Mùi của phố phường

Thứ Sáu, 25/11/2011, 17:35

...Tôi đã thầm ước giá như một lần được trở về khu vườn tuổi thơ, được cắn ngập răng những trái ổi vừa chín tới, được ngắm bóng nắng nhảy nhót trên vai áo. Cuộc sống này, thật đáng sống phải không P.?

P. ạ, tôi nhớ mãi buổi trưa hôm ấy. Khi chúng ta mỏi mệt giữa giờ trưa, mỏi mệt với nắng nóng và khói bụi, với cơn đói bắt đầu dấm dứt trong bụng, chúng ta đã tạt xe vào một quán ăn trên phố. Quán khá đông. Phải lách mãi chúng ta mới chen được chiếc xe của mình vào. Sau đó chúng ta chọn một bàn trống và ngồi xuống. Như những buổi trưa khác. Vì nếu không nhanh chóng, thì cái bàn trống hiếm hoi ấy cũng sẽ có người khác ngồi vào đó. Và chúng ta lại phải lếch thếch đi tìm một quán mới, mệt mỏi với việc phải suy tính xem cơm bụi hay bún miến ngan, phở hay cháo lòng… Rồi chúng ta cũng sớm mệt nhoài với việc chen giữa dãy xe xếp sin sít, giữa những thân người nhễ nhãi mồ hôi, giữa những ly bia trào bọt và những tiếng cười nói rổn rảng trước khi kịp thưởng thức những món ăn.

Giờ trưa ngắn ngủi, đôi khi chúng ta phải biết tự bằng lòng, hơn là tìm cách gây hấn với nó.

P. có nhớ không, bạn từng bảo với tôi rằng, ăn sao bây giờ thấy khó ngon quá. Rõ ràng là đói, sao ăn cái gì cũng thấy nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng mà chúng ta vẫn cứ phải ăn. Như cái việc nó phải thế. Cơm trưa văn phòng, bạn đã thuộc lòng thực đơn của nó rồi. Bát miến lõng bõng, đôi khi lạc vài sợi tóc làm bạn rùng mình.

Tôi nhớ có lần, đến giờ trưa, giữa lúc mọi người lục tục đi ăn, tôi thực bụng chỉ muốn ngủ. Cảm giác mệt và chán lấn át cảm giác thèm ăn, muốn ăn.

Hình như những áp lực của chốn công sở, của đô thị ngun ngút những cột nhà chọc trời, của nhan nhản những cửa hiệu xanh đỏ… khiến cho cảm giác mỏi mệt lúc nào cũng thường trực trong tôi. Nó nguy hiểm ở chỗ, nhiều lúc tôi muốn nhấc máy lên hỏi thăm một người bạn cũ, lại thôi. Nó khiến cho, có lúc tôi muốn vượt ra khỏi thành phố này, đi đến một nơi nào đó thật xa, lại thôi. Nó khiến cho tôi muốn nói một lời âu yếm với ai đó, lại thôi.

Thật tệ hại khi những cảm hứng vừa loé lên kia, như cái mầm cây vừa vươn ra ánh sáng, đã lập tức héo rũ. Nó khiến chúng ta không muốn làm gì. Nó buộc chúng ta vô hình vào một lịch trình đặt sẵn, và chúng ta như những con rô bốt quẩn quanh từng ấy việc, từng ấy chỗ. Những cảm xúc bị bào mòn. Những ước mơ trở nên tủn mủn. Những mối quan hệ trở nên hời hợt. Những sự quan tâm ngày càng đơn điệu và tẻ nhạt. Và chúng ta - thật đáng sợ - đến lúc tự chán chính mình.

P. ạ,  tôi đã rất sợ mỗi lúc phải đứng trước gương. Tôi không dám nhìn tôi nữa. Một hình nhân vô vị và rệu rã. Tôi cười đấy mà sao xệch xạc và méo mó.  Tôi nói đấy mà sao nhạt nhẽo và giả dối. Rõ ràng không thể là tôi. Lẽ nào tôi có thể tệ đến như thế?

Có những lúc như vậy đấy, P. ạ.

Trở lại buổi trưa hôm ấy. Tôi đã không đi ăn mà nằm trên ghế và thiếp đi.  Ơn trời, tôi đã mơ. Một giấc mơ thơm tho với khoai nướng vùi trong bếp. Trong giấc mơ ấy, tôi nhảy tâng tâng như một con chó con, nhảy quanh củ khoai nóng giẫy. Bàn tay tôi lem luốc và nước miếng tôi ứa ra. Tôi không thể chờ được đến lúc củ khoai nguội đi, và cứ thế, vừa xuýt xoa bóc vỏ và đưa lên miệng.

