Một tình yêu đẹp mãi với thời gian

Thứ Năm, 28/05/2015, 14:00
Người phụ nữ ấy dù đã lập gia đình nhưng vẫn miệt mài đi tìm hài cốt người yêu cũ. Điều đặc biệt là, trong hành trình gian khó đem người yêu "trở về" luôn có sự động viên khích lệ của người chồng hiện tại…
Tình yêu cao thượng

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của bà Lưu Thị Liên (khu tập thể Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) đúng vào lúc bà dẫn người cháu mình đi mua xe máy. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Doãn Hùng - chồng bà. Cứ ngỡ, khi đặt vấn đề viết về chuyện tình yêu cảm động của vợ ông với người yêu cũ đã hy sinh và hành trình tìm hài cốt liệt sĩ đầy gian khổ của vợ sẽ khiến ông cảm thấy không thoải mái.

Suy cho cùng ít ai có thể bao dung và rộng lượng khi người khác nhắc tới quá khứ của vợ mình. Nhất lại là quá khứ ấy có liên quan đến người đàn ông khác. Vậy mà, khác hẳn với những phỏng đoán của chúng tôi, ông Hùng tỏ ra vui vẻ và thân thiện.

Ông cười chia sẻ: "Ôi, để nói về hành trình bà ấy đi tìm hài cốt người yêu cũ thì gian nan lắm. Suốt nhiều năm trời ròng rã, số lần vào Nam ra Bắc, đến các chiến trường không còn đếm được trên đầu ngón tay nữa đâu. Nhưng thật may là cuối cùng bà ấy cũng thỏa được ước nguyện canh cánh bao nhiêu năm. Tôi cũng mừng lắm!".

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng bà Liên khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Nói rồi ông Hùng tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng yêu nhau của vợ mình với liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến. Ông bảo: "Đó là một tình yêu rất đẹp, mãnh liệt và sâu sắc. Sau này tôi yêu bà ấy cũng vì đức tính thủy chung đến cùng".

Đúng lúc chúng tôi đang ôn lại chuyện tình yêu xa xưa của bà Liên cùng liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến thì bà Liên về. Quả là, nếu không được ông Hùng giới thiệu trước thì chúng tôi không thể nào đoán được bà Liên đã bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm". Biết chúng tôi đến vì mục đích gì, bà e ngại bảo: "Chuyện của bác cũng bình thường thôi mà. Ai trong trường hợp như bác chắc cũng sẽ làm như vậy".

Chuyện tình yêu giữa bà và liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến đẹp nhưng cũng gặp quá nhiều trắc trở. Bà là con áp út trong một gia đình thuộc tầng lớp tư sản ở Hà Nội, trong khi liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Cầu Đơ, Hà Đông (Hà Tây cũ). Họ gặp nhau khi cùng chung trường, chung lớp. Cảm phục trước nghị lực vượt khó của người bạn cùng lớp, cô gái Hà thành đã đem lòng yêu thương.

Kỷ vật ông Tiến để lại là tài sản vô giá mà bà Liên luôn giữ gìn cẩn thận.

Khi biết cô con gái "lá ngọc cành vàng" của mình yêu một chàng trai nghèo khó, bố mẹ bà Liên đã cực lực phản đối. "Có một giai đoạn khoảng 6 tháng liền, bác liên tục nhận được thư của bác Tiến gửi từ đơn vị về nhưng những chồng thư cứ xếp ngày một cao lên mà không bao giờ được bóc. Lúc đó, vì sự ngăn cấm quyết liệt của gia đình cộng với sự tự ái, bồng bột của tuổi trẻ nên bác đã quyết tâm bỏ người yêu. Ngày nào cũng mang thư ra ngắm rồi khóc nhưng nhất quyết dằn lòng không bóc. Bởi bác biết nếu mình bóc ra đọc thì sẽ lại không thể cầm lòng được".

