Mười năm mang nỗi oan bị nhiễm HIV

Thứ Ba, 04/08/2015, 18:00
Gần 10 năm nằm trong danh sách những người nhiễm HIV được quản lý tại địa phương chỉ vì một xét nghiệm nhầm lẫn của Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, chị Đỗ Thị An (39 tuổi ở thôn Cẩm Quan, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đã phải chịu không biết bao nhiêu điều tiếng. Bị người chồng đầu tiên đánh đập đuổi ra khỏi nhà, chị phải ôm đứa con 3 tháng tuổi từ Vũng Tàu trở về quê hương. Đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận, hoặc trả công thấp chỉ vì nhiễm HIV, cho tới khi chị gặp được người chồng hiện tại, anh đã tin tưởng và tìm mọi cách để giải oan cho vợ. Lúc đó, cái tiếng "nhơ" gần 10 năm qua của chị mới được xóa bỏ.
Sự nhầm lẫn tai hại

Chúng tôi tìm đến nhà chị An một tuần sau khi chị và gia đình được đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào gặp gỡ, xin lỗi công khai và xoá tên khỏi danh sách những người nhiễm HIV tại địa phương. Dẫn tôi vào nhà, chị vừa đi vừa vui mừng kể: "Ngày trước chẳng ai dám nói chuyện với tôi đâu. Mỗi khi tôi về thăm mẹ, bà con chẳng ai dám đến, chỉ khi nào tôi đi rồi người ta mới đến nói chuyện với mẹ tôi. Ấy thế mà chẳng ai nói cho tôi biết chuyện gì xảy ra".

Theo như lời của chị An, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2006, khi đó chị đang đi làm kinh tế ở tận Vũng Tàu. Do lao động nặng nhọc, chị bị lao lực, phải về điều trị 6 tháng trời tại Bệnh viện Lao phổi tỉnh Hưng Yên. Sau khi khỏi bệnh, chị trở lại miền Nam làm việc bình thường, nhưng ngờ đâu bệnh viện lại lưu tên chị trong danh sách những người nhiễm HIV của tỉnh và gửi về Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã để tiện quản lý. Thông tin chị An bị nhiễm HIV đã lan khắp làng trên xóm dưới, trong khi đó, "khổ chủ" và người thân trong gia đình không hề hay biết.

Về phần chị An, trong thời gian làm công nhân tại Vũng Tàu, chị gặp và xây dựng gia đình với một người đàn ông ở địa phương. Năm 2008, chị sinh đứa con đầu lòng và cùng chồng về thăm quê ngoại. Chị An không ngờ chính chuyến đi đó đã khiến gia đình chị tan vỡ. "Về quê ngoại được có vài ngày, không hiểu vì sao một hôm ông ấy nổi giận đùng đùng rồi bắt tôi thu xếp đồ đạc trở về nhà. Tôi không dám hỏi, chỉ lặng lẽ nghe theo. Về đến Vũng Tàu, ông ấy lôi tôi ra đánh đập mà chẳng rõ lý do…", chị An sụt sùi kể lại.

Chị Đỗ Thị An.

Không chỉ chịu sự bạo hành từ người chồng, chị còn bị gia đình chồng dè bỉu và đòi đuổi ra khỏi nhà mà không rõ nguyên nhân. Sau vài ngày, chịu không nổi sự xỉ vả, chị lếch thếch bế đứa con 3 tháng tuổi ra khỏi nhà. Trong túi không còn một đồng, chị phải nhờ người chị gái mua giúp vé để về quê nương nhờ người mẹ già.

Bất hạnh thay, về đến quê chị cũng bị hàng xóm xa lánh. Đi đến đâu người ta cũng dạt ra như tránh "hủi", không ai dám bắt chuyện hay bán cho chị bất kì thứ gì. "Chẳng ai dám đến chơi nhà tôi, trong 6 năm liền từ thời điểm đó, chỉ có mấy mẹ con nói chuyện với nhau, thui thủi trong bốn góc nhà. Lắm lúc mẹ tôi gặng hỏi: Mày làm gì người ta mà chẳng ai dám nói chuyện với mày?, lúc ấy tôi chỉ biết khóc mà không hiểu tại sao", chị An rơm rớm nước mắt.

