Từ câu chuyện của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đến việc ứng xử với di sản:

Một thất bại về mặt văn hóa

Thứ Bảy, 04/05/2019, 20:44
Phải mất nửa thập kỷ không ngừng kêu cứu, ngày 23-4-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT & DL) mới có quyết định chính thức cho phép thăm dò khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối - khu vực được xác định chứa nhiều di chỉ về những cư dân đầu tiên của Hà Nội, có niên đại từ hơn 3.000 năm về trước.


Chậm còn hơn không, nhưng điều đó cho thấy nhiều di sản ở ta đang bị xâm hại và việc có một chính sách bảo vệ di sản cần quyết liệt và kịp thời hơn.

Ngày 23-4, Bộ VH, TT &DL có Quyết định 1470 về việc thăm dò, khai quật khảo cổ, cho phép Ban quản lý danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại 3 khu vực: gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn, thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; thời gian thăm dò từ ngày 25/4 - 30/11. Theo đó, những hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật, phải tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nằm trên địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có diện tích 19.000 m2, được các nhà khoa học xác định là có giá trị quan trọng trong việc cung cấp tư liệu cho lịch sử đất nước từ thời nguyên thủy sang thời sơ sử, chứng minh sự phát triển liên tục về nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt, đặc biệt là giai đoạn người Việt cổ.

Di chỉ Vườn Chuối.

Những hiện vật khai quật di chỉ Vườn Chuối là bằng chứng xuyên suốt từ 3.500 năm cho đến 1.800 của Hà Nội. Cư dân Vườn Chuối là cư dân đầu tiên ở Hà Nội. Một di chỉ lịch sử có ý nghĩa và giá trị nhưng gần như bị lãng quên nếu không có các nhà khoa học vào cuộc kêu cứu.

Từ năm 1969 đến nay, đã có 8 đợt khai quật di chỉ nhưng việc khai quật, hiện vật chưa được kiểm kê một cách có hệ thống. Vài năm gần đây, di chỉ này liên tục bị cảnh báo về tình trạng bị những kẻ trộm xâm phạm lấy cổ vật, thậm chí từng bị cảnh báo có có nguy cơ bị xóa sổ khi nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Và cho đến ngày 23-4, Bộ mới chính thức có văn bản chỉ đạo cho phép khai quật và nghiên cứu.

Khi nhận được tin này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, người có “thâm niên” kêu cứu cho di chỉ Vườn Chuối không vui. Ông cho rằng, đó không phải là một thắng lợi mà là một một thất bại về mặt văn hóa. Bởi theo ông, đây không phải là lần đầu tiên di chỉ này được cấp phép khai quật mà là lần thứ 9 rồi. Ông nghi ngại khai quật rồi giải quyết như thế nào.

Từ trước đến nay, chúng ta chưa có một báo cáo công khai nào để xử lý, cũng không có đánh giá giá trị của Vườn Chuối về mặt Nhà nước, mà mới chỉ dừng lại ở những đánh giá của những người làm công tác nghiên cứu và khảo cổ học mà thôi. Ông nói: “Tôi cũng không biết, sau lần khai quật thứ 9 này, người ta có xem xét, đánh giá giá trị, có khoanh vùng bảo vệ di sản hay không; chứ những lần trước thì chỉ khai quật xong rồi để đó”.

Ông cũng khẳng định, ngoài Vườn Chuối, cũng vì không quan tâm mà hầu hết di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật, đến nay đều không giữ được. Hiện nay, hầu hết di chỉ khảo cổ đã được khai quật, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại đều cơ bản là bị san lấp và coi như xong.

Một phần di chỉ Vườn Chuối bị xâm hại trong quá trình đô thị hóa.

Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Nỗi lo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy không phải không có cơ sở, bởi ở ta, không chỉ có câu chuyện của di chỉ Vườn Chuối. Năm ngoái, một chiếc cầu bằng bê tông cốt thép ngang nhiên được xây dựng trong vùng lõi của danh thắng Tràng An hàng năm trời mà không ai “phát hiện” ra.

Rất nhiều di sản đã bị phá bỏ. Theo thời gian, những gì được gọi là di sản càng ngày càng ít đi. Liệu có hay không việc làm ngơ, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với vấn đề bảo vệ di sản? Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, chúng ta đang có lỗ hổng trong thiết chế nhà nước, buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho những người trục lợi trên di sản.

Ông cũng khẳng định, cần có sự phân quyền rõ ràng trách nhiệm của các cán bộ làm công tác di sản và đưa ra những chính sách quyết liệt hơn, cấp bách hơn để bảo vệ di sản thay vì những chỉ đạo chung chung theo kiểu cha chung không ai khóc. Sự vào cuộc của Bộ VH,TT&DL đối với di chỉ Vườn Chuối là quá muộn. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay thì muộn còn hơn không. Nhưng điều đó cũng cho thấy, hình như chúng ta đang xếp văn hóa mà cụ thể là di sản sau những ưu tiên khác.