Giải thích về sự tự ái của mình khi đó, bà Liên nhớ lại: "Hồi đó bác giận người yêu mình nhiều lắm. Chuyện là, khi bác và bác Tiến yêu nhau được hai năm, từ năm 1963 đến năm 1965, biết bác Tiến chuẩn bị phải đi B, bác đã ở nhà tự may hai chiếc gối và nhờ mua tem phiếu được một mảnh chăn con công định để tổ chức đám cưới. Chính bác đã lặn lội đạp xe lên đơn vị của bác Tiến và nói rằng: Em chuẩn bị xong hết đồ cưới rồi. Anh xin đơn vị về mình tổ chức đám cưới nhé. Anh sắp vào chiến trường, em muốn ở nhà chờ anh với tư cách là một người vợ".

Đáp lại lòng quyết tâm của người yêu, chàng bộ đội Nguyễn Minh Tiến khi ấy chỉ nói đúng một câu: "Em cứ về trước, anh sẽ xin đơn vị về sau". Nhưng rồi đợi mãi, cô gái Hà thành vẫn không thấy người yêu mình trở về để tổ chức đám cưới. Lúc đó, sự tự ái dâng lên, bà Liên đã nghĩ: "Mình xinh đẹp, lại con nhà danh giá vậy mà tại sao lại bị từ chối". Chính vì suy nghĩ ấy cộng với sự phản đối của gia đình nên bà Liên quyết tâm chấm dứt câu chuyện tình yêu của mình.

Trước ngày phải hành quân vào chiến trường ác liệt, liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến đã kịp tranh thủ về tạm biệt người yêu. "Hôm ấy, bác vẫn giận người yêu rất nhiều. Thế nên khi anh bảo vệ cơ quan vào báo là có người yêu đang đợi ở ngoài cổng, bác vẫn kệ không ra gặp, xem như một sự trừng phạt.

Cho đến khi anh bảo vệ vào lần thứ hai và quát, người ta đang chuẩn bị đi B, sống chết không biết thế nào cô còn không ra mà gặp rồi sau này đừng có hối hận". Đến lúc đó bác như bừng tỉnh, vội vàng chạy ra. Chiều hôm đó, bác và bác Tiến đã ăn cơm cùng nhau. Khi bác chuẩn bị nấu cơm thì bác Tiến có nói: "Đồ cưới em chuẩn bị đâu, cho anh xem nhé".

Lúc bác từ dưới bếp đi lên thì thấy bác ấy đang cầm chiếc gối và khóc!". Chính giọt nước mắt của người đàn ông lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ ấy đã giải tỏa hết những hậm hực, ấm ức trong lòng người con gái Hà thành. "Lúc đó thì bác đã hiểu, bác Tiến không chịu về làm đám cưới chỉ vì không muốn làm khổ người mình yêu, không muốn ràng buộc vì chính bác ấy cũng không chắc mình có thể sống sót trở về hay không!".

Lần cuối cùng gặp nhau, liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến đã dặn người yêu rằng: "Một năm sau ngày hòa bình lập lại nếu không thấy anh trở về thì em cứ đi lấy chồng em nhé. Đừng chờ đợi anh thêm nữa. Hãy hứa với anh là em sẽ đi tìm anh nhé. Vì chỉ mình em mới có thể tìm thấy anh thôi".

Và li ha đi tìm hài ct người yêu cũ

Tháng 3/1968, liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Vào ngày cuối cùng của tháng 5 năm đó, bà Liên mơ thấy người yêu mình bị thương rất nặng rồi hy sinh. Tỉnh giấc bà đã khóc rất nhiều.

Ngay sáng hôm sau, bà tìm lại tất cả những tấm ảnh người yêu gửi tặng mang ra hiệu chụp lại. Nhiều người bạn biết đã mắng bà gàn dở. Dù không muốn tin nhưng linh cảm bà mách bảo người yêu mình đã hy sinh. Sau này khi nhận giấy báo tử của người yêu, bà Liên không ngờ được là ngày anh Tiến hy sinh cũng chính là ngày bà đã gặp ác mộng.

Một lần vén rừng băng suối tìm hài cốt ông Tiến.

Những ngày tháng sau đó, bà Liên sống mà như một người đã chết. Xinh đẹp, thông minh, mang vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Hà thành khiến nhiều chàng trai mê mệt nhưng bà không thể mở lòng. Ngay cả người chồng bà sau này, khi lần đầu tiên tỏ tình với bà cũng bị bà từ chối.

