Mỹ: Nếu một mai ai thắng cử…

Thứ Năm, 03/11/2016, 11:46
Bà Hillary Clinton được cho là đang dẫn trước ông Donald Trump sau vòng đối đầu trực tiếp đầu tiên. Còn hai keo như vậy nữa trước khi cử tri Mỹ suy nghĩ và bước tới thùng bỏ phiếu bầu tổng thống vào đầu tháng 11 tới.


Càng sát nút, cuộc đua càng căng và ai biết được các bên còn găm chiêu trò gì để “dìm hàng”, bêu nhau.

Các trò của ông Trump vạch áo cho dân chúng xem về sự bất cẩn về sử dụng tài liệu mật của bà Clinton xem ra không còn ăn khách nhiều. Bà Clinton lên truyền hình nhận lỗi công khai rất thành khẩn, với lời hứa như đinh đóng cột rằng sẽ không tái phạm… Có vẻ phần đông dân chúng chia sẻ nỗi tự dằn vặt, tự kiểm điểm nghiêm túc của bà và tin lời bà hứa…

Ông Trump cũng bất ngờ diễn cảnh “nai vàng hiền lành ngơ ngác”, cố gắng làm bộ mặt dễ thương hơn. Tuy nhiên, khi bị “chọc” ông lại dễ nổi sung, lộ toẹt thói quen hung hăng nói liều. Điều này có lẽ làm dân chúng thất vọng vì nhận ra ông chưa chú ý sửa chữa khuyết điểm này được bao nhiêu.

Điều băn khoăn nhất của cử tri Mỹ là nếu ông Trump trở thành tổng thống, rồi bỗng một hôm cao hứng ông lại nhả ra những “lời vàng ý ngọc” kiểu tự diễn biến như vậy thì vừa dễ hỏng việc lớn lại vừa xấu mặt những người tin tưởng bỏ phiếu cho ông.

Ông Trump khéo xoáy vào vấn đề sức khỏe của bà Clinton, chọc vào nỗi lo ngại của cử tri rằng tổng thống không khỏe Mỹ sẽ không mạnh. Nhưng cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần đầu vừa cho thấy bà Clinton làm yên lòng người xem hơn khi tỏ ra mạnh mẽ về sức nghĩ, đối đáp thông minh, tràn trề sinh lực. 

Với người Mỹ, một công dân tốt trước hết là người hoàn thành nghĩa vụ thuế. Lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm xã hội cũng được cân đo đong đếm cụ thể về thuế. Bà Clinton dành được thiện cảm của dân chúng về chuyện này vì hồ sơ thuế của bà hàng chục năm nay được công khai rõ ràng. Thế mạnh này được bà trưng ra, thách thức ông Trump làm theo.

Ừ thì đại gia, nhưng đại gia dễ bị nghi ngờ về làm ăn lươn lẹo mới làm giàu được. Tâm lý chung hay nghi ngờ như vậy, nhất là khi đại gia Trump cứ ấp úng vòng vo rồi mới chỉ hứa sẽ công khai hồ sơ nộp thuế.

Còn hơn một tháng nữa tới “ngày phán quyết”, giờ là lúc căng dần. Hơn điểm lúc này chưa hẳn bảo đảm xu thế thuận mãi. Lịch sử cho thấy “cờ bạc thường ăn nhau về sáng” và các chiêu trò chỉ lộ lúc rạng đông.

Ông Trump hiện đang ở chiếu dưới, nhưng đại gia lắm mưu mẹo vẫn chưa hẳn đã hết cửa, nhất là luật bầu cử Mỹ rất rối rắm. Cách đây chưa lâu lắm vẫn xảy ra chuyện một ứng viên được nhiều phiếu bầu của cử tri phổ thong, nhưng vẫn thua cuộc nhờ luật “được ăn cả ngã về không” khi chọn đại cử tri.

Gọi là toàn dân đi bầu, nhưng không phải bầu trực tiếp ứng viên tổng thống, mà chỉ bầu đại cử tri, những người hứa sẽ thay mặt cử tri bầu cho ứng viên nào đó. Lịch sử bầu bán ở Mỹ cũng từng có chuyện đại cử tri lật kèo, phủi lời hứa với cử tri, quay sang bầu ứng viên đối thủ…

Chưa biết kỳ này sân khấu bầu cử Mỹ còn có thêm trò gì. Nhưng ai, một trong hai ứng viên, lên ngôi đều mang lại những kỳ tích thuận và ngược.

