Mưu sinh bằng nghề… "đổ máu"

Thứ Sáu, 26/07/2013, 11:07

Một bãi đất loang loáng ánh gương, tiếng búa đập chan chát mảnh gương vỡ nghe rợn rợn và trên những đống đổ nát tua tủa mảnh vỡ ấy là những bàn tay, bàn chân tóe máu. Máu khô máu tươi rỉ ra thấm vào bao tay rách xơ xác để lòi ra năm đầu móng dập nát, chằng chịt vết cắt của mảnh kính.

Từ không gian loảng xoảng khô khốc vang lên, những mảnh kính vỡ bay tung tóe xung quanh, người nhặt, người bới, người xúc ào vào đống kính. Đây chính là hình ảnh mưu sinh bằng việc "đổ máu" ở xóm lao động kính vỡ tại ấp Tân Hiệp (Tân Bình - Thị xã Dĩ An - Bình Dương).

Trần ai nghề "lượm kính"

Buổi chiều dịu nắng, công việc lượm kính vỡ giữa trời vì thế mà nhẹ nhàng hơn, êm ả hơn. Trên con đường đất đỏ dẫn vào xóm lao động, tôi dễ dàng bắt gặp những đống kính vỡ, những bao tải buộc miệng xếp ngay ngắn, gọn gàng.

Hỏi chị bán hàng nước lề đường, chị cho biết, đây chính là sản phẩm kính vỡ hoàn chỉnh đã được tôi lọc qua bàn tay người lao động đang chờ xe chở đi bán. Mảnh vỡ vụn rơi vãi dọc ngang lề đường, tôi phải bậm môi, nhón chân khẽ khàng để khỏi giẫm vào kính vỡ. Nhưng không tránh khỏi, mặc dù đeo giày tôi vẫn cảm giác ở dưới bàn chân nghe rộp, roạp tiếng kính vỡ.

Thế nhưng khi nhìn thấy công việc của những lao động ở đây, tôi hơi ái ngại vì động thái của mình. Giữa một đống đổ nát, mảnh gương đâm tua tủa vút lên trời, góc cạnh sắc lẹm sẵn sàng cứa đứt bất cứ thứ gì chạm vào nó. Tôi giật mình khi thấy trên bãi kính loang loáng ấy, những bàn chân dép lào, quần cộc, đầu trần chỉ duy nhất đôi bàn tay được bảo hộ bằng đôi gang tay vải rách te tua.

Người đàn ông lúi cúi giữa đống thủy tinh vụn ngẩng lên nhìn tôi cười trừ một cái rồi lại cặm cụi nhặt. Hỏi ông làm một mình à, ông gật đầu: "Có ai nữa đâu, hai đứa con đều đi học cả, mình làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Cực lắm cô ơi". Sao không đi làm công ty hay bảo vệ cho nhàn? Tôi hỏi. Ông lắc đầu, mỉm cười bất đắc dĩ: "50 tuổi rồi làm công ty ai nhận nữa, với lại gò bó lắm, chủ nó chửi cho thấy nhục".

Cắt kính chỉ bằng đôi găng tay mỏng.

Ông Dung quê gốc Thanh Hóa rồi gia đình chuyển vào Đắk Lắk làm ăn. Năm 2006, ông lại đưa hết vợ con xuống Bình Dương. Có chút vốn, ông mua được miếng đất cất nhà. Vợ bán tạp hóa, con đi học còn ông đi nhặt kính vỡ như thế này mấy năm rồi. Nghề làm tự do, thoải mái không bó buộc thời gian, làm nhiều hưởng nhiều, ít hưởng ít nhưng theo ông Dung thì ngày nào cực nhọc lắm cũng chỉ tầm 200 ngàn không hơn.

Ông Dung chìa bàn tay đeo găng ra, máu khô dính bết vào vải, những vết sẹo cũ mới chồng lớp lên nhau. Te tua, bầm dập. "Ngày nào không đổ máu là chuyện lạ đấy. Máu chảy là chuyện bình thường, quen rồi". Ông Dung nói tỉnh bơ.

