Hậu duệ của Cao Bá Quát:

Một đời cắt tóc, trọn đời mê văn

Chủ Nhật, 26/05/2013, 15:59

Hậu duệ đời thứ 5 của Cao Bá Quát, người viết châm ngôn nhiều nhất Việt Nam, ông thợ cạo "3 trong 1"… là những từ ngữ người đời chỉ về ông - người hành nghề cắt tóc nhưng lại say đắm với sự nghiệp văn chương. Con người ấy cứ ngày ngày vun tóc vụn, đêm về lại dốc tâm can để viết ra những áng văn chương làm đẹp cho đời.

70 năm hành nghề cắt tóc

Tháng tư, thỉnh thoảng vẫn còn có ngày sót lại cái rét nàng Bân. Cái lạnh ấy hình như phả vào cả ngôi nhà nhỏ bé, ẩn khuất trong con ngõ sâu trên phố Thụy Khuê. Ở đó, có một người đàn ông già ngày ngày vẫn cắt tóc và viết văn. Hai cái nghề ấy, nghe thì tưởng như không liên quan gì đến nhau và ở hai thái cực đối lập nhau.

Thế nhưng có trò chuyện với ông, có nghe ông tâm sự mới hiểu thì ra cái sự tưởng chừng không ăn nhập gì ấy lại hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Cái này chính là vốn sống cho cái kia. Cứ theo như lời ông Cao Văn Tuế nói thì có lẽ cái nghề cắt tóc chính là động lực, là chất liệu để ông chắt lọc nên những câu châm ngôn tinh lọc, những áng thơ chan chứa bao la tình và những câu truyện thấm đẫm chất nhân văn.

Một điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên ở ông, đó là với những giải thưởng văn chương mà ông nhận được. Ít ai ngờ ba tập sách, với những câu châm ngôn thâm thúy và sâu sắc ấy lại được viết ra từ một người chưa học hết lớp 5.

 Sinh ra ở làng Sủi (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi được coi là cái nôi của khoa bảng. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ quá khó khăn nên ông Tuế đã không thể tiếp tục sự nghiệp học hành của mình dù rất khát khao. 15 tuổi ông vác kéo đi khắp nơi khắp chốn để kiếm kế sinh nhai.

“Những dòng tâm thức” được ông gìn giữ như tính mạng của mình.

Trong một cuốn sách của mình ông đã viết lời tự bạch như sau: "Nghề cắt tóc khác hẳn các nghề khác, khách đến đây thường hay kể chuyện. Có chuyện tưởng như bâng quơ, có chuyện thật cụ thể, có chuyện mở rộng bao la, có chuyện thu vào nhỏ xíu.

Hòa vào cuộc sống tôi làm tổ trưởng dân phố, thấu đáo nếp ăn, cách ở của từng nhà, từng người khi lên, khi xuống, lúc thịnh, lúc suy. Vốn quý của quê hương, kho báu trong cuộc đời. Tất cả, tất cả được ủ thành men, cất lên thành rượu. Đó mới là những dòng tâm thức".

Khởi nghiệp cắt tóc từ lúc 15 tuổi đến nay ông Cao Văn Tuế đã bước vào tuổi 83. Ngót nghét một thế kỷ hành nghề "vít đầu thiên hạ", mọi chuyện cũng từ đó mà ra. Nghề cắt tóc tiếp xúc với nhiều người, từ ông bộ trưởng đến cậu sinh viên, thậm chí là một thằng ăn trộm cũng đến ông cắt tóc.

Ông kể, có lần tay giám đốc đứng đầu một công ty bất động sản đến quán ông cắt tóc. Đầu tóc rất rất chỉn chu nhưng anh ta quyết liệt đòi ông cắt quả đầu ba phân. Hỏi ra mới biết vị giám đốc này đang khổ sở vì công ty mình đang trong bờ vực phá sản.

Biết được tâm tư của vị giám đốc này, nguyên buổi sáng hôm đó ông Tuế không cắt tóc cho bất kỳ ai mà dành thời gian để tiếp chuyện. Ông mang chính cuộc đời của mình ra kể, ông lấy biết bao số phận ông chứng kiến ra để anh này chiêm nghiệm. Thế rồi vị giám đốc vui vẻ ra về với mái đầu "tử tế".

