Một đề xuất cười ra nước mắt

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:29
Cộng đồng mạng lại dậy sóng suốt mấy ngày qua với thông tin Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) trong mội cuộc hội thảo đã đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư khi cải tạo lại khu tập thể Thành Công, đồng thời sẽ hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc.

Một vị lãnh đạo ngành Xây dựng khi được hỏi quan điểm của ông về vấn đề này, ông không đưa ra bất cứ một ý kiến gì, mà chỉ nói: “Nghe xong đề xuất "lấp đi, đào mới" hồ Thành Công, tôi chỉ biết cười ra nước mắt!”.

Vậy doanh nghiệp này có "ngây ngô" khi mạnh dạn, thậm chí liều lĩnh đề nghị "nắn" lại hồ Thành Công? Không khó để tìm ra câu trả lời. Bên cạnh những quyền lợi mà người dân được hưởng thì "miếng bánh" của nhà đầu tư đương nhiên sẽ là lớn nhất.

Minh họa của Lê Tâm.

Toàn bộ phần đất thu lại được sau khi phá dỡ khu tập thể Thành Công sẽ có view hồ tuyệt đẹp. Bạn thử tưởng tượng xem, giữa một quận trung tâm thành phố lại có một không gian lý tưởng như thế thì giá đất ở đây sẽ cao tới mức nào, và tất nhiên, những dự án tiếp theo của nhà đầu tư sẽ được tối đa hóa lợi nhuận.

Kinh doanh là thế, mục đích cuối cùng của họ là lợi nhuận, chỉ tiếc rằng, vấn đề họ đưa ra thuần túy là kinh doanh mà bất chấp những nguyên tắc khác của đời sống. Chính vì thế mà "gạch đá" từ cộng đồng dành cho doanh nghiệp này mấy ngày qua khá nhiều. 

Tôi có may mắn được đặt chân tới một số thành phố lớn ở các quốc gia khác nhau. Thú thật, tôi không ấn tượng lắm với những tòa nhà chọc trời, những công trình kiến trúc hoành tráng, mà đọng trong tôi vẫn là những thành phố bạt ngàn cây xanh, hoa lá, thảm cỏ và hồ nước.

Có thể về kiến trúc, những thành phố này không hẳn là hiện đại, nhưng khi dạo bước trên những lối nhỏ ven hồ, chúng ta thấy vô cùng thư thái, tạm gác lại những muộn phiền của cuộc sống và khát khao những điều lớn lao, tốt đẹp. Rõ ràng là những công trình đó có ý nghĩa nhân văn rất lớn khi phục vụ con người, vì con người.

Theo điều tra sơ bộ, hiện nội thành Hà Nội còn hơn 100 ao hồ. Hơn chục năm qua, nhiều ao hồ đã "biến mất" chỉ trong một thời gian ngắn. Và khi những trận mưa lớn trút xuống, nước không có lối thoát lại dềnh lên, đường phố ngập úng và giao thông bị tê liệt.

Nguyên nhân của việc ao hồ "biến mất" rõ ràng là xuất phát từ lòng tham của con người. Mỗi ngày, các hộ dân sống quanh ao hồ âm thầm đổ chất thải xuống, diện tích ao hồ bị thu hẹp cũng là khi diện tích họ lấn chiếm tăng lên.

Xảy ra tình trạng này, ngoài lòng tham của người dân còn phải nói đến sự tắc trách của chính quyền địa phương. Buông lỏng quản lý, thờ ơ với những sai phạm, xử lý qua loa của chính quyền địa phương chính là sự tiếp tay để việc san lấp ao hồ của người dân được thực hiện nhanh chóng.

Còn một khi những ao hồ này lọt vào tầm ngắm và tham vọng của các doanh nghiệp thì thử hỏi, nó còn bị san lấp nhanh đến mức nào?

Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã họp bàn nhiều và đưa ra những kế hoạch được người dân quan tâm như dự án nạo vét, thay nước hồ Hoàn Kiếm cải tạo, nâng cấp chất lượng hệ sinh thái, nước mặt hồ Tây, đặc biệt là giải tỏa những nhà hàng, nhà nổi gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.

Ngoài việc giữ gìn, cải tạo hệ thống ao hồ, Hà Nội cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ 10 dự án khu chung cư cũ. Tổng mức đầu tư cho các dự án này là 316.800 tỷ đồng.

Các dự án có tổng mức đầu tư lớn là khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa).

Trở lại "ý tưởng" lấp hồ Thành Công, tất nhiên, đây mới chỉ là đề xuất từ phía nhà đầu tư. Thành phố không thể cấm nhà đầu tư, doanh nghiệp hay một người dân nào đó nêu ý tưởng của mình.

Song, từ đề xuất đến hiện thực là một hành trình dài và phải xem xét tới nhiều yếu tố, trong đó, đúng pháp luật và được sự đồng thuận từ phía người dân là hai yêu cầu cơ bản nhất. Còn những ý tưởng mang nặng mục đích cá nhân đương nhiên sẽ "chết" ngay từ khi phát ngôn và chịu sự phán xét của dư luận.

Tuấn Nguyễn
.
.
.