Giáo sư Trần Lâm Biền: Cần nâng cao nhận thức của người làm công tác di sản

Tôi chỉ biết một điều là ngành di sản cán bộ rất ít. Ở các địa phương họ cũng không nắm được di sản của địa phương đó. Trình độ của cán bộ thấp quá, nhất là cán bộ địa phương. Đi làm công việc bảo vệ di sản chỉ có 4-5 người, làm không xuể được. Ở cấp Trung ương cũng ít cán bộ, nhiều người làm việc theo cảm tính chứ không phải lý tính nên không thể làm tử tế được. Họ chỉ muốn bảo vệ di sản theo tinh thần và ý thức phải bảo vệ chứ tại sao phải bảo vệ thì họ không nắm được, hoặc nắm không chắc chắn.

Do đó họ sẽ làm hời hợt, không đến đầu đến đũa. Luật Di sản có đấy, nhưng nếu chỉ dựa vào pháp luật, phải bảo vệ cái này, bảo vệ cái kia nhưng cán bộ ngành di sản không hiểu biết về giá trị của di sản để bảo vệ thì không có ý nghĩa gì. Vấn đề đặt ra là có phải chúng ta đang thờ ơ, vô cảm với di sản hay không. Tôi cho rằng, còn nghiêm trọng hơn thế, chúng ta thờ ơ và vô cảm là chúng ta còn hiểu được giá trị của di sản. Còn khi người ta không hiểu biết, không có trí tuệ và không thấu hiểu giá trị của di sản thì sao vô cảm được.

Các chính sách bảo vệ di sản chúng ta nói nhiều rồi, hành lang pháp lý cũng có, vai trò quản lý của nhà nước cũng đã đặt ra nhưng không thể nói chung chung được. Một đòi hỏi vô cùng cấp thiết hiện nay đối với vấn đề bảo tồn di sản là nâng cao nhận thức, chuyên môn của những cán bộ làm công tác di sản. Không phải cứ nắm luật là bảo vệ được đâu. Bản thân những người làm công tác di sản phải yêu và hiểu di sản mới bảo vệ được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Cứ đà này, chúng ta sẽ mất sự kết nối với quá khứ

Năm 2015 tôi đi Pháp, thấy họ bảo tồn di sản rất tuyệt vời. Chính sách bảo tồn di sản của họ rất tốt, cộng thêm những người thực thi có hiểu biết, có tình yêu di sản nên họ giữ được những ngôi nhà hai, ba trăm tuổi. Ở ta, việc bảo vệ di sản đang có quá nhiều bất cập. Chỉ trong một thời gian ngắn, ở Hà Nội rất nhiều biệt thự cổ đã biến mất và thay vào đó là những tòa chung cư.

Nhìn rộng ra, các di sản cũng đang chịu chung số phận. Mặc dù trên giấy tờ và chủ trương của Nhà nước là phải bảo vệ di sản, nhưng thực tế chúng ta chưa có chính sách tổng thể về việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể. Những nước quản trị tốt về bảo tồn di sản, đất nước họ sẽ lưu giữ được rất nhiều giá trị truyền thống.

Chúng ta có thể cảm nhận được điều đó khi đến một thành phố phát triển, họ có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nhiều tầng văn hóa cùng tồn tại trong một thành phố. Còn ở ta, cơ chế xin cho, “đi đêm” đang góp phần tiêu diệt di sản.             

Ta có Luật Di sản mà vẫn mất di sản, di sản bị xâm hại nghiêm trọng nhưng không ai đứng ra xử lý, cứ đà này chúng ta sẽ mất hết các di sản. Tôi cho rằng phá hoại, xâm phạm di sản cũng là một tội đáng bị xử phạt nghiêm minh.

Chúng ta may mắn có một kinh thành Huế, một ít chứng tích của Kinh thành Thăng Long, thành nhà Hồ, để chúng ta còn có sợi dây kết nối với quá khứ. Tại sao chúng ta lại phá bỏ, phải chăng vì sự tư lợi, vì những di sản ấy ở những chỗ quá đẹp và đắt giá.

Theo tôi, nhà nước cần có những chính sách quyết liệt liệt kê di sản và triện dấu đỏ vào những di sản đó là bất khả xâm phạm. Nói đi đôi với làm. Chúng ta cũng cần những người có tâm và có trách nhiệm, trân trọng các giá trị di sản. Phải hiểu và trân trọng di sản mới bảo vệ được.

Bảo Nguyên
.
.
.