Mùa dịch COVID-19 cúng giỗ, đi chùa online

Chủ Nhật, 08/03/2020, 11:30
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) hiện đang diễn biến xấu tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù bước đầu chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn đang đề cao cảnh giác với các mối nguy từ bên ngoài. Để phòng dịch, nhiều người đã tuân thủ việc tránh tập trung tại nơi đông người. Và thay vì đi lễ chùa, nhiều người chọn hình thức cúng giỗ, đi chùa online.


Từ đi chùa trực tuyến…

Để tìm kiếm ngôi chùa ảo này, người dùng chỉ cần gõ các từ khóa “chùa online”, “chùa trực tuyến” là có thể đễ dàng tìm kiếm trang web với hình ảnh của một ngôi chùa truyền thống, với đầy đủ các hình thức tâm linh cần thiết của một ngôi chùa thật.

Ngoài ra, trong trang web này còn có hàng trăm bài viết về giáo lý Phật giáo cùng các câu chuyện nhà Phật, để người truy cập có thể tìm hiểu và nghiên cứu nếu có nhu cầu.

“Chùa online” được thiết kế như thật.

Như vậy, chỉ với một vài thao tác, những người dân sợ phải đến chỗ đông người vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Tiết kiệm thời gian, đáp ứng phòng dịch nhưng việc đi “chùa online” nở rộ vào thời gian gần đây lại nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng việc đi chùa, vãn cảnh để cảm nhận sự thanh tịnh, yên bình, tránh được những xô bồ bên ngoài xã hội và cuộc sống thường nhật. Điều đó sẽ không thể nhận được với “chùa online” với những chữ số điện tử khô khan. Đặc biệt khi bao quanh ngôi chùa ấy vẫn là không khí ngột ngạt của cuộc sống, của công việc…

Nhưng theo một chiều ý kiến khác, “chùa online” lại là một phương pháp hữu hiệu với những người bận rộn. Chị Nguyễn Phương Nhung (Ninh Giang, Hải Dương) cho biết: “Tôi biết đến chùa online từ năm 2018, đến khi dịch bệnh viêm phổi cấp diễn ra thì tôi lại vào đây để đi chùa, giải tỏa nhu cầu tâm linh của mình.

Mỗi ngày tôi có 1 tiếng nghỉ trưa nên lại tranh thủ vào thắp hương, cầu khấn và đọc những bài viết về Phật giáo trên đó. Dù chỉ là cầu khấn trước máy tính nhưng tôi vẫn thấy rất thanh thản”.

Dịch vụ cúng giỗ online được nhiều người sử dụng.

Quan điểm của chị Nhung cũng là quan điểm của nhiều người khác trong thời điểm này đối với “chùa online”. Khi dịch bệnh diễn ra, nhiều lễ hội, hoạt động tâm linh bị hạn chế, với các khuyến cáo tránh tập trung nơi đông người, nỗi lo bị lây nhiễm dịch bệnh đã khiến nhiều người không dám đi chùa vào đầu năm, một nét văn hoá truyền thống của người Việt sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Với nhiều người, việc đi chùa giống như một nhu cầu thiết yếu về mặt tinh thần, nên “chùa online” là một giải pháp tình thế trong thời điểm không thể đến chùa thật.

Cúng giỗ online

Sau dịch vụ thăm “chùa online”, loại hình dịch vụ được nhiều người sử dụng trong thời điểm này đó là cúng giỗ online. Đây là loại hình thường chỉ thấy được ở những dự án lớn, những “siêu” nghĩa trang với đầy đủ tiện nghi.

Để sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần thao tác bằng việc điền các thông tin ghi rõ địa chỉ mộ phần, nghi thức cúng giỗ, gói dịch vụ, chọn đồ cúng rồi chuyển tiền là xong. Việc này cũng đáp ứng được việc tránh tập trung đông người, hạn chế ra khỏi nhà trong thời điểm dịch bệnh và cũng giúp cho người thiếu thời gian có thể hoàn thành nghĩa vụ với người đã khuất theo như văn hóa Việt Nam.

