Mùa tận diệt chim trời...

Thứ Sáu, 13/12/2013, 14:38

Xứ Nghệ đang vào mùa tận diệt chim trời. Những chú chim mồi phần phật tung cánh bay, hàng trăm chiếc bẫy giăng kín đồng chiều cuống rạ. Trên những con đường từ quê ra phố, hằng trăm chú chim én, chim cò, gà nước, le le, cói đồng… con bị vặt trụi lông, con bị khâu mắt, bịt mỏ dốc ngược đầu xuống đất, nước mắt lẫn với màu máu, chảy xuôi lặng lẽ. Làng, không còn bình yên sau lũy tre ngày mùa. Đồng làng, không còn là cõi về trú ngụ của chim trời, như muôn thuở nay vẫn vậy. Và, như một sự mặc định đau đớn của mưu sinh, khi có thêm một mùa mới trong rất nhiều mùa vụ của nông dân: Mùa tận diệt chim trời…

1. Lâu lắm rồi, tôi không về quê, một vùng đất nghèo ở miền Tây Nghệ An. Phần vì bận bịu công việc, phần nữa, lý do chính đáng hơn, là phố thị với những bữa nhậu bù khú, những thú vui thị thành níu chân, nên cứ lần lữa. Cách đây độ nửa tháng, ngày giỗ thứ 25 của ông cụ thân sinh, đành dứt những dấu yêu phố thị, một mình đánh con ngựa sắt cũ mèn chạy hơn trăm cây số, về lại nơi tuổi thơ mới bắt đầu.

Quê, mười mấy năm xa, giờ về lại vẫn vậy, giếng nước, gốc đa, ao làng, mái rạ, khói bếp. Có điều, cánh đồng mẫu lớn, giờ đã nhường phần lớn đất cho nhà cao tầng, trụ sở hành chính cấp xã, sân vận động, và con đường lầy lội ngày mưa, bụi trắng tóc ngày nắng, nay đã bê tông hóa, kiên cố theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Về quê, ai cũng hỏi han, săn đón, tay bắt mặt mừng, trà dư tửu hậu, duy thằng cháu lớn con anh chị đầu, năm nay nó 12 tuổi, học lớp 6 trường làng, gần như là quên bẵng sự có mặt của ông chú, ngoài buổi học cứ chúi mũi vào mớ tre nứa, lưới vó lủng cà lủng củng. Hỏi, nó ra chiều bí mật: “Suỵt, chú muốn biết, chiều ra đồng cùng với cháu, trò vui tuổi thơ, nhưng kiếm khối bạc nếu gặp thời gặp vận”!

Chợ chim trời trên Quốc lộ 8A (Hà Tĩnh).

Tò mò, nên mặc dù rất mệt sau chặng đường dài, và còn rất say sau chầu nhậu tái ngộ bạn hữu chân quê, 3 giờ chiều tôi đã có mặt tại cánh đồng dưới con đập Đồng Năm. Lúc này mới biết, trò vui của cu cậu, là đặt bẫy bắt chim trời.

Nó bảo, thời gian gần đây, khi thịt chim trời trở thành đặc sản trên bàn nhậu, nghề này đã trở thành “hot” với mọi tầng lớp lao động, đặc biệt là những đứa trẻ như nó, vừa có tiền mua sách vở, chơi điện tử lại còn dành dụm được ít đưa cho mẹ mua quần áo, trong khi gần như mọi cái đều xuất phát từ vốn tự có, nghĩa là mồi lẫn dụng cụ bẫy chim, đều tự làm được, không tốn một đồng xu.

Lúc này, tôi mới chịu khó quan sát và nhận thấy, trên con đường thẳng tắp chạy giữa cánh đồng lúa của quê mình, không dưới 10 nhóm đang đánh bắt chim én. Mỗi nhóm đem một tấm lưới thưa đủ để lũ én sau khi sập bẫy không thể thoát ra, dài chừng 6m, rộng 3m. Là tôi ước chừng vậy, chứ thực tế có thể dài và rộng hơn, cũng có thể ngắn và nhỏ hơn, tùy thể trạng từng đứa, hai đầu được cố định bởi một ống nứa, tạo thành góc quay so với mặt đất.

