Nam Mỹ loay hoay trong "bão" COVID-19

Thứ Tư, 27/05/2020, 16:08
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định khu vực Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới khi số ca nhiễm và số người chết ở đây tăng vọt.


"Bão" COVID-19 đang tràn xuống các nước Nam Mỹ, trong đó nặng nề nhất là Brazil khi chiếm khoảng 57% số ca tử vong của châu lục với hơn 20.000 người chết. 

Brazil trở thành tâm dịch

Ngày 20-5, Bộ Y tế Brazil khuyến cáo sử dụng thuốc chloroquine và hydroxychloroquine đối với những bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ. Quyết định của Bộ Y tế Brazil được đưa ra sau khi đã có hơn 20.000 người chết vì COVID-19 tại nước này.

Trên Twitter, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro giải thích: "Hiện tại cho dù chưa có bằng chứng khoa học (là thuốc có tác dụng với COVID-19), nhưng dược phẩm này đã được dùng một cách an toàn tại Brazil và trên thế giới. Chúng ta đang trong tình trạng thời chiến, vì vậy tốt hơn là hành động cho dù thất bại, còn hơn phải hổ thẹn vì đã không chiến đấu".

Thực tế, Brazil đang phải trả giá đắt cho chủ trương không phong tỏa, vẫn mở cửa làm việc và tái khởi động kinh tế mà Tổng thống Jair Bolsonaro đưa ra từ đầu mùa dịch. 

Thậm chí Tổng thống Bolsonaro còn phản đối các biện pháp phòng ngừa mà các thống đốc bang áp dụng, như đóng cửa các trường học, cấm xe buýt hoạt động, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, bãi biển.

Dù sau đó tất cả các bang của Brazil đều đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 3-2020 nhưng với việc số ca bệnh tăng chậm trong nhiều tuần, cộng với những phát ngôn phản đối các biện pháp giãn cách xã hội từ chính Tổng thống Jair Bolsonaro đã dẫn tới việc ngày càng ít người Brazil tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 

Tới giữa tháng 5, ước tính chỉ có khoảng 40-55% người dân, tuỳ theo từng bang, tuân thủ giãn cách. Giữa tháng 5, những người trẻ tuổi tấp nập đổ ra đường phố Rio de Janeiro, tận hưởng cuộc sống về đêm, tụ tập uống bia dọc theo những bãi biển nổi tiếng. 

Không ai đeo khẩu trang. Sau hai tháng bị phong toả, cư dân ở các khu vực giàu có của thành phố vui mừng được ra ngoài, không quan tâm đến hiểm hoạ dịch bệnh vây quanh. Trong khi đó ở các khu dân cư nghèo, nơi virus SARS-CoV-2 lây lan khủng khiếp, mọi người đang sợ hãi.

Cảnh sát đi tuần tra gần một khu chợ ở Rio de Janeiro, Brazil.

Dân số đông, lại tập trung với mật độ cao ở các thành phố lớn là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Sao Paulo khi có hơn 3.800 người chết, hơn 44.000 người nhiễm. 

Không chỉ ở Sao Paolo, tại nhiều thành phố lớn khác, nghĩa trang cũng đã bị quá tải. Nhưng nếu tính tỉ lệ tử vong thì bang Amazonas, nơi có nhiều bộ tộc bản địa rất dễ bị tổn thương do virus, là khu vực bị ảnh hưởng nặng hơn, với 232 người chết trên 1 triệu dân, gấp gần ba lần so với bang Sao Paulo. 

Một nghiên cứu mới đây được Viện Y tế Công (FIOCRUZ) công bố, cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lan đến tận các nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Theo nhóm theo dõi diễn biến đại dịchthuộc Viện FIOCRUZ, tỉ lệ lây nhiễm tại các thị xã dưới 20.000 dân đã tăng hơn 50% trong hai tuần gần đây. 

Sau khi tấn công vào các khu trung tâm đô thị, virus đang lan truyền với tốc độ rất nhanh. Các thị xã ít hơn 20.000 dân không có bệnh viện được trang bị giường điều trị tăng cường. 