Qua khảo sát trên trang web của một Công viên nghĩa trang ở Hòa Bình, khi chọn mục cúng giỗ online, người sử dụng có thể lựa chọn hơn 40 danh mục sản phẩm cho buổi cúng như hoa cúc, hoa sen, xôi, trứng hay các món cúng truyền thống như giò, gà luộc, thịt luộc... Một mâm cúng giỗ như vậy có thể dao động từ 500-900 ngàn đồng tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Các phòng cầu siêu, cầu an tại “chùa online”.

Khi đã chọn xong các sản phẩm dùng để cúng giỗ, khách hàng có người thân an nghỉ tại nghĩa trang này có thể xem trực tiếp cảnh triển khai cúng giỗ thực tế tại mộ người thân. Có thể dùng nút bấm thắp hương, nút bấm hóa vàng để tiến hành các hoạt động cúng giỗ đúng như trong thực tế.

Trong văn hoá Việt Nam, có nhiều lễ như thanh minh, vu lan hay ngày giỗ đều phải ra thăm mộ người thân. Họ phải ra chợ mua đồ lễ, sắm lễ rồi di chuyển lên nghĩa trang.

Dịch vụ cúng giỗ online sẽ thực hiện giúp khách hàng việc đó nên đã càng ngày càng có nhiều người ủng hộ, sử dụng dịch vụ nhiều hơn.

Đại diện chủ đầu tư một công viên nghĩa trang cho biết khi mới triển khai dịch vụ này, nhiều người e ngại lo lắng nó sẽ làm mai một đi văn hóa tâm linh tốt đẹp của người Việt trong việc thực hiện nghi thức tâm linh. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều khách hàng bận rộn, không sinh sống tại Việt Nam, không thăm được phần mộ người thân thì đây cũng là một dịch vụ cần thiết.

Còn hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều lo lắng về dịch bệnh nên các dịch vụ từ xa, trực tuyến đều được ưa chuộng để phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy mà dịch vụ cúng giỗ online được nhiều người sử dụng.

Trong thời gian tới, để giúp người dân hạn chế việc phải ra ngoài, công viên nghĩa trang này sẽ áp dụng thêm nhiều khoa học công nghệ để tăng tương tác.

“Dịch vụ tham quan nghĩa trang qua không gian thực tế ảo có thể áp dụng vào trong thời gian tới vào dịp thanh minh, tôi nghĩ khi đó dịch bệnh vẫn còn là nỗi lo nên đây cũng là một dịch vụ phù hợp. Khi đi thăm mộ hoặc mua sản phẩm, mỗi gia đình phải đi nhiều lần, với dịch vụ này thì gia đình chỉ có thể cử 1 người đại diện hoặc tham quan trên mạng, đi từng phân khu, công trình chỉ bằng công nghệ tham quan thực tế ảo trên di động”, vị này nói.

Online thực sự có tốt?

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, việc cúng giỗ, thờ cúng tổ tiên, thăm viếng chùa chiền không chỉ là văn hóa mà còn là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Những nghi lễ quan trọng được thực hiện để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Việc cúng giỗ cũng không phụ thuộc nhiều vào lễ vật mà phụ thuộc vào sự thành tâm.

Trong xã hội, mỗi người có một cuộc sống khác nhau, thời gian rảnh rỗi khác nhau nên dù có thể đến thăm mộ, thăm chùa được hay không, quan trọng vẫn là cái tâm của con người. Nếu thực sự có tâm thành kính, dù có đến chùa, đến mộ hay chỉ thực hiện qua các phương tiện công nghệ online thì cũng không có gì khác biệt.

Việc thăm “chùa online”, “cúng giỗ online” được nhiều người nhận định là các cách hay cho những người bận rộn, rơi vào tình huống bất khả kháng, nhất là vào thời điểm hiện tại khi dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến xấu, vẫn cần hạn chế đến nơi đông người.

Quan trọng nhất đó là cách sử dụng, cần tìm hiểu những nơi uy tín để tránh bị mê hoặc bởi những văn hóa xấu, có thể tác động dần đến người sử dụng thông qua những dữ liệu trên mạng.

Trâm Hiền
.
.
.