Nợ rộ phong trào cho con học lớp kích bán cầu não:

Muốn con trở thành siêu nhân?

Thứ Tư, 16/11/2016, 20:27
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là một lớp học kích bán cầu não là vô cùng bổ ích giúp trẻ kích thích tư duy. Tuy nhiên với mức giá hàng chục triệu đồng, khóa học kéo dài trong một thời gian ngắn thì tác dụng của nó vẫn còn rất nhiều hoài nghi.


Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh các ông bố bà mẹ đổ xô cho con đi học lớp kích bán cầu não để thành thần đồng. Rất nhiều hình ảnh được chia sẻ, các bé bịt mắt vẫn có thể nhận biết được màu sắc. Hay chỉ cần sờ tay cũng có thể đọc được báo, rồi còn rất nhiều khả năng đặc biệt khác.

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là một lớp học vô cùng bổ ích giúp trẻ kích thích tư duy. Tuy nhiên với mức giá hàng chục triệu đồng, khóa học kéo dài trong một thời gian ngắn thì tác dụng của nó vẫn còn rất nhiều hoài nghi.

Những khả năng đặc biệt

Lo cho tương lai của con cái là nhu cầu hết sức chính đáng của mỗi ông bố bà mẹ. Chính vì thế, bên cạnh việc học ở trường, các bậc phụ huynh luôn cố gắng cho con đi những lớp học bổ trợ cho khả năng tư duy của trẻ.

Khi lớp học kích bán cầu não xuất hiện, làn sóng cho con theo học đã trở nên hot hơn bao giờ hết. Lớp học này không chỉ thu hút các bậc phụ huynh có con học tiểu học, trung học mà ngay cả khối mầm non.

Logo quảng cáo của một khóa đào tạo.

Qua tìm hiểu thực tế, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều trung tâm giới thiệu phương pháp giáo dục có thể kích thích sự phát triển bán cầu não của trẻ, từ đó kích thích khả năng tư duy của trẻ.

Tại một trung tâm giáo dục nằm trên đường Lê Văn Hưu (Hà Nội) được PR với những lời hết sức có cánh: Có thể kích thích sự phát triển của các siêu giác quan để các bé nhạy cảm hơn, chỉ số cảm xúc IQ phát triển cao. Sau khi tốt nghiệp khóa học khả năng thu nhận thông tin và xử lý thông tin của các bé sẽ phát triển tốt hơn.

Theo đó, lộ trình đào tạo sẽ bao gồm ba cấp độ. Cấp độ 1 sẽ kích hoạt não phải và ổn định, ở cấp độ này các cháu sẽ được bịt mắt đoán màu. Cấp độ 2 là phát triển tư duy hình ảnh tổng quan và bộ nhớ dài hạn. Cấp độ 3 là đọc siêu tốc, tăng cường khả năng nắm bắt và xử lý thông tin.

Với những nội dung đào tạo này cho thấy, các em học sinh còn  nhỏ tuổi, thậm chí cả người lớn cũng sẽ được tham gia những khóa học đào tạo rất đặc biệt này.

Theo quan sát, các học viên sẽ phải bịt mắt sờ vào một vật nào đó rồi đoán xem là màu gì. Việc này được cho là một phương pháp giúp các em nhỏ kích thích bán cầu giữa của mình. 

Đặc biệt hơn nữa, những người hướng dẫn trong lớp học này chỉ cần sờ tay cũng có thể đọc được báo. Họ cho rằng, phương pháp này sẽ giúp các bé sử dụng triệt để "khoảng thừa" của não bộ mà bấy lâu chúng ta bỏ quên.

Hơn thế nữa, các bé tham gia khóa học sẽ sớm trở thành "siêu nhân" khi sở hữu một bộ óc thiên tài, khả năng sáng tạo vượt trội và có thể thực hiện được những việc mà người bình thường không thể làm.

Nhiều phụ huynh vui mừng khi con mình có những khả năng khác thường.

Anh Lê Văn Thắng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) sau khi được bạn bè giới thiệu đã lặn lội hơn 100km đưa con xuống Hà Nội để tham gia khóa học. Anh Thắng chia sẻ: "Chưa biết sau này các cháu có khác không nhưng tham gia thì đúng thấy các cháu tiến bộ hơn. Con nhà tôi mới học xong cấp độ 1 cháu có thể nhận biết được màu sắc sau lưng mình".

Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi, vậy nhận biết màu sắc của đồ vật sau lưng mình để làm gì? Có tác dụng gì? Thì những phụ huynh từng có con theo học đều không trả lời được.

Rất nhiều phụ huynh được hỏi đều cho rằng, thấy quảng cáo hay nên đưa con đi. Khi tham gia khóa học, thấy con mình làm được những điều đặc biệt hơn bình thường nên tỏ ra phấn khích, đặc biệt tin tưởng.

Chị Phạm Hương (Quang Trung, Hà Đông) cho hay: "Vui chứ! Cho cháu đi học thấy khác biệt lắm, cháu có thể biết được màu sắc khi không cần nhìn. Khi học đến cấp độ cao hơn các cháu còn làm được những điều kỳ diệu hơn nữa. Như vậy không phải là có tác dụng sao? Tôi rất hào hứng với phương pháp này".

