Mỹ - Trung hy vọng gì từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1?

Thứ Ba, 14/01/2020, 15:05
Ngày 9-1, Trung Quốc đã xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) sẽ tới Washington vào tuần này để ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, một bước đi hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại gây thiệt hại cho cả hai nước.


Động thái này cũng chính là cam kết của Trung Quốc về một lễ ký kết mà Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đó. Các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rằng, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ đánh dấu bước "tạm dừng" trong cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và giúp thị trường phục hồi.

Mỹ tiếp tục chính sách đơn phương và thắt chặt bảo hộ

Trong năm 2020, nước Mỹ sẽ tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ với các nguyên tắc thương mại đa phương. Tổng thống Donal Trump là người luôn đặt vấn đề thương mại cao hơn mọi vấn đề khác và ông có được một độ tự do gần như tuyệt đối để đưa ra các chính sách thương mại mà hầu như không gặp phải cản trở nào đến từ Quốc hội hay các định chế khác.

Ngoài những công cụ phục vụ cho chính sách đối nội như Điều 232 áp dụng cho an ninh quốc gia hay Điều 301 để chống gian lận thương mại, ông Trump đang củng cố “trận địa” để tung ra những hành động thương mại bảo hộ đơn phương chặt chẽ hơn nữa dựa trên một điều luật ra đời vào những năm 1970 mang tên gọi là  Luật Khẩn cấp về quyền lực kinh tế quốc tế. 

Đây là một điều luật chưa bao giờ được đưa vào áp dụng trong thực tế kể từ khi ra đời nhưng ông Trump sẵn sàng sử dụng đến nó để tăng cường sức mạnh thông qua các biện pháp kinh tế như: phong tỏa các giao dịch tài chính, tịch thu các tài sản của nước ngoài có trên đất Mỹ, hạn chế xuất khẩu và áp đặt thêm thuế cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tại Washington hồi tháng 10-2019.

Đích ngắm của ông Trump trong nhiều trường hợp không chỉ là các đối thủ mà cả các đồng minh, thậm chí là những đối tác thương mại chính như Canada, Liên minh châu Âu. Việc các thỏa thuận thương mại đã được ký kết cũng không làm thay đổi cách hành xử của ông Trump. Với Trung Quốc, rất có thể ông Trump sẽ “tạm hoãn” thực thi Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 cho đến hết năm 2020 này.

Ông Trump muốn chứng tỏ với những người ủng hộ mình rằng ông luôn quan tâm đến quyền lợi của họ, và bằng một sách lược đàm phán khôn ngoan, ông sẽ mang về một bản thỏa thuận thương mại mới tốt đẹp đến mức không thể tưởng tượng nổi, rằng Trung Quốc sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại cho Mỹ và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng tất cả những lợi thế mà ông Trump có thể đem về  trên thực tế có thể sẽ là rất nhỏ bé so với những gì ông đã tuyên bố trước đó. 

Vì thế trong những trường hợp nhất định Trump sẽ tìm cách gác lại việc thực thi thỏa thuận mới này “trong một khoảng thời gian ngắn”, khoảng thời gian ngắn này có thể kéo dài  cho đến sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, mục đích để người dân Mỹ  có đủ thời gian tiếp tục nhấm nháp vị ngọt của những lời hứa hẹn (và bỏ phiếu cho Trump) thay vì sớm tỉnh mộng và nếm vị đắng của hiện thực khi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc được thực hiện.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể mang lại niềm tin cho cộng đồng thế giới.

Trung Quốc đứng trước "ngã ba đường"

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một  đã được Mỹ và Trung Quốc công bố đồng thời, vài ngày trước khi đến hạn áp đặt mức thuế bổ xung lên hàng hóa Trung Quốc (29-12-2019). Ở Bắc Kinh đó là các thứ trưởng những bộ ngành có liên quan đứng ra chủ trì họp báo. 

Điểm đặc biệt đáng lưu ý không có sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp hay đại diện của Ủy ban Cải cách và Phát triển tại cuộc họp báo. Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng không phải là người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc trong vòng đàm phán này. Có thể thấy Trung Quốc không hề muốn truyền thông rộng rãi về sự kiện này.

Tháng 4- 2019, Mỹ và Trung Quốc gần như đã hoàn tất dự án về một thỏa thuận thương mại dài 150 trang. Nhưng đến đầu tháng 5, Trung Quốc đột ngột đòi hủy bỏ 30% dung lượng của thỏa thuận này, thực tế là một hành động để hủy bỏ thỏa thuận. 

