Nặc danh - háo danh hay trách nhiệm vô danh

Thứ Hai, 13/02/2012, 14:27

Có một danh nhân nói: Nhân loại kính trọng ai ngang với những gì người đó cống hiến cho nhân loại. Nếu anh giấu đi tên gọi thật của mình, để an toàn, để không ai đụng vào, thì anh chỉ được “xí xóa” mà thôi. Còn để được tôn vinh ư? Vậy anh đã làm được cái gì cho mọi người, mà đến ngay cả một cái tên gọi cũng còn tiếc?!

Ở đời người ta cần danh tiếng biết bao! Trong các vở kịch cổ, đặc biệt là Chèo, mỗi khi diễn viên bước ra sân khấu đều phải xưng danh. Nếu không xưng danh thì làm sao mọi người biết tên tuổi, chức năng hoạt động hay việc làm của diễn viên ấy. Không chỉ vậy, các đồ vật trong nhà cũng đều phải có “danh từ” – tên gọi, để người bán còn biết đường bán, người mua còn biết đường mua, và người sử dụng còn gọi nhau đem ra dùng đúng cái mà mình cần kẻo khi muốn dùng chiếc rổ lại gọi đem chiếc nồi ra. Có những địa phương gọi đồ vật khác tên gọi nhau, chẳng hạn người miền Nam gọi cái bát là cái chén, người Bắc mới vào không hiểu, thì ngay đầu tiên họ liền hỏi lại.

Chưa nói đến tên người, ngay hàng hóa còn phải có tên gọi và thương hiệu. Một hàng hóa có tên hiệu, như hàng hiệu chẳng hạn, nó có thể nhấc giá trị của bản thân nó lên cao 100 lần. Vậy mà một con người không có tên gọi thì sao? Trời ơi, đó là một nỗi sỉ nhục lớn nhất của kiếp người, nỗi sỉ nhục lớn đến mức kẻ mang nó sẵn sàng oán hận người sinh ra mình bao nhiêu không đủ. Tại sao, vì người sinh ra họ đã tước đi của họ niềm kiêu hãnh để có tên như một con người.

Người Việt vẫn rủa xả những kẻ hư hỏng rằng “đồ mất dạy!” tức là ngươi không có bố mẹ để dạy ngươi những điều đơn giản, những bài học đầu tiên để làm người. Hoặc rủa “đồ vô gia cư!” tức nói kẻ đó không có gia đình, nghĩa bóng cũng có nghĩa là không cha mẹ. Hoặc kẻ “thân cô thế cô” tức là sống mà không có cha mẹ. Hay “đồ đầu đường xó chợ”, tức kẻ đó không chốn gia đình phải đi lang thang…

Tranh của Nguyễn Quang Thiều.

Tất cả những viên kim cương quí giá đều có hồ sơ về nó như nơi đào thấy, ai chế tác, ai sở hữu đầu tiên, ai để lại cho ai, chỉ có vậy người ta mới yên tâm khi sử dụng nó. Ngay cả hàng hóa hay thực phẩm hiện nay, khi buôn bán trên thị trường quốc tế người ta cũng đòi phải biết nguồn gốc xuất xứ của nó, chẳng hạn con cá này được đánh bắt ở vùng biển nào… Vì thế mà làm người không rõ xuất xứ, cũng là nơi đem cho người ta cái tên đầu tiên là một bất hạnh lớn nhất, bất hạnh tiền khai sinh của con người.

Ngoài đời cũng như trong các tác phẩm văn học, chúng ta đã được chứng kiến, có rất nhiều “nhân vật” không thể nào yên tâm sống được cho đến khi họ tìm ra sự thật cha hoặc mẹ của mình là ai. Đó là điều ưu tư trăn trở giằng xé cũng như mời gọi tha thiết nhất trong tâm hồn họ, rằng làm sao phải tìm ra nơi nguồn gốc cho tên gọi của mình. Trong tự nhiên tất cả những gì bứt gốc thì đều sụp đổ hay chết khô. Và con người cũng vậy người ta đều muốn tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Tên gọi là quyền nghĩa đen đầu tiên, nhưng tên gọi giống như một gam mầu hội họa khi đã xuất hiện thì muốn lọt mắt người xem, ngay cả một bông hoa ra đời cũng muốn tỏa hương tỏa sắc để mời gọi ong bướm, thì một tên gọi không tỏa sắc, bị lãng quên có khác gì vô ích, khác gì chưa được sinh ra?! Và tên gọi giống như một âm thanh đã vang lên mà không hề vọng lại thì có khác gì vang vào vô nghĩa, thà nó không sinh ra còn hơn. Chính thế mà nhà thơ Nguyên Công Trứ đã viết: “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.

