Mưu sinh bên đầu xe tải

Thứ Năm, 30/11/2017, 07:22
Khi chưa một lần tiếp xúc với những con người này, nhiều lần đi trên quốc lộ 1A, tôi tự hỏi tại sao họ lại làm nghề này? Họ liều mình rao bán tạp hóa bên đầu những chiếc xe tải đang lao vun vút, nhả khói, rú ga khiến bất cứ ai đều không khỏi ám ảnh, rùng mình.


1. Cái nắng ban trưa trên cung đường quốc lộ óng ánh nhựa đen không cần diễn tả người ta cũng hiểu nó hanh hao, bỏng cháy đến mức nào. Rồi chưa kể khói từ động cơ xả ra đen xì, hắc ám, bụi bay mù trời. 

Trên quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến cầu vượt Sóng Thần (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) từ bao năm nay luôn ngự trị một đội quân bán tạp hóa di động vô cùng chuyên nghiệp. Họ lấy thân mình chặn đầu xe chỉ để mời tờ báo hoặc chai nước. Tài xế nào mua thì ra dấu từ xa bằng tờ tiền, khi xe rà tới lập tức món hàng đã được đặt vào tay người mua mà không mất một giây nào dừng xe. 

Từ nhiều năm nay, hình ảnh của ông Nguyễn Văn Năm (60 tuổi, quê Phú Thọ) như một chấm nhỏ leo lắt mà bền bỉ ở đoạn đường này. Ông Năm chuyên nghề bán báo cho cánh lái xe tải chạy hàng ở khu công nghiệp Sóng Thần. Mỗi ngày, ông ra đường từ 9 giờ sáng, bán đến khi nào hết 100 tờ báo thì về nghỉ. Thời điểm bán chạy nhất là buổi trưa, đúng giờ chạy xe vào bến của tài xế. Họ sẽ mua của ông một hai tờ báo tranh thủ giờ nghỉ ca đọc giết thời gian.

Nắng, bụi, nguy hiểm không hề làm những con người này nao núng.

Ngót 10 năm bán báo trên quốc lộ, ông Năm đã quá quen và dạn dĩ với quái xế hay hung thần xa lộ. Đôi mắt của ông đã từng chứng kiến vài chục vụ “nát nhừ” dưới bánh xe. Ông còn thấy cả cánh tài xế ngáo đá “phi nước đại” bất chấp tất cả. 

Ông bảo rằng, với những thằng lưu manh quái thú như thế, chỉ có luật trời mới trị được chúng nó, còn luật người thì chịu thua rồi. Trong cái thế giới mong manh đầy bất trắc ấy, người trụ được với nghề như ông Năm cũng phải thuộc hàng ngang như cua, cứng như đá, liều như thằng điên và bất cần như con nghiện. Ông Năm tự nhận vào mình những đặc điểm ấy, để thích nghi với công việc.  

Ông Năm vốn có tiếng trong nghề đồ tể (mổ lợn). Ông cầm dao chọc tiết lợn từ năm 30 tuổi. Thời gian đầu bán thịt lợn, gia đình ông phất lên như diều gặp gió. Ông xây được nhà hai tầng khang trang to nhất xóm, tậu được con xe máy oách nhất xã. 

Thế rồi hai đứa con càng lớn càng hư hỏng, một thằng dính vào ma túy, đi cai nghiện mấy năm thì chết vì nhiễm HIV. Thằng út theo cha đi buôn lợn, chẳng may gặp tai nạn. Vợ chồng ông bán hết gia tài chữa chạy cứu con. Khi tất cả “đội nón” ra đi thì con trai ông cũng bị liệt một chân, trở thành người tàn phế. Ngẫm nghiệp báo oán, ông thề từ bỏ nghề đồ tể. Ông đi vào Nam làm ăn và chọn nghề bán hàng bên đầu xe tải. 

Hễ có chiếc xe tải nào lao tới, ông Năm lại xông ra chặn đầu giơ báo lên bán.

Vì sao lại chọn công việc nắng mưa, bụi bặm hiểm nguy đến vậy? Ông Năm cười, trả lời rất tự nhiên: “Tôi làm lâu năm, tài xế xe khách Bắc Nam quý lắm, họ cho tôi đi nhờ về quê không tốn một xu. Cứ khi nào tôi thích thì lên xe. Thế thì không yêu công việc sao được”. 

Nhờ cái khoản miễn phí tuyệt vời như vậy nên ông Năm luôn cảm thấy mình được ở gần nhà. Có tháng ông về quê đến chục lần, đó là niềm mơ ước của hàng ngàn người con xa xứ. Tiền bán được bao nhiêu ông tích cóp gửi về quê cho vợ nuôi con tàn tật và trả nợ. Mỗi tháng trừ hết tiền ăn ở, ông còn dư khoảng 5 triệu đồng.

Ông Năm kể, ngày mới gia nhập đội quân chặn đầu xe ông bị “ma cũ” hằm hè liên tục. Vài tay anh chị ngỏ ý muốn thu tiền bảo kê địa bàn. Lúc đầu ông “dĩ hòa vi quý”, luôn tỏ ra là người đàn ông quê mùa nghèo khổ đi tìm chén cơm. Ông nói lý lẽ con người cho chúng hiểu, cũng xuống nước xin chúng miễn phí khoản “nhập gia”. Nhưng trong cảnh nhộm nhoạm đen bạc này, đâu ai thèm để ý đến tiếng nói của ông. Tất cả đều xử bằng tiền và máu. 

