Mỹ gánh đại dịch, WHO trả giá

Thứ Bảy, 18/04/2020, 10:37
Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu chính quyền ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm phản đối cách tổ chức này đối phó với đại dịch COVID-19.


Quyết định này của ông Trump khiến WHO sẽ gặp khó khi mất tới 15% ngân sách hoạt động. Nhưng theo các nhà phân tích, đông thái này của ông Trump nhằm né tránh sự chỉ trích của người Mỹ vì những quyết định sai lầm của ông trước đó.

Quyết định không bất ngờ

"Hôm nay, tôi yêu cầu chính quyền ngừng tài trợ cho WHO, đồng thời đánh giá lại vai trò của tổ chức này trong việc ứng phó sai lầm nghiêm trọng và che đậy sự lan truyền của virus corona", Tổng thống Donal Trump tuyên bố.

Theo ông Trump, khi Mỹ áp đặt các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh thì WHO đã phản đối. "Các quốc gia và khu vực khác thực hiện theo hướng dẫn của WHO, tiếp tục mở cửa biên giới với Trung Quốc, nên đã đẩy nhanh đại dịch trên toàn thế giới. Quyết định của các nước lớn khác trong việc tiếp tục mở cửa biên giới đã khiến cơ hội bị bỏ lỡ từ những ngày đầu, và tạo ra thảm kịch", ông Trump nói thêm.

Thực tế, quyết định của Tổng thống Trump không phải bất ngờ bởi trước đó, ông đã chỉ trích lập trường của WHO đối với vai trò của Trung Quốc trong sự bùng phát ban đầu của đại dịch COVID-19 và tuyên bố Mỹ sẽ cắt giảm tài trợ cho tổ chức này bởi "chúng tôi đang rót vào WHO khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Và chúng tôi sẽ bàn bạc về vấn đề này vào tuần tới".

Tổng thống Donald Trump họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 14/4/2020.

Khi chỉ trích WHO, Tổng thống Mỹ cũng nhằm vào Trung Quốc, nơi xuất phát virus corona, mà trước đây ông đã gọi là "virus Trung Quốc". Theo ông Trump, nếu WHO làm đúng công việc của mình và cử chuyên gia y tế đến Trung Quốc để nghiên cứu khách quan tình hình trên thực địa "thì dịch bệnh đã được kìm hãm ngay từ ổ dịch và sẽ có rất ít người chết".

Tuy nhiên, báo Washington Post cho rằng Tổng thống Trump "có những lý do riêng" để chỉ trích WHO, nhưng qua đó, ông cũng lại "vạch áo cho người xem lưng", cho thấy những sai lầm của ông, khi chính các cơ quan tình báo và cố vấn Thương mại của Nhà Trắng ngay từ cuối tháng Giêng đã báo động với tổng thống về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 và hậu quả kinh tế, xã hội.

Tính tới 7h sáng 16/4, Mỹ đã trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 623.296 người nhiễm, 28.502 người chết. Ba tuần phong tỏa đã khiến 15 triệu người dân Mỹ mất việc làm. Tình hình kinh tế và xã hội không mấy sáng sủa, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo nhận định của trang Vanity Fair, được Courrier International trích dẫn ngày 15/4, bị chỉ trích vì chậm trễ trong công tác phòng chống dịch tại Mỹ, cũng như vai trò có phần lu mờ trước thống đốc các bang, Tổng thống Trump "từ chối thừa nhận sai lầm" và "đã tìm thấy một vật tế thần mới".

Khi trừng phạt WHO, ông Donald Trump tiếp nối truyền thống của đảng Cộng Hòa thường chỉ trích các định chế quốc tế. Quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO là bước tiếp theo trong chiến lược "thay đổi triệt để" hoạt động của WHO, theo phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo ông Pompeo, "lần này, WHO đã không làm hết sức và chúng ta cần phải làm gì đó gây sức ép để thay đổi triệt để vấn đề này".

Đồng tình với nhận định WHO "hoạt động không tốt" nhưng ông Nicholas Burns, một nhà cựu ngoại giao, hiện tham gia vào đội ngũ tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden, cho rằng "WHO không phải là không có lỗi, nhưng chúng ta có thể truy xét vấn đề này, sau khi vượt qua dịch COVID-19", vì ngừng viện trợ cho WHO vào thời điểm căng thẳng này chẳng khác gì cắt ngân sách của "lính cứu hỏa đang chữa cháy".

Người dân xếp hàng chờ làm xét nghiệm COVID-19 trước Bệnh viện Elmhurst tại thành phố New York.

WHO sẽ ra sao?

Thành lập năm 1948, WHO hiện có 194 quốc gia thành viên. Kinh phí hoạt động của WHO nhận được phần lớn tài trợ từ 2 nguồn chính. Thứ nhất là các khoản phí từ các quốc gia thành viên, được tính toán dựa trên GDP và quy mô dân số.

Nguồn thứ 2 là các đóng góp tự nguyện, bao gồm từ chính phủ các nước, các tổ chức từ thiện và quỹ tư nhân, thường được dành cho các dự án hoặc sáng kiến cụ thể. Vì vậy, WHO được cho ít có khả năng tái phân bổ chúng trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch hiện nay.