Trẻ có thể đoán được màu đồ vật mà không cần nhìn.

Có thể biến thành những đứa trẻ "lập dị"

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến của các phụ huynh không đồng tình với phương pháp này. Nhiều người cho rằng chỉ với 1 khóa học ngắn ngủi, số tiền không phải quá nhiều mà con của mình phát huy được hết khả năng, làm được những điều không tưởng thì cũng nên suy nghĩ lại. Họ cho rằng, hãy cứ để cho con mình phát triển tự nhiên, tiếp xúc với thực tế để hình thành tư duy, phản xạ.

"Mình không muốn gây áp lực cho con, hãy cứ để con phát triển, sống với con người thực của mình. Việc kích thích bộ não của con sẽ không biết hậu quả ra sao. Chưa biết chừng dẫn đến hậu quả về tâm lý của trẻ" - chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Theo các tài liệu khoa học, não người cơ bản giống như cơ bắp.Tập luyện và hoạt động hàng ngày cũng sẽ giúp kích thước của não được mở rộng và tư duy tốt hơn. Tuy nhiên phát triển tư duy tự nhiên sẽ phải được ưu tiên hơn vì 7 tỷ con người sẽ là 7 tỷ kiểu não khác nhau, không phải tất cả đều chung một kiểu tập luyện.

Nói về phương pháp này, ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc Viện Nghiên cứu tâm lý PSD cho rằng đó là một việc làm sai lầm của các bậc phụ huynh, chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau. Các nghiên cứu cho thấy, con người chưa sử dụng hết bộ não của mình, còn rất nhiều khoảng trống.

Với những thiên tài thì những khoảng trống ấy được sử dụng ở một mức độ nào đó nhưng rõ ràng đó là sự phát triển tự nhiên của họ. Sự phát triển, trưởng thành của con người trải qua một quá trình rất dài, trải qua những tiếp xúc, va đập với cuộc sống.

Bộ não sẽ tiếp thu một cách từ từ, có chọn đúng quy trình mới tạo ra được sự trưởng thành đúng quy luật. Rõ ràng việc đưa con em mình học những lớp như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến bộ não của trẻ, não bộ hoạt động trái với quy luật. 

Việc này rất dễ dẫn đến những căn bệnh như: Trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát chi phối của não bộ, nặng có thể dẫn đến tâm thần phân liệt. Việc này hoàn toàn có thể khiến con người trở nên "lập dị", không hòa nhập với môi trường, cộng đồng khi các em luôn mang trong mình tâm lý mình là người có khả năng siêu nhiên hơn người.

Rõ ràng hiện nay có rất nhiều trung tâm giáo dục sớm cho trẻ ra đời, nhiều phụ huynh đôi khi cho con đi học chỉ là theo phong trào. Hoặc quá lo lắng, đặt áp lực lên con của mình mà không biết tác dụng thế nào và hậu quả sẽ ra sao. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần phải có những định hướng xã hội để các bậc phụ huynh tránh việc mơ hồ như hiện nay.

Bà Trần Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Gencode Minh Tâm:

Chúng ta cũng biết không ai sinh ra đã là một thiên tài hay một vĩ nhân. Những thành công có được là do sự rèn luyện.

Ở Việt Nam chúng ta, các ba mẹ phụ huynh đang rất băn khoăn và ngập trong biển trời các mô hình đạo tạo. Hiện nay một loại hình đào tạo mới đang là trào lưu cho các phụ huynh đó là phương pháp: kích hoạt não giữa: MBM.

Theo phương pháp MBM: học viên học được cách chi phối tự do để liên lạc giữa "não giữa" và các chức năng của não để có thể cải thiện khả năng học tập hiệu quả gấp nhiều lần, tối ưu hóa khả năng của não.

Tôi không bác bỏ hay đồng tình với phương pháp MBM. Nhưng con người là sản phẩm của hoàn cảnh, quan trọng nhất vẫn là môi trường sống. Vì học phương pháp nào cũng chỉ mang tính chất tức thời, khi các phương pháp không cam kết đi theo lộ trình thời gian học trên ghế nhà trường là các bạn quên ngay.

Còn nếu cam kết chỉ cần học 1 khóa MBM con sẽ trở thành thiên tài hay giỏi hẳn, thì tôi nghĩ nên đóng hết các trường công và trường tư ở Việt Nam.

Cái phụ huynh cần ở đây là hướng cho con sự rèn luyện, tự giác. Đừng để các con là sản phẩm của trào lưu, hãy để con phát triển tự nhiên và rèn cho con tính tự lập và tự quản lý thời gian của mình.

Chính việc rèn luyện này cũng đã giúp con sử dụng bộ não có ích, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các nơ-ron thần kinh. Cách tốt nhất để việc học của con không bị áp lực và con có đủ thời gian, sức khỏe để học cách sống mới là quan trọng.

Ngoài học trên lớp, phụ huynh cần hướng cho con tự học ở nhà, kết hợp với đến lớp thầy cô giảng. Thời gian còn lại cho con học đạo đức.                                               

Phong Anh
.
.
.