Nhưng cổ họng tôi đắng nghét khi đúng cái phút giây huy hoàng trẻ nhỏ ấy, tắt lịm sau một cú đạp vào hông sỗ sàng của gã bạn cùng phòng:

"Không đi ăn hử?".

Tôi căm giận gã đến nỗi chỉ muốn nhảy lên, bóp cổ thằng cha ấy. Trời ơi, củ khoai của tôi.

Thực ra những căm giận trong lòng tôi dù có đang sôi lên sùng sục, thì tôi vẫn cứ giả lả nói cười:

"Cảm ơn cậu, sáng nay mình ăn muộn nên chưa đói".

Đám phụ nữ cùng phòng thì bấm nhau cười khúc khích. Họ chế giễu thầm vào tai nhau rằng tôi đang nhịn đói để… làm giầu.

Tôi biết điều ấy. Tôi còn cố đùa cợt với họ rằng, giá vàng đang xuống đấy. Còn xuống nữa. Phải nhịn ăn dành tiền mà mua thôi.

Ôi những câu chuyện chán ngắt mà hàng ngày tôi phải mang ra đối đãi. Tôi chán chúng kinh khủng. Nhưng tôi vẫn phải sống chung với chúng, vẫn dùng chúng làm thứ mua vui.

P. ạ, tôi thích rủ bạn đi cùng, trong những bữa ăn trưa "tháo khoán" ấy, vì ít ra, mình không bận tâm để phải nghĩ ra dăm câu chuyện mua vui, đưa đẩy. Chúng ta lặng lẽ ngồi ăn. Lặng lẽ nhìn cái nắp cống lộ thiên ngay sát thùng nước dùng đang sôi sùng sục. Chúng ta cùng cảm thấy cái mùi thum thủm của cái cống thải, ngay từ lúc bước chân vào quán. Chúng ta cùng nhìn thấy bàn tay chuối mắn của bà chủ quán, vừa thọc vào bụng gãi sồn sột, rồi ngay lập tức xé thịt gà nhoay nhoáy cho vào bát, bưng vào bàn cho chúng ta.

Nhiều hôm, chúng ta chỉ ngồi lặng lẽ ngồi cạnh nhau, mặc cho đĩa bát nguội lạnh. Miệng chúng ta đắt nghét.

Khi đó, để xua đi cảm giác nặng nề, cậu nghĩ ra những câu chuyện để nói với tôi. Về một cuốn sách mới ra. Về một quán café rất ngon và không gian dễ chịu. Những hàng rào trắng muốt, những hàng cây xanh um, vài kẽ lá thả nắng xuống đầu.

Tôi cảm ơn P. lắm. Những câu chuyện của cậu, luôn làm lòng tôi trở nên nhẹ nhõm và thanh thản. Sau những giờ phút thanh thản hiếm hoi ấy, chúng ta lại trở về những chiếc hộp của mình, tiếp tục những câu chuyện mua vui cho mọi người, trong khi chính chúng ta thì rầu rĩ và chán chường.

Buổi trưa hôm ấy, tôi nhớ, chúng ta ngồi rất lâu bên bàn ăn, giữa bát phở nghi ngút khói. Rồi chúng ta nhẩn nha gắp lên những sợi bánh mềm dai. Đúng lúc đấy, mùi ổi chín thơm ngào ngạt bỗng nhiên ùa đến.

Thật lạ lùng.

Mùi ổi quê kiểng giữa chốn phố xá xô bồ. Như thực như mơ.

P. có nhớ không? Chúng ta bàng hoàng như đứa trẻ vừa bất chợt khám phá được một bí mật tuyệt diệu. Chúng ta hốt hoảng như thể, chỉ một chớp mắt thôi, cái mùi ổi ngọt ngào quyến rũ ấy sẽ vụt mất. Như một ảo ảnh. Chúng ta ngồi lặng đi, nín thở. Mãi đến khi bà cụ già đội cái thúng quả quê mùa ấy đến bên, chúng ta mới dám tin vào sự hiện hữu rất thực của mùi quê giữa phố, sực tỉnh bởi kí ức tuổi thơ hiện diện ngay trong thúng quà vặt chốn đô thành.