Các nhà nghiên cứu của Viện FIOCRUZ ghi nhận là nhiều bệnh nhân mới đang hướng đến các khu vực đô thị lớn, nơi các khoa cấp cứu trên thực tế đang trong tình trạng bão hòa. Trong hai tuần gần đây, tỉ lệ lây nhiễm tại các thành phố lớn tăng 30%. 

Giới khoa học cho rằng, số lượng người nhiễm virus tại Brazil thực sự có thể cao gấp 15 đến 20 lần so với số liệu được công bố (có nghĩa là từ hơn 2 triệu đến 3 triệu người nhiễm virus), vì Brazil làm rất ít xét nghiệm bởi hệ thống y tế của Brazil chỉ có thể tiến hành 63 xét nghiệm/100.000 dân, một trong những tỉ lệ thấp nhất khu vực. 

Vì vậy, theo một số dự báo, Brazil có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới vào tháng 6-2020. Trường Đại học Washington dự đoán, tới tháng 8-2020, tại 8 trong số 26 bang của Brazil sẽ có khoảng 90.000 người có thể tử vong.

"Bão" COVID-19 vẫn đang càn quét Brazil và ngành y tế nước nảy đứng bên bờ vực "vỡ trận". Theo ông Carlos Machado, điều phối viên chống COVID-19 tại Viện FIOCRUZ, nước này có mọi yếu tố để dịch bệnh lây lan nhanh. 

"Tình trạng này đã không xảy ra nếu các biện pháp hiệu quả được áp dụng ngay từ đầu. Brazil đã thực hiện những biện pháp nửa vời và không đủ cứng rắn. Điều này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh cũng như tác động kinh tế. 

Chúng ta càng ở lâu hơn trong tình trạng nửa vời này, hậu quả kinh tế càng lớn hơn", ông Machado cảnh báo. Bên cạnh đó, thái độ, quan điểm của người dân và chính quyền cũng là một vấn đề. 

"Liên tục có mâu thuẫn trong các thông điệp, chiến lược, và cả xung đột chính trị. Điều này phản ánh qua khó khăn của Brazil trong việc mua các thiết bị như máy thở, dụng cụ xét nghiệm, thậm chí cả khẩu trang", ông Nicolelis nói.

Khủng hoảng y tế đã gây bất ổn nghiêm trọng trong chính phủ liên bang. Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta bị sa thải sau khi bất đồng với Tổng thống về cách kiểm soát dịch bệnh. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro cũng từ chức. 

Mới đây nhất, tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich, người thay ông Mandetta, cũng từ chức sau khi từ chối yêu cầu của Tổng thống Bolsonaro về việc đề xuất sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị COVID-19.

Nhân viên nhà tang lễ đưa quan tài của bệnh nhân tử vong do COVID-19 ra nghĩa trang El Angel, Lima, Peru.

Hàng loạt nước đang loay hoay đối phó

Theo Worldometers.info, Nam Mỹ đã ghi nhận 578.187 ca bệnh COVID-19, trong đó 29.361 người đã tử vong. Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, đánh giá Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19. 

Trước sự gia tăng chóng mặt của dịch bệnh tại Nam Mỹ, tổng thống các nước Peru, Colombia, Chile và Uruguay đã có một cuộc họp trực tuyến nhằm tìm kiếm các giải pháp để đối phó với dịch bệnh.

Ngoài Brazil, hiện một loạt nước khác ở khu vực này cũng đang phải đối phó với dịch bệnh. Ngày 21-5, Bộ Y tế Peru cho biết quốc gia này đã có 104.020 ca nhiễm, với 3.024 người thiệt mạng. Peru đứng thứ hai Nam Mỹ về ca nhiễm, sau Brazil, và thứ ba về số người chết, sau Brazil và Mexico. 

Kể từngày 30-4, số người nhiễm virus và số người tử vong tăng gấp 3 lần tại Peru. Ngày 22-5, Tổng thống Peru Martin Vizcarra gia hạn tình trạng khẩn cấp và lệnh phong tỏa trên toàn quốc đến cuối tháng 6.