Quay sang đống kính vỡ bên cạnh, chàng trai người Nghệ An, sinh năm 1987 tên Tùng đang hì hục dùng cuốc đập kính. Tiếng đập giáng xuống chát chát, mảnh vỡ bay tung tóe, sáng loáng. Tùng mặc quần lửng, đi dép lào, không bao tay. Tùng đứng trên đống kính, dùng sức bổ về phía trước, mảnh nào văng ra ngoài, anh ta nhanh nhẹn dùng tay lượm quăng vào, nhẹ nhàng như người ta cầm miếng bánh cho vào miệng.

Thấy tôi run rẩy, Tùng cười khanh khách: "Đứng xa thế làm sao kính bay vào được, thế này đã là gì, chúng tôi còn nằm trên kính ngủ nữa thì sao".

Tùng cho biết, làm nghề này một tháng mới bán kính một lần. Kính phân loại theo mẫu tốt xấu. Kính tốt nhất thì công ty mua 700 đồng/kg còn xấu thì 300 -500 đồng/kg. Hôm nay Tùng phải làm hết đống kính này vào khoảng 5 tạ để mang đi bán vì hết tiền ăn và cũng đến ngày đóng tiền nhà.

Tùng người Nghệ An, nộp đơn vào công ty không đâu người ta nhận. Hỏi vì sao, Tùng bảo: "Con trai Nghệ An mang tiếng hay đánh nhau, gây gổ nên họ không nhận chứ sao. Tự nhiên chúng tôi bị vạ lây, không có việc làm thì đi làm cái nghề đổ máu này thôi".

Phía bên cạnh, chàng trai Mai Văn Cường, sinh năm 1988 cùng chung cảnh ngộ. Đang con trai, sức khỏe vạm vỡ thì đột nhiên công ty cho nghỉ việc vì là dân Nghệ An. Cường không về quê vì ở quê cũng chả có gì để làm, Cường xin gia nhập vào xóm lao động kính vỡ. Làm quần quật cả ngày trên đống gương, kính. Cường thấy cuộc sống như thế tạm ổn, không phải chết đói dù rằng công việc có đổ chút máu cũng không thành vấn đề.

Đi dép Lào, đầu trần đập kính.

Đồng tiền "máu"

Những đồng tiền kiếm được của những con người ở xóm kính luôn thấm đầy máu.  Nhìn những vết sẹo bằng ngón tay nổi gân trắng trên bắp tay, bắp chân của Mai Văn Cường, tôi đã lạnh sống lưng.

Gần đây nhất, khi đang đập kính, một mảnh sắc lẹm đã cứa đứt lìa gân ngón tay út của Cường. Ôm ngón tay tới bệnh viện, bác sĩ lắc đầu. Cường phải tháo khớp đốt ngón tay út. Nhưng khi ngón tay vừa tháo chỉ, vết sẹo mới dịu đi, Cường tiếp tục lao vào đập kính, cắt kính. Sự cảnh báo đã được nhắc trước, nhưng đối với Cường, con đường để anh mưu sinh bằng nghề này là duy nhất, anh chấp nhận.

Chỉ về người phụ nữ  đang hối hả xúc kính vào bao, Cường cho biết: "Tôi bị thế này nhằm nhò gì đâu, chị Thương vợ anh Tấn vừa mới đi mổ mắt về đó. Cũng do đập kính mà ra".

Chị Thương hiện đang làm công nhân một công ty may ở Bình Dương, nhìn thật kỹ vào con mắt bên trái của chị, vẫn còn thấy đỏ au. Những hôm không tăng ca, chị Thương lại tranh thủ về phụ chồng làm kính vỡ. Làm mãi chẳng sao, hôm đó, chị đang đập chan chát vào đống kính thì bất ngờ, một miếng thủy tinh bay phập vào mắt. Máu tuôn xối xả, chị Thương nhanh chóng được đưa lên bệnh Viện Mắt TP HCM cấp cứu. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã khâu lại vành mắt cho chị và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật vào bên trong con ngươi.

