Mỹ phải đối mặt với những rủi ro từ nợ công

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:21
Ngày 25-8 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố trần nợ công của quốc gia này sẽ được nâng lên trong tháng 9.


Nợ công Mỹ được hiểu là tổng số nợ của liên bang, số nợ này có từ năm 1980 kéo dài cho đến nay. Và sau mỗi năm, tổng nợ công tăng hoặc giảm sẽ như là một kết quả của việc thâm hụt hoặc thặng dư ngân sách liên bang.

Tại sao phải tìm cách để giãn nợ?

Trần nợ công được hiểu là giới hạn quy định bởi Quốc hội về số tiền mà Chính phủ liên bang có thể vay nợ. Giới hạn này lại được áp dụng đối với các khoản nợ công. Việc nâng trần nợ công thực chất chỉ là một giải pháp nhất thời, vì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đang tìm cách để “giãn nợ”, nợ lại càng tăng nhiều.

Trước đó, ngày 2-8-2017, Ủy ban Cố vấn Vay của Bộ Tài chính Mỹ cho biết bộ này chỉ còn đủ ngân sách cấp cho Chính phủ liên bang hoạt động đến cuối tháng 9, tức chỉ còn vài tuần nữa, nếu như Quốc hội Mỹ không có ý định nâng trần nợ,  sẽ lâm vào tình thế cấp bách.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin.

Tháng 3-2017, nợ công của Mỹ đã chạm mức trần theo luật định ở mức 19.900 tỷ USD, tương đương với gần 105% GDP của quốc gia này. Cho đến nay, nợ công Mỹ đang ở mức hơn 19.975 tỷ USD, tức đã vượt trần hơn 75 tỷ USD. Đây là thách thức cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Bởi khi nợ công vượt quá 100% GDP là một con số khá lớn về tỷ lệ. Đặc biệt là đối với chuẩn châu Âu, những quốc gia có tỷ lệ nợ công trên 60% GDP là đã ở mức đáng báo động.

Từ đó đến nay, ông Mnuchin đã phải áp dụng một số biện pháp đặc biệt khéo léo để chính phủ không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi chờ đợi quyết định nâng trần nợ công từ phía Quốc hội. Chính bản thân ông Mnuchin phải nhiều lần tìm cách “hối thúc” Quốc hội cần nâng cao mức trần nợ cho Mỹ trước cuối tháng 9. Nếu không nâng trần nợ công, chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu của liên bang tương đương khoảng 3,5% GDP.

Giải pháp tránh rủi ro

Chiến lược quan trọng nhất của nước Mỹ vẫn cần nhắm tới đó là tăng trưởng kinh tế. Đây được xem là điều căn bản nhất: Nếu kinh tế mạnh sẽ giải quyết tốt nhất cho vấn đề nợ công. Và ngược lại, sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái nếu không tăng trần nợ công. Nợ công đã và đang đe dọa tới một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Năm ngoái, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Dù nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, song với tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ đạt 2,1%,  đây vẫn là mức thấp nhất so với các giai đoạn hậu khủng hoảng trước đó của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã cam kết đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của kinh tế Mỹ đạt mức 4% hoặc hơn thế, bằng việc cắt giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định.

Nước Mỹ sẽ vượt qua được ngưỡng nợ trần? Và người dân Mỹ cần hiểu được rằng: đây không phải là vấn đề của riêng đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mà tất cả cần phải tìm cách trả nợ.  Mỹ vốn được tín nhiệm trên khắp thế giới rằng luôn trả nợ đúng hạn. Đây cũng là lý do tại sao Mỹ vẫn có xếp hạng tín dụng hàng đầu AAA. Đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới. Vì người ta tin Mỹ là nơi họ có thể đặt cược tốt nhất và an toàn nhất.

Tuy nhiên theo như luật định, nếu Mỹ thực sự không trả được khoản nợ thì các nhà đầu tư sẽ khởi kiện quốc gia này, sẽ làm thiệt hại lâu dài đến danh tiếng của nước Mỹ. Điều này có thể dẫn đến suy thoái và đây sẽ là bi kịch thật thảm khốc có vòng xoáy. Dự tính rủi ro cho thảm họa này là khoảng 5%.

Trần Duy Thành (tổng hợp)
.
.
.