Nếu ông Trump trúng cử làm tổng thống, sẽ thuận theo quy luật bấy lâu là mỗi đảng (Dân chủ và Cộng hòa) thay phiên nhau cai trị hai nhiệm kỳ. Kỳ này, ông Obama (Dân chủ) đã làm hai nhiệm kỳ rồi, không có quyền tranh cử tiếp.

Nếu bà Clinton thắng cử, lịch sử cận đại Mỹ sẽ có bước ngoặt khi lâu lắm rồi một đảng nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ ba. Chí ít từ sau Thế chiến II, mỗi đảng chỉ giữ ghế tổng thống được 8 năm, hai nhiệm kỳ. Đó là thời gian đủ dài để dân chúng cảm thấy mệt mỏi với chính sách của một đảng và muốn đổi, chẳng cần biết tốt hơn hay xấu thêm.

Nếu ông Trump thắng cử, có vẻ hạp với truyền thống rất nhiều tổng thống Mỹ xuất thân là doanh nhân. Có không ít tổng thống Mỹ đi lên từ người thường, thậm chí từ người nghèo. Tâm lý bầu cho người giàu để “ăn theo” cũng có và vì đi bầu được săn đón, “nhận bao thơ” bồi dưỡng cũng có… nhưng cũng lâu lâu rồi mới có một đại gia chánh hiệu, và lại là đại gia địa ốc, xây dựng…

Nếu bà Clinton thắng cử, ngoài việc lập kỳ tích cho đảng Dân chủ là liên tiếp nắm 3 (có thể 4 nhiệm kỳ), bà còn lập nhiều kỷ lục khác. Thí dụ, nữ tổng thống Mỹ đầu tiên.

Nghiêm ngặt xét duyệt để chọn người tài, nhưng vẫn chấp nhận các mối quan hệ cá nhân nếu người đó thực tài. Nước Mỹ từng có hai cha con từng làm tổng thống, hai anh em từng làm tổng thống… nhưng chưa có hai vợ chồng từng làm tổng thống. Nếu bà Clinton thắng cử lần này, vợ chồng bà sẽ ghi vào lịch sử như cặp đôi đầu tiên từng lãnh đạo đất nước.

Tài tiên liệu và xoay vần với tình thế của bà Clinton (có thể có lời cố vấn của ông) nương mình qua dòng chảy thật ngoạn mục. Tám nãm trýớc, bà Clinton từng ðấu ðầu cãng với ông Obama ðể tranh suất ðề cử của ðảng Dân chủ ra làm ứng viên tổng thống. Nhanh chóng nhận ra tình thế, bà đã rút và ra sức hùn sức cho ông Obama thắng cử. Chính ông Obama thừa nhận đã thắng ứng viên đảng Cộng hòa, nhờ công lớn của vợ chồng Clinton.

Đang từ đối thủ nội bộ, họ trở thành đồng minh thân thiết, bà Clinton trở thành Ngoại trưởng nhiệm kỳ đầu của ông Obama và là Ngoại trưởng Mỹ năng động nhất, đi nhiều nhất, gặp nhiều lãnh đạo các nước nhất…

Đùng một cái, bà xin thôi chân ngoại trưởng ở nhiệm kỳ hai của ông Obama, về làm thượng nghị sĩ. Đó là thời gian chuẩn bị kỹ các điều kiện để ra ứng cử tổng thống.

Khi bà Clinton ra làm ngoại trưởng, phe đối lập mô tả bà mặc cái áo quá rộng, đi đôi giày quá to, ý nói bà chưa có đủ kinh nghiệm trong nhiệm vụ mới. Nay thì ai cũng thấy rõ và thừa nhận sự sắc bén, giải quyết mọi chuyện gọn gàng của bà.

Lần này, đến lượt ông Obama ra sức ủng hộ, đăng đàn kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho bà Clinton.

Với lợi thế lớn và uy tín đang cao hơn đối thủ, không ít fan của bà hào hứng về khả năng thắng cử của bà trước ông Trump. Nhưng còn hai vòng đối thoại trực tiếp nữa, phiếu chưa bỏ, ai nào dám chắc. Mọi khả năng đều có trong trận đấu voi - lừa, và mọi chuyện có thể bất ngờ một cách… rất Mỹ.

Cho đến nay, ước tính lượng tiền dành cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2016 đã lên đến con số 1,48 tỷ USD. Theo một số chuyên gia, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một trong những chiến dịch tốn kém nhất lịch sử quốc gia này.

Nếu ứng viên Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới đây thì ông sẽ trở thành tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 ở tuổi 71. Bởi trước đó, kỷ lục này do Tổng thống Ronald Reagan nắm giữ. Ông Reagan nhậm chức khi 70 tuổi.

Trần Giang Phương
.
.
.