Điều đáng nói là Peru là một trong những nước đầu tiên ở Mỹ Latin áp lệnh phong tỏa từ ngày 16-3 nhưng vẫn không thể ngăn được sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19. Dịch COVID-19 tác động nặng nhất tới những người nghèo ở Peru. 

Ở một cộng đồng Shipibo-Konibo sống ở Cantagallo, một xóm nghèo bên sông ở Lima, 72% số người được xét nghiệm (476 người) đã mắc COVID-19 sau khi có 3 người trong khu vực tử vong do dịch bệnh này. 

Đặc biệt những người ở tuyến đầu chống dịch như cảnh sát và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh rất nhiều. Hơn 4.000 nhân viên cảnh sát mắc COVID-19, trong đó 82 người đã tử vong đồng thời cướp đi sinh mạng của hàng chục y, bác sỹ.

Theo các chuyên gia y tế, các khu chợ thực phẩm ở thủ đô Lima đã trở thành "đầu mối" chính của sự lây nhiễm. Các xét nghiệm tại chỗ cho thấy hầu hết các tiểu thương đều mang mầm bệnh COVID-19 mà không có bất cứ triệu chứng nào.

Các nhân viên y tế Brazil chuyển người bệnh COVID-19 lên máy bay để tới bệnh viện ở Manaus, ngày 19-5.

Giữa tháng 5, Tổng thống Vizcarra nói rằng Peru đã tiến hành 600.000 xét nghiệm, "nhiều hơn bất cứ nước nào khác trong khu vực". Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh mới vẫn gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân có thể do người dân đã không tuân thủ nghiêm lệnh giãn cách xã hội. 

Peru có tới hơn 70% lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực không chính thức và khoảng 40% là người kinh doanh tự do, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Đối với những người này thì không có sự phong tỏa nào cả. Hàng chục nghìn người đã đi bộ từ thủ đô về các thị trấn quê nhà do lệnh phong tỏa khiến họ thất nghiệp và không đủ trả tiền thuê nhà. 

Điều này khiến dịch bệnh phát tán nhanh hơn và rộng hơn. Thực tế ở tuần thứ 8 của lệnh phong tỏa, việc có tới hàng nghìn người dương tính với SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc những người này đã nhiễm virus trong thời gian đất nước đang áp lệnh phong tỏa.

Giới y tế Peru không ngừng lên tiếng báo động tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về trang thiết bị và dược phẩm tại các bệnh viện công. Đây là hậu quả của một hệ thống y tế không được đầu tư suốt hàng chục năm qua. Hôm 20-5, nhiều nhân viên y tế đã xuống đường tại thủ đô Lima để phản đối. 

Ông Miguel Armas, y tá tại bệnh viện công Hipolito Unanue, nói với AFP rằng "Bên trong bệnh viện của chúng tôi, không khí giống hệt như trong một bộ phim kinh dị, khắp nơi la liệt tử thi. Nhiều bệnh nhân qua đời ngay trên ghế hay xe lăn". 

Ông Miguel Hilario-Manenima, một giáo sư đại học ở Peru cho biết các bệnh viện công ở Pucallpa đã đóng cửa và thậm chí tăng gấp 5 lần giá của các xi lanh oxy. 

"Chúng tôi cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi và bị chính quyền địa phương phớt lờ. Đối với các cộng đồng ở sâu hơn trong rừng, cứ như thể họ bị kết án tử vậy. Còn những người nghèo nhất trong số những người nghèo, họ còn có thể làm gì được", Hilario-Manenima nói.

Do số người chết vì dịch bệnh quá đông nên các lò hỏa thiêu của thủ đô Peru hoạt động suốt ngày đêm. Ngoài khu vực thủ đô, đại dịch COVID-19 cũng hoành hành tại một số tỉnh phía Bắc, và ở một số thị trấn và làng mạc hẻo lánh thuộc vùng rừng Amazon của Peru, nơi cư trú của nhiều cộng đồng thổ dân. 
Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.