Thằng cháu vừa chăng lưới, vừa cho biết, nghề đánh chim trời chỉ rộ lên trong ba tháng đầu Xuân và vào dịp tháng 9, 10 âm lịch. Những lúc ấy, không hiểu từ đâu, lũ én, cò khờ dại bay về đây không biết cơ man nào kể xiết. Thằng cháu chăng lưới xong, bảo tôi ngồi một bên, nó ngồi bên kia giật giật chim mồi để vẫy cánh.

Độ 5 phút sau, một con chim én từ không trung nhào xuống, sà cánh cạnh chú chim mồi, lập tức nó hối thúc, giật mạnh lưới, tôi làm theo như một cái máy. Chỉ thoáng chốc, con chim khờ dại đã vùng vẫy trong tấm lưới. Cứ như thế, cứ dăm bảy phút một mẻ lưới được cất, thêm những chú chim xấu số bị kết liễu.

Đó là cách đánh bắt thủ công, những người săn chim chuyên nghiệp, họ làm cả những dàn nhử (dân trong nghề gọi là đánh tạc) hàng chục cọc công phu. Trên mỗi dàn nhử được đính rất nhiều những chú chim mồi hình nộm. Trên các dàn nhử như thế đều được phết một loại keo đặc biệt mà chỉ cần chim trời khờ dại mắc lừa là bị dính chặt.

Làm dàn nhử tuy tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng được cái, mùa nào chim ấy, ra giêng nhử én, hè về nhử lũ sẻ đồng, giữa thu, đầu đông thì nhử cò vạc. Cháu tôi bảo, vào mùa thì cả nhà, cả làng cùng tham gia đánh bắt chim trời, sản phẩm có người thu mua tận nơi. Ngày làm cật lực, kiếm được vài trăm con là chuyện bình thường, giá mỗi cặp chim én, xấp xỉ 10 ngàn đồng, khá hơn nhiều làm ruộng quanh năm.

Chiều ấy, chỉ trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ, chú cháu tôi đã bắt được hơn năm chục con chim én. Trên đường về, nó nhảy chân sáo bảo, lâu lắm chú về, nên sẽ dành toàn bộ số chiến lợi phẩm này, chế biến các món đãi chú, chứ đem ra nhà hàng bán, cũng có ít tiền tiêu xài, nhưng đời nào lại làm vậy. Thấy thằng cháu hớn hở với thành quả của một buổi chiều, tự nhiên lòng tôi chùng lại, thương cho những sứ giả muôn đời của mùa xuân…

2.  Hà Tĩnh, vùng đất địa linh nhân kiệt sinh hiền tài, đi mô cũng nhớ về. Hà Tĩnh cũng lắm địa danh đẹp, con đường 8A nối cầu Bến Thủy 2 với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sang nước bạn Lào, một thời được vinh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam. Tỉnh lộ 22 chạy dọc ven biển, nối liền các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, cũng là con đường mộng mơ, bên sơn bên thủy hữu tình.

Thế nhưng, buồn thay, những ngày thu chuyển heo may đến nay, chạy dọc theo những vùng miền này, đập vào mắt là hình ảnh những người bán chim trời, những con cò, con cói, con vạc bị trói chéo cánh, buộc chặt chân dốc ngược treo lung lẳng trên những cành cây. Cạnh đó, những mụ bà phốp pháp, đưa bàn tay sần sì bóp cổ từng con, tay kia vặt lông đến trần trụi một cách không thương tiếc.

Từng đám lông trắng xóa xếp lớp dày dưới mặt đất, thi thoảng gặp cơn gió cuốn, chúng đồng loạt tung lên, nhào lộn vài vòng trong không trung trước khi rơi xuống và bị gom lại, châm lửa đốt khét lẹt.