Làm người có một tên gọi, giống như cái danh tự nhiên đặt cho các đồ vật, nếu không tự mình “đặt lại” hay “tiến bộ” tên cho mình thì có khác gì các đồ vật. Đây là một bất hạnh lớn nhất kiếp người mà nhiều tác giả Trung Hoa gọi là “vô lại”. Vô lại, nghĩa đen là một âm thanh vang lên không vướng phải vật phản âm như vách núi thì sẽ không có tiếng vọng. Âm thanh đó đã im bặt vào vô nghĩa. Còn con người, nếu ai đó không có tài, có đức, có công, gặp người khác chỉ đem đến phiền toái, người ta không hề muốn gặp lại kẻ đó, thì đó là đồ vô lại.

Người ta còn có câu, “cọp chết để da, người chết để tiếng”. Một đám bèo trôi trên sông, nó trôi qua chẳng để lại vết tích gì, đó là vô lại. Nhưng một khúc cây may mắn đã thành phao cứu một mạng người, người ta quí trọng nó, đem về tạc thành bức tượng để kỷ niệm, nó không hề vô lại mà để lại dấu vết trong tham vọng tồn tại cả ngàn năm. Tương tự, cọp dù chết nhưng da của nó còn quí lắm khiến người ta muốn truy tầm. Còn người chết vì có nhiều việc làm xứng đáng đã để lại tiếng thơm muôn đời.

Bất hạnh lớn nhất của cuộc đời là “vô lại”, điều đó cũng đồng nghĩa với “vô danh”, và cũng gần “vô vị”, chính thế mà có rất nhiều người thà mạo hiểm để kiếm danh còn hơn sống nhạt nhẽo để trở thành vô vị. Ở thác Niagara nằm tại vùng biên giới Mỹ và Canada chẳng hạn, đã có rất nhiều người ra đấy nhảy xuống thác với mục đích kiếm tí danh cho đời bớt tẻ nhạt.

Con người muốn làm sáng danh mình để rạng rỡ tổ tiên ông bà hay quê hương hơn thế là tổ quốc, rồi cao hơn là thế giới là một khao khát rất chính đáng, bởi lẽ người không khao khát tô điểm ý nghĩa thâm sâu cho tên tuổi của mình sẽ đánh mất hy vọng hướng về lý tưởng cải thiện và nâng cao chính tầm vóc của cá nhân cũng như con người. Nhưng ở đời luôn luôn có “chính danh” “bêu danh”, và “nặc danh”. Chính danh là một điều chính đáng nên chẳng có gì để chê trách cả. Nhưng có những kẻ không có tài để nêu danh thì nổi tiếng bằng cách “bêu danh”, tức là trưng cái xấu, cái bẩn, cái đáng sợ, cái đáng tránh xa ra để nổi danh. Người yêu nghệ thuật dùng mỹ học để làm đẹp, thì kẻ kém lại trưng “xú học” để nổi đình nổi đám. Nói dễ hiểu, kiến trúc sư tài ba thì kiến thiết đền thánh, còn kẻ hãm tãi thì tìm cách đốt đền, nổi tiếng cho nhanh.