Chi tiêu của WHO năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD, trong đó 60% dành cho các chương trình cơ sở, 40% còn lại cho bệnh bại liệt, cấp cứu và các chương trình đặc biệt. Các khu vực khó khăn như châu Phi và Đông Địa Trung Hải được quan tâm hỗ trợ hơn cả.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, khi đóng góp hơn 400 triệu USD/năm với các khoản tiền được chuyển qua nhiều cơ quan khác nhau. Những năm gần đây, WHO nhận được tiền từ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Hầu hết số tiền được sử dụng để thực hiện các chiến dịch loại trừ bệnh bại liệt và hỗ trợ y tế, dinh dưỡng cho châu Phi.

WHO đóng vai trò quan trọng trong tư vấn cho các quốc gia đang phát triển về những vấn đề y tế và khủng hoảng. Do đó việc cắt giảm ngân sách của tổ chức ở thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ khiến virus vượt khỏi tầm kiểm soát ở những khu vực có diễn biến bệnh phức tạp, đồng thời có thể khiến nó bùng phát trở lại ở những nước phát triển đã kiềm chế dịch bệnh thành công.

Tàu Bệnh viện USNS Comfort ngoài khơi Manhattan để giải tỏa áp lực chống dịch COVID-19 cho thành phố New York.

Chỉ ít giờ sau khi ông Trump tuyên bố cắt giảm tài trợ cho WHO, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố hiện "không phải lúc" để giảm ngân sách cho WHO hay bất kỳ tổ chức nào khác đang chiến đấu với dịch bệnh. "Đây là lúc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết nhằm ngăn chặn virus và những hậu quả thảm khốc của nó", Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh trong một thông báo.

Tại Mỹ, phe Dân Chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định từ Tổng thống Trump, cảnh báo rằng nó có thể làm phức tạp hóa những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. "Bất kỳ động thái nào của Tổng thống nhằm ép buộc các chuyên gia y tế Mỹ làm việc mà không có sự hỗ trợ từ WHO đều sẽ phản tác dụng và cuối cùng dẫn tới nhiều hệ lụy hơn", Chủ tịch Ủy ban Thẩm định Hạ viện Mỹ Nita Lowey nói.

"Nếu giáng đòn vào WHO, bản thân chúng ta cũng sẽ chịu tác động bởi nó sẽ khiến nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh toàn cầu trở nên khó khăn hơn và điều đó không tốt cho lợi ích của chúng ta", Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington, bình luận.

Ông Jack Chow, Đại sứ Mỹ về ứng phó HIV/AIDS toàn cầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, đánh giá việc Mỹ rút ngân sách khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng trong tổ chức. Cựu Đại sứ Chow cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump cắt ngân sách đóng góp cho WHO trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây chao đảo thế giới là hành động tự chuốc lấy thất bại.

 Còn Giáo sư Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, nhận định việc rút lại ngân sách cấp cho WHO không khác gì thảm họa. Cùng quan điểm, ông Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng chỉ trích động thái này của Tổng thống Mỹ là "bước đi nguy hiểm, sai lầm khiến việc đánh bại COVID-19 trở nên khó khăn hơn". Do vậy, ông hối thúc chính quyền Tổng thống Trump cân nhắc lại quyết định này.

Tỷ phú Bill Gates, người đang điều hành Quỹ Bill & Melinda Gates, đã cảnh báo trên Twiiter về hậu quả rằng: "Dừng tài trợ cho WHO trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu là nguy hiểm thật sự. Công việc của họ đang làm chậm sự lây lan của COVID-19 và nếu điều đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế. Thế giới đang cần WHO hơn bao giờ hết".

Quỹ Bill and Melinda Gates hiện đã cam kết ủng hộ 100 triệu USD để ngăn chặn dịch bệnh. Khoản tiền sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu vaccine, hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời hỗ trợ quá trình phát hiện và điều trị bệnh.

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ tiếc nuối về hành động "không thể biện minh" của Mỹ. Trong khi đó Nga chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ là "quá ích kỷ" đối với những gì đang xảy ra trên thế giới.

Còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng sự lây lan của COVID-19 là không có biên giới và một trong những đầu tư tốt nhất hiện nay là các nước hỗ trợ Liên hợp quốc và WHO để tăng cường các xét nghiệm cũng như thúc đẩy nghiên cứu bào chế vaccine ngừa bệnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ "sẽ làm suy yếu khả năng của WHO và làm xói mòn hợp tác chống dịch của quốc tế".

Giới quan sát nói rằng quyết định của Mỹ đang đi ngược lại xu thế chung của các cường quốc thế giới, những nước đang bày tỏ sự tin tưởng vào những nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của WHO, khi đẩy mạnh việc hỗ trợ tài chính cho tổ chức này. 

Vương quốc Anh vừa công bố tài trợ 200 triệu bảng Anh cho các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19, trong đó dành 65 triệu bảng cho WHO.

Hiện vẫn chưa rõ ông Trump định sẽ sử dụng cơ chế gì để tạm ngừng cấp tiền cho WHO, khi mà phần lớn vấn đề liên quan tới ngân sách của WHO phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Thông thường, Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền để đơn phương cắt giảm khoản ngân sách do Quốc hội quyết định.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.