Một số dự báo tình hình thế giới năm 2015

Thứ Bảy, 21/02/2015, 10:00
Giá dầu tiếp tục giảm sâu, những bất ổn tại khu vực Eurozone cùng đà suy giảm của nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2015 chưa có nhiều điểm sáng. Bên cạnh đó, 3 sự kiện chi phối tình hình thế giới năm 2014 (cuộc khủng hoảng Ukraine, sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và dịch bệnh Ebola) tiếp tục là chủ đề được quan tâm nhất trong năm 2015...

Và trong năm Ất Mùi, thế giới còn chứng kiến những bất ổn tại khu vực Trung Đông, căng thẳng tại các quốc gia vùng Vịnh nếu tình hình tại đây không được cải thiện...

Việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ cũng tiếp tục là chủ đề được dư luận thế giới quan tâm sau tuyên bố hôm 17/12/2014 của lãnh đạo 2 nước đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau 53 năm gián đoạn.

Bên cạnh đó, xu hướng tái cấu trúc trật tự quyền lực tại châu Á cùng với sự trỗi dậy "không hòa bình" của Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đang tăng cường tiềm lực quốc phòng, tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông và biển Hoa Đông, tiếp tục là chủ đề được dư luận quan tâm đặc biệt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình (IEP), hòa bình thế giới bị sụt giảm 7 năm liên tiếp kể từ năm 2007 bởi riêng trong tháng 11/2014, số người bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh có vũ trang đã tăng 60%, mức cao nhất từ trước đến nay và chủ yếu diễn ra ở Iraq, Syria, Nigeria.

Theo nhận định của giới truyền thông, 2015 sẽ là năm đầy sóng gió với những cuộc đối đầu lớn như sự bành trướng ở Iraq và Syria của IS; hay sự chuyển dịch quyền lực kinh tế khỏi phương Tây, những công nghệ mới, những đối thủ khu vực mới và sự giận dữ liên quan đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng... Chiến tranh mạng sẽ là một trong những vấn đề nổi cộm trong năm 2015, bởi Mỹ đã áp đặt trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau vụ tấn công mạng nhắm vào Sony Pictures khi hãng này phát hành bộ phim "The Interview" có nội dung về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến lược hướng Đông của NATO và tiến trình mở rộng EU tiến sát đến biên giới nước Nga đã khiến cho xung đột tại các nước láng giềng của Moskva tiềm ẩn những biến động lớn. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây kỳ vọng, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ "kiềm chế tham vọng" của Moskva, nhưng một số khác lại lo ngại chính điều này sẽ khiến xứ sở bạch dương trở nên "khó dự đoán" hơn trong năm 2015.

Mỹ đã rất tích cực khai thác dầu từ đá phiến trong những năm qua.

Ngày 23/12/2014, Thủ tướng Medvedev tuyên bố, nền kinh tế Nga có khả năng rơi vào "suy thoái sâu hơn". Do đó, nhiều người cho rằng, trong năm 2015, Tổng thống Putin sẽ phải chuyển trọng tâm vào các vấn đề đối nội. Được biết, từ tháng 6/2014, giá dầu giảm 35-40%, do cung vượt cầu và thao túng thị trường của một số quốc gia sản xuất dầu chủ chốt, đã tác động tới kinh tế và địa-chính trị thế giới. Và Nga đang tìm cách thoát khỏi "nạn tam trùng": giá dầu giảm, chế tài cấm vận của phương Tây bắt đầu "ngấm vào tế bào" kinh tế-xã hội và đồng rúp rớt giá trong một thời gian ngắn kỷ lục.

2015 cũng là năm diễn ra một số sự kiện quan trọng tại châu Á như kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam, 40 năm Trung Quốc-Philippines, 25 năm Trung Quốc-Singapore. Mục tiêu thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2015 dự kiến đạt 500 tỷ USD và để thực hiện mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương phải trên 10%.

Là khu vực phát triển năng động nhất thế giới năm 2014, Đông Á sẽ tiếp tục nổi lên là địa chỉ của những hợp tác kinh tế đa phương lớn, cùng những căng thẳng an ninh bị đẩy lên cấp độ mới. Và nhân tố trung tâm của mọi chuyển động kinh tế, chính trị cũng như an ninh ở Đông Á trong năm 2014 và năm 2015 vẫn là Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách trỗi dậy mạnh mẽ cả về chính trị, an ninh và kinh tế.

Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Ba Lan.

Theo nhận định của nguyên Tư lệnh hạm đội Nhật Bản Yoji Koda: có 2 yếu tố định dạng các vấn đề an ninh ở Thái Bình Dương trong năm 2015, đó là chiến thuật thay đổi của Trung Quốc liên quan đến đối đầu trên Biển Đông và sự phát triển hạm đội tàu ngầm của các nước trong khu vực.

Ngày 1/1/2015, Liên minh kinh tế Âu-Á (Nga, Belarus và Kazakhstan) chính thức đi vào hoạt động với kỳ vọng là "cầu nối giữa phương Đông và phương Tây". Việc BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (CRA) được coi là động thái làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, thế giới tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Mỹ do dự trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) để ưu tiên cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Còn Trung Quốc đang muốn thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) để làm đối trọng với Mỹ.

Theo giới kinh tế, kinh tế Mỹ vẫn là đầu tàu tăng trưởng, trong khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, còn khu vực đồng euro phục hồi không đồng đều, kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật. Môi trường kinh tế tuy thuận lợi hơn năm 2013, nhưng tăng trưởng chậm, không ổn định và mất cân đối được coi là nét chính của nền kinh tế năm 2014. Và tỷ giá dầu mỏ, vàng, tiền tệ tiếp tục biến động, tác động tới kinh tế toàn cầu trong năm 2015.

Hãng tin Bloomberg cho rằng biển Đông tiếp tục là một trong những điểm nóng trong năm 2015. Trong khi đó, tờ Les Echos (Pháp) cho rằng, trong năm 2015 cộng đồng quốc tế phải đối mặt với một số thách thức như các nước mới nổi cần tìm ra những nhà lãnh đạo phù hợp với tình hình mới, cuộc chiến chống Ebola, biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng tại Eurozone, vấn đề Ukraine và quan hệ giữa Nga với EU, cuộc chiến chống khủng bố, sự suy giảm của giá dầu…

Trường Giang - Xuân 2015
.
.
.