Mỹ thuật cho trẻ nhỏ cần sự quan tâm của cha mẹ và nhà trường

Thứ Bảy, 13/07/2019, 11:45
"Nếu các bậc cha mẹ giáo dục mỹ thuật cho trẻ từ sớm, trẻ sẽ tinh tế trong cuộc sống, nhạy cảm trong đời sống hàng ngày. Không cần phải trở thành nghệ sĩ, họa sĩ nhưng trẻ sẽ rất khéo tay, tỉ mỉ, biết tập trung", họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ thuật chia sẻ trong một buổi tọa đàm về việc dạy và học mỹ thuật hiện nay trong nhà trường.


Thc trng dy m thut trong nhà trường

Các chuyên gia giáo dục có chuyên môn về mỹ thuật nhận xét, chương trình giảng dạy mỹ thuật trong các trường phổ thông hiện nay chả khác gì chương trình đại học cơ bản thu nhỏ. Chỉ có học sinh làm bài ít thời gian hơn, nhiều bài không còn thực tế nữa. 

Mỹ thuật không chỉ đơn thuần là vẽ, mà cần phải thiết kế và giảng dạy đa dạng, sáng tạo. Nghĩa là phải tăng các tiết học mỹ thuật lên, nhưng điều này rất khó vì mỹ thuật vẫn còn được quan niệm như là một môn học phụ, không quan trọng trong chương trình của các nhà trường. 

Trong một nền giáo dục còn nhiều bất cập hiện nay, khi mà việc định hướng thẩm mỹ cho học sinh chưa được chú trọng thì đương nhiên vẫn còn tồn tại tư duy chỉ những ai định hướng theo ngành, nghề liên quan đến mỹ thuật mới cần chú tâm học mỹ thuật. Vai trò của môn học này đang bị nhìn nhận một cách phiến diện. Ở các nước phát triển, môn học mỹ thuật luôn được xếp vào vị trí quan trọng đặc biệt trong nhà trường, nhất là với học sinh bậc tiểu học. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bộ môn mỹ thuật giúp trẻ em phát triển cả hai bán cầu não. Khi thực hành mỹ thuật, trẻ sẽ quan sát thế giới xung quanh, hình thành tư duy yêu thích màu sắc, nhạy cảm với các chuyển động, cao thấp, to nhỏ... đây là các yếu tố giúp trẻ phát triển bán cầu não phải, là khu vực hình ảnh và cảm xúc thể hiện. 

Trẻ khi được tiếp xúc sớm với mỹ thuật sẽ có tư duy logic hơn, học toán tốt hơn, ngôn ngữ phát triển, khả năng lập luận, so sánh và trình bày khá thuyết phục so với những trẻ ít hoặc không tiếp xúc với mỹ thuật sớm và rèn luyện thường xuyên. 

Ngoài ra, việc học mỹ thuật tác động tới mọi khả năng quan trọng khác của trẻ là khả năng phân tích. Khả năng này được hình thành khi trẻ đánh giá sự khác nhau, sự phù hợp của các loại chất liệu, dụng cụ để kết hợp chúng trong thực hành mỹ thuật. Đây cũng là tiền đề của việc dám nghĩ dám làm, tư tưởng dám kết hợp sự phù hợp - không phù hợp, các mặt lợi - hại của chất liệu của trẻ sau này.

Trẻ học vẽ từ sớm sẽ phát triển trí tuệ hoàn hảo.

Ngoài ra còn rất nhiều kỹ năng khác mà trẻ có thể học được từ mỹ thuật như khả năng phán đoán, tìm câu hỏi cho bản thân, kiên nhẫn, tập trung...

Người dẫn chương trình, đạo diễn Ninh Quang Trường của chương trình "Sáng tạo 102" (Đài Truyền hình Việt Nam), một người đã theo học ngành mỹ thuật và đang gắn bó công việc với giáo dục trẻ em nhận xét, ở hầu hết các trường học của chúng ta hiện nay, việc giảng dạy môn mỹ thuật vẫn chưa khơi gợi được sự yêu thích trong trẻ nhỏ. 

Các giờ học mỹ thuật được chia thành tiết, thành giờ với các bài học và yêu cầu hoàn thành cụ thể nên nó cũng tương tự như cách dạy theo các bài văn mẫu, nghĩa là không phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo của người học. 

Bên cạnh đó, nhiều sách giáo khoa dùng cho trẻ nhỏ nhưng vẫn sử dụng các thuật ngữ chuyên môn khiến cho trẻ cảm thấy khó hiểu. Thầy cô giáo mới chỉ dạy cho đủ chương trình, chưa quan tâm đến vấn đề phương pháp nên việc học giống như sự ép buộc, mang tính cóp nhặt, sao chép là chính”.

Thị trường sách hướng dẫn mỹ thuật nhiều bất cập

Nhiều phụ huynh hiểu được hiện trạng giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường còn nhiều bất cập nên đã chủ động cho con em theo học mỹ thuật tại các cơ sở giảng dạy uy tín. Cùng với đó là tìm kiếm sách mỹ thuật cho con em mình, để các con tự học, tự làm theo các hướng dẫn trong sách, nhằm phát huy tư duy cho con. 

