Mũ ni che tai!...

Thứ Năm, 24/09/2020, 08:44
Thế nào là mũ ni che tai? Có lẽ, nguồn gốc thành ngữ này bắt nguồn từ hình thức của chiếc mũ. Mũ ni là một loại mũ có diềm che kín tai và sau gáy, thường được các nhà sư và các cụ già Bắc Bộ sử dụng. Hình thức mũ gợi lên một liên tưởng ngầm ẩn (ẩn dụ) về việc bỏ ngoài tai những sự việc bên ngoài. Khi đi vào thành ngữ, nó biểu hiện thái độ sống tiêu cực, bàng quan, không quan tâm đến mọi thứ chung quanh...


Tiết thu, trời Nam, nhớ thuở xưa, Chu Văn An - bậc vạn thế sư biểu, vì không chịu làm ngơ trước sự nhiễu nhương, lũng đoạn triều chính của đám nịnh thần đã dâng Thất trảm sớ (chém đầu bảy đại thần). Nguyễn Trãi vì tấc lòng trung hiếu nhiều lần can gián nhà vua để giữ nghiêm phép nước và đạo nghĩa nhân. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vì xã tắc mà dâng sớ chém đầu 18 lộng thần ỷ thế khuynh đảo triều cương. Tây Hồ Phan Chu Trinh gửi Thất điều trần lên vua Khải Định, nêu lên bảy điều cần phải làm rõ và chấn chỉnh…

Đấy là những bậc danh nho, đại thần, học sĩ khí tiết, đã không thể bỏ mặc thế sự ngoài tai, đem lời nói phải mà gìn giữ cương luân, đạo lý, phép tắc. Ngẫm cho cùng, tấm gương trung liệt xưa vẫn còn chiếu rọi vào nhận thức của chúng ta về thái độ sống hôm nay. Nếu Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Chu Trinh lặng im, họ có thể vinh thân phì gia, sống cuộc đời nhung lụa quyền quý cùng quyến thuộc. Nhưng, mũ ni che tai không phải là lựa chọn của bậc trung lương.

Minh họa

Thế nào là mũ ni che tai? Có lẽ, nguồn gốc thành ngữ này bắt nguồn từ hình thức của chiếc mũ. Mũ ni là một loại mũ có diềm che kín tai và sau gáy, thường được các nhà sư và các cụ già Bắc Bộ sử dụng. Hình thức mũ gợi lên một liên tưởng ngầm ẩn (ẩn dụ) về việc bỏ ngoài tai những sự việc bên ngoài. Khi đi vào thành ngữ, nó biểu hiện thái độ sống tiêu cực, bàng quan, không quan tâm đến mọi thứ chung quanh.

Con người không có quyền lựa chọn sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn cách sống, thái độ sống. Bởi thế, sống như thế nào, trở thành người như thế nào, phần rất lớn thuộc về quyết định của cá nhân (cùng sự chi phối đa chiều từ hoàn cảnh gia đình, xã hội). Trong những lựa chọn ấy, có nhiều người đã chấp nhận lối sống bàng quan, thờ ơ. Dân gian gọi kiểu sống ấy bằng thành ngữ: Mũ ni che tai. Che kín tai (thành ngữ: Đắp tai cài trốc cũng có nghĩa tương tự) nghĩa là không gì có thể lọt vào được nữa. Thế là dửng dưng trước mọi sự đời. Con người cá nhân luôn thuộc về một cộng đồng nào đó nhất định. 

Trong cộng đồng ấy, có người tốt kẻ xấu, có cái hay cái dở, cái đáng ngợi ca tôn vinh và cái đáng phê phán. Từ những việc lớn ở triều đình mà các bậc lương đống đã nhắc đến ở trên từng đối diện, đến những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh nơi thôn cùng xóm vắng, nếu không có kẻ chính trực, đem lời ngay mà can gián, chỉ ra, thử hỏi chân lý, lẽ phải, đạo lý sẽ về đâu. 

