Một số giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ

Chủ Nhật, 24/12/2017, 07:59
Cùng với việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống quốc lộ, vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một trong những yêu cầu và nhiệm vụ cơ bản đặt ra hiện nay đối với các cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Cảnh sát giao thông...


Mất ATGT trên các tuyến quốc lộ rất nghiêm trọng

Tại Hội thảo khoa học “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các đoạn, tuyến quốc lộ đang nâng cấp, sửa chữa” do Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện CSND, cho biết, những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta đã được đầu tư mạnh mẽ, tạo nên những thay đổi toàn diện và có tính đột phá. 

Những thành quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại và trao đổi buôn bán của nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, trong số chiều dài quốc lộ do Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý bảo trì có 9.937km quá thời hạn sửa chữa lớn hơn 8 năm và 2.577km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm chưa được đầu tư sửa chữa. Trong số 6.116 cầu trên quốc lộ còn 370 cầu yếu, cầu cắm biển hạn chế tải trọng và cầu có khổ nhỏ hơn khổ nền đường và gần 3.000km quốc lộ hiện có chất lượng xấu và rất xấu cần được đầu tư, sửa chữa.

Mặt khác, lưu lượng xe ngày càng tăng cao, nhu cầu đáp ứng về hạ tầng và  ATGT là rất cấp bách. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2012 cả nước có 1.590.436 xe ôtô các loại; nhưng đến 30-6-2017, cả nước đã có 2.708.921 xe, tăng 70% so với năm 2012 và dự kiến đến năm 2020 lượng xe cả nước sẽ đạt trên 3.600.000 xe.

Trên các tuyến đường bộ nước ta, các loại phương tiện lưu thông hỗn hợp là chủ yếu. Mật độ phương tiện lưu thông lớn, gia tăng nhanh, nhất là các đoạn quốc lộ khu vực gần đô thị, thành phố như tuyến QL1 đoạn Dầu Giây - TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 34,5%/năm; đoạn Tân An - Mỹ Thuận tăng trưởng 27,2%/năm…

Tình trạng tăng trưởng đột biến lượng xe đăng ký mới, mật độ giao thông đã vượt quá năng lực lưu thông của đường bộ, đồng thời việc kiểm soát tải trọng xe cũng như sự mất cân bằng giữa các phương thức vận tải, tập trung quá lớn vào vận tải đường bộ là những nguyên nhân tạo sức ép rất lớn lên ngành đường bộ.

Do đó, cùng với việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống quốc lộ, vấn đề bảo đảm TTATGT là một trong những yêu cầu và nhiệm vụ cơ bản hàng đầu đặt ra hiện nay đối với các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo thống kê của Cục CSGT, trong 5 năm (2013-2017) cả nước đã xảy ra gần 119 ngàn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 43 ngàn người, làm bị thương hơn 113 ngàn người. Riêng ùn tắc giao thông thì trong 5 năm cả nước xảy ra 629 vụ.

Đáng nói, theo phân tích trong hệ thống cơ sở dữ liệu TNGT trong 5 năm cả nước xảy ra hơn 44 ngàn vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ so với tất cả các tuyến đường, làm trên 27 ngàn người chết, gần 25 ngàn người bị thương.

Trong đó, 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam (tính từ Bình Thuận trở vào) xảy ra gần 16 ngàn vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ so với các tuyến quốc lộ của cả nước, làm 8,8 ngàn người chết, gần 10 ngàn người bị thương. Riêng các đoạn, tuyến quốc lộ đang nâng cấp, thi công khu vực phía Nam xảy ra 95 vụ, làm 102 người chết, 95 người bị thương.

Công trình thi công hầm chui An Sương trên QL 1.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân của tình trạng mất ATGT nói trên phải kể đến những ảnh hưởng của quá trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống quốc lộ. Ông Phan Đam Sa, Trưởng phòng Quản lý khai thác, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam, cho rằng ở nhiều dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công chưa chú trọng đến công tác bảo đảm ATGT trong quá trình sửa chữa, để vật liệu xây dựng tràn lan ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; các trang thiết bị cản trở, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; thiếu hệ thống đường tránh, cầu tạm; hệ thống tín hiệu, báo hiệu, cảnh giới chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh…

Công tác thanh tra, giám sát quá trình thi công của lực lượng chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, sự phối hợp của lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương với CSGT còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất ATGT vẫn ở mức cao...