Lý giải cho hành động này, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ không muốn ký một hiệp định bất bình đẳng và so sánh nó với những hiệp ước bất bình đẳng mà Triều đại nhà Thanh đã phải ký với các nước phương Tây trước đây. Theo phân tích của nhiều nhà quan sát, các nội dung trong dự thảo của thỏa thuận thương mại tháng 4-2019 khi đưa ra thảo luận đã vấp phải sự chống đối kịch liệt của phe bảo thủ trong Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Ngay sau khi thỏa thuận bị phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi và rồi bị vứt bỏ vào tháng 5-2019, ông Trump đã tung ra một chuỗi các lệnh trừng phạt đầy giận dữ bằng cách tăng thuế đợt 3 và đợt 4 lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Theo những thông tin được Washington công bố  ngày 25-12 vừa qua, Thỏa thuận thương mại giai đoạn một này sẽ liên quan đến các lĩnh vực: bảo hộ sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ phía Trung Quốc, tăng lượng nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa nông nghiệp của Mỹ, mở cửa thị trường các dịch vụ tài chính và tăng cường chống gian lận tài chính, thiết lập một cơ chế điều chỉnh sự khác biệt và giám sát việc thực thi thỏa thuận. Những con số cụ thể: tới năm 2022 Trung Quốc sẽ nâng mức nhập khẩu lên tới 200 tỷ USD/năm, trong đó sản phẩm nông nghiệp chiếm tới 50 tỷ USD.

Điều khoản đưa vào một hệ thống cho phép Mỹ có thể giám sát, đo lường và đưa ra đánh giá về các tiến bộ của Trung Quốc khi thực thi thỏa thuận chính là điều khoản bị phía Trung Quốc kịch liệt phản đối, coi đó là một sự “bất bình đẳng” và kiên quyết đòi hủy bỏ vào tháng 5-2019. Nhưng nếu phân tích kỹ, có thể thấy rằng lẽ ra Trung Quốc đã có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn cho họ nếu chịu thỏa hiệp trong tháng 4 vừa rồi.

Nhưng thay vì thỏa hiệp, đầu tháng 5 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã thay đổi chiến lược, kiên quyết đối đầu với Mỹ và tuyên bố sẽ “trường kỳ kháng chiến”. Ở thời điểm đó, giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng đã đến thời điểm khởi động các vòng đua trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và thời gian càng trôi đi Trung Quốc càng có thêm nhiều ưu thế trong đàm phán với Mỹ. 

Trung Quốc cho rằng khả năng đắc cử của ông Trump phụ thuộc rất nhiều vào lá phiếu của cử tri các bang làm nông nghiệp truyền thống, vì thế việc tăng hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp sẽ là con bài có giá trị để mặc cả với ông Trump trong các lĩnh vực khác. Nhưng trái ngược với những tính toán của Trung Quốc, thời gian càng trôi đi càng làm tăng thêm ưu thế về phía Mỹ. Từ tháng 4 nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc nhanh đến mức Trung Quốc không chịu đựng được hơn nữa.

Trung Quốc hy vọng việc tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ là lá bài quan trọng để mặc cả với ông Trump.

Chuyên gia Trung Quốc Chen Fengying, Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế thế giới hiện đang ở “ngã ba đường” và một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giải quyết được toàn bộ những vấn đề đó. Chen Fengying cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ có thể mang lại niềm tin cho cộng đồng thế giới.

 "Tuy nhiên, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, bao gồm cả phản ứng tích cực của thị trường thì chúng ta có thể mong chờ một thỏa thuận toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai. Một thỏa thuận tạm thời vẫn tốt hơn so với không có thỏa thuận nào cả", ông Chen Fengying nói.

Trên thực tế, Mỹ đã chứng minh chủ nghĩa đơn phương bằng cách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và "châm ngòi" cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc ban đầu tuyên bố phản đối chiến tranh thương mại nhưng buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Mỹ dường như đã nhận ra sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận thương mại. Bởi theo báo cáo gần đây của WB, trở ngại chính ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ là thuế quan và bảo hộ thương mại.

Theo Hiến pháp Trung Quốc, Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đưa ra Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) để bàn bạc và bỏ phiếu thông qua.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.