Sự thường, trước cái lợi ích của bản thân, trước những mưu toan tư lợi, hoặc vì những mục đích nào đó, lẽ phải đã bị xuyên tạc, công đạo đã bị bẻ cong, khiến cho cái sai trở thành cái đúng, người tốt, ngay thẳng bị thua thiệt, kẻ gian manh, thủ đoạn đắc ý, hưởng lợi. 

Đứng trước những việc xấu, những sai trái, nhiễu nhương, đắp tai cài trốc, mũ ni che tai vô tình tiếp tay cho sự xuống cấp đạo đức, băng hoại luân lý và sai lệch lẽ phải. Cũng từ đó, hệ lụy nhãn tiền là sự mất niềm tin của con người vào các giá trị chân chính, cao đẹp và sự tiến bộ của xã hội. Lựa chọn lối sống mũ ni che tai, là lựa chọn đứng bên ngoài mọi biến động của đời. Tệ hơn, trong lựa chọn ấy, mục đích cốt lõi lại là để tránh sự liên lụy, không phương hại đến bản thân, miễn sao mình được yên ổn. 

Cũng từ lựa chọn ấy, có thể ấn giấu bên trong lại là một mục đích kém cao thượng hơn, những toan tính cầu lợi, cầu an, cầu vinh. Xét từ góc độ xã hội, con người luôn là một cá thể trong cộng đồng, khi cộng đồng luôn nỗ lực hướng đến sự tiến bộ, văn minh, công bình và bác ái, thì mũ ni che tai là một phản lực, ngáng trở bước tiến của nhân loại. 

Xét từ góc độ cá nhân, thái độ mũ ni che tai là một sự thỏa hiệp, lớn hơn là một sự thất bại. Thất bại bởi chính bản thân mình đã không dám đối đầu với cái xấu, cái ác, cái sai trái bất lương. Điều này, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Những người đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính, cứ bo bo vào, người ấy chưa chắc đã tốt, mà lại là "cái mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong".

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (tamvvh@gmail.com).

Mũ ni che tai không phải là thái độ sống bây giờ mới có, mà thời nào cũng có. Bởi lẽ, suy cho cùng, cái xấu, cái ác, cái bất lương vẫn đi cùng các giá trị cao cả của con người. Hai thái cực ấy luôn đối chọi, thù địch và phủ định lẫn nhau, không chỉ trong hoàn cảnh rộng của xã hội mà ngay chính trong bản thân mỗi con người. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết, đại ý rằng, trong mỗi cá nhân bao gồm cả thiên thần và ác quỷ, rồng phượng lẫn rắn rết, ánh sáng và bóng tối. 

Mũ ni che tai vừa phản ánh thái độ của con người trong quy chiếu xã hội, vừa thể hiện lựa chọn, ứng xử như là một sự phô bày lối sống bên trong của mỗi cá nhân. Con người sẽ không dám đối đầu, chiến thắng thế lực của bóng tối ngoài xã hội, nếu không dám đối diện với bóng tối trong chính tâm hồn mình. Một khi, anh vẫn để cho những ham muốn đen tối, những toan tính cầu an hưởng lạc, thỏa hiệp với suy nghĩ, thái độ, hành vi tiêu cực của bản thân, nghĩa là anh đã chấp nhận, dung dưỡng cho mầm mống của ác quỷ, rắn rết. 

Và thật chua chát, khi cái ác lên ngôi, cái xấu xa, đê hèn thắng thế, trật tự của xã hội sẽ ngả nghiêng, giềng mối công đạo sẽ lung lay. Niềm tin của con người vào lẽ phải sẽ không còn nữa. Nguy hại hơn, khi mũ ni che tai trở thành thái độ của nhiều người, sự chính trực, ngay thẳng, tấm lòng ưu thời mẫn thế sẽ trở nên lạc lõng, thậm chí có thể bị bức hại. Đó chẳng phải là một sự thất bại khổng lồ của văn minh và tiến bộ hay sao?