Ông Tuế kể lại: "Khoảng một năm sau vị giám đốc đó quay lại với tâm trạng rất tốt. Anh ta nói đã cứu được công ty trước bờ vực. Không biết có phải vì những lời ruột gan của tôi mà anh ấy sốc lại tinh thần hay không nhưng cũng cảm thấy vui".

Biết bao nhiêu chuyện, mà theo như ngôn ngữ của ông "ban ngày tôi hóng hớt được, rồi đêm về chắt lọc, dốc hết tâm can mình ra mà viết. Viết để thấy cuộc đời này đáng sống, đáng trân trọng biết bao nhiêu".

Cắt tóc và viết văn chương đều làm đẹp cho đời. Thế nên bên cạnh hộp đồ ghề dao, kéo luôn là những tập bản thảo cứ dày lên theo thời gian. Tuổi đã ngoại bát tuần nhưng xem ra ông vẫn còn minh mẫn lắm. Trí nhớ - tôi đặc biệt phục cái trí nhớ "thiên kinh vạn quyển" của ông.

Ông nói vanh vách những gì mình đã viết ra, đã đọc được không sai một câu, không chệch một dấu phẩy. Ông nhớ từ ngày tháng, đến sự kiện bất luận nó xảy ra mới đây hay đã rất lâu rồi. Ông tếu táo pha trò: "Ngày ngày cứ rút tóc thiên hạ mà làm thơ viết truyện thôi. Một bồ tư liệu do nhân gian tự nguyện cho không thì lo gì không có đề tài".

Viết văn theo vệt tông đơ

Dù sự nghiệp học hành của ông rất khiêm tốn nhưng tình yêu, sự mê đắm với văn chương thì cao vời vợi. Nếu có hỏi ông, làm thơ viết văn tự hồi nào thì ông cũng lắc đầu mà bảo: "Nó ngấm từ khi nào cũng không hay nữa".

Chỉ biết rằng, có một lần cố nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vào quán Tô Xuân của ông cắt tóc. Vớ được dịp may hiếm có ấy, ông đã mang ngay một truyện ngắn vừa ráo mực ra nhờ nhà văn nổi tiếng thẩm định. Hồi hộp đến nín thở, dõi theo từng nét co giãn trên khuôn mặt nhà văn. Cuối cùng ông được lão nhà văn này phán rằng: "Ông viết được lắm. Cứ nên bám riết lấy cái nghề cắt tóc này mà viết, chắc chắn sẽ thành công". Những lời vàng ngọc ấy chính là động lực để ông dấn thân và tự tin hơn nữa vào thứ đam mê mình trót mắc phải. Những truyện ngắn, bút ký, thơ và cả châm ngôn nữa cứ lần lượt ra lò.

Không biết chữ Hán, nhưng lại rất chịu khó đọc những câu đối tiếng Hán, thế nên ông Cao Văn Tuế còn có một biệt tài nữa là làm câu đối bằng tiếng Hán rất chỉnh. Còn nhớ, năm 1996, khi đang cắt tóc thì một người đàn ông bước vào quán của ông, tự giới thiệu là cháu của tướng Nguyễn Sơn. Ông ta nói giọng rất thành khẩn: "Sắp tới là ngày giỗ của chú tôi. Nhờ ông viết giúp tôi một câu đối coi như nén nhang của tôi gửi tới chú". Ông còn chưa hết bất ngờ vì tự nhiên có một người lạ đến quán mình, lại còn nhờ mình làm câu đối.

Bài thơ ông Tuế viết về Cao Bá Quát được in trong cuốn sách “Nghìn câu thơ tài hoa”.

Ông khiêm tốn tự nhận mình ít học, chắc khó mà làm hài lòng được tâm nguyện của người đó. Nhưng mặc kệ ông từ chối, người đàn ông ấy vẫn một mực nài nỉ. Trước thịnh tình ấy ông đã nhận lời. Và theo như lời ông kể thì "không hiểu sao lúc đó tôi lại xuất thần rồi đọc ngay câu đối chỉ sau vài phút suy nghĩ".

Câu đối ấy đã được người đàn ông mang về treo tại nhà ái nữ của tướng Nguyễn Sơn. Và bất ngờ hơn, vào một ngày chính con gái của tướng Nguyễn Sơn đã đích thân đến tận quán cắt tóc Tô Xuân của ông có lời mời ông đến trước mộ đọc câu đối ấy cho họ hàng con cháu và ở dưới suối vàng cha của mình được nghe trong ngày giỗ tướng Nguyễn Sơn.