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường sách mỹ thuật, thì chẳng khác gì một chốn bể sở mênh mông. Chị Hải Yến (Tràng Tiền - Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: 

“Mình từ nhỏ đã được bố mẹ cho đi học mỹ thuật, sau này thi vào Trường đại học Mỹ thuật và công việc hiện nay liên quan đến ngành thiết kế, cũng gắn với mỹ thuật luôn mà còn bối rối trong ma trận các loại sách dạy và học mỹ thuật cho trẻ em hiện nay, nói gì các bố mẹ bình thường khác. 

Mình tin rằng nhiều phụ huynh khi đi mua sách học mỹ thuật cho con sẽ chỉ đơn giản là thấy sách có vẻ phù hợp thì mua, chứ chưa chú trọng đến việc chọn lọc sách như thế nào là phù hợp với con. Sách mỹ thuật cho trẻ em thì hiện nay nhà sách nào cũng bán, đơn vị làm sách nào cũng in, với đủ các thể loại. Nói thẳng là nhiều cuốn soạn rất ẩu, không đúng phương pháp, giấy in thì cẩu thả, rất khó cho các con tô màu hay vẽ trên đó. 

Trong bộn bề sách mỹ thuật dành cho trẻ nhỏ hiện nay, việc chọn sách phù hợp cho con chẳng khác gì bài toán đố với các bậc phụ huynh. Mình khuyên các bậc phụ huynh hãy tham khảo qua bạn bè hay trên mạng những cuốn sách hữu ích rồi hãy mua cho con, chứ đừng gặp gì mua nấy, mua nhiều mà con lại khó học”.

Vậy những cuốn sách mỹ thuật nào có thể phù hợp với trẻ em lứa tuổi cấp 1 cấp 2? Chúng tôi đã nhờ các chuyên gia tư vấn trong buổi tọa đàm về việc dạy và học mỹ thuật trong nhà trường vừa qua tại Hà Nội. Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ thuật giới thiệu cho các bậc phụ huynh một bộ sách có tên “Phát triển khả năng sáng tạo cho trẻ” vừa được Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt mua bản quyền của Công ty xuất bản Arcturus Holdings (Anh) xuất bản tại thị trường Việt Nam. 

Họa sĩ Bích Ngân nhận định, đây là một bộ sách có nhiều ưu điểm và có thể nói là lựa chọn tốt nhất cho phụ huynh hiện nay. Với bộ sách này, việc vẽ và sáng tạo mỹ thuật sẽ trở nên thật dễ dàng với các em nhỏ. 11 cuốn sách tập tô và tập vẽ được biên soạn cho lứa tuổi từ 4 trở lên. 

Những con vật tưởng chừng rất khó vẽ như khủng long, sư tử, tê giác, kỳ lân bỗng trở nên dễ dàng vẽ được nếu các bé làm theo từng hướng dẫn trong sách. Từ những khối hình quen thuộc như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình bán nguyệt bé có thể tạo dựng được những con vật yêu thích, đồ vật đáng yêu. Cuộc sống xung quanh bé được tái hiện một cách sáng tạo thông qua sự quan sát và cách chọn lựa sử dụng màu sắc của từng bé.

Biên tập viên của chương trình "Sáng tạo 102" Ninh Quang Trường cho rằng, bộ sách không chỉ độc đáo ở nội dung mà giấy in cuốn sách cũng rất thích hợp để các bạn nhỏ thỏa sức sáng tạo với các loại bút màu khác nhau. Không chỉ dừng lại ở những bài học cơ bản và đơn giản, bộ sách còn có những khoảng trống, những trang sách trống để cho trẻ ôn luyện những bài vừa học, khiến trẻ say mê hơn với những tác phẩm mỹ thuật của mình. 

Theo các chuyên gia, bộ sách “Phát triển khả năng sáng tạo” cho trẻ sẽ góp phần cùng các gia đình mở ra cho các bạn nhỏ một thế giới đầy màu sắc để cho các bạn nhỏ được làm quen và phát triển khả năng trí tưởng tượng sáng tạo, làm hành trang để đón nhận được mọi điều tốt đẹp và kỳ diệu trong tương lai. 

Cũng trong bộ sách này, nghệ thuật thị giác sẽ không dừng lại là giúp trẻ học vẽ mà ở đó thực chất đã tích hợp được nhiều môn học như Toán, Ngôn ngữ, Địa lý, Sinh học, Khoa học... chính vì vậy việc học sẽ trở nên dễ dàng, học mà như chơi và chơi mà lại học.

Lịch sử đã chứng minh rằng mọi sự thay đổi làm cho thế giới ngày càng phát triển và văn minh hơn đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng và sáng tạo. Rèn luyện trí tưởng tượng và sáng tạo cho trẻ từ nhỏ thông qua mỹ thuật là một phương pháp giáo dục khoa học và toàn diện cho trẻ đã được chứng minh trên toàn thế giới. 

Thực tế đã chỉ ra rằng trẻ càng được thực hành về mỹ thuật sớm bao nhiêu thì khả năng phát triển trí tuệ của trẻ càng cao bấy nhiêu. Cùng với ngôn ngữ, nghệ thuật được xem là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện tư duy sáng tạo và nhân cách con người.

Phạm Minh Hà
.
.
.