Cảm thấy không thể nhún nhường được nữa, bắt buộc ông Năm phải lựa chọn. Một là phải nanh vuốt ra mà tồn tại, hai là cuốn gói ra đi. Ông Năm chọn cách tồn tại, bằng một cú xoạc dao mượt như chém chuối vào cánh tay của tên trùm bảo kê. Sẵn tiện ông biểu diễn thêm vài bài “đồ tể” chào mừng các tên khác tới hỏi thăm. Từ ngày đó ông sống bình yên, không thấy ai đến làm phiền nữa. Sau này những người đến mưu sinh cùng cảnh đều ngộ được ông Năm ra tay bảo vệ.    

Con người quá bé nhỏ giữa dòng xe tải khổng lồ.

2. Vừa bán được mấy chai nước ngọt, chị Thủy ngồi sụp xuống gốc cột điện nghỉ mệt. Tháo lớp khăn, lớp khẩu trang bảo hộ dày cộm trên mặt, chị ngước lên nhìn chúng tôi, nở nụ cười nhăn nhó. Gánh tạp hóa của chị Thủy gồm bánh cam, nước suối, bánh mì, tất cả đều được buộc chằng chéo vào nhau cho khỏi rơi rồi đeo lủng lẳng trước bụng trưng bày. 

Chị Thủy (37 tuổi, quê Hậu Giang) trước làm nhân viên bán vé xe khách chạy tuyến Sài Gòn – miền Tây. Trong một lần bị hành khách quỵt tiền, chủ xe nghi ngờ, chị Thủy dứt áo ra đi để chứng minh sự trong sạch của mình. Lên thành phố, chị chọn cung đường quốc lộ nhốn nháo, ầm ào này làm nơi trú thân.

Vài năm cứng nghề “đứng đường”, chị Thủy tâm niệm: “Cuộc đời này không có gì sung sướng bằng tự do, độc lập, không phải phụ thuộc vào ai, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”. 

Lý do chị Thủy chọn công việc “rùng rợn” này là bởi cái máu xe cộ đã trót ngấm vào người. Chị thích những vòng xe quay đều trên đường, mê ngửi mùi xăng dầu. Và điều đặc biệt, chiếc xe là hình bóng quê nhà, giúp chị vơi đi nỗi nhớ. Ở đó có người chồng hiền lành và hai đứa con thơ dại lúc nào cũng ngóng mẹ về. 

Đang miên man hoài niệm về thời xa vắng, chợt nhìn thấy đoàn xe đang tắc đường xếp hàng dài, chị vụt phắt dậy, lao thẳng ra đường lẩn nhanh vào giữa làn xe tải, bóng chị thoắt ẩn thoắt hiện trên đầu “tử thần”. Tiếng mời gọi của chị lọt đâu đó vào không trung hỗn tạp, nhưng tất cả đều hiểu, chị đang rao bán.

Rổ “tạp hóa” trên tay chị Thủy vơi đi khá nhiều sau mỗi lần tắc đường như thế này.

Chị Thủy xông ra đứng giữa vạch sơn mong manh ngăn cách hai chiếc xe tải đang cuồn cuộn lăn bánh.

Là dân chạy chợ, chị Thủy nhanh như sóc, tinh như cáo, đố ai lừa dối được của chị một đồng. Nhiều tài xế mua hàng của chị rồi cậy thế ngồi trên xe ấn ga lao đi tính quỵt tiền. Chị đọc rõ biển số, nhớ luôn cả mặt tài xế. 

Hôm sau xác định đúng đối tượng, chị chuẩn bị sẵn bịch sơn đỏ chói lách người trong làn xe nối đuôi nhau kín bưng, tìm đúng chiếc xe tải chống nạnh, chỉ mặt cảnh cáo. Nếu không chịu trả tiền, chị lập tức cho “ăn” bịch sơn vào mặt. Cách này vô cùng hiệu quả, chị đã thực hiện thành công vài lần. Từ đó, tài xế nhớ như in mặt chị, không ai dám ăn quỵt.

Cũng giống như ông Năm, chị Thủy, tất cả những người buôn thúng bán bưng bên đầu xe tải đều phải liều và có gan. Rất nhiều người đã không thể trụ lại vì gặp phường trấn lột, uy hiếp, đe nẹt. Chúng là những thanh niên nghiện hút hoặc thất nghiệp lang thang, khi nào lên cơn là kéo nhau đến “xin đểu” những người bán hàng. Nếu không cho sẽ bị dọa “chọc kim tiêm” vào người. 

Chị Thủy kể: “Ngày vào nghề được khoảng 3 tháng, tôi bị hai thanh niên lăm lăm cầm kim tiêm be bét máu đến xin tiền. Vốn là dân xe đò, tôi đã quá quen với cảnh tượng này. Tôi chuẩn bị sẵn vũ khí bên mình, rất bình tĩnh rút một cây kéo nhọn hoắt chĩa thẳng vào mặt chúng hét thật to: “Chúng mày đâm kim tiêm tao không chết nhưng cái kéo này xỉa vào mắt thì sẽ lòi con ngươi đó”. Vừa nói chị vừa hét thật to để mọi người chạy tới ứng cứu. Hai tên nghiện hốt hoảng bỏ chạy rồi mất hút từ đó.

Trên cung đường này, mỗi người một hoàn cảnh, một lý do để họ giải thích về công việc của mình. Nếu chịu lắng nghe, quan tâm để ý thì thấy ở những con người đang mưu sinh trong hiểm nguy kia đều có một ánh mắt thẳm sâu nơi những chuyến xe xuôi ngược Bắc Nam. 

Vẫn biết là quái xế sẽ chẳng chừa một ai nhưng giữa lằn ranh sinh tồn, họ cứ tỉnh bơ, hồn nhiên thực hiện trọn vẹn công việc kiếm cơm hàng ngày của mình. Dường như trong cuộc mưu sinh vất vả này, ngoài miếng cơm manh áo, họ còn một bầu trời để hy vọng.

Ngọc Thiện
.
.
.