qua dòng nước xiết để đến trường. Thấy việc học của các em học sinh quá vất vả, ông Đinh Văn Krắc đã xin xã đầu tư chiếc xuồng để chở các em học sinh qua sông, giảm bớt hiểm nguy.

“Người lớn chúng tôi khổ thì không sao, nhưng nhìn các em học sinh, đời con, đời cháu của mình khổ cực tôi không chịu được. Phải quyết tâm để cho các em có được con chữ, sau này còn có cái làm, đừng khổ theo chúng tôi. Tôi đã xin xã cho chiếc xuồng để hằng ngày tôi đưa đón các em đi học. Chứ đi bè thì nguy hiểm lắm” – nói đến đây, đôi mắt của ông hướng về phía xa xa bên bờ sông. 

Thế là, chỉ vì hành trình đi tìm con chữ của các em, vì một ngày mai ở vùng “ốc đảo”, dù trời có mưa to, gió lớn hay giữa những cái nắng gay gắt của ngày đầu hè, hơn 15 năm nay, ngày nào ông Krắc chấp nhận phơi mình dưới nắng cháy, bầu bạn với hà bá, kéo bè, xuồng đưa đón học sinh qua sông.

Mỗi ngày khi ông mặt trời chưa ló rạng và tiếng trống trường vừa đánh liên hồi báo hiệu tan trường, ông Rắc đều đã đợi sẵn ở bên bờ sông. Mỗi ngày ba lần từ sáng 6h-7h30, trưa từ 10h30-12h, chiều từ 1h-4h30, ông Rắc đều chở 6 chuyến đi, 6 chuyến về. 

“Hôm nào nước ít thì tôi chở 15 em, còn nước lớn thì chở 5 em. Có khi các em đi học trễ, mình liều chở nhiều hơn thì lại bị công an phạt. Chở nhiều thì nguy hiểm chứ, nhưng biết làm sao được, chỉ sợ mấy em bị trễ học” – khẽ cười, ông Krắc nói thêm.

Người dân phải buộc dây cáp ngang sông để kéo bè qua sông.

Chị Đinh Thị Lương (con gái của ông Krắc) tiếp chuyện: “Làm cái nghề này cực lắm, nắng mưa gì cũng phải đi, nhiều lần thấy ông cực quá, tôi khuyên ông nghỉ đi, nhưng ông không chịu”. 

Nghe vậy, ông Krắc cười hiền, “biết là khổ lắm chứ, nhiều tuổi rồi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng không có người chịu làm thay nên chắc là mình phải làm cả đời. Vì tôi muốn cho bọn trẻ tới trường học được “con chữ”, biết được nhiều kiến thức, sau này tụi nhỏ mới đỡ khổ được. Bây giờ chỉ ước mơ có một cây cầu bắc qua sông để bọn trẻ đỡ khổ”.

Nhìn những đứa trẻ đang vui đùa ở dưới căn nhà sàn, ông Rắc bảo, trẻ con ở đây từ khi sinh ra đã khổ rồi. Vì con sông cách trở nên đa phần ba mẹ tụi nó đều chọn cách sinh tự nhiên ở nhà. Những mùa nước nổi, bè, xuồng không vượt được sông, có chuyện gì cũng phải gắng gượng. 

Thế rồi, cái nắng, cái gió, sự cách trở ở đây cũng trở nên khắc nghiệt, nuôi chúng ngày càng khôn lớn. Chưa kể người dân ở đây muốn thi công, dựng một ngôi nhà kiên cố để cho bọn trẻ còn có nơi ở, học tử tế cũng muôn phần vất vả. 

Vì mỗi lần đưa xe vào thi công là phải vượt đường núi hiểm trở, mùa nắng gập ghềnh, mùa đông lầy lội, tiền vận chuyển vì thế cũng cao hơn những nơi khác. Mà người dân ở đây cách trở thế này làm gì có tiền nhiều.

Nhìn thấy người lớn quây quần, em Đinh Thị Mỹ Lệ (con chị Lương) mang cặp sách cũng chạy lên nép vào lòng mẹ. Ông Rắc cũng nhanh chóng khoác vội chiếc áo, đưa chúng tôi ra bờ sông “tôi đưa các cô qua sông, đến giờ đưa tụi nhỏ đi học rồi”. 

Trên chiếc xuồng vượt sông, chúng tôi cũng cảm nhận dòng nước đã hiền hòa hơn trước. Ông Rắc cho biết, “mới đây xã có đầu tư chiếc xuồng máy. Nhưng tôi chỉ để dành khi nào nước lớn mới khởi động đưa các em qua sông. Còn nước thế này tôi vẫn kéo được”.

Ông Đinh Văn Phèn – Chủ tịch UBND xã Sơn Bao cho biết, thôn Nước Rin bị chia cắt ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. Có một cây cầu không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Xã rất mong muốn huyện sớm bố trí nguồn kinh phí để làm cây cầu phục vụ người dân, nhất là con đường đến trường của học sinh bớt lo âu và thấp thỏm.

Bà Đinh Thị Thanh Hường – Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà nói với chúng tôi: “Không chỉ riêng xã Sơn Bao mà còn rất nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Sơn Hà cũng đang cần những chiếc cầu, điều kiện vô cùng khó khăn. Tuy nhiên kinh phí của huyện còn hạn chế. Hiện tại huyện phải đang đầu tư từng bước, xây cầu cho những nơi cần thiết nhất, tùy vào số hộ dân... 

Bây giờ chúng tôi chỉ trích từ nguồn ngân sách cấp ghe, áo phao, tập trung tuyên truyền, kiểm tra để người dân nâng cao ý thức, tránh những hiểm nguy rình rập. Đến mai này, khi đủ nguồn, một cây cầu... nối nhịp bờ vui”.

Hà Vy – Linh Nguyễn
.
.
.