Có một điều khá thú vị, đó là đã có ai tự đặt ra câu hỏi, vì sao mũ ni lại được các nhà sư và các cụ già cao tuổi lựa chọn để đội đầu? Câu hỏi này, nghe có vẻ chi li, chẻ tóc làm tư, nhưng kỳ thực, nó phản ánh một khía cạnh khác trong cách chúng ta lý giải thành ngữ mũ ni che tai. Theo đó, mũ ni che tai là một cảnh giới, dành cho những người lựa chọn một thái độ sống, bỏ ngoài tai mọi vướng bận, phiền lụy, tập trung vào những ý niệm định tâm, hướng đến ánh sáng của giác ngộ, trí huệ. 

Vậy phải chăng, các nhà sư, những người mũ ni che tai là những người có thái độ tiêu cực? Không phải, khi buông bỏ mọi phiền lụy chung quanh, khi để ngoài tai mọi chi phối của tạp niệm, xô bồ, bậc chân tu kiếm tìm một con đường khác để giải thoát chính mình và chúng sinh. Đó là con đường để vươn đến một thứ ánh sáng có khả năng cứu độ phổ quát. 

Như thế, không phải là tiêu cực, mà là một cách tĩnh lặng để nghiệm suy, để lĩnh hội con đường đưa chúng sinh thoát khỏi bể khổ, thoát khỏi vòng tục lụy. Hóa ra, cái nhiễu nhương, xô bồ của chúng giới, chỉ là hình tướng của một chân tâm vọng động, mưu cầu, tham - sân - si mà thôi. Nhà Phật đi tìm chân lý giác ngộ, bỏ ngoài tai những biểu hiện cụ thể, để hướng đến giải pháp toàn diện, căn lõi nhất. Khi chúng sinh đã thoát ra khỏi vòng sân si mưu cầu, đã hiểu ra lý lẽ của duyên nghiệp, đã biết tu bồi quả phúc, biết gieo hạt từ bi, vun trồng mầm thiện, thì tạp âm của đời sống, vọng động của nhân tâm sẽ chẳng còn. 

Có lẽ, trong viễn cảnh ấy, cần phải mở rộng mọi giác quan mà hứng lấy những gì thanh quý của cõi sống. Mới hay rằng, sự khác nhau là ở con đường, phương pháp, hình tướng, còn cuối cùng, mọi sự đều dẫn đến một điểm chung nhất, đó là nơi con người và vạn vật được sống hòa đồng, thân ái, trong tương quan mật thiết, gắn bó… Mũ ni che tai lúc này quay về hình tướng ban đầu là chiếc mũ che tai, và chân tướng phổ quát là sự buông bỏ mọi phiền nhiễu để tĩnh tâm, lắng nghe chân lý vĩnh cửu của giá trị đời sống.

Vậy rốt cuộc, mũ ni che tai là nên hay không nên, tốt hay không tốt? Sự biện minh từ cách hiểu thứ hai có thể khiến cho lý giải thứ nhất trở nên vô nghĩa? Tuy nhiên, rất may rằng, dù phê phán thái độ sống tiêu cực, bàng quan, thiếu trách nhiệm, không dám đương đầu, đối diện cái xấu, cái ác, cái sai trái hay nói về đại đạo của bậc chân tu, sự minh triết thấu tỏ của bậc thức giả, hai con đường ấy đều dẫn chúng ta đến một kết cục. Đó là đưa con người ra khỏi bóng tối vô minh, vọng động, lầm lạc, tìm kiếm phương thức để triệt tiêu hoặc hóa giải các năng lượng xấu trong xã hội. Cả hai con đường ấy, dẫu thế nào, nhưng chắc chắn sẽ cần rất nhiều dũng khí.

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.