Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông

Thứ Ba, 31/01/2012, 15:24

Động thái đưa tàu sân bay Mỹ USS John C.Stennis và tàu trang bị tên lửa hành trình USS Mobile Bay tiến vào eo biển Hormuz, gần nơi hải quân Iran đang tập trận lớn cùng những bản hợp đồng cung cấp vũ khí và tên lửa trị giá hàng chục tỷ USD của Mỹ dành cho Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) một lần nữa đã khẳng định quyết tâm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông - một trong những điểm nóng gây nhiều tranh cãi trên thế giới.

Theo tin từ hãng Reuters, vào những ngày cuối cùng của năm 2011, Mỹ đã ký các hợp đồng quân sự trị giá tới hàng chục tỷ USD nhằm tăng cường sự giúp đỡ cho các quốc gia đồng minh ở Trung Đông. Đáng chú ý là thỏa thuận của Mỹ với UAE về việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá tới 3,48 tỷ USD. Thương vụ này giữa Mỹ và UAE bao gồm việc giao hai thiết bị chống tên lửa, 96 tên lửa, các radar, huấn luyện và tổ chức hậu cần. Công ty quốc phòng của Mỹ Raytheon là nhà thầu thực hiện bản giao kèo này giữa Mỹ và UAE tới năm 2018.

Đại diện của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, trong hệ thống phòng thủ tên lửa này, Mỹ sẽ ưu tiên cung cấp cho UAE hai trạm radar phát hiện tên lửa có giá trị khoảng 590 triệu USD. Điều đáng chú ý là UAE là quốc gia nằm đối diện với Iran qua eo biển Hormuz. Do đó, hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ xây dựng cho UAE sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa từ Iran. Hơn thế nữa, thực chất, hệ thống phòng thủ tên lửa này cũng nằm trong kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu với lý do là để chống lại Iran.

Nhưng trên thực tế, cả hai tấm lá chắn này cũng là nhằm tăng thanh thế của Mỹ ở Trung Đông, châu Âu và tách sự ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc với các quốc gia ở vùng Vịnh.

Trước khi đưa ra thông tin về việc lập hệ thống phòng thủ tên lửa cho UAE, Mỹ cũng đã công bố hợp đồng bán và nâng cấp máy bay chiến đấu F-15 trị giá tới 30 tỷ USD với Arab Saudi, một phần của thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá 60 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua. 84 máy báy chiến đấu F-15 mới sẽ được Mỹ chuyển cho Arab Saudi trong vòng 16 năm và thêm 70 máy bay F-15 hiện tại được nâng cấp. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp cho Arab Saudi một số vũ khí khác như trực thăng chiến đấu Apache, trực thăng Black Hawk, các loại tên lửa, bom…

80 máy bay chiến đấu F-15 mới sẽ được Mỹ trang bị cho Arab Saudi.

Giới quan sát quốc tế nhận định, những động thái gần đây của Mỹ ở Trung Đông đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cam kết ổn định tình hình của các nước vùng Vịnh mà rộng hơn là khu vực Trung Đông, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ ngoại giao căng thẳng với Iran và Syria. Arab Saudi và Iran đã có những bất đồng lớn khi Mỹ cáo buộc Tehran âm mưu ám sát Đại sứ Arab Saudi hồi đầu năm khi ông đến thăm Washington. Người Arab Saudi mạnh mẽ cáo buộc Iran đang đe dọa, làm suy yếu quyền lực của cộng đồng người Sunni trong khu vực, kích động các cuộc nổi loạn ở Bahrain.

Với UAE, hồi cuối tháng 11/2011, Tehran đã tạm ngừng các hoạt động thương mại với quốc gia này vì UAE ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế-tài chính đối với Iran. Trong khi đó, Syria cũng liên tục bị Quốc vương Arab Saudi chỉ trích và de dọa Tổng thống Bashar al-Assad "sẽ sụp đổ do cơn bão tố".

Sau Qatar và Italy, Arab Saudi đã triệu hồi đại sứ của mình từ Damacus về nước để phản đối chính sách đàn áp người biểu tình ở Syria. Còn UAE thì ủng hộ các quyết định của những quốc gia phương Tây cáo buộc Syria vi phạm nhân quyền và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Syria.

Như vậy, chỉ chưa đầy hai tháng sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tổ chức ở Bali (Indonesia) hồi tháng 10/2011, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chiến dịch tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông và châu Á. Hiện Mỹ đang duy trì khoảng 40.000 binh sĩ trong hai khu vực nói trên với lý do là để chống lại mối đe dọa xuất phát từ Iran. Cuối tháng 12/2011, nhằm thể hiện "cái oai" sau tuyên bố có thể đóng cửa eo biển Hormuz của Iran, Mỹ cũng đã cử thêm 2 tàu chiến vào vùng biển nước này.

Trước đó một tháng, tàu USS George H.W.Bush cũng vào vùng biển Syria sau khi 3 tàu chiến của Nga thả neo đối diện cảng Tartus và lập một chốt chỉ huy tại cảng của Syria. Bằng cách triển khai tàu sân bay với 70 máy bay chiến đấu và ném bom cùng 3 tàu tuần dương và 5 tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển đối diện với Syria, Mỹ đã chuẩn bị sự hậu thuẫn về quân sự cho bất kỳ hành động can thiệp nào do Liên đoàn Arab (AL) phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát động nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo nhiều nhà phân tích, vào thời điểm này, Mỹ sẽ càng thể hiện sự bảo trợ của mình với các đồng minh như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Giờ đây, sau hàng loạt hoạt động trấn áp người biểu tình và thách thức Washington của chính quyền Damascus, Syria đã "nối gót" Iran, trở thành "cái gai" mới trong con mắt của Mỹ ở Trung Đông. Muốn "thâu tóm" khu vực này, biến nó thành sân sau của mình vĩnh viễn, Mỹ sẽ phải bằng mọi cách không chế hoặc thậm chí "tiêu diệt" được chế độ chính quyền chống đối mình ở Iran và Syria

Trung Nguyên
.
.
.