Và 3 giờ chiều ngày hôm đó, một đoàn ô tô đỗ ở cổng làng chờ ông. Hôm đó ông Tuế ăn vận oách lắm, complê thắt caravat, giày tây. Chiếc xe ô tô chở ông Tuế đi đằng trước, một đoàn xe lần lượt theo sau. Đến nghĩa trang Mai Dịch, đứng trước mộ cha mình, ái nữ của tướng Nguyễn Sơn đã nói: "Kính thưa vong linh ba, hôm nay là ngày húy của ba, bác Cao Văn Tuế đã viết câu đối về ba nên con mời bác đến đây để đọc cho ba nghe".

Sau lời của con gái tướng Nguyễn Sơn, ông Tuế cũng thành tâm thắp nén nhang lên ngôi mộ người tướng tài này rồi trịnh trọng phát biểu: "Kính thưa vong linh tướng Nguyễn Sơn, ông người làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm), tôi người làng Phú Thị (Gia Lâm), coi như tôi với ông cùng quê. Mến mộ tài năng của ông tôi làm câu đối này đọc để ông lĩnh hội: "Trí tráng sơn hà lưỡng quốc tạc/ Danh truyền sử sách thiên thư lưu" (tạm dịch là: Chí khí sông núi hai nước khắc/ Danh truyền sử sách vạn trang lưu".

Sau này, câu đối ấy cũng được một họa sĩ vẽ trên bức tranh sơn mài về tướng Nguyễn Sơn và được treo ở Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Rồi được in trang trọng ngay đầu quyển sách Lưỡng quốc tướng quân (tướng Nguyễn Sơn) bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Trung do NXB thông tấn biên soạn và phát hành.

Ngày nào cũng thế, cứ cỡ khoảng 5 giờ sáng người ta lại thấy một cụ ông với mái đầu bạc trắng đạp xe dạo quanh Hồ Tây. Thói quen ấy không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn để ông Tuế lắng nghe nhịp thở cuộc sống khi ngày mới bắt đầu. Người thợ cạo tài hoa ấy cứ chầm chậm sống, chầm chậm trải nghiệm những buồn vui, hạnh phúc và cả đớn đau trong đời để viết nên những dòng tâm thức làm đẹp hơn cuộc sống này…

Ông thợ cạo, tuy chẳng ở trong biên chế một cơ quan nào nhưng đã vinh dự được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hà Nội từ năm 1966 và là một trong những hội viên lứa đầu của Hội Văn nghệ Thủ đô.

Từ bài thơ ban đầu "Công an tí hon" đăng trên Báo Độc lập, Báo Thiếu niên Tiền phong năm 1959, lại được NXB Văn học in vào hợp tuyển thơ văn thiếu nhi năm 1945 - 1960 đến bài "Cái lẹm móc cua của bà" đã được NXB Giáo dục năm 2003 chọn in trong tập 7 bài tập tình huống Giáo dục công dân mục nói về "Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ", ông đã có một bước tiến dài trên văn đàn.

Năm 2000, NXB Văn hóa thông tin xuất bản cuốn sách Nghìn câu thơ tài hoa, trong đó có 4 câu thơ của tác giả Cao Văn Tuế nói về cái chết của Cao Bá Quát: "Xương không nằm trong phần mộ/ Khi tưởng nhớ/ Nhìn trang sách mở/ Trông lên trời"...

Trong những năm gần đây, ông đã từng được 6 giải thưởng trong các cuộc thi văn học viết về những đề tài khác nhau. Sáu lần viết về Làng Sủi - nơi chôn nhau cắt rốn - ông đều được giải thưởng. Báo Văn nghệ Công an số 10 (110) tháng 10 năm 2004 trong mục "Người tốt - Việc thiện" đã ca ngợi ông là "Người thợ cạo tài hoa" đất Hà thành và 4.000 câu châm ngôn độc đáo.

Tạp chí Thế giới mới số 499 phát hành ngày 13/8/2001 trong mục "Nét đẹp đời thường" với bài viết “Người thợ cạo thành Hà Nội” đã đánh giá ông Cao Văn Tuế "là một trong những người viết nhiều châm ngôn nhất Việt Nam". Ông khiêm tốn gọi những câu châm ngôn đó là những dòng tâm thức và đã được NXB Văn hoá Thông tin in thành sách năm 1995 với tên gọi Tâm văn.

Phong Anh
.
.
.