Còn dạng cuối cùng là “nặc danh”. Tôi biết có một nhà báo kia viết báo cả đời bằng bút danh, anh ta chẳng bao giờ bị chê cả, vì có ai biết đó là bài của anh ta đâu mà chê; nhưng đến lúc về hưu anh ta ngậm ngùi thốt lên: “Cả đời tôi viết báo mà không ai biết cả! Cũng chẳng có một tên gọi chính thức nào thuộc về mình!” Có một danh nhân nói: nhân loại kính trọng ai ngang với những gì người đó cống hiến cho nhân loại. Nếu anh giấu đi tên gọi thật của mình, để an toàn, để không ai đụng vào, thì anh chỉ được “xí xóa” mà thôi. Còn để được tôn vinh ư? Vậy anh đã làm được cái gì cho mọi người, mà đến ngay cả một cái tên gọi cũng còn tiếc?!

Khi đến đấu trường thường có hai loại người: Người đến đấu và người đến xem. Người đến đấu phải nêu tên, đăng ký thi đấu, họ sẽ được thưởng khi thắng, và sẽ bị ăn no đòn nốc ao khi thất bại. Còn người đến xem chỉ là hạng thưởng thức. Nhưng có nhiều khán giả không cam lòng vậy, họ dè bỉu chê bai bình phẩm khen chê muốn làm cho mọi người hiểu rằng: Chính ta mới là kẻ vô địch. Ở Âu Mỹ có một sinh hoạt, nhiều người bình thường đăng ký thi đấu với võ sĩ ngoại hạng, không phải để thắng mà để cảm thụ một trận đấu đỉnh cao nóng bỏng, xem sức mình chịu đựng được bao lâu? Tuy vậy muốn có được kinh nghiệm đỉnh cao đó, người ta cũng phải trả giá tương xứng với những cú ra đòn nặng ký.

Nhưng gần đây nhờ có mạng thông tin và các blog cá nhân, xuất hiện rất nhiều người ẩn danh nhảy ra bình phẩm cao thấp đủ mọi thứ trên đời. Làm thế họ vừa tránh được phản đòn trực tiếp, vừa tránh được nhận thức thật của mình, dù trình độ không đủ lên xới vẫn có thể đến đại đấu trường bình luận việc tỉ thí. Có những người còn mạnh dạn tự đề cử đòi đọ thơ, nhưng lại đi chép thơ của người khác. Hoặc có một tiêu chí giản dị là “hãy đề cử cái hay của anh hay chị”, thì không thể đề cử, vậy thì người đó muốn đọ cái gì? Trời ơi, trình độ thấp thế lăng xăng chạy quanh sàn làm gì? Tên thì giấu, muốn nổi tiếng thì nổi cái gì?

Chẳng hạn một đội bóng làng kia muốn đấu với đội tuyển Brazil, dù có thua thì vẫn được mang tiếng là đã đấu với đội vô địch thế giới sao? Họ đâu có biết hiện thực không đơn giản vậy, làng đó muốn thi đấu thì phải đấu loại với các làng khác, rồi đấu cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và khu vực. Làm sao có thể đòi đấu tắt như vậy? Có nhiều người đăng ký kỷ lục Guinness, như ăn ớt nhiều, lò cò xa, hay uống nhiều coca nhất, thì người đó phải đưa ra tiêu chí đòi thi đọ của mình cụ thể chứ, làm gì có một thứ thi hầm bà lằng chung chung, rồi ăn may thua cũng ngang ngửa với nhà vô địch.

Người đời nói “danh chính ngôn thuận”, nếu ta không có danh chính thức thì làm sao có trách nhiệm trong lời nói? Nếu ta không đăng ký thi đấu thì làm sao tổng duyệt được sức lực của bản thân mình, để rồi đòi hỏi người khác phải thế này thế kia? Một lần chúng tôi trao đổi với những người làm trang mạng cũng như đăng tải những comments, họ bảo: Chấp làm gì đám không có hồ sơ xuất xứ. Đến cái tên họ còn không dám có thì chúng ta đối thoại với ai? Bàn đến vấn đề quốc gia đại sự hay văn chương nghệ thuật, nếu chúng ta chỉ rặt những comments không trách nhiệm, muốn lao vào cầu danh được chăng hay chớ kiểu cà lơ thì làm sao có thể phục vụ một dân tộc hùng cường và một nền văn học nghệ thuật đỉnh cao lành mạnh?! Xin những người comment cũng chính danh cho. Cám ơn nhiều!

Nguyễn Hoàng Đức
.
.
.