Khổ nhục vì tiếng oan

Vì mang tiếng nhiễm HIV nên đi đâu chị An cũng không thể xin nổi việc làm. Ngoài mấy sào ruộng, hằng ngày, chị An phải dậy sớm mò cua bắt ốc, trồng thêm ít rau để cả nhà có thêm cái ăn. Người chồng cũ của chị kể từ ngày đuổi vợ ra khỏi nhà cũng không một lần liên hệ để hỏi thăm con. Đứa trẻ đến nay cũng chưa từng biết mặt bố.

Thương đứa em một mình nuôi con nhỏ, chị dâu chị An đã van nài ông chủ một xưởng làm ắc quy, tái chế chì nhận chị vào làm việc. "Ban đầu người ta đồng ý, khi chị tôi dẫn tôi xuống, người ta lại từ chối. Phải lạy lục, nói khó mãi người ta mới nhận nhưng lương thì không được như người khác. Làm cái nghề độc hại như thế, chị tôi được 200 ngàn đồng mỗi ngày. Trong khi đó tôi cũng làm một ngày năng suất như mọi người nhưng chỉ được 70 ngàn đồng. Mãi về sau khi thấy tôi khỏe mạnh, không ốm đau, người ta mới nâng lên 90 ngàn đồng", chị An chia sẻ.

Điều khiến chị khó hiểu là công nhân cùng xưởng không ai dám lại gần chị nên hằng ngày, chị phải tự mang cặp lồng cơm đi, đến bữa mang ra một góc ngồi ăn, ngủ cũng phải nằm riêng một chỗ. Nhưng khi hỏi thì chủ xưởng chỉ nói chị thông cảm chứ không giải thích rõ lý do. Nghĩ bụng có công việc nuôi mẹ già, con thơ là may mắn rồi nên chị An không dám thắc mắc nhiều, chỉ tập trung vào công việc. Năm tháng trôi qua, hai mẹ con chị cứ tiếp tục sống trong sự tủi nhục ấy cho đến một ngày chị gặp được người chồng hiện tại. Anh đã tin tưởng, tìm cách minh oan cho chị.

Niềm vui đã trở lại với gia đình chị An.

Anh Hoạch là người cùng xã với chị An, vợ mất sớm vì căn bệnh ung thư, một thân nhọc nhằn nuôi con nhỏ. Có lẽ vì thế khi gặp chị vào năm 2014, anh thấu hiểu được nỗi vất vả của người đồng cảnh ngộ. Thấy hoàn cảnh chị Lan quá khổ ải và nghe được tin đồn về căn bệnh thế kỷ mà chị đang mang, anh Hoạch cũng cảm thấy thương xót. Nhưng càng gần gũi, tìm hiểu, anh lại càng thấy sự vô lý, rồi một ngày, anh đích thân dẫn chị đi xét nghiệm máu để làm bằng chứng giải oan.

"Anh ấy cũng không dám hỏi thẳng mà chỉ động viên tôi đi khám sức khỏe. Ban đầu tôi cũng không nghe vì đang khỏe mạnh như vậy lại tốn tiền đi khám. Nhưng khi anh nói làm cái nghề này độc hại, cơ thể lại gầy thế nhỡ bị bệnh gì thì sao, khám muộn lại giống vợ anh thì khổ. Nghe vậy tôi cũng lo lắng và vì sự nhiệt tình giúp đỡ của anh nên tôi đồng ý. Ban đầu tôi khám ở một phòng khám tư của huyện, kết quả âm tính với HIV. Rồi anh ấy còn dẫn tôi lên mấy bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám lại, tất cả đều cho kết quả âm tính", chị An kể.

