Một kỷ nguyên mới đang đến với Nhật Bản

Thứ Hai, 06/05/2019, 08:59
Ngày 1-5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa, có nghĩa là "Sự hòa hợp tốt đẹp"), tại một buổi lễ được tổ chức ở Tokyo. Hoàng đế mới của Nhật Bản là một nhạc công và nhà sử học, người vừa điềm đạm vừa ngoan cường, được hy vọng sẽ mang nhiều triển vọng cho Hoàng thất Nhật Bản sau khi lên ngôi.


Bắt đầu một triều đại mới

Lễ đăng cơ của tân Nhật hoàng Naruhito diễn ra lúc 8h30 sáng 1-5 (theogiờ Hà Nội) tại phòng "Matsu no Ma" của Cung điện Hoàng gia, ngày đầu tiên của triều đại Lệnh Hòa.

Trong nghi lễ kéo dài 10 phút, Nhật hoàng Naruhito được trao ba báu vật thiêng liêng thường được gọi là "Tam chủng thần khí" gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng nhân từ. Nhật hoàng cũng được trao con dấu hoàng gia và con dấu riêng của hoàng đế.

Hoàng đế Nhật Bản Naruhito lên ngôi.

Sau lễ đăng cơ, trước hàng trăm khách mời, Nhật hoàng Naruhito có bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Hoàng đế thứ 126 tại Cung điện Hoàng gia. Nhật hoàng Naruhito nguyện hành động theo Hiến pháp, nguyện suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân.

Tân Nhật hoàng cũng cho biết ông sẽ "tiếp bước" vua cha Akihito, vị cựu Nhật hoàng rất được lòng dân, người đã mang nền quân chủ lâu đời nhất thế giới tới gần hơn với dân chúng, đặc biệt khi xảy ra các thảm họa thiên tai.

Tân Nhật hoàng Naruhito cam kết "đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra" và luôn "tự hoàn thiện mình". "Tôi sẽ luôn sát cánh với người dân Nhật Bản, hành động theo Hiến pháp và luôn hướng tới suy nghĩ của người dân", Nhật hoàng nói trong bài phát biểu đầu tiên.

6 tháng nữa, vào ngày 22-10, một nghi lễ lớn và long trọng nhất sẽ được tổ chức. Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ mặc áo choàng truyền thống được may công phu để làm lễ trong cung điện trước khi diễu hành qua các đường phố Thủ đô để được các lãnh đạo và hoàng gia trên thế giới chúc mừng.

Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Tên của tân Nhật hoàng được đặt với ý nghĩa "người sẽ có những phẩm chất siêu phàm". Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng ngày sinh nhật của mình.

Nhà vua Naruhito (giữa) tham gia buổi hòa nhạc cùng dàn nhạc cựu sinh viên của Đại học Gakushuin vào tháng 7-2004.

Ông chính thức lên ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30-4-2019 vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút. Vua cha Akihito là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản trong vòng hơn 200 năm qua tuyên bố thoái vị. Theo Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản, Nhật hoàng là "biểu tượng của quốc gia và của hòa hợp dân tộc".

Vị Nhật hoàng đầu tiên tốt nghiệp đại học và du học nước ngoài

Sinh ngày 23-2-1960, Nhật hoàng Naruhito là con cả trong gia đình. Ông cũng là vị Nhật hoàng đầu tiên được sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và thay vì được các y tá và vú nuôi chăm sóc theo truyền thống, ông được nuôi nấng bởi chính mẹ của mình, Hoàng hậu Michiko.

Thậm chí, hoàng hậu còn tự tay làm đồ ăn trưa cho ông mang đến trường khi còn đi học. Đây được cho là nỗ lực của Hoàng gia để trở nên gần gũi hơn trong mắt dân chúng.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, trong bữa tiệc vườn mùa thu hoàng gia hàng năm tại Cung điện Akasaka ở Tokyo năm 1997.

Jeffrey Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Nhật Bản, cho biết những người biết Naruhito, mô tả ông là người "khiêm tốn, duyên dáng và sắc sảo".

Ông là thành viên Hoàng gia Nhật Bản đầu tiên đi du học, Nhật hoàng Naruhito dành hai năm theo học tại Đại học Oxford (Anh), viết luận án về chủ nghĩa trọng thương thời trung cổ trên sông Thames, trước khi trở về Tokyo và trường cũ của ông, Đại học Gakushuin, để học tiến sĩ.

Khi còn theo học ở Đại học Oxford, Naruhito được bạn bè đánh giá là người chu đáo, khiêm tốn, yêu âm nhạc và có phong cách bình dị, gần gũi với mọi người.Theo Japan Today, Hoàng đế mới của Nhật Bản là một nhạc công và nhà sử học, người vừa điềm đạm vừa ngoan cường, người sẽ mang đến triển vọng mới cho hoàng thất sau khi lên ngôi.