Nhiều biện pháp để bảo đảm TTATGT

Thượng tá Đào Hồng Thủy, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT cho rằng, còn có một số nguyên nhân khác như ý thức chấp hành TTATGT của một bộ phận người dân còn chưa cao, như điều khiển xe chạy tốc độ cao, vượt ẩu, uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, mặt cắt đường ngang còn hẹp, các nút giao thông chủ yếu đồng mức, phương tiện giao thông tham gia hỗn hợp, nhiều tuyến quốc lộ, tuyến phố vừa sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình đô thị vừa khai thác vừa sử dụng.

Theo ông Trần Minh Quân, Trưởng phòng Hạ tầng giao thông, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, thành phố này là trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị, mật độ dân cư quá đông đúc, do vậy các tuyến đường nói chung và các tuyến quốc lộ nói riêng khi được triển khai nâng cấp, sửa chữa trên địa bàn đã gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu là vừa triển khai thi công vừa phải đảm bảo giao thông không bị ngưng trệ, trong khi các tuyến đường trục trên địa bàn thành phố đã quá tải so với lưu lượng xe qua lại. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua trên tuyến QL1 (đoạn từ cầu Bình Phước đến ngã tư An Sương) dài gần 13km đi qua địa bàn quận 12 đang thực hiện dự án “Tăng cường khả năng khai thác và dự án xây dựng hầm chui qua nút giao thông An Sương”, nếu như không có sự phối hợp, tiến độ các dự án xây dựng sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, công tác bảo đảm TTATGT sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu.

Theo đó, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã cung cấp kịp thời thông tin cho các Đội CSGT biết tình hình giao thông, các sự cố giao thông để điều tiết giao thông, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông, xử lý vi phạm giao thông.

Ngược lại, trong quá trình xử lý giao thông, CSGT cũng kịp thời thông tin cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 biết tình hình thi công ở một số đoạn tuyến chưa phù hợp về thời gian, chưa đảm bảo ATGT để đơn vị này kịp thời kiểm tra, đề nghị các nhà thầu thi công chấn chỉnh, khắc phục.

Theo quy hoạch phát triển giao thông hệ thống quốc lộ đến năm 2020 thì khu vực phía Nam (bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) sẽ xây dựng mới và nâng cấp cải tạo trên 20 tuyến quốc lộ đồng thời nâng cấp một số tuyến lên quốc lộ thì vấn đề đặt ra với các ngành chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT, hạn chế TNGT và ùn tắc giao thông là hết sức cấp bách.

Tình trạng mất ATGT trên các tuyến quốc lộ đang sửa chữa vẫn còn khá nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Hằng năm, Bộ Công an, Cục CSGT, Công an các địa phương đều xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch cao điểm tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT trên các tuyến quốc lộ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đổi mới các biện pháp như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, tổ chức lực lượng TTKS đồng bộ từ Trung ương đến địa phương bảo đảm ATGT thông suốt, an toàn.

Bên cạnh đó, lực lượng TTKS của Cục CSGT cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an các địa phương trong việc phân luồng bảo đảm TTATGT; phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành GTVT khảo sát, kiểm tra, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu thi công… có biện pháp bảo đảm an toàn nếu công trình đó tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ luôn là vấn đề nóng và công tác nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ luôn được quan tâm. Chúng ta cũng không thể đổ hết lỗi cho người tham gia giao thông, muốn người tham gia giao thông đảm bảo an toàn thì đòi hỏi đường đi phải tốt.

Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông, kèm theo đó ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, đồng thời cần quy chế phối hợp để xử lý…

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, muốn kéo giảm các vụ TNGT cũng như tình trạng ùn tắc trên các tuyến quốc lộ, bên cạnh các biện pháp trên, cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về thi công tại các khu vực trên đường bộ đang khai thác nói chung và trong điều kiện giao thông đô thị nói riêng…

Đối với lực lượng thi hành công vụ, Thanh tra chuyên ngành GTVT, lực lượng CSGT căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, thường xuyên kiểm tra các biện pháp đảm bảo ATGT đã được phê duyệt; lập biên bản, ra quyết định xử phạt về ATGT của nhà thầu thi công trong quá trình vừa thi công vừa khai thác theo quy định của pháp luật…

Phú Lữ - Công Bình
.
.
.