Những trái ổi găng nhỏ xinh, vàng ươm, bóng láng. Như thể chúng vừa rụng xuống vào một sớm mai còn đẫm sương. Bà cụ già lưng còng, tóc phơ phất trắng, với thúng ổi ngon đến ứa nước miếng, xăm xắn đi chào mời quanh các bàn. Nhưng hình như cái món quà quê nhỏ mọn ấy không được nhiều người màng đến. Thực khách trong quán ăn vẫn hì hụi với những chanh, những ớt, những quẩy, và rau ráu với những đĩa chân cánh gà phủ hành chần bốc khói nghi ngút. Không mấy người bận tâm đến thúng ổi thơm nưng nức. Vài ba người ghé mắt nhìn sang cũng chỉ là chiếu lệ, rồi mặc cả một cách rẻ rúng.

Bà cụ già mặt rầu rĩ đi qua chúng ta. Trong lúc ấy, chị chủ quán phở, vừa tay dao tay thớt, vừa giục giã bà cụ bán ổi đi ra ngoài để khỏi làm phiền đến khách.

Quán phở lúc nào chẳng bị quấy nhiễu, lúc thì đám vé số, lúc thì đám đánh giầy, lúc thì đám bán báo. Khách vào ăn chỉ muốn được yên ổn thưởng thức cho xong bữa. Bởi vậy thúng ổi ngon mỡ màng của bà cụ già cũng bị xếp vào đám quấy rối thường xuyên.

"Vâng, tôi đi ngay".

Bà cụ nói nhỏ, giọng ủ rũ, cam chịu.

Thúng ổi được nhắc lên đầu. Cái lưng còng, càng còng hơn. Mùi ổi lận trong vị mồ hôi mặn mòi.

Chúng ta ngồi đó. Nhìn tất cả như một cuốn phim quay chậm. Rồi sực tỉnh, giật mình trước nguy cơ bộ phim bị cắt nửa chừng. Tôi hối hả đứng dậy, giữ tay bà cụ.

P. nhớ không, cậu lúc đó cũng nhỏm cả dậy. Và chúng ta đã cùng lựa thật lâu những trái ổi.

Khi ấy, mắt tôi rưng rưng nhìn những trái ổi nhỏ, no tròn. Tôi nhớ đến quay quắt cây ổi ngày trước ở vườn nhà. Mùa ổi chín, chim về ríu ran. Ổi chín rụng đầy gốc, thơm lừng đến tận giường ngủ. Cây ổi ấy đã bị gãy gục trong một trận bão kinh hoàng. Nước ngập lênh láng lên sát mép giường. Khi ấy, tôi chỉ biết ngồi trên giường nhìn rều rác và những trái ổi ung nước lững lờ trôi qua. Một đứa trẻ cũng biết buồn. Tôi đã buồn vì mất đi chỗ ẩn náu những ngày hè rờm rợp nắng. Và cái mùi ổi chín thơm cứ ám ảnh đến nghẹn ngào. Đến tận bây giờ, khi chúng ta đã có thêm những sợi tóc bạc trên đầu, tôi vẫn rưng rưng khi nhớ lại chuyện xa xưa ấy.

Bà cụ bán ổi hẳn lạ lùng lắm với hai kẻ mua hàng là chúng ta: Không nói năng, không mặc cả. Cầm túi ổi đặt lên bàn mà vẫn còn thẫn thờ.

Tôi đã thầm ước giá như một lần được trở về khu vườn tuổi thơ, được cắn ngập răng những trái ổi vừa chín tới, được ngắm bóng nắng nhảy nhót trên vai áo. Cuộc sống này, thật đáng sống phải không P.?

Giây phút ấy, tôi thấy mình như đứng trước một cánh cửa rực rỡ ánh sáng. Tôi thấy lòng mình chộn rộn như một đứa trẻ mới lớn.

Những ngày hôm sau, những trái ổi vẫn nằm trên bàn làm việc của tôi, chúng cất lên một mùi thơm quyến rũ đến khó cưỡng. Nó khiến tôi thấy mình đang sống, sống thành thật giữa những máy móc, những giấy tờ ngồn ngộn và những câu đùa bông phèng vô thưởng vô phạt.

Tôi chợt nhận ra, cuộc sống giản dị hơn những gì lâu nay tôi vẫn tưởng.

Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng mở lòng ra đón nhận nó hay không mà thôi, phải vậy không P.?

Hà Nguyên Thuỷ
.
.
.