Nhật hoàng Naruhito cũng nổi tiếng với việc ủng hộ các hoạt động vì môi trường. Ông từng tham gia nhiều hội nghị quốc tế về nước sạch. Vào năm 2015, ông có bài phát biểu trước hội đồng cố vấn về nước và vệ sinh dịch tễ có liên kết với Liên Hợp Quốc. Trước khi chính thức lên ngôi Nhật hoàng đã nhiều lần bày tỏ ý muốn đóng góp vào công tác chống biến đổi khí hậu.

Người đàn ông của gia đình

Cũng giống như cha của mình, Nhật Hoàng Naruhito kết hôn với một thường dân. Vợ ông, Hoàng hậu Masako Owada, hiện 55 tuổi. Hai người gặp nhau lần đầu tiên tại một buổi hòa nhạc năm 1986. Tại thời điểm đó, Hoàng hậu Masako thông thạo nhiều ngôn ngữ và vừa trải qua kỳ thi điều kiện để trở thành nhà ngoại giao.

Naruhito phải mất nhiều năm mới chinh phục được trái tim người phụ nữ giỏi giang này, bởi lúc đầu bà đã vài lần từ chối ông. Cả hai tổ chức hôn lễ vào năm 1993. Trong quá khứ, Nhật hoàng Naruhito từng khiến cả nước Nhật bất ngờ khi mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ vợ mình.

Nhật hoàng Akihito và con trai của ông, Thái tử Naruhito vẫy tay chào đám đông trong lễ đón năm mới tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo vào ngày 2 tháng 1 năm 2019.

Ông nói rằng bà "đã hoàn toàn kiệt sức" khi cố gắng thích nghi với tình cảnh, trong khi lại có nhiều động thái "phủ nhận sự nghiệp và tư cách của cô ấy".

Phản ứng trước tuyên bố của Naruhito vào thời điểm đó, em trai ông đã lên tiếng chê trách và Nhật hoàng Akihito, người giờ đây đã trở thành Thượng hoàng, cũng lên tiếng bày tỏ thái độ không hài lòng. 

Là Hoàng đế Nhật Bản đầu tiên trong thời hiện đại không có con trai, Nhật hoàng Naruhito hết lòng vì con gái Aiko, hiện 17 tuổi. Ông cũng ủng hộ việc đàn ông Nhật nên tích cực tham gia vào công việc gia đình và giáo dục con cái, trở thành những người cha thực thụ. Quan điểm này hiện vẫn chưa phổ biến do sự bảo thủ của xã hội Nhật Bản.

Theo các nhà bình luận, một trong những thách thức với Nhật hoàng Naruhito là tiếp tục những dấu ấn mà cha mình đã làm dưới triều đại Heisei là đưa Hoàng gia xích lại gần quần chúng nhân dân.

Nhật hoàng Akihito là Hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản và là vị vua đầu tiên từ bỏ ngai vàng trong vòng 2 thế kỷ qua. Triều đại Heisei của ông bắt đầu vào ngày 8-1-1989 và trải qua nhiều thăng trầm của đất nước với nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sự bùng nổ của công nghệ và cả những thảm họa tự nhiên kinh hoàng như trận động đất/sóng thần năm 2011.

Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu Michiko, vị hoàng hậu đầu tiên xuất thân từ gia đình thường dân, luôn nỗ lực xoa dịu những ký ức đau buồn về Thế chiến 2, thường xuyên tiếp xúc với dân thường, đặc biệt là người già, người khuyết tật và nạn nhân trong thảm họa thiên tai. Năm 2016, Nhật hoàng Akihito lần đầu tiên công bố lo ngại sức khỏe và tuổi tác không cho phép ông làm tròn nhiệm vụ sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và phẫu thuật tim.

Dù theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng chỉ giữ vai trò biểu tượng và không có quyền lực chính trị nhưng những chuyến công du nước ngoài của Nhật hoàng Akihito được giới chuyên gia đánh giá là mang ý nghĩa trọng đại, thể hiện bước chuyển trong chính sách ngoại giao của Nhật. Trong đó, chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3-2017 được xem là dấu mốc lịch sử, nâng tầm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia.

Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito trở thành Thượng hoàng và chuyển đến ở tại một dinh thự trong cung điện, theo AP. Thượng hoàng sẽ không còn xuất hiện trong các sự kiện chính thức của quốc gia, bao gồm cả lễ lên ngôi của Thái tử Naruhito. Các hoạt động của Thượng hoàng sẽ được giữ ở mức riêng tư để tránh gây ảnh hưởng đến Nhật hoàng mới.

Đức Quý
.
.
.