Đến lúc này, anh Hoạch tin chắc tin đồn chị An bị nhiễm HIV là do một sự nhầm lẫn nào đó. Thương chị, anh quyết định cưới chị về làm vợ. Khi đó, anh mới dám hỏi lý do người làng đồn chị bị nhiễm HIV suốt gần chục năm nay. Ban đầu chị không tin, chị trách anh vì sao lại ác mồm với mình nhưng đến khi hai vợ chồng dắt nhau lên Trạm Y tế xã, thấy tên mình trong danh sách những người nhiễm HIV của địa phương, chị mới bàng hoàng. Chị bắt đầu nhớ lại cơn giận dữ của người chồng cũ năm xưa, những trận đòn không rõ lý do cùng sự xa lánh của người làng.

Cơ quan y tế thiếu trách nhiệm

Biết mình bị HIV oan, hai vợ chồng chị An cầm giấy khám sức khỏe đi khắp các cơ quan y tế từ xã lên tỉnh để hỏi cho ra lẽ. Nhưng suốt nhiều tháng liền, lời hẹn sẽ giải quyết của cán bộ tiếp nhận như lời nói gió bay. Đến khi chị An mang bầu cháu thứ hai, lời đồn chị bị HIV lại rộ lên. Hai vợ chồng tiếp tục dắt nhau đi 4-5 bệnh viện từ địa phương tới Trung ương để xét nghiệm, tất cả đều âm tính. Cầm một xấp giấy xét nghiệm, anh Hoạch đã liên hệ nhiều cơ quan chức năng yêu cầu "minh oan" cho vợ.

Căn nhà của gia đình chị An.

Sau hơn 1 năm đi kêu oan, cuối cùng chị An cũng được minh oan. Tên chị được xoá bỏ khỏi danh sách những người nhiễm HIV của tỉnh Hưng Yên. Ngày 20/7/2015 vừa qua, chị và gia đình đã nhận được lời xin lỗi chính thức của đại diện Sở Y tế Hưng Yên, Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên và được hỗ trợ 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chị An cho biết, gia đình chị vẫn chưa chấp nhận: "Họ bồi thường cho tôi 50 triệu liệt kê trong khoản hỗ trợ cho thai nhi. Còn nỗi oan gần 10 năm nay của tôi thì họ cho biết là không có trong diện bồi thường nên không xử lý được".

Gia đình chị An đang tiếp tục làm thủ tục để kiện, đòi bồi thường cho nhiều năm chịu oan và không xin được việc làm nuôi gia đình. Điều khiến chị bức xúc nhất là việc những cán bộ y tế địa phương làm không hết trách nhiệm. Chị bảo: "Nếu chẳng may tôi có nhiễm HIV thật, thì trách nhiệm của họ là phải giữ bí mật thông tin, đằng này cả tôi và gia đình còn không biết mà cả xã, cả tỉnh đã biết khiến 10 năm qua, tôi và gia đình phải chịu sự kỳ thị khủng khiếp".

Ông Nguyễn Đức Luyện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên cho biết: "Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào cũng đã làm việc với chính quyền địa phương, thông báo kết luận của Sở Y tế Hưng Yên đưa chị An ra khỏi danh sách người nhiễm HIV vì có xét nghiệm âm tính. Trước đó, ngày 15/7/2015, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên Nguyễn Văn Đông đã ký văn bản gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào yêu cầu xóa tên chị An khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Ngày 20/7 vừa qua, đại diện Sở Y tế Hưng Yên, Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên đã có buổi gặp gỡ, xin lỗi chính thức chị An và gia đình chị trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND xã Cẩm Xá, Trạm Y tế xã Cẩm Xá. Chúng tôi đã xoá tên chị An khỏi danh sách những người nhiễm HIV tại địa phương, công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thanh của xã một tuần liền và đã hỗ trợ cho gia đình chị số tiền là 50 triệu đồng".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.