Một lần, trên tỉnh lộ 22 đoạn qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tôi đã rất bất ngờ khi nhìn ra cánh đồng xa xa, cạnh gò nổi giữa đồng vắng, chim cò đậu trắng xóa. Bất ngờ trước sự trở về của đàn chim, tôi chậm lại mấy phút đồng hồ, lỉnh kỉnh lôi máy ảnh ra, rồi nhẹ nhàng tiến về phía đàn cò, trong tâm tưởng nghĩ rằng sẽ có một bức ảnh thật đẹp, trong khoảnh khắc đàn cò đồng loạt bay lên.

Không đến mức gửi dự triển lãm, song chí ít cũng tung lên trang cá nhân trên mạng xã hội facebook, để khoe chiến tích với bạn bè. Song, kỳ lạ là càng tiến gần, đàn cò còn không buồn ngoảnh lại. Đến khi cách chúng chỉ còn vài chục bước chân, cảm giác tẽn tò, ê chề dâng ngập, thì ra đó chỉ là những chú cò giả, là hình nộm được dựng lên để làm mồi nhử.

Chung quanh đó, là những chiếc bẫy keo, chỉ cần vô phúc chạm chân xuống, cuộc đời những con cò lạc lẻ bầy cần hơi ấm đồng loại sẽ chấm dứt ngay sau đó. Phận mỏng cánh chuồn. Sau này, khi chạy dọc tỉnh lộ này về đến huyện Lộc Hà, tôi mới ngộ ra, có đến hàng trăm điểm săn chim cò, chim cói được dựng lên như thế, trắng xóa cả cánh đồng trơ gốc rạ.

Những chiếc bẫy chim trắng xoá cánh đồng.

Ở làng Trại, xã Cương Gián, có người còn được phong làm “nghệ nhân” săn chim, khi gần như cả đời sống bằng nghề này. Ông Hòa, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng mắt tinh đến độ có thể nhìn thấy đàn chim cách xa hàng trăm mét, và tai thính đến mức có thể nghe tiếng chim vỗ cánh trong gió.

Mấy chục năm ông làm cò mồi để bán, có con giờ đã có giá cả triệu đồng. “Nghệ nhân” này cho hay, khi phát hiện chim từ xa, người săn chỉ cần giật giật dây khiến chim mồi vỗ cánh như muốn bay lên, khi chim thật sà xuống là coi như dính, rất hiếm trường hợp thoát được sau khi đã chạm chân vào lớp nhựa thả xung quanh mặt ruộng. Mùa cò và mùa cói ở đây, rộ nhất là từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.

Vào mùa, cả làng đổ ra đi săn bắt. Nếu may mắn, mỗi ngày có thể kiếm được cả trăm con, mỗi con cói hoặc cò như vậy, bán trên dưới hai chục ngàn. Vào mùa, ở xứ này có cả phiên chợ chim họp mỗi ngày, kẻ bán người mua tấp nập. Chị Hoa, một chủ đại lý bán chim ngay trên tỉnh lộ 22 đoạn qua xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho biết, bình quân, mỗi ngày chị cũng bán được khoảng 300 đôi, có ngày còn hơn thế nữa.

Ngược lên Quốc lộ 8A, đoạn qua huyện Đức Thọ, ngay đoạn đường vào thị trấn, chợ chim trời cũng được bày bán công khai, với đủ thứ chim trời bị bắt như cò, vạc, gà nước, le le, cói đồng. Phía sau đó, ở cánh đồng bạt ngàn xa, là những chiếc bẫy chim, được giăng lên trắng xóa cả một góc trời.

3. Với người Việt, một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Với người dân các vùng quê, nói như cha ông ta vẫn thường hay bảo, mùa nào áo ấy, có rất nhiều mùa để thu hoạch, như mùa ngô, mùa khoai, mùa lúa, mùa cau… mùa nào cũng đáng trân trọng cả, bởi đó là thành quả tất yếu của công sức lao động. Nhưng vài năm trở lại đây, thấy người dân hào hứng, rục rịch với mùa mới: mùa tận diệt chim trời, tự nhiên tôi cứ thấy sống mũi cay cay

Thiên Thảo
.
.
.