"Bác lấy bác Hùng đây cũng như một sự xếp đặt tâm linh vậy. Có một đêm bác mơ thấy bác Tiến về và gọi bác. Nhưng khi bác quay lưng lại thì người đó lại chính là chồng bác sau này. Sau giấc mơ đó, bác quyết định lấy bác Hùng dù chưa một ngày yêu đương".

Đã có một bản cam kết bằng lời giữa hai người rằng: "Nếu chúng ta lấy nhau, anh phải cho em đi tìm hài cốt của anh Tiến. Và tất cả những kỷ vật của anh ấy tặng em, anh không được phép xâm phạm tới, nếu anh vi phạm một trong những điều ấy chúng ta sẽ ly hôn".

Ngồi bên vợ, ông Hùng cười hiền hậu: "Suốt bao nhiêu năm qua, bác có dám vi phạm đâu. Những kỷ vật của anh Tiến tặng vợ bác lúc nào cũng được đặt trang trọng trong một cái tủ riêng. Nhiều lúc bà ấy vẫn mang ra ngắm nghía và lại khóc. Có thể với nhiều người đàn ông khác trong hoàn cảnh của bác sẽ không chịu chấp nhận. Nhưng bác thì khác, bác rất tôn trọng vợ mình và tôn trọng cái cách bà ấy trọng lời hứa với người đã mất".

Bữa cơm giữa rừng của bà Liên trong một lần đi tìm hài cốt người yêu.

Chả thế mà suốt nhiều năm qua, trong mỗi chuyến đi dài của vợ đi tìm hài cốt người yêu cũ, chính bác Hùng là người động viên nhiều nhất. Cẩn thận gói ghém từng viên thuốc chống say xe, thuốc cảm nhét vào ba lô vợ và lần nào cũng không quên dặn dò: "Em đi nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Hy vọng lần này sẽ tìm được hài cốt của anh ấy".

Về phần bà Liên, lặn lội khắp các chiến trường, lục tìm từng ngôi mộ ở nghĩa trang Trường Sơn và Khe Sanh nhưng vẫn bặt vô âm tín. Mãi đến năm 2007 bà mới nhận được thông tin chính xác liệt sĩ Tiến hy sinh tại khu vực cao điểm 222 ở làng Cát, huyện Đăkrông (Quảng Trị).

Năm đó, bà cùng một đoàn quy tập vào đó nhưng kết quả vẫn không khả quan. Một đêm bà mơ thấy liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến về báo mộng: "Năm nay dù có bỏ ra rất nhiều tiền của thì em cũng không mang được anh về đâu. Em cố đợi đến năm sau nhé, khi đoàn quy tập liệt sĩ từ bên Lào về, em hãy vào và đón anh về".

Giấc mơ ấy đã khiến bà Liên băn khoăn mãi. Bà nghĩ, làm sao mà mình biết được khi nào thì đoàn quy tập liệt sĩ từ bên Lào về, nhỡ mình bỏ qua cơ hội đó thì sao. Vậy mà, vào khoảng tháng 5/2008, bà Liên đã bị mất ngủ 3 đêm liên tiếp, người mệt nhoài.

Bà đã chia sẻ điều này cho người em gái mình biết thì bất ngờ em gái bà nói cũng bị mất ngủ 3 đêm y hệt như chị. Rồi em gái bà buột miệng bảo, có khi nào anh Tiến về báo mộng không chị? Lúc này bà Liên như bừng tỉnh và ngay vài ngày sau đó lại khăn gói lên đường. Theo lời bà Liên thì lần đi đó, linh hồn liệt sĩ Tiến đã nhập vào người em gái của bà và chỉ tường tận nơi anh đã hy sinh.

"Bây giờ thì bác toại nguyện rồi không còn day dứt gì nữa hết". Nói rồi bà Liên quay sang ông Hùng cười pha trò: "Giờ thì em có thời gian để bù đắp cho anh rồi nhỉ!".

Phong Anh
.
.
.