Bốc kính từ xe đẩy xuống.

Rất may, do phản xạ, chị Phương đã nhắm mắt lại nên võng mạc không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên số tiền chữa của chị Thương lên đến hơn 10 triệu đồng. Vậy là mất đứt bốn tháng trời lương công nhân của chị.

Hôm nay gặp chị khi con mắt vừa bình phục và chị cũng vừa đi làm lại. Tưởng chị bị ám ảnh tai nạn vừa qua, nhưng người phụ nữ một con này vẫn lao vào kính để "sống chết" với nó. Chị nói tỉnh queo: "Nghĩ lại cũng hơi rùng mình nhưng nhìn chồng một mình làm thì không nỡ. Con mắt vẫn còn nhập nhòa lắm, bác sĩ bảo đeo kính vào mà mình đeo có nhìn thấy gì đâu. Không quen, vướng bận không làm được gì".

Nói xong, chị Thương chỉ về phía bãi kính của người đàn ông tên Nam nói như lấy sự đồng cảm: "Cô tới mà xem cái chân ông ấy. Vẫn còn nẹp đấy, đi còn khập khiễng. Vết thương nặng lắm, đâu gãy dập xương ống gì đó".

Tôi thoáng lạnh sống lưng về lời kể của chị Thương. Không chần chừ, tôi lao tới phía người đàn ông mặc quần đùi đang gom kính vỡ. Tôi nhìn xuống đôi chân của ông, vết thương còn rỉ máu, ông bước từng bước như kiểu lết vì chưa thể nhấc chân lên được.

Thế mà, ông vẫn "lì lợm" đứng trên đống kính vỡ, mỗi bước đi, nghe kính kêu rộp roạp tê lạnh. Hỏi ông, ông nói như trấn an: "Tôi bị cả xe kính đổ vào chân, may mà chỉ bị dập xương thôi đấy. Ôi dào, đã chấp nhận làm cái nghề này thì phải thế thôi, còn hơn đi lượm ve chai, mỏi gối chùn chân cả ngày kiếm được vài đồng. Tôi còn may, năm ngoái một bạn làm kính ở dưới Đồng Nai bị mảnh vỡ bay vào cổ chết ngay đấy".

Đánh đu với mạng sống để đắp đổi kế sinh nhai, những con người tôi gặp trong xóm kính vỡ vẫn cứ hiên ngang làm việc. Giẫm đạp, bò trườn, ngồi lê xuống dưới lớp thủy tinh sắc nhọn sẵn sàng cứa đứt mạch máu nhưng họ đâu có sợ. Họ coi việc chảy máu là lẽ thường của nghề.

Ở đâu đó quanh ta, không thiếu những việc làm khiến người khác phải rùng mình khiếp sợ, nhưng ở xóm kính vỡ này, già trẻ, gái trai đều thản nhiên họp lại với nhau, cùng nhau chia xớt từng miểng kính vỡ.

Một ngày ở xóm kính vỡ

Đàn ông con trai phải dậy từ sáng sớm, mỗi người chiếc xe đẩy bươn vào trong nội thành Sài Gòn. Họ tìm đến những bãi rác, những nơi người ta đổ bỏ phế liệu để nhặt nhạnh, thu gom kính vỡ. Tất cả các loại kính lớn bé, to nhỏ đều được nhét vào bao xi măng, buộc túm miệng.

Tầm xế trưa, xe nào đầy thì về nơi tập kết, đổ hết "thành quả" đã gom được thành một đống. Rồi từ đống ấy, các nhân công làm kính bắt đầu lao vào phân loại. Loại lớn để riêng, lành để riêng còn lại thì chất thành đống lượm hết tạp chất bao gồm đá, ván, chai lọ, ni lông… sau đó dùng cuốc đập nát ra, xúc vào bao tải chở tới những công ty xử lý bán lại.

Ngọc Thiện
.
.
.