Xung quanh việc Hàn Quốc dừng nhận lao động 40 huyện của Việt Nam:

Một người bỏ trốn, vài chục người mất cơ hội

Thứ Bảy, 11/05/2019, 12:55
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) vừa ra thông báo tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). 


Theo đó Hàn Quốc quyết định tạm dừng tuyển lao động trong năm 2019 đối với 40 quận, huyện tại 10 địa phương của Việt Nam. Hệ lụy của việc tạm dừng tuyển này khiến cho hàng nghìn người đã bỏ công sức, tiền bạc học nghề, thi chứng chỉ tiếng Hàn giờ đây mất cơ hội đi làm việc ở Hàn Quốc…

40 huyện vào "danh sách đen"

Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ LĐ,TB&XH thống nhất với phía Hàn Quốc về việc tạm dừng một số địa phương có tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Trong năm 2019, Bộ LĐ,TB&XH đã lên danh sách 100 quận/huyện thuộc diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên. Từ danh sách này, phía Hàn Quốc đã thống nhất sẽ dừng tuyển chọn lao động với 40 quận, huyện của 10 tỉnh.

Hàn Quốc hiện đang cần nhiều lao động trong lĩnh vực công nghiệp.

Cụ thể các quận, huyện, thị xã có tên trong danh sách nêu trên gồm: Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương (Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc, thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ (Hải Dương); Xuân Trường, thành phố Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định); Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng (Thái Bình); Bố Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình); Lương Tài, Gia Bình (Bắc Ninh); Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng (Bắc Giang); Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu (Hưng Yên).

Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH), đây là những địa bàn có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. "Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng này", ông Nam nói.

Quýt làm cam chịu

Theo lý giải từ phía Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là biện pháp bắt buộc trước yêu cầu chính đáng của phía Hàn Quốc. Cơ quan này cũng cho biết, trước đó vào năm 2016, Bộ LĐ,TB&XH đã cùng với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc  ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. 

Hàn Quốc hiện vẫn cần nhiều lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, trong biên bản phía Hàn Quốc đã đưa ra một điều kiện nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại  Hàn Quốc  vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì sẽ dừng chuyện đưa lao động Việt Nam sang tiếp. Có thể nói việc ký kết văn bản trên giữa hai Bộ đã làm tổn hao không ít công sức đàm phán nhưng hiện đang có nguy cơ mất trắng nếu như chúng ta không đảm bảo tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.

Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hiện họ đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phải cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn, nhưng tỷ lệ bỏ trốn trung bình của họ chỉ nằm trong khoảng 8% - 9%. 

Nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15% - 16%. Riêng Việt Nam tỷ lệ bỏ trốn lên tới 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nhiều địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc như Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Là một trong những địa phương có huyện bị dừng tuyển dụng, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, tỷ lệ lao động tại  địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao, vô hình trung trở thành hệ lụy và rào cản cho những người muốn xuất khẩu lao động (XKLĐ) khác không còn cơ hội tiếp cận chương trình ưu việt như Chương trình EPS. 

Còn ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 4.870 lao động tại Hàn Quốc diện Chương trình  EPS. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã khiến hàng nghìn lao động khác mất cơ hội thụ hưởng chương trình ưu đãi này khi bị phía Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lao động. 

Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh có 1.800 chỉ tiêu thi tiếng Hàn, tính đến thời điểm này đã có 786 người theo học nhưng không được thi tuyển đợt này. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bỏ học ngay sau khi nghe thông tin bị phía nước bạn từ chối tiếp nhận.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp giảm tỷ lệ bỏ trốn

Tại sao lao động Việt Nam lại có tỷ lệ bỏ trốn cao hơn hẳn các nước như vậy? Cũng như người lao động Việt Nam, người lao động nước nào sang Hàn Quốc đều có mục đích làm kinh tế, kiếm tiền là chủ yếu. Trước hết, việc lao động bỏ trốn đều xuất phát từ ý thức của người lao động Việt Nam, họ quá coi trọng lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả kể cả danh dự của mình để sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Cái lý của người lao động bỏ trốn là kiếm tiền lo cho tương lai bản thân, lo cho gia đình.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hiện có thu nhập 800 USD - 1.500 USD/tháng.

Tiếp tay cho sự bỏ trốn này còn có một số người Việt tại Hàn Quốc và cả gia đình người thân của họ ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự tiếp xúc của những cá nhân, doanh nghiệp Hàn Quốc vì lợi ích của họ mà lách luật thu nhận người lao động  làm việc để họ có thu nhập. Làm thế nào để có thể triệu hồi hàng nghìn người đang chui lủi khắp đất nước Hàn Quốc về Việt Nam là bài toán khó cần một sự giải quyết đồng tâm, đồng bộ, đồng lòng của nhiều phía.

Trước hết là phía các cơ quan chức năng, như Bộ LĐ,TB&XH cần khẩn trương vào cuộc để  phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nắm bắt thông tin lao động bỏ trốn để kịp thời xử lý. Tất nhiên, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục có những cuộc rà soát, lùng bắt những lao động bất hợp pháp dịp này và xử lý theo pháp luật những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động Việt Nam bất hợp pháp.

Đồng thời, các tỉnh, thành qua các tổ chức Đảng, Mặt trận, Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…  tích cực có những hoạt động mạnh đến những gia đình có con em đang bỏ trốn ở Hàn Quốc, mục đích là để làm sao họ bảo ban, động viên con em họ trở về. Nhiều doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tại Việt Nam đang thu hút lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về với mức lương khá cao là cơ hội cho những lao động bỏ trốn trở về. 

Các tỉnh, thành cần phối hợp với ngành LĐ-TB&XH cùng các doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện giúp thêm cho những lao động này. Quan trọng là làm sao cho mọi người thấy việc sống trốn tránh dù kiếm được nhiều tiền hơn cho cá nhân mình vẫn đáng phải lên án, không thể ủng hộ vì ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) từ năm 2004 theo Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình này tới nay, 90.000 lao động Việt Nam đã đi làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động làm việc theo chương trình này có việc làm và thu nhập ổn định. Mức thu nhập trung bình 800 - 1.500 USD/người/tháng. Nhìn chung, người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, so với các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản thì lao động sang làm việc ở Hàn Quốc yêu cầu trình độ không cao, chi phí đi thấp, nhưng thu nhập lại cao. Đây thực sự là thị trường mà nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm việc. Thế nhưng hiện nay, việc đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS đang gặp rào cản lớn, thậm chí có nguy cơ mất thị trường lao động này. Nguyên nhân là số lao động Việt Nam sang làm việc bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá đông.

Ông Kim Do-hyon, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá lao động Việt Nam có tay nghề và cần cù, chăm chỉ khi làm việc, vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa thích tuyển dụng. Phía Hàn Quốc sẽ phân bổ số lượng căn cứ vào tỉ lệ lao động tuân thủ pháp luật, cam kết hợp đồng. Theo ông Kim Do-hyon, tỉ lệ lao động chấp hành pháp luật và cam kết hết hạn hợp đồng về nước càng cao thì số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận càng lớn. Đối với lao động Việt Nam, do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp lớn nên ảnh hưởng đến việc tuyển chọn lao động tiếp tục sang đây làm việc.

Lý Hà
.
.
.